Cách thiết kế góc làm việc cho một cột sống bớt áp lực | Vietcetera
Billboard banner
27 Thg 10, 2022

Cách thiết kế góc làm việc cho một cột sống bớt áp lực

Nếu hình dung cột sống là một cọng dây thép, thì nơi làm việc chính là cái khuôn mà chúng ta dùng để định hình cột sống mỗi ngày.
Cách thiết kế góc làm việc cho một cột sống bớt áp lực

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Góc làm việc bố trí phản khoa học ảnh hưởng xấu đến cột sống nhiều hơn bạn tưởng, bởi đó là nơi mà chúng ta dành ít nhất 8 tiếng/ngày để ngồi. Nếu hình dung cột sống là một cọng dây thép, thì nơi làm việc chính là cái khuôn ngày ngày uốn nắn cột sống vào một hình dáng nhất định.

Thế đâu là những điều cần lưu ý để ta không vô tình biến góc làm việc trở thành cái “khuôn lỗi” cho cột sống? Những yếu tố nào tạo nên góc làm việc “chuẩn khoa học”?

1. Bàn-ghế: Cách kiểm tra độ cao “chuẩn”?

Ở Việt Nam chiều cao của bàn tiêu chuẩn là 75cm và thường không thể điều chỉnh độ cao. Tuy nhiên chiều cao, lẫn độ dài lưng và chân của chúng lại rất đa dạng.

Để kiểm tra, khi ngồi làm việc (gõ phím, viết, đọc,...) hãy để ý xem cánh tay và cẳng tay của chúng ta đang tạo thành góc 90 độ hay không.

Nếu góc nhỏ hơn 90 độ nghĩa là bàn đang cao quá, điều này sẽ khiến chúng ta có xu hướng đẩy vai lên cao để hỗ trợ, đây chính là một trong những yếu tố tạo nên tư thế rụt cổ. Nếu bàn đã cố định, chúng ta có thể sử dụng một chiếc ghế có thể điều chỉnh độ cao để khắc phục.

alt
Cánh tay và cẳng tay cần tạo thành góc 90 độ.

Nhắc đến ghế, bạn cũng hãy lưu ý đến góc tạo bởi đùi và đầu gối khi ngồi. Tối ưu sẽ là góc 90 độ và chân nên chạm đất. Nếu để đạt được chiều cao phù hợp với bàn mà chân lại không chạm đất thì chúng ta có thể sử dụng kèm bàn kê chân để khắc phục.

2. Kê màn hình đúng để tránh tư thế “cổ rùa”

Hiện nay, laptop là thiết bị được sử dụng nhiều nhất bởi sự tiện lợi của nó. Tuy nhiên đây lại là phát minh đặt tính di động lên hàng đầu chứ không tối ưu cho tư thế sử dụng.

Để có thể gõ phím, màn hình thường nằm ở vị trí rất thấp, khiến chúng ta phải cúi xuống. Thêm vào đó, chữ số hiển thị trên màn hình thường có kích thước nhỏ, khiến cho chúng ta phải chồm tới để nhìn rõ hơn.

Kết hợp 2 điều trên, chúng ta sẽ có tư thế “cổ rùa” quen thuộc (hình bên trái).

alt
Màn hình ngang tầm nhìn giúp chúng ta tránh được tư thế cổ rùa.

Biện pháp để giải quyết vấn đề này là sử dụng một màn hình ngoài hoặc giá đỡ để nâng màn hình lên ngang mức chúng ta nhìn thẳng (hình bên phải). Thêm vào đó, hãy điều chỉnh kích thước hiển thị trên màn hình để có thể thoải mái làm việc mà không cần nheo mắt hay ghé sát mặt vào gần màn hình.

3. Bàn phím và con chuột, nguyên nhân khiến bạn đau cổ tay

Hiện nay, những chiếc bàn phím của chúng ta vẫn giữ hình dáng và cách bố trí ký tự như thời điểm nó mới ra mắt năm 1874. Tuy nhiên, thiết kế của chúng cũng không được tối ưu để duy trì tư thế cổ tay chuẩn.

Nếu bạn chật vật với chứng đau cổ tay, trên thị trường hiện đang có một vài phiên bản chuột với tư thế cầm dọc và bàn phím “chia đôi” (hình bên dưới). Dù vẻ ngoài đôi chút kỳ lạ, thiết kế này sẽ giúp chúng ta duy trì tư thế tự nhiên của bàn tay khi đang sử dụng.

alt
Chuột cầm dọc duy trì thế tay tự nhiên.
alt
Bàn phím "chia đôi".

Nếu tình trạng cổ tay không quá nghiêm trọng, bạn có thể thử sử dụng miếng kê tay khi gõ phím và chuột để xem có cải thiện tình hình hay không.

alt
Miếng kê tay.

4. Các dụng cụ hỗ trợ để “rèn” tư thế chuẩn

Nhìn chung, một góc làm việc được thiết kế phù hợp đã là tương đối đủ để giúp bạn bảo vệ cột sống. Tuy nhiên, nếu bạn đã ngồi sai tư thế khá lâu, thì việc tìm những dụng cụ hỗ trợ để “rèn” dáng ngồi thẳng cũng là cần thiết. Bởi khi tập trung làm việc, cơ thể chúng ta rất dễ rơi vào tư thế sai mà bản thân không hề hay biết.

Dụng cụ được biến đến nhiều nhất hiện nay chính là đai lưng, với công dụng dùng lực kéo để tăng cảm nhận của phần lưng, từ đó “nhắc nhở” bạn kiểm soát dáng ngồi. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bài viết 5 Dụng cụ hỗ trợ "cứu rỗi" cột sống bất ổn để có thêm lựa chọn phù hợp với mình.