Đừng là người từ chối bản thân mình đầu tiên | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 01, 2025

Đừng là người từ chối bản thân mình đầu tiên

Nỗi sợ “mình không đủ tốt” sẽ luôn thường trực nhưng thất bại không đáng sợ, từ bỏ trước mới là điều thật sự đáng tiếc.
Đừng là người từ chối bản thân mình đầu tiên

Nguồn: Akwaaba, Tung

Đừng tự loại bản thân khỏi một cuộc chiến bạn còn chưa đánh

9 Năm trước, mình đỗ vòng phỏng vấn cuối cùng của UWC Việt Nam (United World Colleges - Hệ thống giáo dục bao gồm 18 trường học trải rộng khắp 4 châu lục). Khi tham gia vào nhóm FaceBook cùng các bạn thí sinh khác, mình bắt đầu mường tượng được rõ hơn bản thân đang phải đối đầu với ai.

Hiện ra trước mắt mình là một loạt hồ sơ cực khủng: Đạt giải thưởng quốc gia và huy chương quốc tế, á quân chương trình “Chinh phục”, thông thạo ba ngôn ngữ, chơi được bốn loại nhạc cụ dân tộc, và là chủ tịch các dự án tình nguyện lớn... Não mình ngay lập tức phát ra tín hiệu S.O.S!

Mình cố trấn tĩnh lại bằng suy nghĩ: “Chắc năm nay giỏi bất thường thôi, thử xem các cựu học sinh khóa trước như thế nào?” Nhưng kết quả nhận về là: “Forbes 30 under 30”, “tiến sĩ Harvard”, “thần đồng âm nhạc”, “á quân đường lên đỉnh Olympia”... cái quái gì thế này!

alt
Trung bình một cựu học sinh của UWC sẽ có hồ sơ cỡ này. | Nguồn: Akwaaba, Tung

Đêm đó mình chìm trong cảm giác bất lực vì sự tầm thường của bản thân. Một học sinh có học lực không xuất sắc, chưa thành lập bất cứ một tổ chức nào, không biết chơi bất kì nhạc cụ gì, vốn liếng xã hội để nói chuyện về văn hoá và chính trị (thứ mình nghĩ UWC tìm kiếm) bằng âm.

Cảm giác kẻ giả mạo (Impostor Syndrome) bao trùm lấy tâm trạng: “Mình không xứng đáng được ngồi đây.” Mình chia sẻ cảm xúc này với mẹ, và có thể nhìn thấy vẻ hãi hùng trên gương mặt của bà khi nghe về hồ sơ của các bạn. Nhưng là một người có tư duy tích cực thượng thừa, mẹ vẫn có thể động viên mình: “Đằng nào cũng ngồi đây rồi thì cứ học và chơi hết mình thôi. Chắc chắn người ta cũng nhìn thấy điều gì đó đặc biệt ở con.”

Mình yên tâm bay vào Sài Gòn thi vòng cuối với tinh thần học hỏi là chính… Chín tháng sau, mình trở thành người Việt đầu tiên theo học UWC Trung Quốc. Chín năm sau, ở thời điểm hiện tại, mình là người điều phối chính cho vòng final của học bổng UWC Việt Nam năm nay.

Nếu các bạn đang và sẽ nộp đơn vào UWC nhìn thấy hồ sơ của mình, hay một vài cựu học viên nổi bật trên mạng, có lẽ các bạn cũng sẽ thấy bản thân giống như một kẻ giả mạo hay “không xứng đáng” như mình 9 năm trước. Bởi cảm giác này không chỉ áp dụng với học bổng UWC, nó áp dụng với rất nhiều “cuộc chiến” khác trong cuộc sống mà kết quả của chúng không phụ thuộc 100% vào những gì bạn có thể kiểm soát.

Nên mỗi khi bạn cảm thấy mình “không đủ” nhưng thích một học bổng/ công việc? Cứ nghiên cứu đi. Ứng tuyển đi. Từ chối bạn là việc của ban tuyển sinh/ tuyển dụng.

Thích phát triển một dự án kinh doanh? Cứ làm đi. Vừa học vừa làm. Không ai biết tất cả mọi thứ ngay từ đầu hết. Nếu thất bại, ít nhất bạn đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để theo đuổi một ước mơ bạn tin vào.

Bạn sẽ không bao giờ biết mình có thể thắng một cuộc chiến hay không, nếu bạn không dám đánh nó. Loại bạn là việc của những người khác trong cuộc chiến, không phải việc của bạn. Việc của bạn là biết mình muốn đánh cuộc chiến nào, và hết mình với nó.

Vậy làm sao để biết?

Bạn sẽ không biết cuộc chiến nào thực sự quan trọng, nếu không thử nhiều cuộc chiến khác nhau

Mặc dù đã đọc không biết bao nhiêu sách về tỉ lệ thất bại của các công ty khởi nghiệp, mình sẽ không bao giờ thực sự hiểu được việc “làm chủ” khó đến mức nào, nếu không tự mình dấn thân vào hành trình “làm chủ fulltime” trong hơn một năm qua và chọn khép lại hành trình này. Mình nhận về một bài học quý giá từ cuộc chiến “làm chủ”.

alt
Mình trong buổi tổng kết của MỞ, khép lại hành trình khởi nghiệp và tạm bước ra khỏi cuộc chiến “làm chủ”. | Nguồn: Akwaaba, Tung

Mình sẽ không thực sự biết việc “được làm thứ mình tin vào” quan trọng đến đâu, nếu không đi làm thuê cho cho một người rất giỏi về cách thức chuyên môn (how), nhưng không có niềm tin vững chắc vào sứ mệnh. Mình có được một bài học từ cuộc chiến “làm thuê”.

Mình cũng sẽ không biết ngưỡng “ở đủ gần và đủ xa” gia đình là ở đâu, nếu trong 8 năm vừa rồi, mình không sống xa bố mẹ với những khoảng cách thay đổi từ 10 bước chân, 2 giờ bay, 5 giờ bay, đến hơn 12,000 cây số. Mình mở khóa thêm một bài học nhờ cuộc chiến “sống xa gia đình”.

Có rất nhiều người đã nói và viết về những giá trị thực sự quan trọng trong cuộc sống, từ tài liệu của những tôn giáo lâu đời nhất đến video TikTok bạn vừa xem ngày hôm qua. Nhưng chỉ khi có mất mát và hy sinh, bạn mới thực sự chiêm nghiệm và giác ngộ được bài học cho riêng mình.

Việc tham khảo những quan điểm khác nhau là tốt, vì riêng việc nghĩ về câu hỏi điều gì là thực sự quan trọng?” cũng đã là một bước tiến trong hành trình tự nhận thức. Nhưng, giống như lời Ray Dalio trong Principles: “Adopting pre-packaged principles without much thought exposes you to the risk of inconsistency with your true values.”

(Việc áp dụng các nguyên tắc có sẵn mà không suy nghĩ kỹ lưỡng, sẽ khiến bạn đối mặt với nguy cơ sống trong mâu thuẫn với những giá trị thật của bản thân.)

Có những bài học bạn phải tự mình rút ra, bằng trải nghiệm và chiêm nghiệm cá nhân. Không có đường tắt. Hãy cẩn thận với những bài học của người khác, vì có thể cuộc chiến họ đánh rất khác bạn. Nên nếu có thể, hãy tự học bằng cách tự đánh cuộc chiến của chính mình và nhớ là…

Đừng chỉ đánh những cuộc chiến bạn biết mình sẽ thắng

Dĩ nhiên, khi mới bắt đầu, việc xây dựng sự tự tin vào khả năng của mình bằng những chiến thắng nhỏ là điều rất quan trọng. Trước khi xin học bổng ở UWC, mình đã thi một học bổng trao đổi ngắn ngày khác. Lùi xa hơn chút nữa, mùa hè năm đó mình đã học viết và thử nộp đơn vào bất cứ chương trình miễn phí nào yêu cầu hồ sơ bằng tiếng Anh.

Việc đỗ kha khá (khoảng 90%) những chương trình nhỏ này là điểm tựa tinh thần rất lớn, cho mình can đảm để chinh phục một học bổng lớn như UWC. Mình tin rằng sự tự tin là một kỹ năng có thể xây dựng được, bằng việc đánh những cuộc chiến nhỏ một cách thông minh, trước khi đánh một cuộc chiến lớn.

Nhưng khi đạt đến một cấp độ tự tin nhất định vào khả năng của mình, điều nên làm là đánh những cuộc chiến khó hơn, lớn hơn và quan trọng hơn. Tiếp tục đánh những cuộc chiến nhỏ - những cuộc chiến bạn biết chắc mình sẽ thắng, chỉ phục vụ mục đích vuốt ve cái tôi của bản thân, nghĩa là bạn đã chấp nhận mình chỉ giậm chân tại chỗ.

Gặp mình sau khi thông báo đóng MỞ (dự án khởi nghiệp của mình), anh Quang (the1ight – một người bạn và học sinh của mình) có ví quyết định đó giống như câu thoại của Master Aemon nói với Jon Snow trong Game of Thrones: “To kill the boy, and let the man be born.”

Anh Quang nói đúng quá, mình mất ngủ luôn đêm hôm đó. Lăn qua lăn lại trăn trở về hai cuộc sống: “Tùng tự do + làm sếp + được yêu quý” mà mình đang buông bỏ, và “Tùng làm thuê + áp lực cao” mà mình dấn thân vào. Mình biết mình dừng MỞ để đánh những cuộc chiến lớn hơn, khó hơn, quan trọng hơn với mình.

Và qua những cuộc chiến đó, mình sẽ trưởng thành hơn, để một phiên bản cứng cỏi hơn của mình thành hình hài.

Kết

Mình bắt đầu bài viết này với mục tiêu chia sẻ thông điệp đầu tiên là chính. Nhưng trong quá trình đó, mình nhận ra hai thông điệp còn lại. Nên với mình, điều đầu tiên vẫn quan trọng nhất. Khi hiểu được nó rồi, mình cảm thấy một khi mình đã muốn thì không có cuộc chiến nào là quá lớn cho mình nữa. Đánh có thể thua, nhưng chắc chắn vẫn dám đánh.

Nếu bạn chỉ nhớ được một điều sau khi đọc, mình thực sự mong đó là tiêu đề bài viết này“Đừng là người từ chối bản thân mình đầu tiên” Vì có rất nhiều người sẽ cố gắng “loại” bạn trong những cuộc chiến của cuộc đời. Mình chỉ mong bạn không tự làm vậy với chính mình!

Đọc bài viết gốc của Akwaaba Tùng tại đây.