Để gap year không còn là một khoảng trống | Vietcetera
Billboard banner

Để gap year không còn là một khoảng trống

Khi nghĩ về gap year, thì ai chắc cũng sẽ nghĩ đến sự tự do không kế hoạch. Trên thực tế, gap year có khi không phải như bạn mộng mơ đâu

Để gap year không còn là một khoảng trống

Để gap year không còn là một khoảng trống

‘Rat race’ là một khái niệm tiếng Anh có nghĩa ‘cuộc đua loài chuột trong thế giới con người’. Nó chỉ guồng quay khốc liệt hầu hết chúng ta đang trải qua: đi học, đi làm, về nhà, kiệt sức ngủ thiếp đi, hôm sau lặp lại y như vậy. 4 năm đại học, 2 năm ra trường, vòng xoay liên tục diễn ra, và chẳng kịp cho ai dừng lại để hoài nghi về những giá trị mình theo đuổi.

Không ít người cảm thấy lạc lối giữa cuộc rat race. Họ tự hỏi tại sao mình đang đi trên con đường này và nó dẫn tới đâu.

Không ít người cảm thấy lạc lối giữa cuộc rat race
Không ít người cảm thấy lạc lối giữa cuộc rat race.

Bơ vơ nơi phố lớn cùng những suy nghĩ chồng chéo lên nhau, nhiều người trẻ quyết định dừng lại, cho mình một khoảng thời gian để thực hiện cuộc hành trình khám phá bản ngã. Đó là lý do ngày càng có nhiều bạn trẻ chọn ‘nghỉ giữa hiệp’ một năm (gap year) khỏi trường lớp và công việc.

Người trẻ ngày càng tiếp nhận nhiều các thông tin đa văn hoá, phim ảnh, những tuyên ngôn “sống cho bản thân”, “khám phá tuổi trẻ”, nên họ được truyền cảm hứng để dám nghĩ dám làm hơn. Có không ít câu chuyện những người thỏa sức vẫy vùng trong bầu trời tự do của gap year, tìm được đam mê, hay xây dựng được những dự án thành công. Nhưng với đa số những người còn lại, liệu gap year có mộng mơ đến thế?

Sau đây là những lầm tưởng nhiều bạn trẻ có về gap year, và cách vượt qua chúng.

1. “Gap year không cần kế hoạch”

Phần đa các bạn trẻ đến với gap year là do sự thiếu kiên nhẫn với phương pháp giáo dục truyền thống tại trường đại học. Giấy bảo lưu như một tấm vé thông hành đến với cảnh cổng tự do.

Tưởng rằng sẽ là chinh phục Everest, đi dọc dải miền Trung nắng gió, nhưng quán tính từ sự tự do mới chớm đã ném thẳng một số người tới cảm giác vô định, chênh vênh, không biết mình đi về đâu. Không có kế hoạch, với nhiều người gap year trở thành cơ hội để… xem nhiều phim hơn số phim họ xem trong những năm tháng đi học đi làm chật vật.

Có thời gian và kế hoạch trong tay 365 ngày trước mắt sẽ là 365 lần đầu tư vào trải nghiệm
Có thời gian và kế hoạch trong tay, 365 ngày trước mắt sẽ là 365 lần đầu tư vào trải nghiệm.

Một vài người tôi biết chia sẻ rằng, trước khi nghỉ học hoặc làm, họ vẽ ra rất nhiều bứt phá cho bản thân. Nhưng sau đó, họ chỉ có thể “bứt phá” khỏi thực tế qua những bộ phim mình xem khi tự nhốt mình trong nhà. Tuổi đời non trẻ, chưa nhiều trải nghiệm cản trở sự kiên định của họ. Kết thúc kỳ gap year là một sự hoang mang còn kinh khủng hơn lúc bắt đầu, cùng nụ cười gượng khi phải gặp bạn bè và nói rằng mình ổn lắm.

Gap year nên là khoảng thời gian kỷ luật mà bạn có thể dành cho mình. Có thời gian và kế hoạch trong tay, 365 ngày trước mắt sẽ là 365 lần đầu tư vào trải nghiệm.

Ba bước sau sẽ giúp bạn hoạch định một gap year hiệu quả:

Bước 1. Bay bổng. Liệt kê ra những điều mình muốn làm, phân loại (công việc, mối quan hệ, phát triển kỹ năng cá nhân, thử trải nghiệm…) và đánh dấu ưu tiên.

Bước 2. Thực tế. Suy nghĩ về quỹ thời gian mình có, nguồn lực tài chính… để đầu tư vào các điều trên.

Bước 3. Dự trù. Đâu là những lựa chọn an toàn nhất? Mạo hiểm nhất? Viễn cảnh xấu nhất là gì và giải pháp khi nó xảy ra? Ví dụ: xin nghỉ học một kỳ, nếu cảm thấy ổn thì xin nghỉ tiếp, không sẽ quay lại học.

2. “Gap year xong sẽ biết mình thích gì”

Nhiều người suốt hơn chục năm trời vẫn chưa biết mình thích gì. Đặt ra một năm để biết mình muốn làm gì với cuộc đời là một kỳ vọng áp lực. Điều này khiến người trẻ phải sống vội vã cho kịp hết gap year và đẩy bản thân vào những trải nghiệm mình chưa thật sự sẵn sàng.

Sống nhẹ nhàng hơn với bản thân mình và cố gắng giữ tâm thế mở với mọi điều trong cuộc sống
Sống nhẹ nhàng hơn với bản thân mình, và cố gắng giữ tâm thế mở với mọi điều trong cuộc sống.

Vấn đề người trẻ nên đặt ra ở đây là thử để biết mình không thích cái gì. Hiểu Bản Thân là một khóa học cả đời vì môi trường sống và cách chúng ta tương tác với nó luôn thay đổi. Gap year không phải kỳ thi hết khóa Hiểu Bản Thân, mà chỉ là một chương trong khóa học này thôi.

Sống nhẹ nhàng hơn với bản thân mình, và cố gắng giữ tâm thế mở với mọi điều trong cuộc sống. Chính những điều bạn đang trải qua ở thời điểm gap year sẽ tác động lên nghề nghiệp, cuộc sống của trong tương lai. Biết đâu, công việc nhân sự tại công ty này, dù chán ghét, lại là cơ hội để bạn tìm hiểu khách hàng cho ngành nghề marketing sau này thì sao?

3. “Gap year là một cuộc sống trong mơ”

Gap year không chỉ ngập tràn những câu nói diễm tình hay những tấm ảnh check in cầu kỳ. Hình ảnh trên mạng xã hội là một phần của tảng băng chìm, và đằng sau là sự cố gắng không tưởng.

Để có tiền cho những chuyến đi, chúng ta phải lao động thực sự chăm chỉ. Nếu bạn không có một công việc full time chính thức ngay khi nghỉ học, việc làm 3, 4 công việc một lúc là điều hết sức bình thường.

“Chạy show” từ sáng tới đêm như vậy khiến tôi nhận ra gap year thật sự vật vả
“Chạy show” từ sáng tới đêm như vậy khiến tôi nhận ra gap year thật sự vật vả.

Tôi cũng từng như vậy. Khi tôi còn là sinh viên năm nhất, công việc tại agency vào ban ngày chỉ có thể trả cho tôi một mức phụ cấp dạng ‘ăn trưa, xăng xe’. Để đủ tiền chuyển đến một thành phố khác sinh sống, tôi đã phải kết hợp tối đi dạy tiếng Anh, đêm làm hỗ trợ nghiên cứu khoa học – những việc có thể cho tôi đồng ra đồng vào nhưng không phải đam mê lớn nhất.

“Chạy show” từ sáng tới đêm như vậy khiến tôi nhận ra gap year thật sự vật vả. Công việc không phải lúc nào cũng xuôi, đôi khi chỉ là phụ tá việc vặt. Kỹ năng có thể không học được nhiều do bản thân chưa đủ giỏi cho những nhiệm vụ lớn. Thứ duy nhất rèn luyện được sau ‘bão tố’ đó là một tinh thần thép.

4. “Gap year thì phải thật giàu”

Hiểu nhầm này bắt nguồn từ việc truyền thông đưa tin quá nhiều về những cậu ấm cô chiêu nghỉ học khám phá thế giới với quỹ học bổng “Metachi Batacho” (mẹ ta chi, bố ta cho). ‘Gap year phải giàu’ vì bạn liên hệ nó với những hoạt động cần nhiều tiền như du lịch châu Âu. Trước khi nghỉ học, bản thân tôi rất bất ngờ khi đọc được rằng một cậu bé lớp 12 gap year bằng cách…sang Úc trốn 3 tháng.

Đừng để ánh đèn truyền thông chiếu vào gap year tới đâu thì bạn nghĩ gap year chỉ có đến thế. Ngoài những hoạt động tốn kém, vẫn còn vô vàn các thử nghiệm thú vị khác giàu giá trị mà không tốn quá nhiều chi phí: đi làm, tổ chức các dự án cá nhân, xây dựng thói quen (đọc sách, xem phim, thiền, yoga, thể thao) hay tự rèn luyện chăm sóc bản thân (dậy sớm, nấu ăn).

Thực tế, gap year cũng đòi hỏi những điều kiện tài chính nhất định, vì mục đích của gap year thường là khám phá và trải nghiệm chứ không phải kiếm tiền. Không phải ai cũng có đặc quyền để có gap year, ví dụ những bạn sinh viên vừa tốt nghiệp phải đi làm toàn thời gian luôn vì cha mẹ không đủ khả năng chu cấp cho mình.

Nếu gap year đi kèm gánh nặng tài chính lớn thì khá mệt mỏi, gây xao nhãng, có thể không hiệu quả. Bạn nên bạn bàn bạc với gia đình vì có thể quyết định của bạn ảnh hưởng đến họ hoặc bạn cần sự ủng hộ của họ. Cần hoạch định tài chính cho thời gian gap year của mình, và lựa chọn những hoạt động phù hợp mà điều kiện cho phép.

5. “Gap year là hoàn toàn có quyền tự do”

Nếu cổng trường là giới hạn của thời gian biểu, chương trình học, thì thế giới ngoài kia còn rất nhiều giới hạn mà bạn còn phải đối mặt: định kiến tuổi tác, giới tính, yêu cầu bằng cấp, kỹ năng.

Được cho thời gian rảnh nghĩa là có thêm nhiệm vụ sử dụng thời gian đó một cách hiệu quả. Hành trình gap year sẽ bắt đầu với câu hỏi: vậy mình sẽ làm gì cho hết thời gian từ sáng tới tối, từ ngày 1 đến ngày 365?” Khi tự do về thời gian rồi, bạn sẽ học cách chịu toàn bộ trách nhiệm cho hệ quả của những hoạt động đó.

Những câu hỏi lớn hơn sẽ bắt đầu tìm đến người trẻ trong giai đoạn này, như “Mình là ai?” “Mình sẽ làm gì?” “Mình có nhiệm vụ gì trong cuộc sống?”. Khủng hoảng phần tư (quarter-life crisis) diễn ra và gây cho bạn những đổ vỡ trong giá trị cá nhân. Giải quyết các câu hỏi này sẽ là một hành trình lớn lên về mặt nhận thức.

Con người là một bản thể tồn tại dựa vào những tương tác, tư duy xã hội. Cái giá của tự do khi gap year không phải là tách mình ra khỏi trường học hay chỗ làm, mà là buộc mình vào những trách nhiệm và bài toán nan giải hơn.

6. “Gap year là cô đơn”

Gap year là đơn độc, nhưng là thời gian để bạn tập trung phát triển mình một cách tối đa nhất và tránh xa xao nhãng. Những so đo với bạn bè đồng trang lứa sẽ vơi bớt đi, khi không còn ‘đứa bạn lớp bên’, ‘cô đồng nghiệp nọ’ tạo cho bạn các áp lực vô hình. Điều bạn tập trung vào lúc này là chạy đua với chính mình. Khi bạn trở lại sau một năm, bạn sẽ nhận ra mỗi người đều đang bận rộn trên cuộc đua rèn luyện bản thân mỗi ngày.

Gap year không cô đơn, vì người lạ chỉ cách bạn một câu xin chào. Bạn càng lao động, tiếp xúc xã hội ở các môi trường khác nhau thì vòng tròn quan hệ lại mở ra và sẽ có những người bạn mới.

Nếu bạn nghĩ mình là người khó kết bạn thì vấn đề chỉ là bạn chưa tìm được cộng đồng mình muốn thôi
Nếu bạn nghĩ mình là người khó kết bạn, thì vấn đề chỉ là bạn chưa tìm được cộng đồng mình muốn thôi.

Nếu bạn nghĩ mình là người khó kết bạn, thì vấn đề chỉ là bạn chưa tìm được cộng đồng mình muốn thôi. Các cộng đồng, workshop về xem phim, thể thao, môi trường hay ngoại ngữ sẽ là nơi bạn tìm thấy những người chia sẻ chung sở thích với mình. Chưa biết chừng, đấy sẽ là những bạn đồng hành cùng bạn trong các cuộc phiêu lưu sắp tới.

Gap year thành công nghĩa là bạn biết thế giới này rộng hơn mình nghĩ. Điều các bạn giỏi chỉ là một phần của bức tranh lớn, và mỗi phần tử đều có nhiệm vụ làm tốt nhất điều mình đang làm cũng như trở nên hoàn thiện hơn mỗi ngày. Thế gian là nhà, và gap year nên là cơ hội để bạn hiểu về vị trí của mình trong mái nhà chung ấy.

Bài viết được thực hiện bởi Anh Tú.

Xem thêm:

[Bài viết] Mạng xã hội: Hành lý “quá khổ” khi đi du lịch?

[Bài viết] Khi thế giới quá bận rộn để lắng nghe bạn