Tóm Lại Là: Khủng hoảng lương thực toàn cầu sắp nổ ra
1. Các tổ chức quốc tế đang lo ngại điều gì?
Trong những ngày gần đây, dưới ảnh hưởng của đại dịch, cảnh báo khủng hoảng lương thực liên tục được đưa ra bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương Thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong một văn bản của FAO, cả ba tổ chức này nhấn mạnh rằng các nước cần hợp tác để xử lý tác động của đại dịch COVID-19. Nếu không, chúng ta sẽ rơi vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng.
2. Bao giờ khủng hoảng lương thực sẽ xảy ra?
Tuy tác động của đại dịch lên chuỗi cung ứng thực phẩm hiện chưa lớn, FAO cảnh báo mọi thứ sẽ sớm thay đổi.
Theo dự tính của tổ chức này, khủng hoảng lương thực nhiều khả năng sẽ nổ ra trong tháng 4 hoặc tháng 5 năm 2020.
3. Tại sao COVID-19 dẫn đến khủng hoảng lương thực?
Lương thực là một trong những ngành hàng giao thương mạnh mẽ nhất trên thế giới. Dù ít hay nhiều, mỗi quốc gia đều dựa vào nó để thỏa mãn nhu cầu lương thực của người dân.
Đại dịch COVID-19 dẫn đến chỉ thị phong tỏa và cách ly xã hội với 1/5 dân số thế giới. Các cửa khẩu đóng cùng lệnh cấm vận gây ra rất nhiều gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm, ví dụ như:
- Không thể vận chuyển lương thực từ điểm A tới điểm B;
- Thiếu nhân lực khiến năng suất tại các trang trại, nhà máy và lò mổ giảm;
- Hiệu ứng domino: năng suất một điểm trên chuỗi cung ứng giảm kéo theo cả chuỗi giảm;
- Chuỗi cung ứng không đáp ứng kịp xu hướng tích trữ đồ ăn;
- Một số loại thực phẩm cơ bản bỗng trở nên khan hiếm, tăng giá chóng mặt.
Đây là một kịch bản đã xảy ra với Trung Quốc, và FAO lo ngại nó sẽ lặp lại ở quy mô toàn cầu.
Trong văn bản của mình, FAO cũng ôn lại khủng hoảng lương thực năm 2008 dưới tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
4. Ai sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khủng hoảng lương thực?
Ở cấp cá nhân, người nghèo sẽ chịu ảnh hưởng kinh khủng nhất dưới tác động kép của COVID-19: nạn đói và nạn thất nghiệp. Vì vậy, khả năng tử vong trong đại dịch ở nhóm này sẽ cao hơn hẳn.
Công nhân, nông dân, ngư dân cùng các hộ sản xuất nhỏ lẻ sẽ khó tự mình vượt qua các thử thách trong chuỗi cung ứng. Hơn bao giờ hết, họ cần sự giúp đỡ của chính phủ và những đơn vị kinh doanh lớn hơn.
5. Có bao nhiêu người thuộc diện đói nghèo trên thế giới?
Có thể nói, lương thực toàn cầu là một ván cờ nhân loại đang tự thua.
FAO khẳng định chúng ta đang sản xuất đủ lương thực cho tất cả mọi người trên trái đất. Tuy nhiên, khoảng 1/3 số đồ ăn đó bị bỏ đi và lãng phí, trong khi 820 triệu người nghèo vật lộn với con đói mỗi ngày.
Khi đưa COVID-19 vào ván cờ này, mọi thứ còn trở nên tệ hơn nữa.
6. Những nước nào sẽ “ăn hành” trong khủng hoảng lương thực?
Trên trường quốc tế, những nước dựa vào nhập khẩu lương thực nhiều hơn xuất khẩu sẽ chứng kiến lạm phát giá thực phẩm cao, ví dụ như Trung Đông, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Những nền kinh tế có đồng tiền yếu thế cũng sẽ chịu tác động, ví dụ như Ấn Độ hay Indonesia.
7. Làm thế nào để tránh khủng hoảng lương thực?
FAO nhấn mạnh rằng hợp tác quốc tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong đại dịch.
Fitch Solutions cho rằng các nước xuất khẩu lớn như Việt Nam (gạo), Nga (ngũ cốc), Kazakhstan (lúa mạch, bột mì, dầu hướng dương) nên xem xét nhấc các lệnh hạn chế xuất khẩu gần đây nếu trữ lượng quốc nội đã đầy đủ.
Các tổ chức khu vực như Food Industry Asia và ASEAN F&B Alliance kêu gọi chính phủ đảm bảo cách ly xã hội không gây gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
Về phía người tiêu dùng, hai tổ chức này nhận định tích trữ lương thực quá 14 ngày là không cần thiết.
Nếu ai cũng chỉ mua vừa đủ, chúng ta sẽ có lương thực cho cả những người nghèo cầm cự qua dịch bệnh. Nếu một nhóm người tích trữ quá nhiều, chuỗi cung ứng sẽ sụp đổ.