Bình đẳng giới: công cuộc đòi quyền cho cả hai giới | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
11 Thg 08, 2021

Bình đẳng giới: công cuộc đòi quyền cho cả hai giới

Sau đây là chuyện kể của một chàng trai và một cô gái, cùng quá trình phấn đấu trở thành một người đàn ông và một người phụ nữ chính hiệu. 
Bình đẳng giới: công cuộc đòi quyền cho cả hai giới

Bình đẳng giới: công cuộc đòi quyền cho cả hai giới

Gần đây, tôi có buổi phỏng vấn với chị Hằng, giám đốc điều hành của Mạng Lưới Doanh Nghiệp Việt Nam Hỗ Trợ Phát Triển Quyền Năng Phụ Nữ. Nhờ đó, tôi có dịp đào sâu vào chủ đề bình đẳng giới trong môi trường xã hội và doanh nghiệp ở Việt Nam.

Để hiểu về phương trình giới hiện tại của chúng ta, không có gì tốt hơn là lắng nghe những câu chuyện trong đời sống hàng ngày. Sau đây là chuyện kể của một chàng trai và một cô gái, cùng quá trình phấn đấu trở thành một người đàn ông và một người phụ nữ chính hiệu.

#1. Đàn bà và cái nết na

Đây là câu chuyện của bạn tôi, của tôi và nhiều cô gái Việt Nam chính hiệu khác.

Lên bảy tuổi, mẹ tôi quyết tâm rèn rũa tôi thành một cô gái chuẩn nết na

Từ hồi lớp Một, mẹ tôi đã dạy tôi rán trứng, xào rau, nấu cơm sao cho dẻo. Đến lớp 2 là tôi đã nhóm bếp, nấu cơm thoăn thoắt. Đi đâu gặp ai, nếu tôi có hơi vô duyên cười to, hoặc ngồi chân không khép là bị lườm. Con gái con đứa, chả ra cái nết gì cả.

Tôi không thích chơi đồ hàng, tôi chỉ ham đá bóng. Ngày nào, 3 giờ chiều, Nam Hói hàng xóm cũng í ới gọi. Mẹ tôi đã giao nhiệm vụ, 5 giờ chiều mẹ tôi đi làm về là cơm nước phải xong. Vì vậy, tôi bắt đầu nấu cơm, luộc rau từ 2 giờ chiều, ủ cái khăn vào cho ấm rồi lao ra sân.

Ngày hôm đó mẹ tôi về sớm hơn bình thường. Dựng xe đạp trước nhà, thấy cửa khóa. Đi xuống bếp, nồi cơm đã nấu xong, nhưng không thấy tôi đâu. Mẹ tôi chạy qua hàng xóm tìm. Bác Minh nói vọng ra: "Ơ thế không biết à? Chiều nào nó chả đi đá bóng ngoài sân trường tiểu học."

Mẹ tôi tức tốc chạy ra. Một cảnh tượng 'kinh hoàng' hiện ra trước mắt. Cô con gái tóc tém của mẹ, mặc quần đùi, mồ hôi nhễ nhại bắt bóng trước cung thành được xếp bằng 2 cục gạch. Ối giời ơi là giời, về nhà ngay, con gái con đứa, không ra một cái nết gì cả.

Sự nghiệp bóng đá của tôi kết thúc ở đó.

Lớp 6, tôi đã có tí con gái hơn, mái tóc tém giờ đã dài qua vai

Cuối tuần đó, tôi sang nhà bác Thu chơi. Nhà bác Thu có một bộ sô pha bằng da rất đẹp. Anh Hoàng vừa vào đại học năm thứ nhất, đang nghỉ hè về nhà. Tôi ngồi dựa vào tay vịn sô pha, nói chuyện với anh Hoàng về chuyện đi học trên thành phố. Quả thật tôi có tí cảm nắng với anh. Hoàng có một nụ cười tươi, ngồi kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện buồn cười.

Tối hôm đó tôi về nhà, tinh thần nhiều phấn khởi, thì bất ngờ bị mẹ mắng. "Bác Thu vừa kể chuyện, con sang đấy chơi, mà leo lên sô pha nhà bác, thao thao bất tuyệt với thằng Hoàng cả tiếng đồng hồ. Con gái con đứa, đi đâu phải từ tốn dịu dàng, ngồi cho ra cái nết ngồi, nói cho ra cái nết nói. Mày đúng là chả ra một cái nết gì cả."

Tôi buồn mất mấy hôm. Tôi định bụng, bác Thu chắc nghĩ tôi là đứa con gái vô duyên nhất quả đất. Ý nghĩ đó làm tôi muốn đập đầu xuống gối. Sau lần đó, mỗi lần tôi sao nhà bác Thu chơi, có gặp anh Hoàng chỉ chào anh một cái rồi lảng đi luôn.

Trận cảm nắng đầu đời của tôi chợt đổ ụp thành một trận mưa rào.

25 tuổi, tôi đã ra dáng một cô gái chuẩn nết na

Tôi đi đâu cũng để ý ngồi khép chân, cười không quá lố (trừ những lúc ngồi uống bia hồ Tây chém gió với mấy anh bạn thân, suỵt). Bằng cách nào đó, tôi đã học cách làm vừa lòng người lớn.

Mẹ tôi cũng đã 'nhắm' cho tôi một anh. Anh Tân là con Bác Trang là bạn học của mẹ tôi. Trong mắt của hai bà mẹ, chúng tôi là đôi đũa bằng. Trong mắt tôi và anh Tân, anh là cái muôi xúc canh còn tôi là chiếc đũa xới cơm. Tức là bọn tôi hoàn toàn lệch pha. Chúng tôi nói chuyện không được 15 phút thì hết chuyện để nói.

Sau vài năm, anh Tân cuối cùng đã lấy vợ. Hôm nay hai người sang nhà vợ ăn cơm. Tôi mang ít ổi mẹ tôi gửi sang cho bác Trang. Bác nhìn có vẻ sầu lòng:

"Con vợ của thằng Tân chán lắm cháu ạ. Đàn bà mà không biết chăm sóc cho chồng. Thấy đi làm tối ngày mà lương ba cọc ba đồng. Mấy năm rồi không chịu đẻ, không biết có đẻ được không. Hồi đấy mày và thằng Tân có duyên, thì giờ bác đỡ phải đau đầu không"

Tôi ngậm hột thị, đơ ra một một lúc.

Tôi thầm nghĩ: làm phụ nữ chuẩn nết na thôi chưa đủ

Người phụ nữ chuẩn còn biết chăm sóc cho chồng và đẻ con xinh. Người phụ nữ chuẩn cần kiếm ra thu nhập, không dựa dẫm vào chồng mà vẫn có thời gian giành cho gia đình. Có rất nhiều thứ mà một người phụ nữ chuẩn phải gánh trên vai. Thế này, có lẽ tôi không kham nổi làm một người phụ nữ chuẩn rồi.

Tôi đang trằn trọc thì bác Trang nói tiếp:

"Ngày xưa bác làm dâu khổ lắm chứ không sướng như bọn mày. Ngày đầu tiên xong đám cưới, bác một mình, ngồi rửa sạch một mâm đến gần trăm cái bát. Tối muộn, mệt quá, bác lỡ tay đánh vỡ một cái bát, mà mẹ chồng từ trong nhà lao ra quát:

Rửa mấy cái bát cũng làm vỡ. Đàn bà con gái, đúng là chẳng ra cái nết gì cả!"

Chuyện thứ hai là câu chuyện của một cậu con trai và hành trình phấn đấu trở thành đàn ông chính hiệu.

#2. Làm trai khó lắm, phải đâu chuyện đùa

Một bài viết cậu bạn cùng đại học chia sẻ lại cách đây 10 năm, giờ tôi thử tìm tác giả gốc, nhưng không rõ là ai.

Lên năm tuổi, anh bảo tôi: Mày đếch phải con trai vì hay khóc nhè

Tất nhiên là tôi không đồng ý. Từ đó tôi không khóc nữa, cho dù có ngã xầy da, xước đầu gối thì tôi nhất quyết không khóc.

Cũng có lần đi nhổ răng bị tiêm vào lợi đau quá, nhưng tôi chỉ chảy nước mắt thôi chứ không kêu rầm trời như mấy đứa con gái vào trước. Đàn ông con trai mà! Thế rồi tức tốc chạy đi tìm khoe với anh bạn rằng mình đã thành đàn ông như thế nào. Anh cười khẩy, bảo tôi vẫn chưa phải là đàn ông. Phải học toán giỏi hơn bọn con gái thì mới là đàn ông. Từ năm lớp Một, tôi đã lao vào học toán như điên. Đến năm lớp Bốn, tôi giải được những bài toán cải cách mà mấy cậu bạn tôi cũng phải bó tay.

Ấy mà cái môi anh vẫn cứ trề ra mới lạ chứ. Anh bảo: Nếu không biết chơi những trò của con trai thì làm sao gọi là con trai được. Vậy là chương trình phấn đấu để trở thành một thằng con trai thật sự của tôi lại bị thay đổi chút ít. Đến năm học cuối cấp hai, tôi đã có thể song phi cao tới bàn cao quá đầu bọn con trai cùng lớp. Chơi ném lon thì hất tung cái ống bơ sữa bò lên tận đầu phố. Bổ vỡ đôi hơn chục con quay của bọn bạn.

Mặt anh vẫn lạnh lùng: Đàn ông thì phải gánh nước thay bố mẹ chứ.

Ai đời nhà có con trai mà cứ để bố mẹ đêm nào cũng thức đến ba, bốn giờ sáng để kẽo kẹt gánh nước thế bao giờ? Đến khi học cấp III, tôi khoe nhà mình đã lắp đường ống nước Hà Lan, không còn phải gánh nước nữa.

Nhưng, anh bảo tôi vẫn đếch phải là đàn ông. Làm đàn ông thế nào khi mà chưa có bạn gái? Ôi cái sự dễ hiểu thế mà sao tôi có thể quên cơ chứ? Nhưng khốn nỗi, muốn cưa cẩm con nhà người ta thì phải có xe cộ, tiền tiêu đàng hoàng.

Chương trình của tôi được hoạch định gói gọn trong năm năm. Bỏ học đại học, học tiếng Anh cấp tốc để xin việc. Lao vào làm ngày làm đêm, đặng đổi được chiếc xe cuốc cọc cạch thành cái xe máy. Đích đến của tôi đang ngày càng rõ nét...

Đưa thiệp cưới đến nhà ai thì ngại chứ đưa đến nhà anh, thậm chí tôi còn thấy vui là đằng khác.

Anh không hề mất cảm giác: Đàn ông cái con khỉ! Đã có nhà riêng chưa mà đòi làm đàn ông?

Hơ... cái này thì tôi chưa hề nghĩ đến. Vốn đơn giản, tôi định rằng nếu nhà chật thì vợ chồng cứ thuê nhà mà ở chứ cần gì mua. Anh bảo, thế hai mươi năm nữa con cậu nó khoe với bạn nó là bố nó vẫn đi thuê nhà để ở, nhưng vẫn là người đàn ông chân chính à? Ôi trời, sắp có sự vui mà đầu óc tôi vẫn cứ mụ mị cả đi.

Trong đám cưới, tôi vẫn cười để chụp ảnh nhưng ai cũng tưởng chú rể nhớ người yêu cũ nên buồn quá, mặt rầu rầu như có đám. Hai mươi năm lấy nhau là hơn bảy nghìn ngày vợ tôi phải đi ngủ trước để tôi hì hục đến sáng sớm mà làm việc - mọi người gọi là "cày" - để kiếm tiền. Trong nhà, báo về thông tin nhà đất nhiều đến độ, cứ ba tháng một lần, vợ tôi lại gọi hàng đồng nát vào bán.

Cũng đến một ngày, tôi mời anh chị đến mừng tân gia. Ngày mà tôi chắc mẩm anh phải công nhận với tôi rằng trở thành người đàn ông thực sự không phải là điều không tưởng đã đến. Rượu đã ngà ngà, anh giơ cao chén, chúc tôi: Chúc cô chú mau dựng vợ gả chồng cho cháu. Một người đàn ông thực sự phải sớm lo chu toàn cho con mình chứ. Miếng thịt gà trong mồm tôi như nghẹn lại. Không hóc xương nhưng nước mắt giàn giụa đến nực cười.

Đến bây giờ tóc tôi đã muối tiêu, tóc anh đã phải đi nhuộm nhiều lần.

Thỉnh thoảng anh vẫn đến thăm tôi làm vài ván cờ. Thỉnh thoảng anh lại hỏi tôi, thế đã nhắm được cái nhà nào cho thằng cả chưa? Thế đã xin được cho thằng cháu nội đi học mẫu giáo chưa? Thế hai vợ chồng đã định làm gì khi về hưu chưa? Đàn ông, đàn ang thì phải lo lắng được cho con cháu chứ. Tôi thủng thẳng nói, làm đàn ông thế quái nào được hả anh? Lo thế thì lo cả đời. Anh lại cười đắc chí, thế nhé, thành đàn ông thế đếch nào được?(...) Đúng lúc ấy, thằng cháu nội nó mải chạy, vấp ngã lăn ra sân.

Cả hai lão già ngoảnh đầu lạnh te: "Đàn ông con trai thì phải tự đứng dậy chứ nằm đấy mà khóc à?"

Kết: Bình đẳng giới cũng là công cuộc đòi quyền cho đàn ông

Nhiều người nói về bình đẳng giới như một công cuộc đòi quyền cho phụ nữ. Tôi nghĩ bình đẳng giới cũng là một công cuộc đòi quyền cho đàn ông.

Để một người đàn ông làm việc nhà và thay tã cho con được xã hội cổ vũ và tôn trọng. Để một người đàn ông không chỉ được định giá bằng sự giàu có và địa vị xã hội mà anh ta có. Và cũng để một người phụ nữ thành đạt không phải trả giá bằng một gia đình tan vỡ hay người đàn ông của họ bị dán mác là kém cỏi.

Hãy tưởng tượng về một phương trình giới mà người con trai làm hậu phương cho người con gái và người con gái làm hậu phương cho người con trai, để cả hai có thể làm được những thứ mà mình say mê trong cuộc đời.

Và những đứa trẻ lớn lên, có sự đồng hành của cả ba và mẹ. Nhờ đó mà trẻ con được nuôi dạy bằng sự tháo vát của mẹ và sự thông minh của ba, thay vì những bữa cơm gia đình... luôn luôn vắng mặt bố.