6 Nhận định của Đặng Hải Hà về hành trình mang motion design Việt ra thế giới | Vietcetera
Billboard banner
23 Thg 10, 2021

6 Nhận định của Đặng Hải Hà về hành trình mang motion design Việt ra thế giới

Tìm hiểu về ngành thiết kế đồ họa chuyển động - motion graphic design và hành trình làm việc tại môi trường quốc tế qua chia sẻ của Đặng Hải Hà.
6 Nhận định của Đặng Hải Hà về hành trình mang motion design Việt ra thế giới

Anh Đặng Hải Hà. | Nguồn: Vietnam Halography.

Nội dung bài viết tổng hợp từ podcast Halo Radio, thuộc khuôn khổ Vietnam Halography 2021. Nghe đầy đủ buổi nói chuyện cùng Đặng Hải Hà và các chuyên gia khác về Graphic Design, UI.UX, Illustration và sự chuyển đổi của Văn hóa Việt Nam tại Spotify, Apple Podcast, Anchor, YouTube của Vietnam Halography.


Những năm trở lại đây, video vẫn giữ ngôi vương là nội dung số được tiêu thụ nhiều nhất. Theo khảo sát, có 45 triệu người Việt đang xem YouTube thường xuyên. Và mỗi người Việt trung bình dành 1 tiếng/ngày để xem các video trên mạng xã hội, đặc biệt là các video ngắn.

Video đang thống trị giải trí, thống trị quảng cáo, và cũng đang thúc đẩy ngành thiết kế sáng tạo thay đổi. Thị giác chúng ta đã quen với các chuyển động, do đó thiết kế không thể chỉ là những hình ảnh đứng yên nữa. Đó là lý do ngành thiết kế đồ họa chuyển động - motion graphic design (motion design) đã và đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Với motion design, bạn không chỉ tạo ra những hình ảnh đẹp, mà còn là những hình ảnh chuyển động đẹp, với màu sắc, ánh sáng, âm thanh biến đổi theo nhịp điệu để kể một câu chuyện, hoặc thể hiện cảm xúc, concept riêng.

Tại Việt Nam, motion design bắt đầu phát triển mạnh từ 5 năm trở lại đây. Có nhiều những đội ngũ tạo ra những sản phẩm có tiếng vang trên trường quốc tế, hứa hẹn một cánh cửa để nhân tài Việt Nam vươn ra khỏi biên giới. Thế nhưng sẽ có thử thách gì khi chúng ta đặt chân vào thị trường quốc tế?

Cùng đọc chia sẻ của anh Đặng Hải Hà, executive creative director tại Balance studio, một motion designer/doanh nhân đã có kinh nghiệm học hỏi và làm việc tại nhiều môi trường quốc tế.

1. Ngoài tư duy và kiến thức thị giác, designer còn cần phải học cách phục vụ khách hàng

Ngoài những tư duy về thiết kế, thì việc hiểu về kỹ thuật cũng khá quan trọng. Điều khó ở đây là các phần mềm thay đổi hàng ngày, và việc cập nhật thường xuyên là rất cần thiết.

Một thứ nữa, không chỉ riêng với motion design mà còn với tất cả những ai làm trong ngành dịch vụ, là hiểu về phong cách làm dịch vụ, hiểu về cách chăm sóc khách hàng. Đây là thứ Hải Hà không thấy có nhiều trường lớp dạy thiết kế nhắc đến. Nhưng đây lại là yếu tố mà những designer sẽ gặp phải rất nhiều, và cần trau dồi để có thể phát triển tốt trong ngành.

2. Người làm sáng tạo trong môi trường quốc tế cũng cần có nhận thức tốt về các nền văn hóa khác nhau

Việc bước chân ra thế giới không khó với các motion designer tại Việt Nam, nếu như bạn có đủ các công cụ. Theo tiêu chí của Hải Hà, những công cụ đó bao gồm: giỏi nghề - đây là điều mặc định. Ngoài ra là khả năng trình bày ý tưởng, giải pháp. Với cương vị dẫn đầu, khi Hải Hà giao cho ai đó giải quyết vấn đề của khách hàng, anh cần thấy được khả năng truyền tải quan điểm của người đó.

Một điều không thể thiếu khác là khả năng ngôn ngữ, cụ thể là tiếng Anh. Nhưng việc hiểu tiếng ở một mức độ căn bản là một chuyện, mà trao đổi với khách hàng sao cho dễ hiểu lại là chuyện khác. Khi làm với những khách hàng khác nhau ở châu Âu, châu Mỹ, hay một nước châu Á khác như Singapore, Hải Hà vẫn cần tìm những bạn quản lý dự án có thể kết nối gần gũi với khách hàng. Một designer cũng cần có một nhận thức nhất định về các nền văn hóa của những người đối diện.

Trong quy trình làm việc của Hà và cộng sự luôn có bước nghiên cứu thị trường, và cần nghiên cứu rất kỹ. Vì đội ngũ cần biết được tính văn hóa của dự án như thế nào rồi mới đưa ra giải pháp phù hợp. Đó là lý do mà khi làm một sản phẩm, Hải Hà cần phải lựa chọn người “đạo diễn” phù hợp cho sản phẩm đó. Người đạo diễn có sự liên kết về văn hóa càng chặt, thì giải pháp họ đưa ra càng hiệu quả, dễ thuyết phục khách hàng hơn.

3. Tư duy sính ngoại vẫn phảng phất trong bầu không khí của các nước châu Á

Tư duy sính ngoại thật ra không chỉ có ở VN, mà còn ở rất nhiều những nước châu Á khác như Trung Quốc, Hồng Kong, Singapore dù ít hay nhiều. Đôi khi chất lượng sản xuất cũng như nhau, nhưng về cái nhìn của khách hàng thì có gì đó khác biệt.

Về mức độ sáng tạo và kĩ thuật sản xuất, thì châu Á chúng ta không thua kém quá nhiều. Chúng ta vẫn đang đi rất nhanh, nhưng rào cản hiện tại là sự chín chắn về kinh nghiệm. Vì chúng ta vẫn còn rất mới, nên chưa có nhiều sản phẩm để chứng minh, trong khi ở phương Tây đã làm điều này rất lâu rồi.

Hải Hà lấy ví dụ với Singapore, dù là một quốc gia châu Á đã cởi mở và hội nhập bậc nhất, thì vẫn có sự so sánh. Khi đội ngũ của anh cần đối đầu với một đơn vị phương Tây, họ cũng cần một cách tiếp cận và sự tự tin khác.

4. Bạn cần trải nghiệm, để biết được mình hợp với kiểu môi trường làm motion design nào

Các nhà tuyển dụng quốc tế không quan tâm bạn tới từ đâu, miễn là bạn tạo ra giá trị cho họ. Vì vậy, ngoài cần hiểu rõ về những vấn đề liên quan như ngôn ngữ, văn hóa, các thủ tục giấy tờ để làm việc ở nước ngoài, thì điều quan trọng nhất là bạn cần nắm rõ mình sẽ muốn làm việc trong môi trường thế nào.

Vì motion design có tính ứng dụng rộng, nên bạn có thể làm tại các agency, hoặc có thể làm tại các studio sáng tạo. Nếu làm agency thì người thiết kế sẽ phải làm việc với ý tưởng rất nhiều, đồng thời tương tác với những designer khác. Đôi khi thời gian họ thực sự vận dụng kỹ năng, thử nghiệm các kỹ thuật sẽ không được nhiều như tại những studio sáng tạo. Với các studio, phần lớn job nhận về đã có định hướng sẵn, và người làm chỉ cần triển khai. Và chúng ta sẽ có nhiều thời gian để đào sâu hơn về nội dung đấy.

Nếu làm freelance thì cũng không quan trọng lắm bạn ở nước nào, miễn là bạn theo được múi giờ của đối tác. Đối với các bạn freelancer thì có lẽ portfolio là thứ gây ấn tượng nhiều nhất: bạn trình bày bản thân và kinh nghiệm của mình ra sao để thuyết phục khách hàng. Và dù làm freelancer, thì công việc cũng đòi hỏi bạn có khả năng giao tiếp và hợp tác khi cùng làm việc với những người khác trong dự án lớn. Mà mỗi team bạn làm, sẽ lại có một kiểu năng lượng, phong cách khác nhau.

5. Về tổng quan, designer Việt Nam luôn cầu tiến và ham học hỏi

Là một người đã có nhiều kinh nghiệm tuyển dụng, tìm kiếm tài năng, Đặng Hải Hà cũng có một số nhận định chung về các bạn designer tại Việt Nam.

Theo Hà, những designer ở VN có một nguồn năng lượng rất tích cực; làm việc không ngại khó, ngại khổ. Điều đó còn được cộng hưởng bởi khả năng tiếp thu tốt: khi đón nhận feedback từ khách hàng, các bạn luôn lắng nghe và cải thiện rất nhanh. Hải Hà nghĩ đây là một điểm sáng và nên được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Có một thứ, không hẳn là tiêu cực, nhưng là một khoảng cách về tốc độ làm việc của các bạn Việt Nam và các thị trường khác, vì mỗi thị trường khác nhau lại có một nhịp làm việc khác nhau. Thế nhưng khoảng cách này đang ngày càng thu hẹp theo nhận định của Hải Hà.

6. A.I sẽ thúc đẩy và đem đến những thay đổi lớn cho ngành motion design trong tương lai gần

Dù không có những phỏng đoán quá xa, nhưng theo Hải Hà, trong 2 năm tới, A.I sẽ tác động nhiều vào quá trình sản xuất và triển khai của motion graphic. Ví dụ như deepfake, đây là công nghệ sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất, trình diện chuyển động khuôn mặt.

Anh cũng lấy thêm ví dụ về một công nghệ đã được áp dụng ở các studio làm animation lớn là hệ thống motion-catcher. Bình thường, để làm nên những khung hình chuyển động, thì cần làm trong phần mềm với thế giới 3d. Với công nghệ này, người đạo diễn chỉ cần đi lại trong một không gian, cầm một thiết bị để tạo ra những cú di chuyển camera rất sống động, mà chỉ có thể tạo ra khi cơ thể chuyển động một cách vật lý.

Vietnam Halography là lễ hội thường niên lớn nhất của cộng đồng thiết kế sáng tạo tại Việt Nam.

Năm nay, với chủ đề “On Stage ‘n Chill", Halography cho mỗi nghệ sĩ sáng tạo cơ hội “chill” và cất lên tiếng nói của mình.

Ngoài giải thưởng Halo Dot và cuộc thi Halo Race, chương trình năm nay có Halo Radio - chuyện trò về hành trình sáng tạo của khách mời nổi bật trong ngành, và Halo Talk - bàn tròn hé mở bí ẩn ngành nghề từ chuyên gia hàng đầu của các lĩnh vực.

Theo dõi chương trình qua fanpage: Vietnam Halography