Khi burnout (Hội chứng cháy sạch) được đưa ra ánh sáng, nhiều người mới biết tình trạng kiệt sức sau kỳ hăng say lao động của mình cũng có một cái tên. Cùng lúc đó, một hội chứng gần như đối lập của burnout cũng ‘gay go’ không kém. Đó là boreout.
Boreout, tạm dịch là “Hội chứng ngán việc”, xuất hiện khi khối lượng công việc của bạn quá ít và thưa, hoặc tính chất công việc lặp lại nhiều ngày, gây nhàm chán. Hội chứng này được gọi tên lần đầu bởi hai nhà tư vấn kinh doanh Peter Werder và Phillipe Rothlin trong cuốn “Diagnose Boreout”, và được nghiên cứu sâu hơn bởi nhà xã hội học Elizabeth Prammer.
Hội chứng ngán việc khác với cảm xúc chán đơn thuần
Đôi khi cảm thấy mệt mỏi, buồn chán là hoàn toàn bình thường. Thế nhưng, chán ngán có nhiều mức độ. Nếu tình trạng chán ngán tưởng như vô hại của bạn kéo dài ngay cả sau giờ làm, gây ảnh hưởng tới những khía cạnh khác của cuộc sống, có thể bạn đã mắc phải Hội chứng ngán việc.
“Bạn trở nên cáu kỉnh, ức chế và có xu hướng tự mình cảm thấy bản thân thật vô giá trị. Bạn luôn trong trạng thái căng thẳng và không đủ sức bất kể đó là những việc đơn giản nhất. (…) Bạn bị mắc kẹt trong vùng thoải mái của bản thân quá lâu, dẫn đến sự phát triển cá nhân của bạn bị đình trệ,” nhà tâm lý học Steve Savels phân tích.
Một số dấu hiệu nhận biết Hội chứng ngán việc bao gồm:
- Hành vi cố ý “giết” thời gian như lướt web trong giờ làm
- Cơ thể uể oải, ủ rũ, đầu óc mất tập trung
- Cảm giác tự ti, vô dụng
- Khủng hoảng chức năng xã hội, thấy công việc vô nghĩa
- Trầm cảm.
Hội chứng ngán việc không vô hại như ta nghĩ
Theo nhà trị liệu tâm lý Wolfgang Merkle, triệu chứng và mức độ nguy hiểm của boreout có nhiều điểm tương đồng với burnout. Ở Mỹ, 43% những người tham gia cuộc khảo sát về vấn đề này cho biết cảm giác tiêu cực chiếm hơn một nửa khoảng thời gian làm việc trong tuần của họ. Millennials là nhóm đối tượng có khả năng mắc phải hội chứng này cao gấp đôi so với các nhóm người còn lại.
Tương tự như burnout, tất cả những gì boreout để lại cho bạn là cảm giác trống rỗng, ‘trôi sạch’ cảm hứng. Từ đó, khả năng ứng biến, giải quyết các vấn đề từ công việc đến cuộc sống của bạn trở nên ‘ì ạch’. Thái độ của bạn đối với hầu như mọi thứ đều là sự thờ ơ và đối phó. Một khi sự năng nổ và tính tự giác của bạn bị phai nhạt cũng chính là lúc bạn đang từng bước rơi vào giai đoạn trầm cảm.
Nghỉ việc, buông bỏ mọi trách nhiệm có phải là cách?
Sau 6 năm học và làm trong ngành quảng cáo, An, 25 tuổi, không muốn tiếp tục đi theo lối mòn này nữa. An quyết định cho bản thân một kỳ gap year để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, do không lập cho mình bất kỳ kế hoạch cùng suy nghĩ đây là đoạn thời gian ưu tiên sự thoải mái của bản thân, kỳ nghỉ giữa hiệp đó của cô bỗng ‘trôi tuột’ trong vô định.
“Mình sống cùng gia đình nên khi nghỉ việc, mình không ép buộc bản thân phải mưu sinh. Nếu lúc trước cuộc sống của mình có thêm lịch trình công việc, thì nay ngoài việc ăn, ngủ, chơi, mình không có động lực làm gì cả. Mình cứ tưởng kỳ nghỉ này sẽ giúp mình làm mới toàn diện cuộc sống. Nhưng không, mình lại một lần nữa chìm vào một cơn khủng hoảng mới bởi chính lịch trình nhàm chán khác của bản thân,” An chia sẻ.
An là một trường hợp dễ thấy khi người trẻ đối mặt với Hội chứng ngán việc: cô tìm kiếm một lối thoát hiểm ngay lập tức cho mình.
Nhiều người trẻ cảm thấy ức chế khi nhận ra nhân sinh quan, khả năng và giá trị của mình đang bị giới hạn tại công việc. Họ sợ bản thân sẽ bị ‘mắc kẹt’ trong vòng xoáy đó cả đời. Thiếu sự chiêm nghiệm về gốc rễ vấn đề, họ gặp khó khăn khi đi đến một giải pháp lý trí, lâu dài. Vì lẽ đó, nghỉ việc, từ bỏ mọi thứ, cắt bỏ mọi liên kết xung quanh chưa hẳn là phương án giải quyết triệt để.
Vậy làm sao để hết ‘chán phát bệnh’?
Ở Việt Nam, hậu quả tâm lý của việc chán chường kéo dài thường bị bác bỏ vì định kiến, “Rảnh rỗi sinh nông nỗi, chứ người bận rộn làm gì có thời gian để chán.”
Thiếu sự nhìn nhận hợp lý từ xã hội, hiện tại hội chứng này chưa có nhiều biện pháp xử lý. Bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau đây, được tổng hợp từ những người đã vượt qua nó:
- Trước hết, bạn nên tự hỏi bản thân cảm giác chán nản này của bạn bắt nguồn từ khi nào, do đâu và liệu có tác động nào ảnh hưởng thêm. Ngoài ra, bạn hiện có mong muốn đảm nhận vai trò hay công việc nào khác không. Tranh thủ lúc này để bạn chiêm nghiệm, hiểu rõ hơn về bản thân cũng là một cách không tồi.
- Trong môi trường làm việc, bạn có thể thử trao đổi với sếp về việc giao cho bạn một trách nhiệm hay một cơ hội trải nghiệm mới. Thêm vào đó, nếu công ty có nhiều phòng ban, bạn có thể tận dụng điều đó tương tác thường xuyên và gần gũi hơn một chút với họ. Chính cách làm này sẽ giúp bạn mở mang thêm kiến thức và tầm nhìn xã hội.
- Với đời sống cá nhân, bạn nên ‘chiết’ ra một khoảng thời gian để củng cố hoặc xây dựng thêm những mối quan hệ mới. Nếu bạn e ngại việc sự không hoà hợp, bạn có thể đến một nơi mới lạ, hò hẹn với những nhóm người quen. Hoặc bạn có thể đến những dịp họp mặt để vừa gặp được những bạn quen, vừa tiếp xúc với những bạn mới.
- Nếu khả năng cho phép, bạn hãy đi du lịch. Quan sát và lắng nghe sự vận động của không gian lạ sẽ giúp bạn trải nghiệm sự muôn màu của thế giới này.
Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.