Cần cân nhắc gì khi thiết kế một danh mục đầu tư? | Vietcetera
Billboard banner
20 Thg 04, 2022

Cần cân nhắc gì khi thiết kế một danh mục đầu tư?

Đa dạng hóa danh mục đâu tư không chỉ đơn giản là... mua nhiều mã cổ phiếu đâu!
Cần cân nhắc gì khi thiết kế một danh mục đầu tư?

Nếu muốn giảm rủi ro của danh mục thì ta cần tăng mối tương quan có giá trị âm, cũng như giảm tỷ trọng của những tài sản có mức độ rủi ro cao. | Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera.

Một hình ảnh thường được sử dụng khi nói về đa dạng hóa danh mục đầu tư là “không bỏ trứng vào cùng một giỏ”. Điều này được nhiều người hiểu là khi đầu tư, phải chia tổng số vốn vào nhiều loại tài sản khác nhau, hay nhiều loại cổ phiếu khác nhau. Mục đích quan trọng nhất là giảm thiểu rủi ro của danh mục.

Nhưng đây chỉ là điều kiện cần để tránh cái gọi là tích tụ rủi ro. Trong trường hợp chỉ tập trung vào một loại tài sản duy nhất, nếu không may rủi ro xảy ra thì thiệt hại sẽ rất lớn, có khi mất trắng.

“Không bỏ trứng vào cùng một giỏ” được nhiều người hiểu là khi đầu tư, phải chia tổng số vốn vào nhiều loại tài sản khác nhau, hay nhiều loại cổ phiếu khác nhau.

Ví dụ, một nhà đầu tư “tất tay” (all-in) vào một mã cổ phiếu, hay một đồng tiền mã hóa (crypto) thì cũng tương tự trường hợp được ăn cả ngã về không. Và trên thực tế, có không ít cổ phiếu, hay crypto trên thị trường đã bị mất đi 70% - 90% giá trị ở thời điểm đỉnh cao.

Tuy vậy, kể cả khi đã có nhiều loại tài sản trong danh mục thì cũng chưa thể chắc rủi ro được giảm. Đó là vì rủi ro của cả danh mục phụ thuộc vào tỷ trọng, mức độ rủi ro của từng loại tài sản, và hiệp phương sai (covariance) giữa từng cặp tài sản với nhau.

Đa dạng hóa không chỉ là bỏ trứng vào nhiều giỏ

Hãy thử lấy ví dụ với một danh mục gồm 4 loại tài sản là A, B, C và D. Rủi ro của danh mục này sẽ là một công thức toán học được tính dựa theo các biến số: tỷ trọng của từng loại tài sản, rủi ro của từng loại tài sản sản, và hiệp phương sai giữa các cặp tài sản A-B, A-C, A-D, B-C, B-D, và C-D.

Nếu tỷ trọng của tài sản A lớn, và mức độ rủi ro của tài sản A cao thì rủi ro của cả danh mục sẽ cao. Còn nếu tỷ trọng lớn, nhưng rủi ro thấp thì rủi ro của các danh mục sẽ thấp.

Trong khi đó, hiệp phương sai được tính theo giá trị của hệ số tương quan (correlation) giữa 2 tài sản. Giá trị của hệ tương quan nằm trong khoảng [-1,1], nên khi hệ số tương quan có giá trị âm thì rủi ro của cả danh mục sẽ được giảm. Nếu giữa tất cả các cặp tài sản đều âm hết (và lý tưởng là tiệm cận với giá trị -1) thì sẽ là tốt nhất.

Ví dụ, hệ số tương quan giữa trái phiếu và cổ phiếu thường là giá trị âm, tức 2 tài sản này có mối quan hệ ngược chiều nhau theo nghĩa tài sản này tăng thì tài sản kia giảm. Do đó, nếu có 2 tài sản này trong danh mục thì rủi ro của danh mục sẽ giảm.

Còn nếu trong danh mục gồm 2 cổ phiếu có hệ số tương quan dương thì rủi ro của danh mục sẽ tăng, chẳng hạn như cổ phiếu của 2 doanh nghiệp cùng một ngành.

Về mặt lý thuyết, nếu số lượng tài sản trong danh mục là một con số N, thì danh mục sẽ có Nx(N-1) hiệp phương sai, và rủi ro của cả danh mục khi N tiến đến một con số rất lớn sẽ chỉ còn là trung bình của các hiệp phương sai. Khi đó, rủi ro của cả danh mục là một con số rất nhỏ.

Một nhà đầu tư “tất tay” (all-in) vào một mã cổ phiếu, hay một đồng tiền mã hóa (crypto) thì cũng tương tự trường hợp được ăn cả ngã về không.

Đa dạng hóa danh mục như thế nào?

Hai trường Đại học Harvard và Yale ở Mỹ được cả thế giới biết đến vì chất lượng đào tạo và danh tiếng. Tuy nhiên, ít người biết rằng hai trường này có quỹ đầu tư riêng (endowment) tạo kỳ tích về hiệu quả đầu tư trong giai đoạn dẫn dắt bởi Jack Meyer (với Harvard), và David Swensen (với Yale).

Đặc biệt nhất là David Swensen, khi đã tạo lợi nhuận cho quỹ đầu tư của Yale trung bình 16,6% một năm trong giai đoạn 1985-2008, hơn hẳn S&P500 4%/năm, đồng thời có mức độ biến động thấp hơn 33%.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình về xây dựng danh mục đầu tư hiệu quả, David Swensen cho rằng có 3 yếu tố quan trọng. Đó là phân bổ giữa các lớp tài sản, chọn thời điểm thay đổi danh mục, và lựa chọn các sản phẩm đầu tư.

Phân bổ giữa các lớp tài sản

Ở khía cạnh các lớp tài sản đầu tư, David Swensen và nhiều nhà đầu tư nổi tiếng khác như Larry Swedroe, William Bernstein, Ray Dalio và John Bogle đều hướng đến cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa (commodities) - trong đó vàng là một ưu tiên, và bất động sản.

Với cụ thể từng loại tài sản, mỗi chiến lược đầu tư lại có sự phân bổ tỷ trọng khác nhau, phân nhóm cũng chi tiết hơn. Ví dụ, họ có thể phân chia theo địa lý, như ở Mỹ hay châu Á, châu Âu, ở các nền kinh tế đã phát triển hay đang phát triển.

Trong trái phiếu thì có trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu thời hạn dài, thời hạn trung bình, cổ phiếu của những doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ hay lớn. Lấy ví dụ như danh mục của Swensen là 30% cho toàn bộ cổ phiếu thị trường, 15% cho cổ phiếu quốc tế, 5% cho thị trường mới nổi, 30% cho trái phiếu kỳ hạn trung bình, và 20% là quỹ tín thác bất động sản (REITs).

Chọn thời điểm thay đổi danh mục (timing)

Điều này phụ thuộc vào khả năng phân tích và nhận định của người quản lý danh mục. Ví dụ, khi thị trường vào giai đoạn tăng trưởng (bull) thì việc gia tăng tỷ trọng của lớp tài sản như cổ phiếu là điều nên làm. Còn khi thị trường giảm (bear) thì trái phiếu hay hàng hóa là những sự lựa chọn tốt hơn.

Việc tái cân bằng danh mục (rebalance) cũng cần thiết khi tỷ trọng của một tài sản nào đó đã thay đổi vượt quá tính toán ban đầu, theo mức độ lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro.

Ví dụ như tài sản A tăng giá 100%, khiến cho tỷ trọng của tài sản A tăng đáng kể trong danh mục, thì để duy trì sự phân bổ tương đối đều giữa các lớp tài sản ta cần phải bán bớt tài sản A và gia tăng các tài sản còn lại.

Việc tái cân bằng danh mục (rebalance) cũng cần thiết khi tỷ trọng của một tài sản nào đó đã thay đổi vượt quá tính toán ban đầu, theo mức độ lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro.

Lựa chọn các sản phẩm đầu tư

Nhà đầu tư có thể chọn những tài sản riêng lẻ cụ thể, như một mã cổ phiếu hay một loại trái phiếu. Tuy nhiên, hiệu quả nhất vẫn là lựa chọn những sản phẩm đã có sự đa dạng hóa sẵn, như một chứng chỉ quỹ hay một quỹ ETF.

Ngoài ra, những sản phẩm đã được đa dạng hóa rủi ro này còn có thể được quản lý chủ động (active) hay thụ động (passive), với mỗi phương pháp đều có những điểm mạnh - yếu của mình. Tuy vậy, thống kê từ thị trường cho thấy hầu như trong dài hạn, các quỹ đầu tư hay danh mục thụ động đều có tỷ suất sinh lợi vượt trội so với quản lý chủ động.

Kết

Việc đa dạng hóa một danh mục đầu tư là rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro của danh mục. Tuy nhiên, ta cũng cần xác định được mối tương quan giữa các cặp tài sản được đưa vào đó.

Nếu muốn giảm rủi ro của danh mục thì ta cần tăng mối tương quan có giá trị âm, cũng như giảm tỷ trọng của những tài sản có mức độ rủi ro cao. Thêm vào đó, thực tế cho thấy một danh mục cũng không nên có quá nhiều tài sản. Như kinh nghiệm của David Swensen đã chia sẻ, một tài sản chỉ nên chiếm tỷ trọng từ 5% đến 30%.

Infina là một ứng dụng đầu tư, tích lũy dành cho người mới. Ứng dụng được tin dùng bởi 300.000 người và liên tục tăng trưởng nóng.

Chỉ cần một tài khoản Infina duy nhất, người dùng tiếp cận được nhiều loại tài sản khác nhau với số vốn nhỏ: từ những hạng mục cho lợi nhuận cố định như Tích lũy, Chứng chỉ tiền gửi cho đến đầu tư thụ động qua Quỹ, đầu tư cổ phiếu,v.v...
Điều này sẽ giúp cho NĐT thuận tiện theo dõi danh mục đầu tư của bản thân.

Tải app tại đây.