5 Cách AI âm thầm hiện diện trong cuộc sống ta mỗi ngày | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 11, 2023

5 Cách AI âm thầm hiện diện trong cuộc sống ta mỗi ngày

Nhờ đâu mà news feed Facebook chỉ toàn nội dung bạn muốn xem? Shopee Lazada làm gì mà hiểu rõ gu thời trang bạn đến vậy?
5 Cách AI âm thầm hiện diện trong cuộc sống ta mỗi ngày

Nguồn: Pexels.

AI không phải là công nghệ chỉ có các chuyên gia trong ngành mới tiếp xúc, nó đang hiện diện quanh ta và định hình cuộc sống của mỗi công dân ở thời đại số.

Bạn có biết, thực ra chú xe ôm Grabbike bạn đi hằng ngày cũng đang sử dụng AI, đồng nghiệp bạn dùng AI, và chính bạn cũng dùng AI mỗi giây mỗi phút mỗi ngày. Về căn bản AI xuất hiện trong mọi mặt đời sống chúng ta, giúp định hình cuộc sống con người để mọi quy trình diễn ra nhanh chóng, tiện nghi, và hiệu quả hơn.

Chúng ta đã âm thầm dùng AI (mà không hề hay biết) như thế nào? Cùng điểm lại 5 khía cạnh cuộc sống rất thường nhật, nơi ta “vô tình” sử dụng AI nhé.

1. AI ở xe công nghệ (Ride-hailing): Đường về nhà từ xa hóa gần

Bạn đang lo bị kẹt cứng giữa giờ cao điểm ở Hà Nội? Các app như Be, Grab hay GoJek sẽ đưa ra lộ trình thông minh tránh các điểm kẹt, hoặc dự đoán “giờ cập bến” dựa trên mức độ nghiêm trọng của kẹt xe. Tất cả đều là dữ liệu cập nhật liên tục theo thời gian thực tế (real-time data).

alt
AI giúp xe ôm công nghệ tiết kiệm tối đa thời gian và nhiên liệu, bằng cách gợi ý lộ trình ngắn nhất trong giờ cao điểm | Nguồn: GETTY IMAGES.

Nhờ AI với lộ trình rút gọn tối thiểu, tài xế vừa tiết kiệm xăng xe và chi phí khấu hao, khách hàng cũng tiết kiệm khoản tiền bỏ ra. Thống kê cũng chỉ ra những đoạn đường rút ngắn trên xe công nghệ đã giúp doanh nghiệp giảm từ 10% - 30% chi phí.

Thành phố càng đông dân với dịch vụ xe công nghệ nở rộ, lại càng tiết kiệm nhiều hơn đến hàng triệu đô nhờ ứng dụng AI.

2. AI trong mạng xã hội: Thích news feed gì, AI thiết kế nấy

Không phải tự nhiên mà bạn cầm điện thoại lướt Facebook chơi 2 phút rồi dính ở đấy tận… 2 tiếng. Thuật toán AI ở Facebook, Instagram hay Youtube đã khiến news feed bạn trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Mục đích để giữ thời gian truy cập (time on site) của bạn càng lâu càng tốt. Đó là lý do AI được phát triển để “học” hành vi khách hàng.

alt
Tab "khám phá" trên Instagram - nơi hiển thị chính xác "gu" của bạn dựa trên nội dung bạn hay xem, kiểu account bạn tương tác | Nguồn: Later.com.

Thuật toán AI sẽ âm thầm ghi chép lại lịch sử like, comment, share, và ngay cả thời gian bạn ngừng lại để đọc mỗi bài viết dài hay ngắn. Thời gian càng dài chứng tỏ bạn càng hứng thú với nội dung đó. Bằng dữ liệu thu thập được từ “gu” đọc của bạn, AI sẽ đưa ra thiết kế news feed chỉ dành-cho-riêng-bạn.

Không khó để xây dựng một môi trường mạng xã hội như ý. Bạn chỉ cần tương tác với đúng người, đúng loại nội dung để “dạy” AI hiểu bạn.

3. AI khi mua sắm online: Tư vấn viên âm thầm cho “gu” của bạn

Đây là khi bạn bỏ vào giỏ hàng một mẫu quần áo và Shopee lập tức giới thiệu bạn hàng loạt các thiết kế quần áo khác y hệt. Recommendation engine (công cụ gợi ý) của AI đã giúp thương mại điện tử tối ưu hành trình mua sắm khách hàng như thế.

AI sẽ ghi lại lịch sử mua hàng, các món trong giỏ, ngay cả review và bình luận của bạn, để dự đoán nước đi kế tiếp xem bạn nên mua gì.

alt
AI ưu tiên cho bạn nhìn thấy thứ bạn muốn thấy, giữa 1000 sản phẩm khác nhau trên app thương mại điện tử | Nguồn: Asendia.

Nhờ AI, bạn có thể đáp ngay vào sản phẩm ưng ý khi mua sắm, mà không tốn nhiều thời gian tìm hiểu. Mọi dữ liệu được cập nhật thức thời. Nghĩa là nếu bạn đang tra laptop bỗng chuyển sang tìm sổ tay - 2 ngành hàng hoàn toàn không liên quan, thì AI vẫn cập nhật liên tục để ra gợi ý sổ tay cho bạn.

Amazon và eBay cũng là 2 ví dụ điển hình đã áp dụng thành công AI vào phục vụ khách hàng trên thương mại điện tử.

4. AI dịch thuật: Google Translate vận hành thế nào?

Google Translate cũng là một ví dụ điển hình của AI, đã và đang “thông minh” hơn theo thời gian cải tiến.

Cụ thể, Google Translate áp dụng một công nghệ mang tên Neural Machine Translation (NMT) sử dụng mạng lưới thần kinh nhân tạo để cải thiện chất lượng và độ chính xác của bản dịch.

Mục đích của công nghệ này giúp bản dịch linh hoạt và thông minh hơn theo từng giọng văn, ngữ cảnh, và đối tượng được nhắc đến. Đây cũng là phương pháp tiến bộ đáng kể so với các máy dịch truyền thống.

5. AI smartphone: Chụp hình thông minh cho dân không chuyên

Nếu bạn sử dụng iPhone, đã bao giờ bạn thắc mắc chế độ HDR chụp ảnh có ý nghĩa gì? Nó hơn gì những bức ảnh thông thường?

alt
iPhone 15 ra mắt | Nguồn: Reuters.

HDR trong iPhone là viết tắt của High Dynamic Range, là tính năng thông minh giúp camera xác định độ sáng tối ưu nhất cho từng phân cảnh. Nhờ HDR, khung hình của bạn được phơi sáng đúng nơi đúng chỗ, giữ cho các bức ảnh iPhone màu sắc chân thật nhất ngay cả khi chụp hình ở điều kiện khó khăn.

Ngoài HDR ta còn có Night Mode hỗ trợ chụp hình trong điều kiện thiếu sáng, và Portrait Mode xóa phông với AI giúp iPhone tách bạch chủ thể chính và phông nền.

Với sự hỗ trợ đắc lực từ AI, ngay cả dân tay ngang vẫn biết cách cho ra ảnh chụp điệu nghệ với cân bằng sáng - tối. Đó là lý do một số người trẻ đã bắt đầu kiếm tiền freelance qua… chụp ảnh bằng iPhone thay cho máy ảnh cơ chuyên nghiệp. AI giúp việc chụp ảnh trở nên tối ưu, tiện lợi và thân thiện với mọi đối tượng người dùng.

Đến đây chắc hẳn bạn đã nắm một số khái niệm về cách AI gắn liền với cuộc sống chúng ta. Không cần phải là chuyên gia đầu ngành, bất kỳ một cá nhân nào cũng đã và đang sử dụng AI mỗi ngày. AI đã và đang định hình một tương lai mới cho nhân loại như thế.

Còn bạn, có đang dùng AI trong tất cả 5 khía cạnh này?