Mỗi người đều có cách nhìn khác nhau về tầm quan trọng của công việc. Nhưng dù thế nào, công việc thể hiện một phần nhu cầu nội tại, thoả mãn một ý nghĩa nhất định và phù hợp với mục đích sống của bạn.
Đối với chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng, đảm nhận vai trò Giám đốc Nhân sự, Hiệu suất & Văn hóa tại KPMG Việt Nam có ý nghĩa rất lớn. Công việc này không chỉ là trả lương và bảo đảm phúc lợi đầy đủ cho nhân viên. Với chị, làm nghề nhân sự còn mang đến công bằng, nỗ lực gắn kết các cá nhân với tổ chức, tạo ra môi trường để nhân viên luôn được lắng nghe và thoải mái chia sẻ ý kiến, được phát triển bản thân và kỹ năng nghề nghiệp trong tập thể thân thiện, gắn kết như một gia đình. Đó cũng chính là cuộc sống mà chị Hằng đang sống - cân bằng, cởi mở và luôn bồi dưỡng.
Chị Hằng bước chân vào nghề trong một tập đoàn đa quốc gia bắt đầu từ vị trí thông dịch viên tiếng Anh rồi dần chuyển sang nghề nhân sự. Khi đó, Việt Nam thậm chí còn chưa áp dụng thuật ngữ “HR”, bộ phận của chị chỉ đơn giản được gọi là "Personnel ". Từ những việc mang tính hành chính như "quản lý hệ thống hồ sơ nhân viên", công việc của chị mở rộng dần sang những vai trò chiến lược quan trọng hơn. Giờ đây, nhiệm vụ của chị Hằng là hỗ trợ, phát triển và xây dựng một nền văn hóa công sở thân thiện trong doanh nghiệp.
Với hơn 15 năm kinh nghiệm vững chắc, chị Hằng đang dẫn dắt đội ngũ gồm 35 nhân viên trực tiếp từ 3 thành phố lớn ở Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng) và Phnom Penh ở Campuchia.
Vietcetera đã cùng trò chuyện với chị Hằng để tìm hiểu về ý nghĩa của việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống, làm thế nào để mang sự cân bằng đó đến cho nhân viên KPMG, và những niềm vui lớn nhất khi làm việc tại một trong bốn tập đoàn kiểm toán lớn nhất thế giới này.
Một ngày làm việc của chị diễn ra như thế nào?
Mỗi sáng thức dậy, tôi luôn dành một giờ tập yoga. Đây là thói quen buổi sáng mà tôi không thể bỏ qua. Sau đó tôi chuẩn bị bữa ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng, dễ làm mà không cần nấu nướng cầu kỳ. Với tôi, đây là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày .
Tới công ty thì tôi tham gia ngay những hoạt động hội họp, đào tạo, thảo luận nhóm, nghiên cứu, lập kế hoạch và tổng kết lại công việc trong ngày để chuẩn bị cho ngày mai. Lịch trình của tôi luôn được xếp sẵn trước ít nhất một tuần. Đối với những việc nảy sinh ngoài kế hoạch, tôi để dành xử lý vào cuối ngày. Tuy nhiên, văn phòng tôi luôn rộng cửa với tất cả mọi người ở KPMG, và thậm chí là gặp mặt trực tuyến với những đồng sự thuộc văn phòng nước ngoài bất cứ khi nào họ cần giúp đỡ.
Tại KPMG, mọi thứ luôn thay đổi nhanh chóng. Vì thế tôi luôn trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ và giải quyết bất cứ yêu cầu nào. Đồng thời, ai trong KPMG cũng biết họ luôn được đón tiếp và lắng nghe ý kiến. Các cuộc họp bất ngờ cho phép tôi được tận dụng sức sáng tạo của mình để tìm ra các giải pháp tức thì.
Chị định nghĩa như thế nào về cân bằng giữa công việc và cuộc sống?
Đinh nghĩa của tôi về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống có thể rất khác. Triết lý riêng của tôi là chúng ta không thể tách rời công việc và cuộc sống. Và có 2 điều mình nên cân bằng: Trước hết là cân bằng sức khoẻ tinh thần và thể chất, kế đến là cân bằng khả năng nội tại và những mong đợi của bản thân. Nếu có thể làm được hai điều này, thì không có vấn đề gì trong cuộc sống có thể làm khó chúng ta cả.
Theo góc nhìn của người làm nhân sự, chị đo lường sự thành công ở KPMG như thế nào?
Thường thì tôi có 2 phương pháp để đo lường thành công.
Cách thứ nhất là khi tôi thấy mọi người mỉm cười và vui vẻ khi làm việc ở đây, và khi thấy mọi người cùng gắn kết, hợp tác trong công việc. Đây là dấu hiệu cho thấy mọi người vui khoẻ và hài lòng với môi trường làm việc. Và cũng có nghĩa là chúng tôi đang làm tốt công việc của mình: Xây dựng một môi trường làm việc an toàn và lý tưởng để phát triển.
Cách thứ hai là đặt ra các mục tiêu và chỉ số đo lường. Mỗi năm, chúng tôi mở cuộc khảo sát lắng nghe nhân viên về những điểm tích cực và đâu là những vấn đề cần cải thiện. Nhờ vậy chúng tôi có thể duy trì giao tiếp hai chiều giữa nhân viên và doanh nghiệp, đồng thời qua đó tìm kiếm giải pháp để đạt được nhiều thành tựu hơn trong tương lai.
Chị giao tiếp với đội ngũ nhân viên KPMG như thế nào?
Chúng tôi thiết kế một quy trình và hệ thống khuyến khích mọi người giao tiếp cởi mở với nhau. Ví dụ, tại KPMG, chúng tôi xây dựng chương trình người cố vấn (mentor) hướng dẫn cho những nhân viên cấp dưới, chưa có nhiều kinh nghiệm (mentee). Trong chương trình này cả mentor và mentee được đào tạo để hiểu rõ hơn về vai trò của mỗi bên, cách thức hai bên nên làm việc với nhau như thế nào để mang lại kết quả, hay cần thảo luận những vấn đề gì,...
Ở KPMG, chúng tôi đánh giá năng lực và xét thăng tiến hàng năm để thúc đẩy nhân viên phát triển với những trọng trách và thử thách lớn hơn. Song song đó, chúng tôi có tổ chức chương trình đào tạo "Cột mốc". Đây là chương trình trang bị cho những nhân viên mới được thăng tiến các kiến thức và kỹ năng cần thiết khi tiếp nhận vai trò mới. Đồng thời, họ còn có thể thảo luận về năng lực chuyên môn và khám phá tiềm năng của bản thân. Chúng tôi cũng có các chương trình và hệ thống khai vấn (coaching) để hỗ trợ thêm trong lúc cá nhân tương tác với công việc.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức các sự kiện giải trí về âm nhạc, nghệ thuật và thể thao theo sự chọn lựa của nhân viên. Trong KPMG còn có nhiều câu lạc bộ đội nhóm và được phân bổ ngân sách để tổ chức các hoạt động bên ngoài giờ làm như bơi lội hay đạp xe đạp.
Nhân viên của KPMG còn được tham gia một chương trình rất hấp dẫn, có tên là MyLife Perks. Đây là chương trình giảm giá tại các cửa hàng thực phẩm, bán lẻ và đồ gia dụng dành riêng cho nhân viên KPMG.
Tóm lại, chúng tôi không chỉ tập trung vào khía cạnh công việc, mà còn cố gắng nâng cao chất lượng đời sống cho nhân viên.
Điều gì khiến chị tự hào khi là một phần của KPMG?
Điều khiến tôi tự hào là những giá trị mà KPMG mang đến cho nhân viên. Chúng tôi được khuyến khích làm điều đúng đắn, được công nhận, và thử sức với những ý tưởng mới. Ở KPMG, tôi được là chính mình.
Hơn nữa, KPMG cũng rất chú trọng tính bền vững. Trước đây, chúng tôi có đến các trường đại học để tuyển dụng. Nhưng bây giờ, chúng tôi muốn lan truyền cảm hứng đến với sinh viên các trường đại học là đối tác của KPMG, và giúp các bạn trẻ xác định giá trị bản thân. Chúng tôi muốn hướng dẫn cho họ cách trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình và làm thế nào để hấp dẫn các nhà tuyển dụng, không chỉ với KPMG mà còn với các doanh nghiệp khác. Đó là điều tôi thấy rất đáng hoan nghênh ở KPMG.
Chị có lời khuyên gì cho những ai đang làm việc từ xa để giúp họ quản lý thời gian và cuộc sống hiệu quả?
Con gái tôi cũng đang làm việc tại nhà. Nhờ vậy, tôi có thể chia sẻ một vài bài học mà cả hai mẹ con đã rút ra được khi điều hướng cuộc sống để thích nghi với đợt giãn cách vừa qua.
Thứ nhất là đạt được sự nhất trí với những người cùng chung sống. Ví dụ, nếu bạn có một cuộc họp, bạn phải thông báo với ba mẹ hoặc bạn cùng phòng trước để họ có thể giữ yên lặng giúp bạn. Nhà chúng tôi có nuôi một con chó. Nên khi con gái tôi bảo cần họp trực tuyến, tôi phải giữ cho con chó không làm ồn và quấy rầy không gian nghiêm túc đó.
Thứ hai là dành một không gian làm việc riêng trong nhà và diện đồ như đi làm bình thường. Không nhất thiết bạn phải ăn mặc trang trọng như khi đến văn phòng thật, nhưng khi bạn bỏ đi bộ quần áo thoải mái và mặc lên bộ đồ công sở, bạn sẽ có động lực làm việc hơn rất nhiều.
Nếu bạn đang tìm kiếm cơ hội việc làm trong các lĩnh vực Kiểm toán, Tư vấn, Giao dịch, Thuế & Luật, đừng bỏ qua chương trình Tuyển dụng Thực tập năm 2023 của Tập đoàn Kiểm toán KPMG. Truy cập trang web KPMG để tìm hiểu thêm về chương trình.
Chuyển ngữ bởi Bích Trâm