Vào những dịp sum họp như lễ Tết thì chắc chắn không thể thiếu “tiết mục” nâng ly chúc mừng. Điều này hoàn toàn hợp lý khi nó giúp cho bầu không khí vui vẻ, phấn chấn hơn (Thế nên dân gian mới có câu “rượu vào lời ra”). Tuy nhiên, việc quá chén trong những dịp tụ họp lại rất dễ để lại những “dư chấn” khó chịu lên sức khỏe.
Dịp nghỉ lễ còn dài, chúng ta ai cũng muốn có sức khỏe để tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi trong năm. Cùng tham khảo những lưu ý sau để hạn chế tác hại của rượu bia lên sức khỏe trong những ngày Tết sắp tới nhé.
1. Ăn gì trước và sau khi uống?
Việc ăn lót dạ trước khi uống là “kim chỉ nam” mà bạn không nên bỏ qua. Bởi rượu được hấp thu khoảng 20% ở dạ dày, 80% ở ruột non nên việc uống khi bụng đói không những khiến chúng ta nhanh say hơn mà còn khiến dạ dày và ruột trở nên cồn cào.
Thế còn lưu ý cho ngày hôm sau? Chất cồn ở trong rượu, bia gây giảm lượng đường trong máu. Đây là một trong những lý do chúng ta cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng vào buổi sáng hôm sau. Do đó sau một bữa nhậu chúng ta nên ưu tiên ăn các loại tinh bột dễ hấp thu như bánh mì, cơm trắng,... để bổ sung nhanh lượng đường trong máu, xua đi cảm giác mệt mỏi.
2. Uống gì trong và sau khi uống?
Rượu bia có tác dụng khiến cơ thể đào thải nước rất mạnh bởi vì nó tác động trực tiếp lên cơ chế cân bằng lượng nước của cơ thể. Chúng ta uống càng nhiều rượu bia thì cơ thể càng mất nước, và việc bổ sung lúc này trở nên rất khó khăn. Nếu bình thường chúng ta chỉ cần nước lọc để bù nước, thì giờ dưới tác dụng của rượu, cơ thể thiếu hụt cả điện giải gây khó khăn cho việc hấp thụ nước.
Vì vậy, bạn nên “thủ sẵn” nước lọc bên mình khi uống rượu để hạn chế tình trạng mất nước (nước lọc cũng không gây ảnh hưởng đến hương vị của rượu bia). Ngoài ra, sau khi đã uống rượu bia xong, bạn cũng nên bổ sung thêm những loại nước bù ion (các loại nước uống thể thao đóng chai hoặc nước dừa là những nguồn bù điện giải rất tốt cho cơ thể).
Việc bù nước được thực hiện càng sớm chừng nào, những triệu chứng của cơn say như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,... sẽ càng giảm nhẹ chừng đó.
3. Uống theo nhịp độ thế nào?
Cơ thể của chúng ta có một ngưỡng dung nạp nhất định, cả về lượng và tốc độ. Bị “đánh úp” với một lượng rượu bia trong thời gian ngắn sẽ khiến cơ chế xử lý cồn bị quá tải dẫn đến nhanh say. Đây là tình trạng thường gặp ở những bạn mới bắt đầu uống, chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc những bạn không uống thường xuyên.
Mẹo là bạn có thể đặt ra một số luật đơn giản cho bản thân để hạn chế việc uống quá nhanh như: mỗi ly phải mất ít nhất 3 lần nhấp môi để uống cạn, nếu vừa được mời thì không đi mời lại ngay,... Tiệc còn dài, bạn hãy từ từ bình tĩnh uống, đừng để bị quá hăng hái trong vài phút đầu tiên mà bỏ lỡ phần còn lại của bữa tiệc.
4. Những dấu hiệu báo động của cơ thể
Chúng ta ít nhiều cũng đã từng trải qua những lần say không-muốn-nhớ-lại. Hãy nghiêm túc xem xét những lần “gục ngã” đó cơ thể chúng ta đã có những dấu hiệu gì? Đó có thể là chảy mồ hôi lạnh, mặt chuyển từ đỏ sang trắng, dòng suy nghĩ không còn bắt kịp với câu chuyện xung quanh,...
Đây sẽ là điểm dừng mà chúng ta phải ghi nhớ và nghiêm khắc tuân thủ. Bởi vì vượt qua những ngưỡng này thì chúng ta sẽ không thể kiểm soát cơ thể được tử tế nữa. Dừng lại càng sớm khi phát hiện những dấu hiệu này chừng nào thì chúng ta càng có một cột mốc an toàn chừng đó.
5. Có nên dùng “thuốc” chống say rượu?
Có rất nhiều gợi ý mà bạn có thể tìm thấy về từ khóa “thuốc chống say rượu”: từ những loại thuốc giảm đau được hướng dẫn uống để giảm triệu chứng đau đầu ngày hôm sau cho đến những loại thực phẩm bổ sung khẳng định có khả năng phân giải tác dụng của rượu bia. Thế nhưng với tất cả các sản phẩm này chúng ta đều phải cẩn thận.
Với thuốc giảm đau, chúng ta cần lưu ý rằng một loại được hấp thụ qua gan (acetaminophen) có thể gây thêm áp lực lên gan vốn đã bị tổn thương bởi cồn, một số loại lại có thể gây phản ứng cho dạ dày (ibuprofen). Nếu bạn từng có vấn đề về dạ dày và đặc biệt là chức năng gan thì nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng những loại thuốc này sau những buổi chè chén.
Còn các loại thực phẩm bổ sung chống say đa số chỉ chứa các loại vitamin, chất chống oxy hóa ở các nồng độ khác nhau chứ ít loại có những hợp chất đặc biệt để hóa giải cồn trong cơ thể. Ngay cả những loại thực phẩm bổ sung có nghiên cứu hẳn hoi vẫn bị đặt nghi vấn do quy mô nghiên cứu thường nhỏ lẻ, các số liệu vẫn chưa thật sự thuyết phục. Nếu có điều kiện bạn vẫn có thể bổ sung các sản phẩm này như một cách hỗ trợ nhưng đừng xem nó là “thuốc tiên” giải rượu mà nhậu nhẹt “thả giàn”.
Cuối cùng, cách tốt nhất để uống vui mà không có hậu quả chính là uống có chừng mực. Hãy lưu ý điều này để tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra bạn nhé.