Đi làm "chọn sếp" thế nào? 5 Điều bạn nên biết | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
11 Thg 11, 2024

Đi làm "chọn sếp" thế nào? 5 Điều bạn nên biết

Tìm việc, tìm công ty sau đó mới tìm hiểu về sếp? Có những lúc quy trình này sẽ cần khác đi.
Đi làm "chọn sếp" thế nào? 5 Điều bạn nên biết

Nguồn: Pexels

“Khi bạn ở độ tuổi 20-30, cái bạn cần tìm là một người sếp giỏi chứ không hẳn phải là một công ty xịn” – đó là lời khuyên rất nổi tiếng của Jack Ma. Và chặng đường sự nghiệp của anh Tùng Jacob - cựu Product and Content Director tại Thế Giới Di Động chính là minh chứng cho lời khuyên này.

Bắt đầu với công việc ở một startup không thành công, sau đó chuyển sang làm việc tự do. Anh Tùng gọi 5 năm đầu tiên sau khi ra trường là giai đoạn "vô sản", có khả năng tự học mạnh mẽ, nhưng không tiền, không môi trường phát triển và thiếu những người thầy dẫn dắt.

Tuy nhiên, bước ngoặt thay đổi đã đến vào lúc anh quyết định Nam tiến và gia nhập Thế Giới Di Động - nơi anh gắn bó trong suốt 13 năm sau đó. Tại đây, anh thấy mình may mắn hội đủ “3 cái duyên”: vào được công ty có văn hóa tốt, gặp được minh chủ là những người sếp giỏi giúp mình phát triển vượt bậc và có cơ hội được làm công việc thú vị phù hợp với đam mê.

Anh Nguyễn Tugraveng Tugraveng Jacob
Anh Nguyễn Tùng (Tùng Jacob)

Trong 3 cái duyên đó, nhân duyên với sếp là yếu tố rất quan trọng. Nó có thể định hình cả tương lai sự nghiệp của một người. Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chọn được một người sếp tốt và phù hợp? Dưới đây là những kinh nghiệm mà anh Tùng đã đúc kết được từ chính hành trình của mình.

(Nội dung biên tập từ buổi nói chuyện của anh Tùng tại cộng đồng MindYourMind, chủ đề "Hành trình tìm mình để là mình".)

1. Cứ ngồi im, sếp tốt sẽ không tới

Thông thường cách tiếp cận của mọi người sẽ là tìm việc, tìm công ty sau đó mới tìm hiểu về sếp. Nhưng để tìm được một người sếp phù hợp, quy trình có khi sẽ cần thay đổi đôi chút. Bạn có thể phải chủ động đặt câu hỏi và khai thác thông tin về sếp trước tiên:

Tìm hiểu kỹ trong buổi phỏng vấn

Đừng chỉ hỏi về phần việc của mình, hãy hỏi người có thể trở thành sếp của mình để tìm hiểu kiến thức chuyên môn, phong cách làm việc của họ. Với anh Tùng, anh thậm chí còn tạo điều kiện cho ứng viên đi một vòng quanh văn phòng và trò chuyện với các nhân viên khác trước khi quyết định, nhằm giúp họ có cái nhìn tổng quan về môi trường làm việc dưới trướng người quản lý tương lai của mình sẽ như thế nào.

Dùng mạng lưới quan hệ

Thử hỏi thăm bạn bè hoặc người quen xem họ đã từng làm việc với người sếp nào tốt để có danh sách những người sếp tiềm năng. Từ đó, bạn lên kế hoạch tìm hiểu công việc và ứng tuyển vào công ty có những người sếp đó. Cách làm này giúp bạn có cái nhìn toàn diện và đáng tin cậy hơn, bởi các kỹ năng lãnh đạo thường khó đánh giá chỉ qua một buổi phỏng vấn.

Tìm hiểu qua LinkedIn và mạng xã hội

Nếu như không có người quen đã từng tiếp xúc trực tiếp với sếp, bạn có thể theo dõi các nền tảng như LinkedIn hoặc Facebook. Nhiều người quản lý sẽ tích cực chia sẻ kiến thức chuyên môn hoặc triết lý lãnh đạo của mình trên các kênh này. Thông qua cách họ chia sẻ và tương tác với mọi người, bạn có thể đánh giá được kỹ năng và tư duy của sếp trước khi quyết định tìm đường đầu quân làm việc cùng người lãnh đạo này.

Tất nhiên không có gì chính xác bằng cách vào làm trực tiếp để cảm nhận, nhưng đây là những bước cơ bản bạn có thể làm được để hạn chế rủi ro.

2. Biết khi nào cần gì: Chọn sếp có chuyên môn tốt hay quản lý tốt?

alt
Nguồn: Pexels

Dĩ nhiên bạn tìm thấy một người sếp vừa có kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng quản lý thì quá tốt. Nhưng nếu vào tình thế buộc phải cân nhắc giữa một trong hai, hãy chọn một người sếp có tâm. Bởi chuyên môn không phải là điều quá khó để học một khi đã ở dưới trướng người sếp có khả năng lãnh đạo tốt, tạo điều kiện cho mình rèn giũa với dự án thực tế.

Quay về giai đoạn đầu tiên khi mới Nam tiến, anh Tùng đứng trước 2 sự lựa chọn là: làm cho công ty có lương cao, hay làm cho công ty lương không cao nhưng có nhiều cơ hội để phát triển.

Kết quả anh chọn đặt cược vào Thế Giới Di Động - nơi anh nhìn thấy con đường tiềm năng phía trước và gặp được người sếp tốt.

Sau một thời gian cống hiến, anh Tùng đã được vị Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài chọn vào đội ngũ nhân sự chủ lực (key person) của công ty với lời nhắn nhủ: "Anh muốn tất cả các bạn hãy hành xử với tâm thế của một CEO. Có nghĩa là nếu bạn nhìn thấy bất cứ một việc gì không hiệu quả, dù việc đó thuộc một bộ phận, không phải do bạn quản lý, thì bạn cũng phải lên tiếng và cảm thấy có trách nhiệm cần phải giải quyết.”

Và quá trình sau đó đã mở một cơ hội mà anh Tùng gọi là khóa học MBA thực chiến. Dẫn dắt một đội ngũ nhân sự 70 người, anh được thử nghiệm rất nhiều những triết lý về quản trị, xây dựng văn hóa.

Cho đến kỳ tổng kết cuối năm, nhận được những lời cảm ơn và tri ân từ các thành viên trong nhóm, anh nhận thấy mình đã hoàn thành được khóa luận tốt nghiệp là tiếp nối sứ mệnh của các sếp giúp cho thế hệ nhân lực mới phát huy tài năng.

3. Tự học tốt rồi mới học được từ sếp tốt

Để được học hỏi từ một người sếp tốt, trước hết bạn cần phải có khả năng tự học, hay nói cách khác là khả năng chủ động quan sát và nhận diện thứ mình cần học. Bởi sếp tốt không có nghĩa là sếp sẽ cầm tay chỉ việc cho bạn.

Trong đó, điều cơ bản trước tiên là hiểu được văn hóa doanh nghiệp, làm tốt công việc của mình và hòa nhập được với bộ máy vận hành của cả công ty. Điều này đòi hỏi nhân viên phải luôn có tinh thần cầu thị học hỏi và đôi khi phải biết điều chỉnh cái tôi cá nhân. Khi có đủ cả năng lực cộng với thái độ, việc được sếp chỉ bảo chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trong 2 năm đầu làm ở môi trường mới, anh Tùng đã có 2 lần định nghỉ việc vì văn hóa integrity (chính trực) của công ty như một “cái máy lọc newbie” khiến nhiều người không trụ lại được.

Chính trực = Trung thực + Can đảm + Khiêm nhường.

Một người trung thực hứa 7 giờ sáng có mặt nhưng gặp trời mưa sẽ gọi điện xin nghỉ với đúng lý do vì trời mưa, không bao biện vòng vo. Nhưng một người chính trực nếu đã hứa 7 giờ sáng có mặt, biết hôm sau mưa to thì họ sẽ tìm cách để bảo đảm hôm sau vẫn có mặt đúng giờ. Để trung thực đã khó, chính trực còn khó hơn.

Nhưng cuối cùng dựa vào sự cố gắng của bản thân, lời động viên của mọi người và cả thực tế cơm áo gạo tiền phải đối mặt, nên anh Tùng vẫn kiên trì đi tiếp. Để rồi sau giai đoạn thử thách này, anh được một người sếp dìu dắt và có cơ hội bộc lộ hết tiềm năng.

Đó không chỉ là một người sếp tốt trong công việc mà còn là một người giản dị, khiêm tốn. Nhờ người sếp đó, anh Tùng đã học được tinh thần chính trực có trách nhiệm với điều mình hứa, có kỹ năng làm việc sâu sát, kỹ lưỡng. Và hơn hết là có được sự thấu cảm và chân thành trong mọi hành xử, để mình hiểu người dùng, hiểu những người đồng đội xung quanh. Một phẩm chất cực kỳ quan trọng đối với tất cả những người làm sản phẩm.

4. Sếp tốt không chỉ dạy mình làm tốt, mà còn cùng mình làm tốt

Định nghĩa của rất nhiều bạn về một vị sếp tốt là người hướng dẫn, chỉ dạy tận tình. Nhưng anh Tùng có thêm một góc nhìn bổ sung từ câu chuyện của ông Hoàng Nam Tiến - nguyên là Chủ tịch FPT Software, FPT Telecom, Tập đoàn FPT:

“Ngày đầu, sếp dẫn tôi cùng đi gặp khách hàng, tôi chỉ ngồi bên cạnh ghi chép. Sau hai tháng, sếp bảo tôi trình bày còn sếp ngồi nghe, sau buổi gặp sếp ngôi góp ý ngay tại chỗ. Dần dần, tôi tự đi gặp khách hàng rồi về báo cáo lại với sếp. Thêm một giời gian sếp bảo từ giờ giao việc này cho tôi làm.”

Một người sếp tốt sẽ làm gương, làm mẫu, cùng làm, sau đó theo dõi, thử thách và trao quyền như vậy. Cách thức này không chỉ giúp nhân viên học hỏi mà còn mang lại trải nghiệm thực chiến, rèn luyện khả năng tự chủ và phát triển kỹ năng thông qua giải quyết vấn đề.

Anh Tùng cũng được sếp đào tạo với phương pháp tương tự, học từ dự án (project based learning) thay vì lý thuyết suông. Vẫn biết lời khuyên bấy lâu nay là học đi đôi với hành, nhưng nhiều khi trong quá trình phải thử thực hành trước rồi sự học sẽ vỡ ra sau. Như vậy, kiến thức đi vào thông qua con đường thực hành ngay, chứ không phải chờ qua con đường lý thuyết rồi mới bắt tay vào thực hành.

5. Biết nhìn thấy điểm tốt trong những điều không hài lòng

alt
Nguồn: Pexels

Cho dù chủ động và cố gắng tìm kiếm đến đâu cũng không thể phủ nhận việc gặp được sếp tốt đôi khi còn phải dựa vào cái duyên. Không phải ai cũng may mắn gặp được người sếp tốt ngay từ đầu. Vậy nên trước khi tìm được sếp tốt trong tương lai có khi bạn cần biết cách nhìn thấy điểm tốt từ sếp hiện tại. Mà thực tế không có ai là hoàn hảo nên điều này là cần thiết cho mọi mối quan hệ.

Anh Tùng chia sẻ thậm chí người sếp mà anh thấy rất biết ơn trong câu chuyện ở trên cũng có những điểm chưa tốt. Bởi dĩ nhiên rồi nhân vô thập toàn cơ mà. Cho nên có khi người sếp tốt vẫn ở đó, nhưng vì cái tôi của mình quá cao nên mình không nhìn thấy điều tốt ở họ. Do đó, sếp không cần phải hoàn hảo mới đáng để học hỏi, đôi khi họ chỉ cần một vài điểm hơn bạn là cũng đủ để nhìn vào và thấy được điều cần trau dồi cho bản thân.

Hay như vợ của anh Tùng cống hiến cho một công ty 10 năm, đảm nhiệm những đầu việc khó nhằn mà ở thị trường lao động ngoài kia trả lương rất cao, nhưng mức lương thực tế của chị chỉ được một phần ba. Có những lúc chị cảm thấy sếp bất công, không ghi nhận kết quả của mình một cách xứng đáng. Nhưng chị vẫn chọn ở lại, tiếp tục học hỏi và làm việc.

Đến khi chuyển sang công ty mới mức lương của chị tăng lên gấp đôi. Sang đến công ty thứ hai, chị tiếp tục được tăng lương và còn sở hữu cổ phiếu công ty.

Bởi vậy, chị nhận ra vì chuyện lương thưởng mà đôi khi mình không thấy hài lòng với sếp, với ban lãnh đạo, nhưng đó có thể là do vướng mắc về những nguyên tắc, ngân sách của công ty. Còn những bài học mà sếp đã chỉ dạy và trui rèn cho mình đến một ngày mình mới hiểu nó còn mang giá trị quý hơn nhiều.

Kết

Hành trình tìm kiếm một người sếp tốt không chỉ đơn thuần là chọn người phù hợp để dẫn dắt mình, mà còn là quá trình khám phá và hiểu rõ bản thân. Bạn sẽ học cách chủ động, thích nghi với văn hóa công ty, đối diện với thách thức và điều chỉnh cái tôi để hòa hợp với những phong cách quản lý khác nhau.

Quan trọng hơn, qua từng trải nghiệm, bạn sẽ dần hiểu mình cần gì ở một người sếp. Có thể là người truyền cảm hứng, người dẫn dắt bằng chuyên môn, hay người trao quyền để bạn tự do phát triển.

Không có hành trình nào giống nhau, và mỗi bước đi – dù thuận lợi hay gian khó – đều giúp bạn nhìn rõ hơn điều gì thực sự quan trọng với bản thân trên con đường sự nghiệp.