A Working Woman: Bản sắc Trác Thúy Miêu | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
24 Thg 10, 2019

A Working Woman: Bản sắc Trác Thúy Miêu

"Chị sợ hãi quá nhiều thứ trong đời nên chị tập được cách tách một phần bản ngã của mình ra khỏi nỗi sợ," MC, nhà báo Trác Thúy Miêu nói về những cuộc độc thoại của chị. Cùng Vietcetera nghe những câu chuyện đời chỉ Trác Thúy Miêu mới biết.

A Working Woman: Bản sắc Trác Thúy Miêu

A Working Woman: Bản sắc Trác Thúy Miêu

“Trong một xã hội lý tưởng, chị sẽ không phải là một người làm báo hay nhà văn, mà chỉ là một người bình thường. Xã hội của chúng ta mới bất thường, vì chúng ta viết ít quá,” Trác Thúy Miêu nói với tôi về sự viết.

Từ thời trang, báo chí, tới sân khấu, Trác Thúy Miêu say sưa với nghệ thuật và truyền thông đã hơn hai thập kỷ. Đối với tòa soạn chúng tôi, Thúy Miêu vừa là người chị, vừa là bậc thầy. Vietcetera nương vào lớp người trầm ngâm, thấu đáo như chị để tìm lại một nền tảng văn hóa làm chất liệu cho Việt Nam mới. Cùng chúng tôi lắng nghe những trải nghiệm và bài học cuộc đời chỉ Trác Thúy Miêu mới biết.

Chị đã đến với truyền thông như thế nào?

Chị bản năng, ngẫu hứng, và tùy duyên. Truyền thông xảy ra với chị, chứ chị không đến với nó.

Bản sắc Traacutec Thuacutey Miecircu
Bản sắc Trác Thúy Miêu: bản năng, ngẫu hứng, tùy duyên.

Điều gì khiến chị nổi bật trong nhiều lĩnh vực khác nhau?

Khi chị là một vũ công và huấn luyện viên dancesport, thế mạnh của chị là nghiên cứu lý luận. Nhưng trong những nhà nghiên cứu, chị là người có đôi chân dài nhất.

Đến một chiếc cúc áo chị cũng không biết đơm, nhưng em không cần phải biết đơm cúc để chứng minh rằng áo dài không nhất thiết phải yểu điệu và màu tím. Chị tham gia thiết kế thời trang với tư cách một nhà thẩm mỹ văn hóa. Trong các nhà hoạt động văn hóa, chị lại là người duy nhất vẽ đẹp.

Khi làm báo, chị viết theo văn phong tiểu thuyết. Khi viết tản văn, chị viết như một ký giả, tức đào sâu cội nguồn vấn đề với đầy đủ dữ liệu.

Chị không phải một nhà chuyên môn trong bất cứ lĩnh vực nào, nhưng chị có thế mạnh riêng. Và thế mạnh đó rất ồn ào, kỳ cục, đâm ra chị thành nổi bật.

Ai là người thầy có ảnh hưởng đến chị nhất?

Chị gặp rất nhiều vị thầy, những người cho chị kiến thức và kinh nghiệm, nhưng một người dẫn dắt xuyên suốt thì chị không có. Chị chỉ có định hướng và động cơ sống sâu sắc nhất từ ba chị.

Chị không biết nhiều về cuộc đời của ba. Chị sinh ra thì ba không có ở Việt Nam. Đến năm 16 tuổi, chị bỏ nhà, từ đó liên lạc với ông cũng rời rạc. Chị dành rất ít thời gian bên ba, nhưng ông có ảnh hưởng khủng khiếp lên chị.

Ông xây nên một thành trì, đó là chị. Tất cả những gì khác biệt ở chị được kế thừa từ ông: nguyên tắc cá nhân, sự đa cảm, thói quen chiêm ngẫm, sở thích ghiền gẫm triết thuyết đằng sau từ Hán-Việt, hay cả thói sĩ diện. Ông già đặt quá nhiều áp lực vào mọi thứ ông làm, vì cái ý thức mình đang đại diện cho một tập thể – dân tộc tôi, màu áo tôi, dòng máu tôi. Chị cũng thế, chị không thể nhận một dự án nếu chị không phải người làm tốt nhất, hay nếu nhà tổ chức không cho chị ít nhất ba buổi tổng duyệt.

Ba chị mới mất. Ông đi rồi, chị mới nhận ra những thứ chị hãnh diện gọi là ‘kỳ tích’ trong cuộc đời chị, cuối cùng cũng chỉ để lấy được một cái xoa đầu, một lời khen, một sự nhìn nhận từ ba.

Ngay lúc này đây, chị đang làm quen với việc cảm hứng sống duy nhất của mình không còn nữa. Cảm giác như một ngày thức dậy, bỗng không thấy mặt trời đâu nữa vậy. Điều đó khiến chị tự vấn rất nhiều thứ trong hiện tại.

Bản sắc Traacutec Thuacutey Miecircu
“Chị sợ hãi quá nhiều thứ trong đời nên chị tập được cách tách một phần bản ngã của mình ra khỏi nỗi sợ,” Trác Thúy Miêu nói.

Một giá trị mà chị miệt mài theo đuổi?

Ba chị hay nói một câu nhẹ tênh mà nặng trên vai chị cả đời:

“Làm cho nó đàng hoàng, con.”

Đằng sau câu nói đó là một sự tự tôn đến khắc nghiệt. Chân, thiện, mỹ, không lại được một chữ “đàng hoàng”. Nó cá nhân, trừu tượng, và vô biên. Nó dựa trên một giá trị khác, đó là sự sòng phẳng. Tôi nhận được gì, tôi cho lại điều đó. Tôi hưởng ân phúc vì đất nước này, tôi cũng đứng ra chịu khổ vì dân tộc này.

“Đàng hoàng” khác với “tử tế”, một món trang sức nhiều người nổi tiếng khoác lên mình trước máy quay (âu cũng là điều tốt). Tử tế là đôn hậu, dễ thương, tốt bụng. Nhưng tử tế mau lụi tàn. Em có thể thương hại một đứa trẻ, nhưng sự tử tế của em sẽ chùn bước ngay khi đứa trẻ thứ ba ngửa tay ra xin. “Đàng hoàng” đòi hỏi một sự giúp đỡ chu đáo, lý trí và lâu bền hơn, một dự án phát triển cộng đồng, một chiếc cần câu thay vì một con cá.

Chị vĩnh viễn bị cầm tù trong hai tiếng “đàng hoàng” của ba. Để sống trọn hai tiếng đó là cả một sự lao lực.

Một bài học đau thương trong sự nghiệp của chị?

Đó là mùa Solo Cùng Bolero đầu tiên chị dẫn chương trình.

Solo Cùng Bolero là một chương trình mang tính cách mệnh, vì nó trả lại sự chính thống cho những ca khúc trước năm 1975, vốn là một nỗi ám ảnh với chị từ lâu. Để thỏa đáp điều đó, chị dồn một khối lượng thông tin với độ nén rất cao vào lời dẫn: tác giả, hoàn cảnh, khúc thức âm nhạc, những phiên bản đã được ghi âm trước đó… Chị khao khát trả lại danh tánh, kiến thức, và ký ức cho những ca khúc đó. Chị không thể ngừng nói được.

Và mùa đó chị bị ‘ném đá’ không thương tiếc.

Khán giả ghét chị. Họ chửi bới, tấn công chị. Cả đời chị chưa bao giờ cảm thấy nhiều sự hằn học như vậy. Chị cạn lời. Bao nhiêu tình yêu chị đổ vào từng lời dẫn, và đây là thứ chị nhận lại. Chị chỉ muốn tốt, muốn trả lại cho khán thính giả niềm kiêu hãnh về nền văn minh của họ. Tại sao lại ghét chị vậy?

Chị bình tĩnh buộc mình coi lại những tập chị đã quay. Chị nhận ra mình thô lỗ quá. Những thông tin chị dẫn chỉ đang thỏa mãn cơn khát của chị. Chị soạn ra một bàn tiệc mà khán giả không muốn. Họ bị bội thực thông tin, và ói ngược những gì chị cho họ. Thật là một điều ngu xuẩn khi vô tình gián tiếp nói với khán giả, “Các anh chị chẳng biết gì cả, để tôi nói cho mà nghe.”

Bản sắc Traacutec Thuacutey Miecircu
“Ba đi rồi, chị mới nhận ra những thứ chị hãnh diện gọi là ‘kỳ tích’ trong cuộc đời chị, cuối cùng cũng chỉ để lấy được một cái xoa đầu từ ông,” Trác Thúy Miêu tâm sự.

Mùa sau, chị không nói ai sáng tác bài gì, năm nào nữa. Chị kể một câu chuyện, rằng chị gặp một anh chàng bán băng đĩa lậu trên vỉa hè, và anh ta nghêu ngao hát cho chị nghe. Chị len vào một ý nhỏ, rằng tân nhạc cải cách miền Nam được nuôi dưỡng bền bỉ như vậy là nhờ người dân nghèo hát cho nhau nghe. Và văn nghệ phải được nuôi từ trong dân – một thông điệp lớn đằng sau một câu chuyện giản dị. Mùa đó, chỉ số rating của chương trình thuộc top quốc gia, vượt cả VTV.

Chị học được rằng chìa khóa của truyền thông là tiệm cận: khán giả muốn gặp những nhân vật họ thấy hằng ngày, nói những điều họ nghĩ hằng ngày. Họ muốn gặp chính mình trên sân khấu.

Đáng tiếc là sau này chị mới biết đó là bài học cơ bản về truyền thông mà trường đại học nào cũng dạy.

Một điều sự nổi tiếng đã dạy chị?

Tất cả yêu ghét đám đông dội lên mình không nhắm vào cá nhân mình. Họ vỗ tay tán thưởng một vở kịch vì họ thấy mình trong đó. Họ ghét bạn không phải vì bản thân bạn, mà họ ghét điều bạn mang lại hoặc tượng trưng.

Công chúng có thể tấn công bạn bởi những ẩn ức không phải bạn gây ra. Có thể trong họ có một năng lượng hằn học rất lớn không biết thải đi đâu, và những nhân vật, chương trình giải trí như những con búp bê bạo lực lý tưởng cho họ trút năng lượng đó vào.

Con người và đám đông như một quả bom với cấu trúc tinh xảo. Trong quả bom có dây xanh, dây đỏ, có dây kích nổ và có dây vô hiệu hóa, thì trong đám đông cũng có những dây trắc ẩn, hào hiệp, dây hằn học, giận dữ. Là một nhà phát ngôn, nếu không khéo léo và tinh ý, bạn có thể kích hoạt nhầm dây.

Bản sắc Traacutec Thuacutey Miecircu
“Trong quả bom có dây xanh, dây đỏ, có dây kích nổ và có dây vô hiệu hóa, thì trong đám đông cũng có những dây trắc ẩn, hào hiệp, dây hằn học, giận dữ,” Trác Thúy Miêu chia sẻ.

Chị đã vượt qua những gập ghềnh trong sự nghiệp của mình như thế nào?

Chị sợ hãi quá nhiều thứ trong đời nên chị tập được cách tách một phần bản ngã của mình ra khỏi nỗi sợ. Khi chị rơi xuống vực thẳm, vẫn còn một phần của chị đứng trên bờ, nhìn xuống, vừa ghi chép vừa xuýt xoa, “Ôi, tội nghiệp con nhỏ.” Đôi khi cô ta còn phá lên cười trước sự vụng về, yếu đuối của chị. Sự tự ngạo này khiến chị hào hứng trước những khó khăn.

Khi em rơi xuống bờ vực nội tâm, em thấy mình va vào cục này, vướng vào cành kia… Hãy quan sát bản thân mình và cố gắng ghi nhớ tất cả điều đó. Công việc quan sát sẽ giúp một phần của em tách ra khỏi thân thể đang va đập kia, tự trấn an, và nghiên cứu chính mình. Mình phản ứng thế nào khi đang rơi? Đâu là đáy? Điều gì giúp mình lành lại? Những kiến thức này sẽ giúp em sinh tồn ở những lần rơi tiếp theo.

Đi qua đau thương bằng một đường thẳng. Hãy như dòng nước, uyển chuyển, linh hoạt, thích ứng. Dòng nước không thể bị phá vỡ được.