Bạn đã nỗ lực, phấn đấu không ngừng để có được công việc như mong muốn. Nhưng khi mọi thứ trong tầm tay, bạn có rơi vào suy nghĩ: “Liệu mình có thực sự thấy hạnh phúc với công việc này không? Và bước tiếp theo trong sự nghiệp của mình sẽ là gì?”
Vài năm trước, mình cũng từng rơi vào giai đoạn khủng hoảng và không ngừng hoài nghi: "Phía sau ước mơ là gì?" Bởi sau khi đạt được công việc trong mơ là tiến sĩ giáo dục, mình không hề có kế hoạch cho bước tiếp theo.
Tuy nhiên, may mắn là trong giai đoạn đó, mình đã được tham gia một chương trình đào tạo dành cho giáo sư ở Mỹ và biết tới một bài tập đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn của mình về sự nghiệp. Cả đồng nghiệp của mình cũng đạt được những thay đổi tích cực tương tự.
Vậy nên, sau hơn một năm thực hành và trải nghiệm, mình muốn chia sẻ lại với các bạn về phương pháp này.
Bài tập: Cuốn sách sự nghiệp
Để thực hiện bài tập này, bạn hãy chuẩn bị một chỗ ngồi yên tĩnh, giấy và bút, cùng một chiếc đồng hồ bấm giờ đếm ngược 15 phút. Việc dùng giấy và bút thay vì thiết bị điện tử sẽ giúp bạn có thể tập trung tối đa. Và ngay sau đây, hãy bắt đầu suy nghĩ và viết ra những dòng tâm tư chân thật nhất.
- Bước 1: Hãy tưởng tượng sự nghiệp của bạn như một cuốn sách nhiều chương. Nếu sự nghiệp không phải là một đường thẳng mà là một cuốn sách nhiều chương, bạn sẽ viết như thế nào? Hãy xem bạn là tác giả của chính cuộc đời mình.
- Bước 2: Viết dàn ý cho các chương hiện tại và tiếp theo của sự nghiệp. Mỗi chương tương ứng với 5 năm làm việc. Bạn nên ghi rõ khung thời gian và số tuổi tương ứng. Ví dụ: Chương 1 là từ năm 2024 đến 2029, khi bạn 34-39 tuổi.
- Bước 3: Đặt tiêu đề cho từng chương. Mỗi tiêu đề nên thể hiện chủ đề chính trong 5 năm đó. Ví dụ: "Đặt nền móng cho sự nghiệp."
- Bước 4: Miêu tả chi tiết từng chương. Hãy viết một số dòng miêu tả càng cụ thể càng tốt về vị trí công việc, mức lương, nơi ở, và cảm xúc của bạn trong từng giai đoạn.
3 Câu hỏi "review sách"
Sau khi hoàn thành bài tập, hãy nhìn vào những nội dung mình đã viết và tự hỏi thêm một số câu hỏi khai vấn để hiểu hơn về bản thân và từng chương trong sự nghiệp của mình.
Đâu là chương khiến bạn hạnh phúc nhất trong sự nghiệp? Và nó nói lên điều gì về triết lý sống của bạn?
Đối với mình, chương sách mang lại hạnh phúc nhất là khi mình đạt được tenure – vị trí biên chế tại trường đại học và chức danh Phó Giáo sư bậc 2 trở lên. Lý do là tenure mang lại sự ổn định và giảm áp lực nghiên cứu. Hiện tại, mình đang là Phó Giáo sư bậc 1, và nếu không hoàn thành đủ số lượng nghiên cứu trong 6 năm đầu, mình có nguy cơ mất việc – một áp lực mà hầu hết các giáo sư trẻ tại Mỹ đều trải qua.
Hạnh phúc với mình gắn liền với cảm giác an toàn và ổn định. Hơn nữa, công việc hiện tại chính là công việc mơ ước mà mình muốn làm cho đến cuối đời nên mình không muốn đánh mất nó. Còn với bạn, hạnh phúc có thể mang ý nghĩa khác là được mạo hiểm, không ngừng thay đổi và thử thách bản thân trong những môi trường, công việc mới.
Bạn cần làm gì ở thời điểm hiện tại để tiến tới chương sách hạnh phúc?
Với mình, chìa khóa để mở cánh cửa tới chương hạnh phúc nằm ở khả năng giao tiếp tiếng Anh. Không chỉ là nghe, nói, đọc, viết thông thường, mà còn phải tiệm cận hoặc thậm chí hơn cả người bản xứ về khả năng diễn đạt kiến thức chuyên sâu một cách sắc sảo và uyển chuyển.
Để làm được điều này, mình cần tập trung cải thiện cách sử dụng ngôn ngữ học thuật trong giảng dạy và nghiên cứu. Cùng với đó là kỹ năng diễn thuyết để chứng tỏ được chuyên môn của mình và truyền tải ý tưởng rõ ràng, thuyết phục người nghe.
Điều gì bạn cần buông bỏ để hành trình sự nghiệp nhẹ nhàng hơn?
Sau khi làm bài tập này, mình nhận ra rằng ở cả hiện tại lẫn tương lai, điều mình thực sự mong muốn là tiếp tục vai trò của một học giả – người chuyên tâm vào nghiên cứu và giảng dạy. Những vị trí quản lý như trưởng khoa hay hiệu trưởng, dù hấp dẫn, không phải là đích đến mà mình muốn theo đuổi.
Nhờ đó, quyết định buông bỏ các cơ hội dẫn đến vai trò quản lý mang lại cho mình cảm giác nhẹ nhõm, giúp mình tập trung hơn vào mục tiêu đã đặt ra. Khi không còn phải gánh trên vai những áp lực không phù hợp, mình cảm thấy tự tin hơn trong việc chèo lái hành trình sự nghiệp theo cách riêng.
Vậy nên, nếu bạn cũng đang cảm thấy áp lực bởi những kỳ vọng không thực sự phản ánh giá trị cá nhân như phải làm sếp, đạt vị trí cao, hay leo nhanh trên nấc thang sự nghiệp… hãy thành thật với chính mình và dũng cảm buông bỏ chúng. Sự thành thật ấy sẽ là yếu tố then chốt để bạn thực hiện phương pháp này một cách hiệu quả và giúp bạn tìm thấy hạnh phúc trọn vẹn trong công việc.
Kết
Sự nghiệp không chỉ là một đích đến mà đúng như tên gọi của bài tập “sự nghiệp như một cuốn sách nhiều chương”, nó đòi hỏi chúng ta cần liên tục điều chỉnh, nhìn lại và chuẩn bị cho những bản thảo tiếp theo.
Vậy nên, thay vì vội vã chạy theo những kỳ vọng bên ngoài, hãy bước chậm lại, lắng nghe bản thân và can đảm buông bỏ những điều không còn phù hợp. Hãy viết nên những chương tiếp theo của sự nghiệp với niềm tin rằng bạn xứng đáng với một hành trình vừa ý nghĩa, vừa nhẹ nhõm. Bởi câu chuyện sự nghiệp của bạn, suy cho cùng, chỉ thực sự trọn vẹn khi chính bạn là tác giả.