Thế giới truyện tranh của hoạ sĩ Phan Kim Thanh | Vietcetera
Billboard banner

Thế giới truyện tranh của hoạ sĩ Phan Kim Thanh

Với nét vẽ ngộ nghĩnh, hài hước nhằm châm biếm các vấn đề về chính trị kinh tế, các tác phẩm của hoạ sĩ Phan Kim Thanh nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của độc giả trực tuyến. Trong đó, webcomic “Chuyện tào lao của Vàng Vàng” của cô đã năm lần được xuất bản dưới dạng truyện tranh.
Thế giới truyện tranh của hoạ sĩ Phan Kim Thanh

Thế giới truyện tranh của hoạ sĩ Phan Kim Thanh

Tại thị trường truyện tranh Việt Nam, dễ thấy các đầu truyện đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Âu Mỹ luôn chiếm ưu thế nhất định. Trong khi đó, truyện tranh đến từ các tác giả nước nhà phát triển có phần “khiêm tốn” hơn. Phát súng đầu tiên cho cuộc cách mạng truyện tranh tại Việt Nam có lẽ là từ tác giả Hùng Lân với bộ truyện Dũng sĩ Hesman, nổi tiếng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tiếp sau đó là Thần Đồng Đất Việt của những năm 2000.

Từ khoảng năm 2013, với sự bùng nổ của các mạng xã hội, truyện tranh Việt đã tìm được sân chơi mới. Trong đó, Chuyện tào lao của Vàng Vàng của tác giả Phan Kim Thanh là một tác phẩm đáng chú ý. Xuất phát điểm là một webcomic (truyện tranh mạng) với nét vẽ ngộ nghĩnh, khéo léo lồng ghép những tin tức về chính trị, kinh tế theo góc nhìn châm biếm hài hước, “Chuyện tào lao của Vàng Vàng” nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của độc giả trực tuyến. Đến nay, “Chuyện tào lao của Vàng Vàng” đã năm lần được xuất bản dưới dạng truyện tranh.

Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ họa sĩ truyện tranh Phan Kim Thanh để trò chuyện về quá trình sáng tác “Chuyện tào lao của Vàng Vàng” cũng như tìm hiểu thêm về làng truyện tranh Việt Nam qua góc nhìn của một họa sĩ trong ngành.

Thế giới truyện tranh của hoạ sĩ Phan Kim Thanh0

Chào Thanh, bạn có thể chia sẻ về những ngày đầu tập vẽ của mình được không?

Thanh bắt đầu vẽ từ những ngày còn chưa biết chữ. Hồi đó, mình hay vẽ lên mấy trang trống bên trong tờ Kiến thức ngày nay. Năm học lớp 4, chú mình có đem những tập giấy đã in một mặt từ văn phòng về. Thế là mình đóng thành một tập rồi vẽ và tô màu lên mặt còn trống, đó là câu chuyện về nàng tiên cá. Tập truyện đó đã làm trường tiểu học của mình xôn xao mất vài hôm. Năm 1998-1999, khi đang học lớp 5, mình cùng chị họ tên Phan Thanh Thảo lập một nhóm vẽ tên là Lục Lam X.U. Chị mình là Lục còn mình là Lam.

Lên đến cấp 2, mình trở nên “giàu có” hơn vì mỗi sáng được ba cho những 2000 đồng. Thế là mình trích một nửa để thuê truyện đọc, nửa còn lại dùng để mua giấy. Với giấy trắng và bút bi trong tay, mình lại có thêm một số bộ truyện làm náo loạn một góc trường. Nhớ lại, những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với vẽ truyện tranh của mình nhiều đến mức mình không thể kể hết.

Cơ duyên nào khiến bạn sáng tác “Chuyện tào lao của Vàng Vàng”? Và nguồn cảm hứng cho nhân vật và các mẩu chuyện đến từ đâu?

Thật ra, cơ duyên sáng tác bộ truyện đến rất ngẫu nhiên khi mình đang bị bí ý tưởng sáng tác một bộ truyện khác. Lúc đó, mình nhớ lại mỗi lần cùng ba xem thời sự thế giới và tán gẫu. Ba mình thường vừa xem vừa tóm tắt tin tức thành những mẩu chuyện tếu táo, chỉ cần nghe qua là đã nắm được toàn bộ nội dung. Thói quen đó đã có gần mười mấy năm rồi nhưng mình chưa bao giờ nghĩ sẽ đưa nó vào truyện. Có thể nói, chính ba mình đã truyền cảm hứng để mình sáng tác “Chuyện tào lao của Vàng Vàng”.

Short comic 186  Said no mother ever
Credit: Facebook Phan Kim Thanh

Bạn có thể chia sẻ về quá trình sáng tác một câu chuyện và những khó khăn thường gặp được không? Sách truyện online và xuất bản có gì khác nhau?

Quá trình sáng tác của mình khá đơn giản, chỉ gồm suy nghĩ, sắp xếp ý tưởng và vẽ thôi. Trung bình, một mẩu chuyện từ 4 đến 8 khung thường mất khoảng nửa ngày để hoàn thành. Những khi cao hứng thì chỉ mất tầm 0,5-2 tiếng để hoàn thành. Còn nếu là truyện dài thì mình sẽ phác thảo đại ý hoặc vẽ thô trước. Trở ngại duy nhất mà mình gặp là dễ bị xao lãng bởi những thứ hay ho trên Youtube và Pinterest.

Theo mình, sách truyện online thường có nội dung và ngôn ngữ mang tính tự do, trào phúng. Còn đối với sách xuất bản, nội dung, lời thoại buộc phải được chỉnh sửa phù hợp thì mới vượt qua được khâu kiểm duyệt. Vì vậy, những trường hợp cắt bỏ hoặc vẽ lại một câu chuyện thay thế là không hiếm.

Định hướng sắp tới cho “Chuyện tào lao của Vàng Vàng” là gì?

Thành thật mà nói Thanh vẫn chưa đặt mục tiêu rõ ràng cho series này. Hiện tại, mình vẫn đang tìm kiếm đối tác để biến nó thành một món đồ chơi hoặc hình ảnh minh họa cho bao bì sản phẩm. Còn về sáng tác truyện tranh thì đành tùy duyên vậy. Bạn biết đấy, xuất bản truyện tranh ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các truyện châm biếm có liên quan đến chính trị, kinh tế. Trước đó, “Chuyện tào lao của Vàng Vàng” được xuất bản dưới nhãn sách Lantabra đã là một thành công cho mình và cả nhãn sách rồi.

Nguồn ý tưởng cho truyện tranh của Thanh không bao giờ cạn kiệt cả. Tuy nhiên, vì đang phải giải quyết một số vấn đề gia đình nên Thanh buộc lòng phải gạt một số dự án truyện tranh sang một bên. Hiện tại, Thanh chỉ có đủ thời gian để thực hiện các dự án thiết kế nhỏ.

Thế giới truyện tranh của hoạ sĩ Phan Kim Thanh2

Theo bạn, làng truyện tranh Việt Nam đã thay đổi như thế nào trong những năm qua?

Với Thanh, họa sĩ truyện tranh Việt Nam vốn luôn sẵn tài năng. Nếu có thay đổi thì chắc chắn đó là sự ủng hộ vượt bậc từ phía các nhà đầu tư trong những năm gần đây cho các hoạ sĩ tự do. Nhớ lại thời chỉ kiếm được thu nhập 300,000 đồng cho 5 trang truyện thì đây quả là một điều may mắn.

Không những vậy, đối tượng xem truyện tranh cũng đa dạng hơn. Ngoài học sinh còn có cả sinh viên và công nhân viên chức nữa. Thậm chí, một số người xem “Chuyện tào lao của Vàng Vàng” xong còn đưa ra những nhận xét rất kỹ lưỡng, có bạn còn phê bình rằng truyện của mình chưa đào sâu vào vấn đề. Mình tự hỏi: “Từ bao giờ mọi người trở nên nghiêm túc với truyện tranh thế nhỉ?” Tuy nhiên, mình sẽ tiếp nhận các ý kiến đó để cố gắng phát triển bộ truyện tốt hơn nữa.

Vậy điểm khác biệt giữa làng truyện tranh Việt Nam so với các nước khác là gì?

Nếu xét về trình độ mỹ thuật, họa sĩ nước ta hoàn toàn không thua kém bất kỳ quốc gia nào. Có chăng là do kịch bản của chúng ta còn chưa được đầu tư kỹ lưỡng. Đây không phải là ý kiến và điểm yếu của riêng cá nhân Thanh mà còn của rất nhiều họa sĩ khác. Kịch bản yếu khiến việc sáng tác truyện dài tập trở nên rất khó khăn. Có thể là do việc xuất bản sách ở Việt Nam còn chưa được đầu tư đúng mức nên hầu hết các họa sĩ chỉ vẽ truyện tranh dưới dạng sitcom (từng tập nhỏ, nội dung ngắn) để chia sẻ với bạn bè.

Vấn đề thứ hai là nghề họa sĩ truyện tranh không có thu nhập hấp dẫn như các nghề mỹ thuật khác, ví dụ như thiết kế sản phẩm, quảng cáo, thiết kế game, video… Làm sao có thể xây dựng một kịch bản hoàn chỉnh trong khi vẫn phải lăn tăn về vấn đề cơm áo gạo tiền? Đó là lý do nhiều họa sĩ truyện tranh quyết định chuyển sang các lĩnh vực khác với mức thu nhập ổn định hơn.

Thế giới truyện tranh của hoạ sĩ Phan Kim Thanh3

Thanh có thể chia sẻ một số điều thú vị về bản thân mình được không?

Có thể mọi người không biết, ngoài những mẩu chuyện đáng yêu hài hước, Thanh còn có hứng thú vẽ cả những truyện ghê rợn máu me nữa. Ngoài thời gian sáng tác truyện, mình còn là giọng ca chính cho một ban nhạc tên DeGore. Hiện ban nhạc đang tạm dừng hoạt động nhưng tụi mình hy vọng có thể trở lại trong thời gian sớm nhất.

Vietcetera chân thành cảm ơn Thanh đã tham gia vào cuộc trò chuyện này. Chúc Thanh luôn thành công với những dự định sắp tới!

Xem thêm:

[Bài viết] Chuyện của Robin & Cako: Việt Nam – Điểm hội tụ của sáng tạo

[Bài viết] Thái Mỹ Phương và hành trình trở thành Tamypu