Từng tốt nghiệp ngành kiến trúc trước khi chuyển sang thời trang, Cường Đàm đã xây dựng hành trình từ con số 0 đến việc dẫn dắt 2 thương hiệu CHATS by C.DAM và C.DAM. Các thiết kế của anh được giới chuyên môn đánh giá cao nhờ sự kết hợp giữa tính nghệ thuật và kỹ thuật, biến trang phục thành phương tiện biểu đạt cảm xúc.
Lựa chọn trở lại bằng triển lãm Paramount với vai trò Giám đốc sáng tạo, Cường Đàm đã mang đến góc nhìn mới về thời trang như một hành trình tự vấn bản thân. Triển lãm mở ra một hành trình tìm kiếm "vị thần" bên trong mình. “Vị thần” này đại diện cho bản ngã và năng lượng nội tại, là kết quả sau khi vượt qua những mâu thuẫn nội tâm để tìm thấy sức mạnh của bản thân.
Trong cuộc trò chuyện tại Have A Sip tuần này, Cường Đàm sử dụng những lá bài như công cụ dẫn dắt, tái hiện lại hành trình tự khám phá của chính mình. Anh chia sẻ ba bài học quan trọng, từng bước gợi mở cách đối diện, thấu hiểu và kết nối với bản ngã.
Đối diện với nỗi sợ và chấp nhận sự khác biệt
Hành trình khám phá bản thân của Cường Đàm bắt đầu từ sự khác biệt mà anh từng cảm thấy như gánh nặng. Từ nhỏ, anh đã đối diện với những ánh mắt dè dặt vì cá tính có phần “dị biệt” của mình.
Anh phải trải qua sự giằng xé giữa việc hòa nhập với đám đông, hay trung thành với chất riêng. Chính cảm giác yếu đuối ấy lại trở thành động lực để anh định hình nên bản sắc riêng trong nghệ thuật và cuộc sống bây giờ.
Anh ví mình như buổi chiều – khoảnh khắc chuyển giao giữa ngày và đêm, vừa không hoàn toàn sáng cũng không hoàn toàn tối, mang một vẻ đẹp riêng không giống với bất kì ai.
Chính nhờ chấp nhận và trân trọng những điều làm mình khác biệt, anh đã tạo nên các tác phẩm nghệ thuật chạm đến trái tim người xem bởi những giá trị chân thật. Nhận thức được bản thân không hoàn hảo là bước đầu tiên để khai phá chính mình.
Tìm kiếm bản ngã trong sự tĩnh lặng
Cường Đàm xem sự tĩnh lặng là chìa khoá để kết nối với bản thân. Chỉ khi con người ngừng chạy theo những hỗn loạn bên ngoài và dành thời gian suy ngẫm, họ mới có thể thực sự đối thoại với chính mình. Thông qua thiền định, mọi suy nghĩ dư thừa đều tan biến, nhường chỗ cho một không gian nơi có thể nghe rõ tiếng gọi từ sâu thẳm nội tâm.
Triết lý này cũng định hình phong cách sáng tạo của anh: nghệ thuật không chỉ để chiêm ngưỡng mà phải dẫn lối người xem đối mặt với chính mình. Bên trong mỗi người đều có tiếng gọi nội tại vang vọng, nhưng tiếng gọi này chỉ rõ ràng khi ta đủ kiên nhẫn lắng nghe.
Đó chính là sự nhạy cảm, nét tính cách giúp anh cảm nhận thế giới rõ nét hơn, từ đó biến những quan sát, cảm xúc thành chất liệu nghệ thuật.
Hành trình đối thoại với bản thân giúp Cường Đàm nhận ra rằng sáng tạo là sự kết nối giữa cảm xúc, tư duy và những giá trị mà mỗi người theo đuổi. Khi con người hiểu rõ điều mình thực sự mong muốn, mọi ý tưởng sẽ trở nên rõ nét hơn.
Biến trải nghiệm thành khuôn mẫu sáng tạo
Những kiến thức đúc kết từ thời trang, kiến trúc và cả thất bại đã tạo nên một tổng thể giao thoa đầy màu sắc trong các tác phẩm của anh. Triển lãm Paramount mới đây chính là kết tinh từ toàn bộ hành trình trải nghiệm cá nhân mà vị Giám đốc sáng tạo đã đi qua.
Cường Đàm ví quá trình sáng tạo như việc xây dựng một khuôn mẫu. Tuy nhiên, khuôn mẫu này không phải để sao chép, mà là nền tảng để liên tục sáng tạo và đổi mới. Giá trị anh theo đuổi không dừng lại ở sự hào nhoáng bề ngoài, mà bồi đắp bởi vẻ đẹp từ bên trong. Bởi khi nhận thức được “vị thần” bên trong mình, ta có thể tạo ra những giá trị tốt đẹp và bền vững.