1. Nhiễu loạn thông tin & khủng hoảng lựa chọn
Theo Forbes, mỗi ngày có xấp xỉ 2.5 quintillion (tức 2.5 tỷ tỷ) bytes thông tin được tạo ra, và con số này sẽ còn tăng hơn nữa với sự phát triển của Internet of Things (IoT). Chỉ trong 2 năm vừa qua, chúng ta đã tạo ra 90% tổng lượng thông tin trên toàn thế giới.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đứng thứ 10 trên toàn thế giới về tỉ lệ dân số sử dụng mạng Internet với hơn 60% người Việt truy cập Internet mỗi ngày.
Giữa ngồn ngộn thông tin đó, chúng ta dành phần lớn thời gian để đọc báo và tham gia mạng xã hội. Tuy nhiên, bộ não của con người như một bộ xử lý thông tin và khả năng chắt lọc dữ liệu của chúng ta có hạn. Điều này dẫn đến một thực trạng: thế giới bày trước mắt người trẻ một bàn tiệc của rất nhiều thông tin và lựa chọn. Thay vì chọn cho mình một hướng đi, chúng ta bị choáng ngợp. Chúng ta không thể đưa ra quyết định mà không cảm thấy mình đang bỏ lỡ vô vàn cơ hội khác.
Về mặt công việc, người trẻ Việt đứng trước rất nhiều ngã rẽ. Một người trẻ tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học ra có thể bắt đầu đi làm và thăng tiến dần dần. Hoặc bạn trẻ ấy có thể trở thành freelancer nếu có kỹ năng. Phổ biến hơn, bạn ấy có thể kinh doanh.
Xã hội hiện đại dạy chúng ta rằng bất biết con đường ta đi là gì, ta nên “thành công” và không được hoài phí tiềm năng của mình. Tuy nhiên, người trẻ Việt ở thời điểm hiện tại có thể tìm thấy mình ở một điểm hẫng, khi xã hội không có một “la bàn” phổ quát để định vị con đường tới thành công.
2. Vách ngăn giữa kỳ vọng và thực tế
Trong khủng hoảng thông tin, có hai yếu tố khiến cách người trẻ nhìn thế giới bị sai lệch và đôi khi thiếu chính xác, đó là fake news (tin giả) và pseudoscience (ngụy khoa học).
Fake news là thông tin không chính xác, sai lệch với thực tế, hoặc là sự thật bị bẻ cong. Pseudoscience, nguy hiểm hơn, là những sự thật khuyết thiếu mạo danh khoa học. Chúng ta có thể tìm thấy pseudoscience ở rất nhiều cuốn sách self-help nổi tiếng, và kể cả là ở những bài TED Talks nhiều triệu views.
Thông tin khi được dẫn dắt bởi số liệu và nghiên cứu khoa học thường được mặc nhiên là đúng, dù đôi khi những con số và thông tin đó không hề xác tín theo tiêu chuẩn của khoa học. Vì lẽ đó, những câu chuyện ta đọc về những người thành công không những không trọn vẹn, mà chúng còn có thể truyền tải đi một thông điệp bị đơn giản hoá quá mức về cách thế giới vận hành. Có không ít bạn trẻ bỏ học với lý do, “Bill Gates cũng bỏ học mà vẫn thành công.”
Song, làm thế nào để nào để thành công khi chúng ta còn chưa quyết định được rằng thành công, với cá nhân mình, nghĩa là gì? Những “cổ tích” thành công nuốt chửng năng lực tự kiến thiết ý niệm về thành công của người trẻ, trong đó có người trẻ Việt. Chúng ta sống giữa những kỳ vọng về thành công không được xây nên từ thực tế. Trên thực tế, chúng ta vẫn chưa biết mình nên bước tiếp về hướng nào.
3. Hễ đi là đến, nhưng phải đi trước đã
Nếu những “cổ tích” thành công nên dạy ta điều gì, chúng không nên dạy ta rằng ta phải thành công. Chúng nên dạy ta rằng người thành công luôn ở một điểm rất xa và rất khác với vị trí họ đứng lúc ban đầu. Phần lớn thời gian, khoảng cách đó đều không thể lên kế hoạch chi li và chính xác từng chút một.
Giám đốc Sáng tạo Dzũng Yoko từng là một nhà thiết kế đồ họa rất lâu trước khi đến với thời trang. Anh chia sẻ, “Nếu các bạn vẫn đang “lạc lối”, […] hãy bắt tay vào làm bất kỳ công việc nào bản thân có khả năng. […] Sau một thời gian va chạm với nghề, va chạm với đời, các bạn sẽ nhận ra đâu là ngành nghề phù hợp với mình. ”
Trong khủng hoảng lựa chọn, người trẻ dễ gò ép mình vào suy nghĩ rằng lựa chọn đúng thì mới có nghề “đúng”; vô hình trung không thể đưa ra lựa chọn, vì sợ chọn “sai”. Thực chất có phải vậy không? Nếu thời trang là điểm đến định mệnh của Dzũng Yoko, thì thiết kế đồ hoạ có phải một bước đi sai? Không, đó là một bước đi, bước đệm của anh tới một điểm đến cao hơn. Bởi mọi việc chúng ta làm đều chuẩn bị chúng ta cho bước đi kế tiếp. Trong quá trình làm việc một cách tận tâm và bền bỉ nhất, chúng ta sẽ hiểu hơn về thế giới, và trên hết, là hiểu hơn về mình.
Sự nghiệp đôi khi là khai phá những điều chúng ta biết là chúng ta chưa biết, đạt được những ước mơ ta chưa từng mơ, hay đặt chân đến những đích đến chưa từng có trong kế hoạch.
Nên hãy chọn điều đúng và hợp lý nhất ở thời điểm hiện tại. Hãy đi trước khi biết chắc chắn rằng bước đi này là “hoàn hảo” và đúng nhất. Giữa ngồn ngộn thông tin và “bàn tiệc” lựa chọn, đừng chờ thêm một bài báo hay một TED Talk nào để giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn.
Thành công không được quyết định bởi một cú nhảy xa, mà là bởi nhiều bước đi nhỏ nhưng vững vàng. Đừng nghĩ rằng bạn đi những bước đi giống Steve Jobs, bạn sẽ thành Steve Jobs. Hãy đi những bước đi của riêng bạn, và bạn sẽ trở thành bạn.
Điều quan trọng là, phải đi trước đã.
Bài viết được thực hiện bởi Dương Quỳnh Anh.