Khởi nghiệp chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng, nhưng nó lại là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của nhiều người. Chúng ta vẫn nghe nhiều câu chuyện khởi nghiệp ở Việt Nam, về những ví dụ khởi nghiệp thành công, những chương trình gọi vốn mới, những cuộc thi với giải thưởng lớn,… Vậy những startup Việt chọn nước khác để khởi nghiệp thì sao?
Ở một nơi không phải Việt Nam, đối mặt với hệ sinh thái khởi nghiệp khác, đối tượng khách hàng có nền văn hóa và hành vi tiêu dùng khác, startup Việt chia sẻ gì về những thuận lợi và khó khăn của họ?
Hãy thử đặt chân tới nước Đức, nơi cộng tác viên của chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện nhỏ với người Việt trẻ đang kinh doanh tại đây, đa số là những du học sinh Việt quyết định ở lại.
1. Thuận lợi
Đầu tiên là tiền đâu?
Năm 2019, trang StartupBlink xếp Đức nằm trong top 10 quốc gia thân thiện với khởi nghiệp nhất thế giới và đánh giá cao khả năng thu hút các startup nước ngoài. Dù không có thống kê cụ thể bao nhiêu startup Việt tại Đức, nhưng nhiều startup Việt đồng ý một trong những lý do khiến startup chọn Đức là do Đức giải quyết được câu hỏi nan giải về vốn và tiền đầu tư của đa số startup giai đoạn đầu.
Anh Nguyễn Phi Long, đồng sáng lập và phó chủ tịch điều hành XtayPro tại Đức, chia sẻ rằng chính bản thân anh và đồng sáng lập khác của XtayPro dù không phải quốc tịch Đức, nhưng vẫn nhận được hỗ trợ từ Cơ quan Việc làm Liên bang Đức. Có rất nhiều phòng ban, tổ chức chính phủ, cũng như ngân hàng có chương trình hỗ trợ khởi nghiệp với nhiều gói không hoàn lại.
Ví dụ, gói hỗ trợ của Cơ quan Việc làm Liên bang Đức với 6 tháng hỗ trợ tài chính cho nhóm sáng lập hoặc của IFB Hamburg (Hamburgische Investitions- und Förderbank) với gói trị giá 75.000 – 150.000 Euro cho những công ty khởi nghiệp, dù mới dừng ở ý tưởng hay đã gọi vốn thành công ở các nhà đầu tư khác.
Theo anh, Đức có nhiều gói hỗ trợ từ khi sản phẩm mới chỉ là ý tưởng, bản kế hoạch kinh doanh cho đến khi hình thành công ty ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Điều quan trọng là công ty khởi nghiệp phải nắm chắc yêu cầu và thuyết phục được các cơ quan, tổ chức chính phủ cũng như ngân hàng Nhà nước.
Vì sao Đức lại hỗ trợ nhiều cho startup vậy?
Anh N.H, một luật sư ở Đức giải thích dưới góc nhìn cá nhân: do Đức có hỗ trợ xã hội cao như hỗ trợ thất nghiệp, hỗ trợ gia đình có con, hỗ trợ việc làm… nên phần nào khiến người dân Đức không lo lắng nhiều về tài chính cuộc sống và có xu hướng sống an nhàn. Để thúc đẩy kinh tế cũng như vốn dĩ quý người tài, các chương trình hỗ trợ tài chính luôn được Đức thúc đẩy cho mọi công ty khởi nghiệp. Các chương trình hỗ trợ cho công ty khởi nghiệp được chia thành hai thể loại bao gồm cho các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn bắt đầu và công ty khởi nghiệp đã đi vào hoạt động được một thời gian.
Khởi nghiệp sẽ dễ dàng hơn nếu được pháp luật bảo vệ
Anh N.H. cũng cho rằng những thuận lợi không chỉ đến từ những gói hỗ trợ khởi nghiệp mà còn thủ tục pháp lý. “Chỉ với 1 Euro bạn có thể lập công ty”, anh nói.
Với mỗi dạng hình thức pháp lý doanh nghiệp khác nhau, yêu cầu về vốn khởi đầu, số người sáng lập và trách nhiệm doanh nghiệp cũng khác nhau. Quan trọng việc thành lập công ty ở Đức không bị ràng buộc nơi cư trú hay quốc tịch nhà sáng lập. Các nhà đầu tư từ Việt Nam đều có thể tham gia. Một lưu ý duy nhất là Giám đốc Điều hành, người đại diện pháp lý cho công ty nên cư trú ở Đức.
Theo anh Long, cũng chính thủ tục pháp lý chặt chẽ khiến thương hiệu “Made in Germany“ có được lòng tin ở người tiêu dùng, vì công ty thành lập tại Đức và chính khách hàng của họ luôn được pháp luật bảo vệ.
2. Khó khăn
Nhà đầu tư Đức nhìn vào giá trị tài sản ròng trong khi nhà đầu tư Mỹ nhìn vào cơ hội thị trường
Từ kinh nghiệm của XtayPro và nhiều công ty khởi nghiệp khác, anh Long cho rằng việc tìm kiếm nhà đầu tư thiên thần ở Đức rất khó. Nếu ở Mỹ các nhà đầu tư chú trọng tính khả thi của ý tưởng, khả năng chiếm lĩnh thị trường và số lượng gia tăng người dùng, thì nhà đầu tư Đức với tính cách chậm và chắc, thứ họ nhìn đầu tiên ở các công ty là doanh thu và giá trị tài sản ròng.
“Quỹ đầu tư của Đức sẽ không bao giờ đầu tư vào một startup ở châu Á. Họ rất ngại đầu tư ra ngoài châu Âu và chúng tôi sẽ không đầu tư nếu chưa nhìn thấy lợi nhuận,“- một thành viên Quỹ đầu tư Đức khẳng định với anh Long trong một sự kiện Startup tại Berlin. Vì vậy, các quỹ đầu tư của Đức sẽ phù hợp với công ty khởi nghiệp đã bước vào giai đoạn Series B và C, đã đi vào hoạt động và có doanh thu.
Khác biệt văn hóa tiêu dùng cũng là một khó khăn
Nếu nói đến sự khó khăn trong khác biệt văn hóa người tiêu dùng, với XtayPro, đó là sự đề cao tính riêng tư và cẩn trọng khi đưa thông tin cá nhân của người Đức. Một trong những tính năng của ứng dụng XtayPro là nhận thông báo từ người giao dịch. Khi cài đặt ứng dụng, người tiêu dùng sẽ nhận được câu hỏi liệu họ có muốn nhận thông báo từ người giao dịch không, nhưng người tiêu dùng Đức thường ấn từ chối chức năng vì sợ bị làm phiền. Nhưng nếu không kích hoạt tính năng này thì người tiêu dùng sẽ bỏ lỡ tin nhắn từ người giao dịch hay người muốn thực hiện giao dịch.
Ngoài ra để kích hoạt tài khoản trên ứng dụng, người tiêu dùng phải đưa ra một số thông tin cá nhân để bảo đảm tính xác thực trong giao dịch. Điều này không phải là dễ dàng với những người đề cao tính bảo mật thông tin như người Đức.
Với câu hỏi “Liệu có khó khăn nào đặc biệt khi là một doanh nghiệp Việt không?”, một doanh nghiệp lĩnh vực Marketing tại Đức chia sẻ điều đó tùy vào lĩnh vực. Chị tâm sự có những doanh nghiệp Việt, để tạo lòng tin với khách hàng Đức, đôi khi họ giấu quốc tịch để bán được hàng. Nếu có hai cửa hàng Đức và Việt cùng bán một mặt hàng, khách hàng Đức sẽ có xu hướng chọn dịch vụ của người Đức vì tin vào chất lượng và phong cách làm việc của người Đức. Nếu họ chọn dịch vụ của người Việt thường nhiều phần vì họ tin giá sẽ rẻ hơn.
Phần 3. Từ du học sinh đi lên khởi nghiệp
Nhiều du học sinh Việt sau khi tốt nghiệp các chương trình học ở Đức nhìn lại quá trình sinh sống của du học sinh phần nhiều ai cũng giống nhau, đó là đi học và đi làm thêm để trang trải chi phí. Những công việc làm thêm có thể là làm bồi cho các nhà hàng Việt hoặc Đức, hay được yêu thích nhất và cũng khó nhất là làm việc cho các công ty đúng với lĩnh vực đang học, dưới dạng việc sinh viên (Werkstudent).
Sau khi tốt nghiệp, để có thể trụ lại được xứ người, phần lớn du học sinh chọn làm cho các công ty tại Đức để có visa ở lại. Vì thế phải đến khi cuộc sống bắt đầu ổn định tại nước ngoài, khi trải qua hết giai đoạn đi học, kiếm tiền và sau đó là kiếm việc, du học sinh Việt mới suy nghĩ đến chuyện khởi nghiệp.
Nhưng theo anh N.H, luật sư tại Đức, không có thời gian chắc chắn để khởi nghiệp. Anh khuyên du học sinh nên bắt đầu khởi nghiệp càng sớm càng tốt, đó có thể là những việc kinh doanh nhỏ, không cần phải một ý tưởng nào đó quá lớn. Nếu như các bạn trẻ đã có ý tưởng khởi nghiệp, các bạn có thể bắt đầu dần ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc khởi nghiệp sớm giúp các bạn trẻ bồi thêm được nhiều kĩ năng cần thiết trong công việc.
Cùng quan điểm, anh Long, đồng sáng lập XtayPro, cho rằng quan trọng là người trẻ phải biết mình muốn gì. Nếu xác định rõ con đường mình muốn đi, các bạn sẽ tìm được cách chuẩn bị cho việc khởi nghiệp.
Một trong những cách khởi nghiệp được ưa chuộng ở Đức đó là một công ty khởi nghiệp được tách ra từ một dự án của viện hay trường đại học. Các bạn sinh viên có thể tìm ý tưởng trong quá trình học tập và làm việc, rồi nói chuyện với giáo sư để xin ý kiến về ý tưởng, hay các bạn có thể tham gia các dự án của trường.
Ngay cả khi làm luận án tốt nghiệp, nếu ý tưởng khả thi các bạn có thể nói chuyện với giáo sư hoặc người phụ trách của mình để nhận được sự hỗ trợ từ chính nơi các bạn đang học hoặc làm việc. Nhiều bạn sau khi tốt nghiệp đã có thể mang ý tưởng của mình để xin nhận hỗ trợ từ các cơ quan hay tổ chức của Đức.
Bài viết được thực hiện bởi Hằng Nguyễn.
Xem thêm:
[Bài viết] Việt Kiều: Người dẫn đầu hay kẻ quá giang?
[Bài viết] A Working Woman: Amy Trần kể chuyện 10 năm tại Silicon Valley