Đáp số sau cùng của một tác phẩm | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
29 Thg 07, 2021

Đáp số sau cùng của một tác phẩm

Nếu bạn thực sự muốn phân tích một tác phẩm, có hai thứ bạn đừng mong mình sẽ tìm được, đó là: cái kết và đáp án.
Đáp số sau cùng của một tác phẩm

Đáp số sau cùng của một tác phẩm

Bài viết này chỉ là góc nhìn của cá nhân mình, với tư cách một người từng là học sinh chuyên văn và một người đọc. Mình chưa nghiên cứu đủ sâu về lý thuyết văn học để đưa ra kết luận rằng mục đích sau cùng của phân tích văn học là gì, và nghĩa của một văn bản có được quy định bởi dự định ban đầu của tác giả hay không.


Mùa các bạn thi đại học, Facebook có gợi ý cho mình vài video hài hước về cách phân tích tác phẩm của giáo viên dạy văn so với thực tế. Lúc chưa hiểu gì về môn văn, mình cũng thấy hài hước lắm. Một cái thở dài của nhân vật có thực sự đại diện cho thân phận hèn mọn của chị ta, và những suy tư không nói ra thành lời của chị ấy? Một cái liếc mắt của nhân vật, thật sự đại diện cho chế độ áp bức ư? Lúc vẽ ra hình ảnh đoàn tàu, Thạch Lam có thực sự liên tưởng tới một Hà Nội phồn hoa? Khi khắc họa cuộc đời của Lão Hạc, ý của Nam Cao có thực sự là “đạo đức của một người chân chính đã bị cái nghèo đói túng quẫn giết chết”?

Hồi đó, không ít bạn học của mình sợ hãi môn văn. Một đứa đến trước mặt mình, trình bày lý do: “Môn văn là môn có đáp số, nhưng cái đáp số đó lại nằm trong đầu của những người đã chết, mà nếu còn sống thì tao cũng có cách nào nói chuyện được với những người đó đâu?” Nói như thế, nghĩa là bạn mình quan niệm rằng đáp số cuối cùng của một tác phẩm chính là dự định ban đầu của tác giả. Mình biết không ít người cũng cho rằng như vậy. Nếu không may mắn được học lớp chuyên văn, chắc mình cũng nghĩ thế. Rất nhiều người nghĩ rằng khi học văn, nghĩa vụ của chúng ta là phải bằng mọi cách hiểu được cái con người sống cách mình vài trăm năm hoặc vài chục năm đang nói gì, đang ẩn dụ điều gì, đang giấu giếm cái gì đằng sau những con chữ kia. Rất nhiều người cảm thấy học văn thật vô lý và vô bổ vì tại sao tôi phải hiểu con người đó, tại sao tôi phải biết rằng họ có đang vừa viết vừa thương thay cho nhân vật không, tại sao tôi phải trình bày dài loằng ngoằng ở đây tiếng lòng của họ, nỗi xót thương của họ, tâm tư của họ? Dù có như thế, làm sao tôi biết rằng tôi đang không suy diễn, làm sao tôi biết rằng đây là ý đồ của tác giả hay chỉ là sự trùng hợp không hơn?

Với mình, phân tích văn học chưa bao giờ là chui vào đầu một người và tìm cho ra đáp số bên trong. Trong cuốn sách "Nhập môn lý thuyết văn học", Jonathan Culler đã trình bày hai quan điểm mà mình rất thích về lý thuyết phản hồi của người đọc: “Nghĩa của văn bản là trải nghiệm của người đọc (một trải nghiệm bao gồm cả sự do dự, phỏng đoán, và sự hiệu chỉnh)”; “Diễn giải một tác phẩm là kể một câu chuyện về quá trình đọc”. Với mình, khi bắt tay vào làm một bài văn, mình đều ngầm hiểu rằng tất cả những lý giải mà mình có ở đây đều dừng lại ở mức giả thuyết. Khi mình viết: “Giọt nước mắt đại diện cho sự phản kháng cuối cùng của nhân vật”, thì thực sự ý của mình là “Giọt nước mắt rất có thể đại diện cho sự phản kháng cuối cùng của nhân vật”.

Suy cho cùng, chúng ta đều biết rằng con người rất khó hiểu. Khi bạn thậm chí còn không hiểu nổi người đồng nghiệp của mình, người yêu mình, bố mẹ mình,… sao bạn có thể kỳ vọng ai đó nói lên rất chính xác tác giả của một tác phẩm đang nghĩ gì? Và môn phân tích tác phẩm cũng không nhằm giải quyết chuyện đó. Khi phân tích một tác phẩm, mình biết rất rõ rằng những gì mình viết ở đây chưa chắc đã là dụng ý từ đầu của tác giả. Tất cả đều là giả thuyết đến từ trải nghiệm đọc – một trải nghiệm vô cùng lặng lẽ và mang tính cá nhân. Khi viết ra câu “Giọt nước mắt đại diện cho sự phản kháng cuối cùng của nhân vật”, mình không quan tâm liệu tác giả có thực sự cho rằng nhân vật ấy đang phản kháng hay không. Cái mà mình quan tâm là xuyên suốt trải nghiệm đọc của mình, đến đây, giọt nước mắt ấy không thể là gì khác ngoài sự phản kháng. Trải nghiệm đọc cho mình biết điều đó, không phải tác giả.

Với mình, cảm thụ một tác phẩm văn học cũng giống như cách mà chúng ta được dạy về lịch sử. Chúng ta kể một câu chuyện có ý nghĩa bao gồm rất nhiều giả thuyết được đặt ra, và chúng ta biết rõ có những giả thuyết là không thể xác minh được. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa môn văn, môn sử với các môn tự nhiên. Các môn tự nhiên vận hành theo cách: Vì X và Y xuất hiện nên Z nhất thiết phải xảy ra. Ví dụ: Vì H2 + O2 nên H2O. Nhưng lịch sử không thể như thế. Theo Jonathan Culler: “Điều họ làm là chỉ ra vì sao một thứ này dẫn đến một thứ khác, vì sao Thế chiến thứ nhất lại đi đến bùng nổ, mà không phải là tại sao nó phải xảy ra.”

Có thể thấy, mô hình lý giải lịch sử phải đi theo logic của một câu chuyện, và câu chuyện ấy trông như thế này:

Đầu thế kỷ XVI, triều Lê sơ suy sụp. Sau khi vua Lê Hiến Tông chết, các vua Uy Mục, Tương Dực không còn quan tâm đến việc triều chính, chỉ lo ăn chơi, sa đọa. Quan lại, địa chủ nhân đó hoành hành, hạch sách nhân dân, chiếm đoạt ruộng đất. Nhân dân khổ cực đã nổi dậy đấu tranh ở nhiều nơi. Một số thế lực phong kiến cũng họp quân, đánh nhau, tranh chấp quyền hành. Nổi trội hơn cả là thế lực của Quốc công Thái phó Mạc Đăng Dung. Sau khi dẹp yên các thế lực phong kiến khác, nhận thấy được sự bất lực và suy sụp của dòng họ Lê, năm 1527 Mạc Đăng Dung bắt vua Lê nhường ngôi và thành lập triều đại mới – triều Mạc.

Tương tự như thế, cảm thụ văn học cũng là đi theo logic của một câu chuyện:

Sau bảy, tám năm ở tù về, Chí Phèo trở thành một con quỷ dữ đáng sợ. Trên người hắn xăm đầy những hình thù quái dị. Điều này chứng tỏ, Chí Phèo năm xưa đã không còn. Hắn đã thay đổi. Bây giờ hắn trở thành một kẻ chỉ biết làm việc ác, là tay sai của bá Kiến. Thế nhưng, cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã mở ra cho Chí Phèo một kết cục khác. Lần đầu tiên sau một khoảng thời gian dài, hắn cảm nhận được tình thương và sự ấm áp. Điều đó đã làm cái bản chất lương thiện trong Chí thức giấc và sống lại lần nữa.

Trong câu chuyện này, người cảm thụ không đi truy tìm sự thật, rằng rốt cuộc tác giả muốn nói gì. Người cảm thụ dựa vào trải nghiệm đọc của mình cùng những thông tin rải rác trong tác phẩm để sắp xếp chúng trở thành một phát biểu có ý nghĩa. Vì Chí Phèo đã trở về trong một hình hài khác xưa nên tôi tin rằng anh ta đã thay đổi. Vì Chí Phèo đã xử sự bớt lưu manh hơn từ khi gặp Thị Nở nên tôi tin rằng bát cháo hành là sự kiện lớn trong đời anh ta. Vì Chí Phèo đã gào lên “Ai cho tao lương thiện” nên tôi giả thuyết rằng lương thiện là nỗi băn khoăn của tác giả trong tác phẩm này.

Trong bài báo mang tên "Sai lầm về ý định", người viết đã khẳng định rằng những tranh cãi xung quanh nghĩa của một tác phẩm không thể được giải quyết bằng cách xin ý kiến của tác giả. Tác phẩm văn học là một khách thể thẩm mỹ, nên nó cần được nhìn nhận dưới cái nhìn độc lập, chỉ riêng mình nó. Nghĩa là, đúng rồi đó, miễn là bạn kết nối được các dẫn chứng, kể được một câu chuyện có ý nghĩa, lắp ghép được một bức tranh hoàn thiện từ những gì bạn vừa đọc, mọi quan điểm đều đáng được tôn trọng. Suy cho cùng, cái hấp dẫn của văn chương chẳng phải nằm ở chỗ này sao? Rằng diễn ngôn của con người này đang khơi dậy trong chúng ta những suy ngẫm mới, những quan điểm mới. Thật nhàm chán làm sao khi ta phải hiểu anh ta/cô ta đang cố nói gì. Chúng ta không khôi phục lại một cách nguyên vẹn bối cảnh đó, vì chúng ta biết tham vọng đó của mình không có cách nào đạt được. Chúng ta một phần khôi phục, nhưng cũng một phần hoài nghi, rằng phân tích đến đây đã hết chưa, còn gì ẩn giấu nữa không, còn lớp nghĩa này thì sao? Khi bạn bất chợt nhận ra một lớp nghĩa trong một tác phẩm, bạn không cần phải tìm ra cho bằng được rốt cuộc lớp nghĩa đó có phải là do tác giả đã cài cắm vào hay không.

Rốt cuộc thì, chúng ta đều biết rằng một tác phẩm được viết ra không phải cho vui. Nó được viết ra để đại diện cho một cái gì đó. Nhưng đại diện cho thứ gì thì bản thân tác phẩm ấy không nói. Tác phẩm ấy chỉ đơn thuần kể cho bạn một câu chuyện, và việc còn lại là của bạn. Phân tích văn học không nói cho chúng ta biết, một lần dứt khoát, rằng sự thật là gì. Học văn, ta không thể chỉ truy tìm đáp án. Môn học này, về cơ bản, không vén bức màn lên để ta thấy rất rõ tác giả viết tác phẩm ấy trong bối cảnh thế nào, cảm xúc ra sao, và có dụng ý gì hay không. Môn học này không đưa đến kết luận gì cả, mà nó chỉ càng ngày càng mở ra nhiều giả thuyết hơn và nhiều triển vọng suy ngẫm sâu xa hơn. Và nó không có hồi kết đâu.

Thế nên, nếu bạn thực sự muốn phân tích một tác phẩm, có hai thứ bạn đừng mong mình sẽ tìm được, đó là: cái kết và đáp án.