Điều gì giúp ta vẫn yêu đời sau biết bao biến cố? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
05 Thg 09, 2024

Điều gì giúp ta vẫn yêu đời sau biết bao biến cố?

Biến cố khiến ta phải từ bỏ bản thể cũ của mình. Nhưng quan trọng là ta giữ được trái tim thiện lương và cởi mở để yêu lấy cuộc đời - nơi có đất nước, có người thương, có mọi điều mình yêu quý.
Điều gì giúp ta vẫn yêu đời sau biết bao biến cố?

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Biến cố là điều không ai muốn, nhưng lại xảy ra trong cuộc đời của tất cả chúng ta. Và đôi khi, biến cố thay đổi ta theo cách rất mạnh mẽ, tới mức ta không bao giờ có thể trở lại phiên bản cũ của mình trước đó nữa. Ta vĩnh viễn mất đi một phần bản thể của chính mình.

Bà Xuân Phượng cũng đã trải qua vô vàn biến cố trong đời. Từ cô nữ sinh vô tư xuất thân trong gia đình quý tộc, bà từ bỏ tất cả để tham gia cách mạng, trải qua nhiều lần “vào sinh ra tử” với đủ công việc khác nhau. Ngọt bùi có, đắng cay có, nhưng nay ở tuổi 95 bà vẫn giữ được cho mình một trái tim thiện lương, cởi mở đón nhận những món quà tiếp theo của cuộc đời.

Sự bất trắc luôn ẩn mình sau vẻ bình yên

Để kể về những biến cố xảy ra trong đời mình, bà Xuân Phượng một lần nữa chọn tranh của họa sĩ Trương Đình Hào. Bà luôn kính phục ông vì sự kiên trì theo đuổi lối vẽ Đông Dương - trường phái được rất ít họa sĩ Việt hồi đó lựa chọn.

Trong bức tranh là một con gà mái ấp trứng trong ổ, nhưng ngay phía dưới có một con dao, một chiếc đĩa tráng nước sôi và một bình rượu. Nó được bà Xuân Phượng đặt tên là “sự cảnh giác”, bởi dường như con gà có thể bị “lên đĩa” bất cứ lúc nào.

Chỉ bằng những hình ảnh hết sức dân gian Việt Nam, ông Trương Đình Hào đã tóm tắt được sự bất trắc của cuộc đời. Bà Xuân Phượng đồng cảm với bức tranh ấy, bởi nó gợi lại một biến cố lớn xảy ra khi bà công tác ở quân y viện liên khu 4.

30aug2024bnb00579jpg
Trước đây bà Xuân Phượng từng có mái tóc dài, nhưng không còn để nó sau một biến cố lớn. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Bà từng có mái tóc rất dài, đến tận khi tham gia kháng chiến. Một ngày nọ bác sĩ trưởng liên khu không cho phép bà đi họp Đoàn Thanh niên, trong khi bạn bè bà đều được đi. Bà trốn đi và khi về bị tên bác sĩ bắt nhốt trong chuồng bò (đáng nói là trước đây hắn từng làm nhục bà), phải dọa tuyệt thực hắn mới thả bà ra.

Bà lập tức xuống sông tắm gội, nhưng không thể rửa hết mùi phân bò bám đầy trên tóc. Vậy là bà cầm kéo cắt phăng mái tóc dài, chính thức giã từ phiên bản cô bé Xuân Phượng hồn nhiên, vô tư trước đây. Vậy mới thấy sự bất trắc dường như luôn ẩn mình sau vẻ bình yên, dù ở thời chiến hay thời bình, chúng ta vẫn luôn phải cảnh giác.

Để yêu lành, cần học cách tha thứ

Nhiều năm sau sự cố với gã bác sĩ, bà tình cờ tìm thấy nhà hắn ở Bà Rịa - Vũng Tàu, lúc này hắn đã không còn trên cõi đời. Bà vẫn thắp cho hắn nén nhang, và bà tha thứ cho hắn không phải vì bà đã quên đi lỗi lầm đó, mà bởi nó giải phóng tâm hồn và trái tim bà. Bởi bà luôn ghi nhớ lời dạy của bà ngoại, rằng “ngậm máu phun người thì người bị vấy bẩn đầu tiên là mình”.

Bà cũng tâm niệm “già mà còn dại là chuyện bình thường”, và nhìn nhận những sai lầm của chính bản thân mình với tâm thế đó. Không ít lần bà đặt niềm tin sai người, suýt thì “mất cả chì lẫn chài”. Nhưng sau mỗi lần như vậy bà đều pha một ấm trà để tĩnh tâm lại, và dần dần giải quyết hậu quả. Bởi sau mỗi cú ngã, bạn sẽ bước đi chắc chắn hơn, có ngã thêm lần sau đi chăng nữa thì cũng nhẹ nhàng hơn lần trước.

30aug2024bnb00517jpg
Bà Xuân Phượng tâm niệm, tha thứ cho người khác cũng là tự giải thoát cho lòng mình. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Giữ cho mình một trái tim thiện lương và cởi mở

Trong chuyện tình yêu đôi lứa, bà Xuân Phượng cũng thừa nhận rằng, lý trí của con tim rất khác với lý trí của não bộ. Có những lỗi sai mà bao nhiêu năm nay người ta vẫn mắc phải khi yêu nhau, và dù có kinh nghiệm người đi trước để lại thì cũng khó mà so sánh trải nghiệm yêu đương của mỗi người.

Tuy nhiên cái quan trọng là chúng ta xây dựng cho mình một trái tim thiện lương, cởi mở, để cuộc đời luôn có thể gây bất ngờ cho mình. Có những người không dám rời khỏi vùng an toàn, hoặc phòng bị quá mức vì nghĩ cuộc đời quá nhiều cạm bẫy nguy hiểm. Nhưng kỳ thực là sống như vậy nhiều khi lại khiến đời không còn “vui” nữa.

Đây cũng là điều thường thấy ở người già, họ quan niệm lớn tuổi rồi thì chỉ nên quanh quẩn ở nhà chăm cháu, dưỡng sức… Nhưng cá nhân bà Xuân Phượng luôn trân trọng từng giây phút được sống và khỏe mạnh. Giờ đây không làm phòng tranh được nữa thì bà viết sách, và bà vẫn thường xuyên đi đây đó, gặp bạn bè ở nhiều độ tuổi để tâm sự, chia sẻ về cuộc đời.

30aug2024bnb00594jpg
Với bà Xuân Phượng, mỗi phút giây được sống khỏe mạnh đều là một món quà. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Giống như họa sĩ hoạt hình Bill Keane từng nói, “ngày hôm qua là lịch sử, ngày mai là điều bí ẩn, còn ngày hôm nay là một món quà”. Vậy chúng ta còn lý do gì để không sống hết mình? Sự lương thiện và cởi mở trong trái tim đã giúp bà Xuân Phượng bước qua bao biến cố, để luôn “yêu lành” với cuộc đời.