Hơn 100 năm tranh tài, đây là 10 môn thi độc lạ nhất lịch sử Olympic | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
08 Thg 08, 2024

Hơn 100 năm tranh tài, đây là 10 môn thi độc lạ nhất lịch sử Olympic

Bạn giỏi kéo co? Đừng bỏ lỡ cơ hội "lên tuyển" trong kỳ Olympic Paris năm 1900.
Hơn 100 năm tranh tài, đây là 10 môn thi độc lạ nhất lịch sử Olympic

Nguồn: Topical Press Agency/Getty Images

Olympic đã ra đời như một sự kiện tôn giáo từ trước Công Nguyên. Sau hơn một thiên niên kỷ tạm dừng, Thế vận hội phiên bản hiện đại lần đầu tái xuất năm 1896 với 9 môn thể thao (điền kinh, bắn súng, bơi, cử tạ, đấu kiếm, đua xe đạp, vật, quần vợt, thể dục dụng cụ) và liên tục được cập nhật cho hợp thời đại.

Dưới đây là 10 môn thể thao, hoặc không phải thể thao, kỳ lạ nhất từng xuất hiện và biến mất khỏi Olympic.

Đâu là môn thi bạn hào hứng muốn xem?

Vẽ tranh và làm thơ...

"Một nhà vô địch Olympic thực thụ không chỉ cần cơ bắp mà phải giỏi nghệ thuật nữa chứ," Nam tước Pierre de Coubertin, cha đẻ của Olympic hiện đại, đã nghĩ như vậy khi đưa văn học, âm nhạc, hội họa, kiến trúc và điêu khắc vào danh sách tranh tài.

Các môn thi nghệ thuật ở Olympic sẽ yêu cầu cầu thí sinh gửi sáng tác lấy cảm hứng từ thể thao. Trong năm đầu tổ chức, huy chương vàng được trao cho: một cỗ xe ngựa (điêu khắc), thiết kế sân vận động (kiến trúc), bức tranh các môn thể thao mùa đông (hội họa), bản nhạc Olympic Triumphal March (âm nhạc) và bài thơ Ode to Sport (văn học).

Sự thật là huy chương vàng văn học thuộc về chính Nam tước Pierre de Coubertin khi ông này gửi tác phẩm với bút danh khác vì sợ cuộc thi "ế thí sinh".

alt
Một tác phẩm hội họa dự thi Olympic Mùa Đông năm 1936. | Nguồn: FPG/Archive Photos/Getty Images

Kéo co

Giống như hội trại ở trường của bạn, Olympic cũng từng thi kéo co. Môn kéo co xuất hiện trong các kỳ Thế vận hội từ năm 1900-1920 với tranh cãi lớn nhất năm 1908 khi đội Cảnh sát Liverpool đi những đôi giày nặng trịch khiến đối thủ của họ là đội Mỹ kéo không nổi và "dỗi bỏ về".

Đến nay, Liên đoàn Kéo co Quốc tế vẫn đang vận động để đưa kéo co trở lại đấu trường Olympic. Và nếu có trở lại được, hẳn bộ môn này sẽ rất hút fan.

alt
Đội kéo co Mỹ, đội thi "dỗi bỏ về" trong mùa Olympic 1908. | Nguồn: Topical Press Agency/Getty Images

Đấu súng

May mắn là bộ môn này không yêu cầu hai quý ông chĩa súng vào đầu nhau như phim cao bồi viễn Tây. Các vận động viên chỉ cần đọ súng với một ma nơ canh trong bộ vest thanh lịch đeo bảng hồng tâm ở bên ngực.

Có lẽ việc đối mặt với một hình nhân mặc vest sẽ mang đến cảm giác kịch tính hơn chăng?

alt
Xạ thủ người Na Uy đang kiểm tra súng trong Thế vận hội năm 1948. | Nguồn: Topical Press Agency/Hulton Archive/Getty Images

Đua khinh khí cầu

Bộ môn này chỉ được thi đấu một lần duy nhất năm 1990.

Trong đó, các tay đua không chỉ đua tốc độ mà còn thi xem ai bay cao nhất và chụp được tấm ảnh đẹp nhất từ trên cao. Éo le thay, vận động viên người Pháp Henry de La Vaulx tuy giành chiến thắng năm ấy nhưng lại bị bắt tạm giam vì bay qua địa phận của Nga mà không có hộ chiếu.

alt
Hội đua khinh khí cầu rộn ràng Paris năm 1990. | Nguồn: Public domain

Bắn chim bồ câu

Tiêu chí của môn bắn chim bồ câu rất đơn giản, ban tổ chức thả ra một đàn chim và thí sinh làm sao để bắn hạ càng nhiều chim bồ câu càng tốt. Cuộc thi đẫm máu này chỉ được tổ chức một lần trong lịch sử với tổng cộng 300 con chim bồ câu bị giết vào kỳ Olympic - bạn đoán đúng rồi đấy - năm 1990.

alt
Bức tranh "Tom, Jerry and the fat knight" năm 1825 mô tả cảnh bắn chim bồ câu. | Nguồn: Hulton Archive/Getty Images

Bắn hươu

May mắn hơn môn bên trên, không chú hươu nào thực sự thiệt mạng trong môn thể thao này. Người ta sử dụng các tấm biển hình hươu làm hồng tâm cho các xạ thủ ngắm bắn. "Con hươu" sẽ liên tục chạy sang trái phải trong khi xạ thủ đứng xa 100m cố gắng ghi điểm vào mục tiêu.

alt
Nguồn: Duncan1890/Getty Images

Bơi vượt chướng ngại vật

Môn này được tổ chức trên sông Seine, nơi các kình ngư được yêu cầu bơi ra giữa sông, trèo lên cột, lặn ngụp dưới một đoàn thuyền rồi lại bơi trên sông và lặn dưới một đoàn thuyền khác. Không đơn giản gì khi vừa phải bơi nhanh vừa phải giữ thăng bằng giữa dòng nước chảy xiết.

Năm nay, khi bơi vượt chướng ngại vật không còn nằm trong danh sách Olympic, người hâm mộ thể thao vẫn có thể theo dõi 3 môn phối hợp (triathlon) được tổ chức trên sông Seine.

alt
Nguồn: Topical Press Agency/Getty Images

Cưỡi ngựa nhảy cao, nhảy xa

Nhảy cao và nhảy xa thì thường quá. Mời bạn theo dõi bộ môn cưỡi ngựa nhảy cao và cưỡi ngựa nhảy xa.

Kỷ lục của các "vận động viên" ngựa nhảy cao tại Olympic là 1,85m và nhảy xa là 6,1m, có vẻ khiêm tốn khi so với kỷ lục nhảy cao nam 2,39m của vận động viên Javier Sotomayor người Cuba và nhảy xa nam 8,95m của Mike Powell người Mỹ.

alt
Nguồn: FPG/Hulton Archive/Getty Images

Chơi Polo trên xe đạp

Giống như Polo truyền thống nhưng thay vì ngồi trên lưng ngựa, người chơi môn này phải đạp xe. Polo xe đạp ban đầu ra đời để rèn luyện kỹ năng cưỡi ngựa cho người mới chơi Polo, sau này nó phát triển thành một nhánh riêng nhưng do không phổ biến nên chỉ được đem thi Olympic đúng một lần.

Dù sao thì "Bikes don't poop" cũng là một khẩu hiệu đầy tự hào của cộng đồng ngươi chơi Polo xe đạp.

alt
Trận chung kết Polo xe đạp ở Olympic London năm 1908. | Nguồn: Topical Press/Getty Images

Roque

Nếu bạn cảm thấy bối rối khi nghe cái tên này, không sao cả. Năm 1904 khi roque được giới thiệu ở Olympic Missouri, hầu hết mọi người cũng chẳng hiểu nó là cái gì.

Roque lấy cảm hứng từ bộ môn croquet (bóng cửa) vốn phổ biến trong giới quý tộc châu Âu nhưng đổi sang chơi trên sân cứng và có tường bao quanh. Mục tiêu của trò chơi là dùng gậy đưa bóng qua tất cả các cửa theo thứ tự quy định và chạm vào hai cọc cuối sân.

Thời đó, biến thể roque là chỉ tồn tại ở Mỹ, chỉ có đội Mỹ thi đấu và tất nhiên, chỉ có đội Mỹ ôm trọn huy chương.

alt
Nguồn: General Photographic Agency/Getty Images

*Bài viết lược dịch từ Great Big Story và các nguồn thông tin khác.