Amsterdam dự kiến thua lỗ hơn 80 triệu đô, vì sao nên nỗi?
Với dàn diễn viên được lắp đầy bởi toàn bộ những ngôi sao như Christian Bale, Margot Robbie, John David Washington, Anya Taylor-Joy, Rami Malek, Robert De Niro… và được đạo diễn/biên kịch bởi David O. Russel, người đã làm nên Silver Linings Playbook và American Hustle, Amsterdam là một bộ phim nắm chắc gần như toàn bộ yếu tố tạo nên một thành công phòng vé.
Tuy nhiên, bộ phim này lại trở thành một thất vọng phòng vé cực lớn khi chỉ thu về vỏn vẹn 21 triệu đô sau 3 tuần công chiếu và được dự kiến sẽ thất thu từ khoảng 80-100 triệu đô. Tại những trang web đánh giá, Amsterdam nhận được khá nhiều phê bình tiêu cực đến từ giới chuyên môn lẫn khán giả (33% trên Rotten Tomatoes và 6.2/10 tại IMDb). Điều gì đã xảy ra với bộ phim này?
Một cốt truyện quá sức tham vọng
Mở đầu trailer với chú thích “nhiều thứ trong bộ phim này thật sự đã diễn ra,” bộ phim dường như rất tự hào về thành tố "được lấy cảm hứng từ sự kiện có thật." Câu chuyện của Amsterdam xoay quanh một âm mưu chính trị đã thật sự diễn ra tại Mỹ, với cái tên The Business Plot.
Khi Franklin D. Rossevelt nhậm chức tổng thống, những chính sách về tiền tệ của ông đã làm phật lòng những ông chủ doanh nghiệp lớn tại Mỹ. Những người này đã hợp tác nhằm tạo nên một âm mưu lật đổ Rossevelt và đưa nước Mỹ trở thành một đất nước Phát Xít được dẫn dắt bởi nhóm này qua một tổng thống bù nhìn mang tên Smedley Butler. Tuy nhiên, âm mưu này đã bị đưa ra ánh sáng bởi chính Smedley Butler, người đã tố cáo và cho lời khai về âm mưu này trước quốc hội Mỹ.
Nghe thú vị là thế, Amsterdam đã lựa chọn kể lại một trong những âm mưu chính trị nghiêm trọng bậc nhất nước Mỹ dưới góc nhìn của một nhóm bạn 3 người gần như không có quyền lực chính trị lẫn năng lực để khám phá và dẫn dắt người xem đi qua âm mưu này.
Lựa chọn kì lạ này được đưa ra có lẽ là để phục vụ cho màu phim hài hước mà David O. Russell muốn hướng tới. Màn trình diễn của bộ ba Christian Bale, Margot Robbie, John David Washington nhận được nhiều sự công nhận đến từ giới phê bình. Họ đặc biệt tỏa sáng tại những phân cảnh quá khứ tại Amsterdam, nơi họ gặp gỡ, kết nối và trở thành những người bạn thân trên chiến trường của thế chiến I.
Tuy nhiên, những tài năng diễn xuất này lại không thể tỏa sáng giữa một kịch bản kể chuyện phi tuyến tính nơi mà cảm xúc của hai mốc thời gian là hoàn toàn khác biệt nhau: mạch truyện hiện tại về thuyết âm mưu chính trị và trinh thám, mạch truyện quá khứ về tình bạn và tình chiến hữu.
Nhiều khán giả và nhà phê bình nhận xét Amsterdam là một bộ phim nơi mà chính David O. Russell còn không biết chính xác là ông muốn làm gì. Thời lượng dài hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ cùng lối kể chuyện phi tuyến tính khiến cho cốt truyện tham vọng của Amsterdam thêm phần rối rắm, đặc biệt là khi bộ phim quy tụ quá nhiều gương mặt ngôi sao, dễ khiến khán giả xao nhãng khỏi cốt truyện chính.
Không tìm được đối tượng khán giả
Amsterdam là một bộ phim không thể được gói gọn trong một dòng chủ đề và đó không phải là một điểm tốt. Với một kịch bản tham vọng cùng nhiều chủ đề đan xen, Amsterdam đã tự làm khó chính mình việc cân bằng giữa những kì vọng được đặt ra từ việc quảng bá phim và chính những gì mà bộ phim có thể đem tới.
Trailer của Amsterdam cho thấy bộ phim hướng đến việc phủ lên một lớp màu hài hước cho một trong những sự kiện chính trị lịch sử thú vị và ít người biết của lịch sử Mỹ. Cùng với dàn diễn viên toàn những ngôi sao, Amsterdam dường như đã có những chất liệu quảng bá khá hoàn hảo.
Tuy nhiên câu chuyện quảng bá này lại trở nên phức tạp hơn mức cần thiết vì sau nhiều thương vụ sát nhập công ty, quyền phát hành và quảng bá của Amsterdam vô tình rơi vào tay của Disney. “Amsterdam, nếu nói thẳng ra, không phải là một bộ phim Disney,” một nhân sự cấp cao của công ty này phát biểu.
Sau khi quyết định mở màn ở hơn 3000 rạp chiếu, bộ phim nhận về một lượng lớn đánh giá tiêu cực đến từ những nhà phê bình lẫn khán giả. Với một dàn diễn viên toàn những ngôi sao kì cựu, một vị đạo diễn cực kì nổi tiếng cùng một đạo diễn hình ảnh đã 3 lần nhận giải Oscar, Amsterdam đã không đáp ứng được kì vọng cao ngút trời mà chính bộ phim đã đặt ra.
Nếu nhìn vào những yếu tố kéo khách của Amsterdam, ta dễ dàng nhận ra chúng gần như hoạt động đối lập nhau, điểm cộng với một tệp khán giả là điểm trừ của một tệp khán giả khác.
Ngoài sự tham lam của kịch bản và cách kể chuyện rối rắm đã là điểm trừ cho bất kì tệp khán giả nào. Yếu tố hài hước hình thể được thực hiện khá tốt bởi Christian Bale tuy dễ thu hút khán giả đại chúng nhưng lại là một điểm trừ cho những người hâm mộ điện ảnh. Cốt truyện trinh thám chính tuy có thể khiến nhiều người cuồng lịch sử cảm thấy háo hức nhưng lại dễ dàng bị đứt mạch khi cốt truyện quá khứ về tình bạn được chèn vào phim.
Đời tư lộn xộn của chính đạo diễn David O. Russell
Sự trở lại của đạo diễn David O. Russell sau 7 năm vắng bóng trên màn ảnh thế giới là một sự trở lại không quá được chào đón bởi công chúng. Bởi qua nhiều năm, vị đạo diễn/biên kịch này đã nhiều lần bị tố cáo là có hành vi thô lỗ với đoàn phim và diễn viên mà ông làm việc cùng.
Nhiều diễn viên như George Clooney, Lily Tomlin, Amy Adams đã lên tiếng về văn hóa làm việc trên phim trường của ông lần lượt vào những năm 1998, 2003 và 2013. Họ nói rằng trên trường quay, Russell nóng tính và thường xuyên chửi rủa những thành viên trong đoàn. Thậm chí trong vụ hack Sony năm 2014, những tài liệu bị rò rỉ còn cho thấy rằng những nhân sự cấp cao của Sony cũng đã biết được những điều này, nhưng không hề có một hành động trừng phạt nào diễn ra.
Vào năm 2011, cháu của David O. Russell đã tố cáo về hành vi quấy rối tình dục của ông nhắm đến cô. Theo báo cáo của cảnh sát, vụ việc xảy ra tại một phòng gym tại Florida, khi Russell đang giúp cô thực hiện những động tác tập cơ bụng. Vị đạo diễn này thừa nhận là đã có những hành động đụng chạm vào thân thể của cháu gái, nhưng biện hộ rằng cô đã hành xử “khiêu gợi” và trực tiếp mời ông chạm vào ngực mình.
Dù cho vụ việc không được đưa ra tòa án, và Russell cũng không đối mặt với bất kì hậu quả gì. Những sự việc trên để lại một ấn tượng không mấy đẹp đẽ trong mắt khán giả. Đặc biệt khi chủ đề chính của Amsterdam lại tập trung nhiều vào tình bạn, tình đồng đội và tính đoàn kết. Sự lệch lạc giữa thông điệp của tác phẩm và chính những giá trị của bản thân tác giả có lẽ cũng đã góp phần vào cách khán giả tiếp nhận Amsterdam.