ICD: Sau quán quân là... Kỷ luật của bố | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
31 Thg 07, 2021

ICD: Sau quán quân là... Kỷ luật của bố

"Những xích mích của bố con đơn giản tới từ sự chênh lệch về trình độ thôi."
ICD: Sau quán quân là... Kỷ luật của bố

ICD và bố mẹ trên sân khấu King Of Rap 2020. | Nguồn: Nhân vật.

Với quán quân King Of Rap Phạm Ngọc Huy (ICD) và bố, chú Dũng, học yêu là một hành trình khám phá. Trên hành trình này có lực kéo của tình yêu thương; có lực đẩy của những xung đột, xích mích; có cả những trăn trở chưa thể nói hết cho nhau.

Chúng tôi trò chuyện cùng Huy và chú Dũng để biết rằng hành trình hiểu bố của Huy vẫn còn dài. Thế nhưng, cũng có thể thấy được cả hai bố con đều nỗ lực vượt qua khoảng cách về thế hệ để ngày một hiểu nhau hơn, tin tưởng nhau hơn. Người bố khó tính ngày nào giờ đã có thêm niềm tin vào cậu con trai đang học cách trở thành điểm tựa cho những người quan trọng

it1
"Lúc bé, bố và con đã từng chơi cờ, thua rồi dỗi nhau vui lắm, đúng không?"

Qua những bài rap dự thi, có thể thấy mối quan hệ giữa bố và Huy là chủ đề khiến Huy trăn trở nhiều, điều này có đúng không?

Huy: Từ bé đến giờ, mình liên tục suy nghĩ về mối quan hệ của mình và bố. Vì có nhiều chuyện mình không thể hiểu sao bố lại như thế và phải khám phá tới tận bây giờ.

Lúc có những khám phá để hiểu bố mình thì Huy cảm thấy thế nào?

Huy: Mình hiểu bố theo từng thời kỳ trưởng thành chứ không phải “một phát” là hiểu được. Điều này có lẽ do người lớn họ đã có quá nhiều kinh nghiệm nền tảng rồi, nên dễ mặc định con cái cũng phải hiểu vấn đề như họ.

Đơn cử như việc bố hay mắng mình không gọn gàng, nhưng trước đây mình thấy việc đó không sao hết, mình không gọn gàng thì đó cũng là cái chỗ sinh hoạt của mình. Nhưng khi thực sự rời khỏi vùng an toàn của bố mẹ, vào Sài Gòn thi King Of Rap và sống trong môi trường tập thể, thì mới thấm được bài học của bố về việc gọn gàng.

Những xích mích của bố con đơn giản tới từ sự chênh lệch về trình độ thôi.

Việc bố mẹ muốn con mình có những tính tốt là rất dễ hiểu, nhưng đôi khi cách bố mẹ dạy thì lại không chạm được đến đứa con. Chú Dũng nghĩ sao về việc này?

it 2
ICD và bố mẹ trên sân khấu King Of Rap 2020. | Nguồn: Nhân vật.

Chú Dũng: Những thế hệ về sau tiếp cận với văn hóa nước ngoài nhiều hơn thế hệ của chú, nên cách nhìn vấn đề khác hoàn toàn. Thế hệ của chú ảnh hưởng nặng về văn hóa Á Đông, chứ không thoải mái như các cháu sau này.

Đôi khi, cuộc sống ngoài kia có nhiều lo toan, áp lực. Do đó khi về đến nhà, dù biết mình cũng muốn nói những lời ngọt ngào với gia đình, nhưng điều này cũng khó khi trong lòng mình không vui. Ngày xưa bố chú cũng cực kỳ khó tính, nhưng về sau chú cảm thấy việc học được sự khó tính của bố chú cũng rất hay. Bây giờ có tắt điện chú cũng biết chính xác đồ đạc trong nhà để đâu, không bao giờ phải đi tìm cả.

Khó tính cũng có cái hay, nhưng cũng có cái thiệt thòi cho con cái. Giờ đây chú nghĩ lại thì cũng thấy có chút gì đó hơi hối hận một tí.

(Huy và bố cùng cười)

Theo chú, thể hiện tình cảm bằng lời nói có quan trọng không?

Chú Dũng: Mình cần cả hành động và lời nói, tuy hành động cần được ưu tiên hơn một chút. Nhưng sau này chú mới nhận ra một vấn đề: Lời động viên kịp thời, đúng lúc, giá trị rất tuyệt vời. Vấn đề là mình có đủ sự tinh tế để động viên kịp thời, đúng lúc hay không.

Có một câu nói nào của Huy làm cho chú thấy vui và nhớ không?

Chú Dũng: Câu nói làm chú cảm động nhất lại không phải nghe từ Huy, mà được người khác kể lại. Khi thi chương trình Rap vừa rồi, Huy tâm sự với một chị ở trong đó, bảo rằng: “Người khán giả mà em muốn chinh phục nhất chính là bố của em.” Chú nghe câu đó thì cảm thấy hạnh phúc vì sự tôn trọng của Huy dành cho mình.

Mà mấy cái nó (Huy) viết trong bài Tài Sản Của Bố, nghe cũng mủi lòng phết đấy!

(ICD và bố lại cười)

Huy: Không “điêu” nhá, lúc viết ca khúc đấy mình cũng rơm rớm. Vì từ trước tới giờ mình cũng chưa đối diện với bản thân để viết về bố.

Chú Dũng (nói với Huy): Bố cũng muốn trải lòng về bài “Từ Bao Giờ” của con. Lúc trước bố cũng chỉ muốn tạo áp lực để con phấn đấu bằng các anh trong gia đình, để bố mẹ được tự hào một chút với mọi người. Khi đấy bố cũng không nghĩ được rằng con cũng có những ước mơ riêng.

Kể cả sau này khi con đi theo con đường như thế bố cũng không tin được…Vì theo đuổi Rap thứ nhất là quá mới, thứ hai là định hướng chưa rõ. Không biết có nửa vời không, không biết có làm dở dang việc học hành của con không?

Thực sự là khi con bước chân vào cuộc thi KOR năm ngoái, thì bố mới lên mạng tìm hiểu tất cả mọi thông tin. Rồi bố nghĩ đã là đam mê thì cứ để cho con theo đuổi. Con theo đuổi thành công thì tốt, không thì ta lại làm lại từ đầu.

Vậy khi thấy Huy theo đuổi được ước mơ của mình, chú có thấy vui không?

it3
"Tài Sản Của Bố" là bài hát có thể làm động lòng cả những người cứng rắn nhất. | Nguồn: Nhân vật.

Chú Dũng: Vui chứ! Ngày xưa chú cũng có ước mơ, nhưng nó trôi nhanh lắm, vì không có sự kiên định. Thế nên ban đầu chú cũng có nhiều lăn tăn về Huy. Nhưng sau đó cũng được các anh của chú khuyên: “Nó đã 24, 25 rồi, nó chín rồi, nó tự biết và cân nhắc được nó sẽ làm gì và không làm gì.” Lúc đấy chú mới thực sự yên tâm.

Huy: Mình biết ơn sự kỷ luật và nền tảng của bố mẹ vì đã giữ mình đứng vững. Thực sự là sau cuộc thi, điều kiện và khả năng để mình “hư” thực sự rất nhiều.

Đôi lúc hứng lên cũng có một chút “bù đắp” cho ngày cũ một tí, cũng thử món này món kia, sắm những bộ đồ mà mình cảm thấy thích. Nhưng mình vẫn giữ thói quen, tiết kiệm được gì thì mình tiết kiệm. Và mỗi lần tiêu xài gì thì mình cũng hay nghĩ về bố mẹ. Bố mẹ chi tiêu rất tiết kiệm, nhưng cũng rất hợp lý trong chuyện ốm đau, ăn uống, học hành, kể cả là đi du lịch, đi chơi. Điều này cũng tạo nên một số ảnh hưởng lên mình về tiền bạc ngay từ hồi bé.

Việc ý thức được sự trưởng thành của mình và sự già đi của bố mẹ đã thay đổi Huy như thế nào?

Huy: Ý thức được điều này khiến mình muốn gắn kết với gia đình liên tục, để đảm bảo mình sẽ không bỏ lỡ chuyện gì xảy ra trong gia đình cả. Hãy cố gắng gắn bó khi có thể, vì giữa tuổi trẻ bận bịu, sẽ có lúc mình không thể chia sẻ cùng gia đình. Lúc này mình có thể tạm thông cảm cho bản thân, vì ít nhất trước đây mình đã không bỏ quên gia đình.

Bố và Huy có hay tâm sự những điều khó nói, hay những khó khăn trong cuộc sống không?

Chú Dũng: Hai bố con chỉ hay nói chuyện về trau dồi kỹ năng sống, hoặc nói chuyện thời sự, phim ảnh, nhạc này nhạc kìa,... chứ nói chuyện tình cảm, riêng tư thầm kín thì… hình như là chưa thì phải.

Huy có lo rằng nếu mình không nói chuyện được với bố mẹ để hiểu mình, thì một lúc mình sẽ mất cơ hội không?

Huy: Mình cũng muốn trò chuyện được hơn với bố mẹ, nhưng sẽ tập trung vào những câu chuyện của tương lai. Còn quá khứ 24, 25 năm qua với bố mẹ thì cũng chỉ gói gọn trong đấy thôi. Và mình tin là bố mẹ cũng đã hiểu mình gần như trọn vẹn rồi.

Mình rất muốn để ý nhiều, nói chuyện nhiều với gia đình ngay từ bây giờ. Mình muốn gia đình cùng tâm sự về mọi chuyện, và cùng nhau đi qua hết những giai đoạn thăng trầm.

Chú có cảm thấy ở giai đoạn này Huy đã đủ trưởng thành và chín chắn để chú chia sẻ những khó khăn trong gia đình chưa?

it
Chú Dũng: "Ngày xưa nhìn nó thèm chiếc xe điều khiển thấy thương không thể tả. Chú cũng đi mua cho nó một chiếc, nhưng vừa cầm xe chạy đi thì nó vấp ngã, chiếc xe vỡ tan tành." | Nguồn: Nhân vật.

Chú Dũng: Đến lúc này, cô chú cũng đã chia sẻ với Huy rất nhiều về những khó khăn trong gia đình, vì thấy Huy cũng đã có sự trưởng thành, độ hiểu biết nhất định. Vì sau này có thể Huy cũng sẽ gặp những khó khăn như vậy.

Trong cả chuyện học hành của em gái Huy, chú cũng chia sẻ để nhận được ý kiến từ góc độ của Huy, một người trẻ hơn và gần gũi với thế hệ em gái hơn. Có những tư duy của thế hệ trẻ mà mình chưa thể tiếp cận trọn vẹn, và Huy sẽ truyền tải được dòng tư duy đấy cho chú.

Huy cảm giác thế nào khi được bố mẹ tin tưởng và chia sẻ?

Huy: Mình thấy mừng. Như kiểu mình được lên “level”.

Tất nhiên là lên level thì cũng sẽ có thêm trách nhiệm nữa. Bản thân mình cũng phải cố gắng nhiều hơn để san sẻ được với mọi người, chứ đứng yên một chỗ thì không thể san sẻ được. Nên mình cũng thấy đây là một động lực.

Bố và Huy có điều gì muốn nói với nhau nhưng chưa nói không?

Huy: Con có một điều muốn nói với bố từ lâu. Con biết bố rất hay lo nghĩ về tương lai, nhưng mà những suy nghĩ ấy chỉ như đám mây thôi, và hãy dành nhiều thời gian tận hưởng hiện tại.

Chú Dũng: Thật ra có một câu muốn nói, nhưng mà Huy lại nói mất rồi: Khó nhất không phải là tặng con bánh kem, khó nhất là tặng con lời khen! (chú Dũng cười)

Theo Huy như thế nào là một người con tốt?

Huy: Mình nghĩ một đứa con tốt là một đứa con biết học hỏi. Biết học hỏi thì bản thân đứa con đấy sẽ tốt lên, và dẫn đến những thay đổi khác.

“Cứ để con!” là chuỗi nội dung của Vietcetera, song hành cùng dự án Học Yêu từ Prudential, với thông điệp: Trong gia đình, tình yêu chảy xuôi, và cũng chảy ngược; hãy học yêu để trở thành điểm tựa của nhau.