Truyền thông luôn ca ngợi “thói quen thành đạt” của người thành công là thức dậy sớm. Điều gì xảy ra nếu bạn không tuân theo quy luật này?
Câu trả lời là: Không sao cả. Bạn vẫn có thể thành công như thường.
Bạn có thể là “cú đêm” (night owl – người ngủ trễ) – người thường xuyên thức khuya, dậy muộn miễn điều đó không ảnh hưởng đến năng suất hay công việc của bạn.
Đây là minh chứng cụ thể nhất.
Những doanh nhân thành đạt là “cú đêm”
Alexis Ohanian – người sáng lập Reddit
Việc trở thành nhà sáng lập Reddit đồng thời lọt danh sách Forbes 30 Under 30 hai năm liên tiếp đã chứng minh được tài năng của Ohanian. Dù vậy, anh lại là một “cú đêm” chính hiệu. Theo phỏng vấn của Fast Company, Ohanian thường đi ngủ khoảng 2 giờ sáng và cố gắng dậy lúc 10 giờ sáng.
Elon Musk – người sáng lập Tesla và SpaceX
Nói về người thành công có năng suất cao dù thường xuyên ngủ trễ mà bỏ qua Musk là một thiếu sót lớn. Ông trở thành triệu phú ở độ tuổi 20, thành lập SpaceX năm 2002 và Tesla năm 2003. Ông cũng cho biết thời gian ngủ là khoảng 1 giờ đến 7 giờ sáng.
Rand Fishkin – người sáng lập Moz
Dù thường xuyên thức khuya, anh là người có hiệu suất làm việc đáng ngưỡng mộ. Fishkin ngoài là người sáng lập Moz, còn là đồng tác giả các cuốn sách về SEO. Anh thường đi ngủ trong khoảng 1 rưỡi – 2 rưỡi sáng và thức dậy vào khoảng 9 giờ – 9 rưỡi sáng.
Dharmesh Shah – người sáng lập HubSpot
Shah nói rằng anh thường đi ngủ trong khoảng 1h30 – 2h sáng và thức dậy khoảng 7 giờ sau đó. Vì điều này, anh luôn tránh lên lịch các cuộc họp trước 11h sáng.
Sự thành công của các “cú đêm” ở trên là minh chứng năng suất có thể xuất hiện ở bất kì thời gian nào trong ngày.
Thế còn từ góc độ khoa học? Điều này có khả thi không?
Bằng chứng khoa học về lợi ích của “cú đêm”
Vô số nghiên cứu đã được thực hiện về sự khác biệt giữa những “chim sớm” (early riser – người thức dậy sớm) và “cú đêm”. Và mỗi bên lại có những ưu điểm riêng.
Xin tạm không bàn đến lợi ích của việc dậy sớm (vì nó đã được nhắc khá thường xuyên). Dưới đây là một số yếu tố đủ để khiến bạn tự hào khi là một “cú đêm”.
“Cú đêm” giàu có hơn
Một nghiên cứu tại Anh vào những năm 1970 đã kết luận:
Không tìm thấy bằng chứng nào liên quan giữa việc dậy sớm với việc giàu có và khôn ngoan của một người.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng: So với “chim sớm”, “cú đêm” có “thu nhập trung bình lớn hơn và có nhiều hơn khả năng sở hữu một chiếc xe hơi”.
“Cú đêm” thông minh hơn
Một nghiên cứu tại Đại học Chicago đã xem xét các sinh viên của chương trình MBA được xếp hạng hàng đầu và thấy rằng “cú đêm” đạt điểm GMAT cao hơn “chim sớm”. Một nghiên cứu khác với 420 người tham gia cũng đồng tình “cú đêm” nhiều khả năng có chỉ số thông minh cao hơn.
“Cú đêm” dẻo dai hơn
Một nghiên cứu từ Đại học Liege ở Bỉ cho thấy những người là “cú đêm” tỉnh táo và có phản ứng nhanh hơn ở thời điểm sau 10 tiếng rưỡi từ lúc thức dậy.
Một bài kiểm tra dành cho hai phe đã được thực hiện vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Bài kiểm tra buổi sáng bắt đầu sau 1 tiếng rưỡi kể từ lúc thức dậy và bài kiểm tra buổi tối là 10 tiếng rưỡi sau khi thức dậy.
Kết quả cho thấy “cú đêm” có lợi thế về nhận thức so với “chim sớm”, miễn là họ tuân theo lịch trình ngủ bình thường và cả hai có cùng thời lượng ngủ.
“Cú đêm” sáng tạo hơn
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Sacred Heart đã nghiên cứu 120 người đàn ông và phụ nữ ở các độ tuổi khác nhau. Họ phân loại người tham gia vào các nhóm: “chim sớm”, “cú đêm” và trung gian dựa trên một bảng hỏi. Sau đó, họ đã tiến hành ba bài kiểm tra về tư duy sáng tạo và thấy rằng những “cú đêm” đạt điểm cao nhất.
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng không quan trọng bạn ngủ khi nào, quan trọng nhất là ngủ đủ giấc.
Cho dù bạn thức giấc lúc 6h sáng hay 12h trưa, một điều chắc chắn rằng: Một người trưởng thành nên ngủ từ 7-9 giờ mỗi đêm. Khuyến cáo này dựa trên một nghiên cứu kéo dài hơn hai năm được thực hiện bởi Quỹ Quốc Gia về Giấc Ngủ Hoa Kỳ.
Bạn đã xác định là một “cú đêm”? Thế thì vận dụng thế nào cho hiệu quả?
Để công việc sáng tạo nhất cho lúc mệt mỏi nhất
Như đã biết, “cú đêm” có khả năng sáng tạo hơn. Nhưng bạn cần biết thêm: khi mệt mỏi nhất là lúc ta sáng tạo nhất. Một nghiên cứu của Cao đẳng Albion và Đại học bang Michigan đã phát hiện: thời điểm tốt nhất để giải quyết các công việc sáng tạo là khi buồn ngủ nhất. Ngược lại, thời gian tốt nhất để giải quyết các công việc phân tích là lúc tỉnh táo nhất.
Thời điểm ngủ không quan trọng bằng thói quen ngủ
Chúng ta là những sinh vật của thói quen. Nếu liên tục thay đổi thời gian ngủ và thức, ta có thể khiến sức khỏe và hiệu suất suy giảm trầm trọng.
Một nghiên cứu của Harvard trên các sinh viên đại học cho thấy những người có lịch trình ngủ đều đặn có kết quả học tập cao hơn. Hay nói cách khác, duy trì thời gian ngủ đều đặn sẽ giúp bạn tạo nên sự khác biệt. Đồng nghĩa, bạn có thể thức khuya và dậy muộn, miễn có thời gian đi ngủ và thức dậy ổn định.
Vì vậy, dù ra khỏi giường lúc bình minh hay xế trưa, hãy luôn đảm bảo giữ được thói quen đó.
Đặt lịch cho email và các mạng xã hội
Nếu là người dậy muộn, các công cụ đặt lịch làm việc rất quan trọng để giúp bạn “kết nối” tốt hơn với những người thức dậy vào khung giờ bình thường. Sử dụng Boomerang hoặc Streak là những cách tuyệt vời để đảm bảo công việc của hai bên được cập nhật đúng hạn và giao tiếp hiệu quả.
Giữ nó cho riêng mình
Thức dậy muộn vẫn bị sự kỳ thị nhất định và mọi người có xu hướng xem bạn là người lười biếng. Điều này thật kỳ lạ, bởi bạn và các doanh nhân là “cú đêm” đều làm việc rất chăm chỉ, chỉ là bạn làm việc trong khi mọi người đang ngủ mà thôi.
Dù vậy, trên thực tế “cú đêm” cũng có nhược điểm, theo nhà nghiên cứu Christoph Randler: Trên thế giới, những người ngủ muộn thường có xu hướng lười biếng. Kết quả là phần lớn lịch học và công việc thưởng thích hợp với người thức dậy sớm hơn.
Kết
Vạn người vạn nét. Dù bạn có thừa nhận hay không, việc trở thành “cú đêm” cũng có thể dẫn đến thành công không kém gì việc bạn thức dậy sớm mỗi sáng. Và hãy nhớ rằng, bất kể bạn thuộc nhóm nào, bạn vẫn cần trung bình 7 giờ ngủ mỗi đêm để đảm bảo sức khỏe.
Bài viết được thực hiện bởi Amy Rigby trên Foundr, chuyển ngữ bởi Eira.
Xem thêm:
[Bài viết] Vì sao đi ngủ sớm mà sáng vẫn buồn ngủ?
[Bài viết] Vì sao lúc nào cũng thấy buồn ngủ trong giờ làm?