Chủ nghĩa Vị lai: Ước vọng đạp đổ truyền thống để hướng tới tương lai | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
17 Thg 05, 2021

Chủ nghĩa Vị lai: Ước vọng đạp đổ truyền thống để hướng tới tương lai

Bạn biết gì về Chủ nghĩa Vị lai?
Chủ nghĩa Vị lai: Ước vọng đạp đổ truyền thống để hướng tới tương lai

Chủ nghĩa Vị lai hướng về một tương lai hiện đại | Nguồn: Digital School

#TriếtXuất là series giới thiệu những tư tưởng trong Triết học.


1. Chủ nghĩa Vị lai là gì?

Chủ nghĩa Vị lai (Futurism) là một trào lưu văn hóa - xã hội, chính trị và nghệ thuật phổ biến tại châu Âu vào đầu thế kỷ 20.

Hệ tư tưởng này mong muốn phá bỏ truyền thống, đề cao sự đổi mới sáng tạo, sự năng động và tốc độ để hướng tới một thế giới tương lai, nơi có sự phát triển vượt bậc của máy móc và công nghệ.

Có thể bạn đã biết về Chủ nghĩa Vị lai qua cuốn tiểu thuyết kinh điển 1984 của nhà văn George Orwell.

1984
Tiểu thuyết 1984 của nhà văn George Orwell lấy cảm hứng từ thuyết Vị lai | Nguồn: Amazon

Hoặc nếu bạn là một “người chơi hệ tâm linh”, có thể bạn đã biết về bộ bài tarot Aleister Crowley Thoth Tarot. Nằm trong top 3 bộ bài tarot phổ biến nhất theo Aeclectic Tarot, các nét vẽ của bộ bài này được biết đến là chịu ảnh hưởng rõ nét từ trường phái Vị lai.

tarot
Bộ bài tarot lấy cảm hứng từ thuyết Vị lai | Nguồn: Pinterest

Về đặc điểm và tính chất, Chủ nghĩa Vị lai có nhiều nét tương đồng với chủ nghĩa Phát xít (Fascism). Trong lĩnh vực nghệ thuật - vốn là thứ Chủ nghĩa Vị lai để lại nhiều ảnh hưởng nhất, hệ tư tưởng này là nguồn cảm hứng cho hàng loạt phong trào nghệ thuật sau này như trường phái Dada, chủ nghĩa Siêu thực (Surrealism) và Art-Deco.

2. Chủ nghĩa Vị lai bắt nguồn như thế nào?

Năm 1909, nhà thơ người Ý Filippo Tommaso Marinetti viết Bản tuyên ngôn của Chủ nghĩa Vị lai tại Milan. Bản tuyên ngôn được đăng lần đầu tiên trên nhật báo La gazzetta dell'Emilia của Ý vào ngày 05/02/1909.

Ngày 20/02/1909, tờ Le Figaro của Pháp đăng lại nội dung Bản tuyên ngôn, đánh dấu sự có mặt của Chủ nghĩa Vị lai trên bản đồ châu Âu.

futurism
Những con người khai sinh ra Chủ nghĩa Vị lai | Nguồn: Britannica

Động cơ của việc khai sinh Chủ nghĩa Vị lai đến từ sự chán ghét những giá trị xưa cũ truyền thống, vốn đi theo nước Ý với những hào quang từ thời kỳ Phục Hưng và La Mã cổ đại. Những người theo Chủ nghĩa Vị lai vì thế khẳng định sự theo đuổi cực đoan một hiện thực trẻ trung, năng động và mạnh mẽ.

Họ cổ xúy cho những cải tiến về công nghiệp và máy móc, đồng thời tin tưởng về một tương lai của cuộc sống đô thị và công nghệ - thứ được mô tả trong Bản tuyên ngôn là phi đạo đức và phi truyền thống.

3. Chủ nghĩa Vị lai có những đặc điểm cơ bản nào?

Trong Bản tuyên ngôn của Chủ nghĩa Vị lai, Marinetti đề cập đến nhiều lĩnh vực mà Chủ nghĩa Vị lai mong muốn tạo ảnh hưởng. Trong đó có thể kể đến chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và nổi bật nhất là nghệ thuật.

Về kinh tế - chính trị, Chủ nghĩa Vị lai có nhiều điểm tương đồng với Chủ nghĩa Phát xít. Những con người theo Chủ nghĩa Vị lai ca ngợi bạo lực và coi chiến tranh là công cụ tối ưu để “dọn sạch” và giải quyết những vấn đề lớn trong cuộc sống.

Họ cũng ủng hộ việc chính phủ công nghiệp hóa mạnh mẽ nền kinh tế, xây dựng thêm nhiều nhà máy, xí nghiệp và máy móc hiện đại. Chủ nghĩa Vị lai tin rằng mấu chốt của sự phát triển nằm ở tốc độ, do đó việc tập trung phát triển ngành công nghiệp ô tô và máy bay phải đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế.

Về văn hóa - xã hội, Marinetti viết trong Bản tuyên ngôn như sau: “Chúng tôi có ý định phá hủy các bảo tàng, thư viện, học viện dưới mọi hình thức. Chúng tôi chống lại chủ nghĩa đạo đức, chủ nghĩa nữ quyền và mọi sự hèn nhát cơ hội.”

Ảnh hưởng mạnh mẽ nhất mà Chủ nghĩa Vị lai để lại nằm ở lĩnh vực nghệ thuật, nổi bật nhất là với hội họa và kiến trúc. Các họa sĩ Vị lai chịu ảnh hưởng nhiều từ hai trường phái Lập thể và Ấn tượng.

vị lai
Bức tranh theo Chủ nghĩa Vị lai, vẽ một người đang dắt chó | Nguồn: Pinterest

Tuy nhiên, trong khi hai trường phái trên tập trung miêu tả một khoảnh khắc nhất định, những họa sĩ Vị lai lại muốn kết hợp thêm nhiều yếu tố khác vào tác phẩm như thời gian, địa điểm, hình thái và màu sắc. Họ cho rằng điều này tạo “cảm giác động” cho khoảnh khắc được mô tả trong các bức họa.

4. Tính chất và ý nghĩa của Chủ nghĩa Vị lai là gì?

Những con người Vị lai nhận thấy sự thiếu hụt trong hệ thống tư tưởng của con người đương thời, thứ mà họ cho là là chỉ mô tả quá khứ và hiện tại mà không đề cập đến tương lai.

Những con người Vị lai cũng tôn sùng Chủ nghĩa Cá nhân (Individualism) một cách cực đoan. Họ thể hiện rõ sự khinh miệt với kẻ yếu và bày tỏ sự sùng bái với những thực thể có quyền lực, do họ cho rằng xã hội tương lai sẽ chỉ dành cho những người có đủ điều kiện, năng lực và sự xứng đáng.

hello
Chủ nghĩa Vị lai mang tư tưởng cực đoan | Nguồn: Getty Images

Sự ra đời của Chủ nghĩa Vị lai cổ vũ cho phong trào đổi mới sáng tạo và kéo con người ra khỏi những suy nghĩ lối mòn. Tuy vậy, việc cổ xúy cho những tư tưởng chính trị - văn hóa - xã hội cực đoan và chống lại loài người đã khiến phong trào Vị lai bị đào thải.

Cái chết của Marinetti vào năm 1944, cùng với sự sụp đổ của Chủ nghĩa Phát xít đã đặt dấu chấm hết cho hệ tư tưởng này. Từ đó về sau, phong trào Vị lai chỉ còn ảnh hưởng chủ yếu đến lĩnh vực nghệ thuật.