Một năm trở lại đây, cryptocurrencies (tiền mã hóa) làm dậy sóng thị trường đầu tư khắp thế giới. Trong lịch sử, chưa có lớp tài sản nào mà tỷ suất sinh lời trong vòng một năm bay lên như hỏa tiễn. Theo bạn tỷ suất sinh lời của một crypto cao kỷ lục của năm qua là bao nhiêu?
Nếu nổi tiếng như Dogecoin - gây choáng với tỉ suất sinh lời lên đến 15.709% (mười lăm ngàn bảy trăm) thì không biết Elrond với 47.601.639% sẽ đến mức độ nào!
Chính vì vậy, rất nhiều người bị rơi vào tâm lý FOMO. Thế hệ Z cũng nên FOMO, nhưng không phải FOMO để đầu cơ vào vào crypto, mà là FOMO để đầu tư vào công nghệ blockchain.
Đầu tư vào crypto cũng được nhưng…
Sự khác nhau giữa đầu tư và đầu cơ rõ nhất là ở thời hạn nắm giữ. Với đầu tư thì thời hạn dài hơn, tính bằng năm, còn đầu cơ thì phần lớn là trong một thời gian ngắn. Điểm khác nhau nữa là đầu cơ mang tính may rủi nhiều hơn, biên độ dao động của rủi ro rất lớn. Người đầu cơ vì thế có thể thắng rất nhiều nhưng cũng có thể thua sạch bách.
Chính vì vậy mà giới đầu tư chuyên nghiệp, dù rất quan tâm đến crypto nhưng cũng chỉ có những hedge hay quant funds là đưa crypto vào danh mục đầu tư của mình. Tuy vậy, họ cũng rất kén chọn. Crypto trong danh mục đầu tư của họ chiếm tỷ trọng rất thấp, chỉ vài phần trăm.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, đầu tư vào crypto cũng là cách đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tìm hiểu nhiều khía cạnh xung quanh việc đầu tư này.
Chẳng hạn, chúng ta đặt câu hỏi nên chọn crypto nào là mục tiêu chính. Muốn vậy, ta phải tìm hiểu quy mô của cộng đồng ủng hộ và giao dịch loại crypto này. Liệu tiềm năng sử dụng của crypto trong tương lai làm phương tiện thanh toán, trao đổi có lớn không? Có người ảnh hưởng lớn ở quy mô toàn cầu hay các tổ chức lớn hỗ trợ crypto này không?
Tiếp đến, ta nên tìm hiểu việc mua bán sẽ trên sàn giao dịch nào? Có hợp pháp không? Liệu có rủi ro sàn bị sập như những trường hợp đã xảy ra khiến nhà đầu tư mất trắng? Cất giữ crypto như thế nào cho an toàn? Các loại ví nóng, ví lạnh khác nhau ra sao?
Thị trường việc làm của blockchain
Với thế hệ Z, vấn đề việc làm trong 5-10 năm tới là một chủ đề rất quan trọng. Việc làm là xuất phát điểm quan trọng của nhiều vấn đề kinh tế xã hội khác. Xu hướng việc làm liên quan đến công nghệ blockchain, hay hẹp hơn là cryptocurrency đã có đà tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Xu hướng này cũng được dự báo sẽ tăng mạnh trong những năm tới.
Chỉ cần vào LinkedIn và tìm từ khóa “blockchain jobs”, các bạn sẽ thấy nhu cầu thị trường trên khắp thế giới như thế nào. Có một câu chuyện, do một bạn tên T chia sẻ trên nhóm Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (VWA) rất đáng để tham khảo.
Đang có một công việc ổn định theo cách nghĩ của nhiều người, năm 2017, T biết đến crypto. Sau khi lên bờ xuống ruộng vài lần, T thấy rằng cần tìm hiểu một cách bài bản về lĩnh vực này trước khi đầu tư. Và giờ đây, ngoài việc đầu tư crypto thì T có công việc mới trong lĩnh vực này với một mức lương đáng mơ ước.
Thị trường việc làm của công nghệ blockchain rất đa dạng, hiện nay cầu vẫn vượt cung. Nhiều bạn nghĩ rằng, làm blockchain thì chỉ có dân dev, dân công nghệ. Nhưng không phải hoàn toàn như vậy đâu.
Giống như làm ngân hàng, đâu phải cứ học tài chính - ngân hàng là sẽ ra làm như vậy. Trong ngân hàng cũng cần người làm marketing, làm nhân sự, làm pháp chế, làm IT, làm sales, làm đào tạo chứ.
Đối với lĩnh vực blockchain cũng vậy. Ngày càng có nhiều lĩnh vực ứng dụng công nghệ blockchain để phát triển mô hình kinh doanh của mình. Tiêu biểu có thể kể đến trong lĩnh vực truyền thông, các ứng dụng Dapps (Decentralized Apps), lĩnh vực logistics, quản lý tài sản, đầu tư, y tế, các hợp đồng thông minh (smart contracts).
Bước vào giới blockchain như thế nào?
Một số trường đại học trên thế giới đã có chương trình đào đạo hướng về blockchain như Berkeley, MIT, Princeton. Ngay cả ở Việt Nam cũng có một số trường hướng đến công nghệ Fintech, như trường Đại học Kinh tế TPHCM.
Kiến thức và công nghệ của blockchain phát triển rất nhanh. Vì thế, những bạn có nền tảng về IT, công nghệ có thể tìm học nâng cao qua các khóa học MOOCs (Massive Open Online Courses).
Tuy vậy, lĩnh vực blockchain rất cần thực chiến. Việc tham gia các dự án vì thế quan trọng hơn nhiều so với các chứng chỉ hay bằng cấp. Cộng đồng blockchain hiện nay rất đông, với nhiều dự án có kêu gọi sự tham gia tự nguyện. Những đóng góp và chia sẻ trên cộng đồng Reddit hay GitHub sẽ làm portfolio của bạn phong phú và tăng thêm giá trị rất nhiều.
Sự phát triển của công nghệ blockchain đã đến mức độ chín muồi nhất định khi ngày càng nhiều nhân lực cao cấp của các tập đoàn lớn chuyển sang blockchain. Một số vị trí cao cấp của Citadel, Paypal, Morgan Stanley, Blackrock đã chuyển sang làm cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mới mẻ và đầy tiềm năng này.
Điểm quan trọng trong sự phát triển của blockchain là phải hiểu những vấn đề cơ bản, từ ưu điểm đến nhược điểm trong ứng dụng. Rất nhiều cuộc phỏng vấn tuyển dụng liên quan đến blockchain đặt câu hỏi cho ứng viên “Bitcoin hoạt động như thế nào?”
Chính vì vậy, việc tìm hiểu những khái niệm, những tài liệu kỹ thuật (white papers) và theo dõi cập nhật qua các trao đổi trong các nhóm cộng đồng là rất cần thiết cho những ai muốn dấn thân vào blockchain.
Hiện nay, có nhiều người vẫn đánh đồng blockchain với cryptocurrency. Họ cổ vũ cho việc đầu tư vào crypto nhưng ngay bản thân mình cũng chưa hiểu hết về nó. Trên thị trường có hàng ngàn crypto, nhưng chỉ số ít trong đó được cộng đồng chấp nhận rộng rãi. Việc đầu tư vào crypto nếu không tìm hiểu kỹ sẽ trở thành đầu cơ, và hơn nữa chính là đánh bạc.
Trong khi đó, blockchain là công nghệ của tương lai và ngày càng phát triển mạnh. Thay vì FOMO với crypto, các bạn trẻ thế hệ Z hãy FOMO với những kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực blockchain. Những người tiên phong luôn chịu nhiều rủi ro hơn, nhưng phần thưởng sẽ rất xứng đáng. Kiến thức và kỹ năng luôn là tài sản quý giá nhất, vì đó là thứ mà một khi đã có, bạn không thể bị mất được.