Khi đồ ăn cứu trợ “kêu cứu” | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
14 Thg 09, 2024

Khi đồ ăn cứu trợ “kêu cứu”

Trong thời điểm thiên tai, việc cứu trợ đồ ăn cho bà con vùng lũ là cần thiết. Nhưng gửi những đồ ăn gì đảm bảo dinh dưỡng, lại dự trữ được lâu ngày là cả một vấn đề.
Khi đồ ăn cứu trợ “kêu cứu”

Nguồn: Quang Tuấn

Mấy ngày nay, bảng tin Facebook của tôi liên tục đưa các bài viết về cứu trợ vùng lũ lụt, kể cả bằng sức người, tiền bạc hay thực phẩm. Trong số những hình thức giúp đỡ nạn nhân của thiên tai, đồ ăn cứu trợ là giải pháp thiết thực, cần gấp rút nhưng cũng tồn tại rủi ro mà chúng ta không thể lường trước.

Các bài post đưa ra các vấn đề như sau: bánh mì sau 1 ngày mềm ỉu, hỏng trong quá trình vận chuyển; bánh mì ăn liền đến tay người nhận thì hết hạn sử dụng; trứng dễ vỡ trên đường đi; gạo gặp nước bị mốc; bánh chưng bị thiu vì nhiệt độ ngoài trời cao.

Sau khi nhận đồ ăn từ các đơn vị quyên góp, chính quyền địa phương – tưởng chừng bớt được một gánh nặng cứu hộ – thì nay lại thêm đau đầu vì phải xử lý những chồng thực phẩm chất đống không thể chuyển ngay cho các gia đình gặp nạn.

Số đồ ăn này có nguy cơ phải tiêu hủy khi hết thời gian an toàn để sử dụng, vừa gây lãng phí ở phía đầu ra (người cần không được dùng) và ở phía đầu vào (người làm tốn tiền bạc, công sức và thời gian).

Dễ thấy, vấn đề này đến từ việc chúng ta không có một bộ quy chuẩn về các loại thực phẩm hiệu quả nhất cho thiên tai. Chỉ khi gặp những đợt mưa bão lịch sử, chúng ta mới bắt đầu quan tâm tới đồ ăn cứu trợ và thực hiện đóng góp theo nguyên tắc “thử và sai” - tức là cứ làm trước rồi sai ở đâu sửa ở đó.

13sep202445934087338127022356409967348185399295516967njpg
Bánh mì thường sử dụng làm đồ ăn cứu trợ, nhưng thực tế rất dễ hỏng. | Nguồn: Quang Tuấn

Tôi tìm được một nghiên cứu mới công bố 3 tháng trước về giải pháp cho đồ ăn cứu hộ. Hóa ra, lựa chọn đồ ăn cứu hộ thế nào cho an toàn, đủ dinh dưỡng và giữ được lâu không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, mà còn là điều khiến cả thế giới đau đầu.

Một điểm sáng trong nghiên cứu, đó là những đồ ăn được tác giả đề xuất – dù chưa được coi là những đồ ăn cứu trợ chuẩn mực – đều có sẵn ở Việt Nam.

Nội dung bài viết tập trung về tình hình xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia quanh năm nằm dưới lưỡi hái tử thần. Do nằm ở nơi giao thoa của ba mảng kiến tạo, địa chất nước này giống như chiếc áo có cúc bị kéo căng. Khi một nút áo bung ra do “không chịu nổi nhiệt”, áp lực sẽ dồn sang nút áo tiếp theo, tạo ra phản ứng dây chuyền cho tới khi áo đứt hết cúc.

Vì lẽ này, 98% diện tích Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng bị động đất, trong đó khoảng 1/3 lãnh thổ có nguy cơ động đất cao.

Tuy nhiên, gặp thiên tai liên tục không đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ là chuyên gia trong lĩnh vực đồ ăn cứu trợ. Ngay trong năm 2023, trận động đất tại phía đông nam nước này làm lộ ra những điểm yếu chí mạng của hoạt động cứu hộ.

Báo chí địa phương và các bài đăng trên mạng xã hội phàn nàn rằng tiến độ vận chuyển chậm trễ đã khiến một lượng lớn thực phẩm bị lãng phí. Chưa kể, thời tiết giá lạnh và cơ sở hạ tầng bị tàn phá khiến người dân không có cách bảo quản đồ ăn hiệu quả.

Cuối cùng, chính quyền địa phương rút ra bài học rằng phải có giao thức rõ ràng để vận chuyển đồ ăn, và thực phẩm chuyển cho khu thảm họa phải có hạn sử dụng lâu, chống chịu được thời tiết khắc nghiệt. Một số giải pháp bổ sung, thay thế đã được nghiên cứu đưa ra.

Món đầu tiên được đề xuất: thịt bò khô.

Theo nhóm tác giả, không chỉ thơm ngon, giàu protein mà thịt bò khô có các chất ức chế vi khuẩn như nitrat, tỏi, gia vị. Món ăn này có độ pH phù hợp, có thể ngăn ngừa sự phát triển của các vi sinh vật không mong muốn. Dù là Pastırma (thịt bò khô Thổ Nhĩ Kỳ), Biltong (thịt bò khô kiểu châu Phi) hay Rendang sấy khô (thịt bò khô của Indonesia), sản phẩm này là lựa chọn khả thi nhờ hạn sử dụng có thể kéo dài tới cả năm.

Món thứ hai: bì lợn/da heo chiên giòn.

Một nghiên cứu được đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ cho rằng bì lợn chiên giòn có hàm lượng nước thấp, là lựa chọn nên được cân nhắc trong điều kiện thiên tai nhờ thời hạn sử dụng tới nhiều tháng mà không cần bảo quản quá khắt khe.

Về mặt khoa học, bì lợn có hơn 26% protein và hơn 90% là protein collagen giúp trẻ hóa da, gấp 2,5 lần so với thịt lợn. Đông y thừa nhận bì lợn có thể bổ âm và là thành phần quan trọng trong các đơn thuốc điều trị nóng trong.

Món thứ ba (mà tôi cũng thấy bất ngờ): bỏng ngô.

Trước khi có sự xuất hiện của các sản phẩm như bắp rang bơ, người Việt Nam đã làm ngô nở bung mà không thêm gia vị hay bất cứ gia vị nào. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), bỏng ngô chứa sắt, đồng, magiê, kali, phốt pho, kẽm, vitamin B1, vitamin B3 và vitamin B6.

Giữa thời điểm thiên tai, cần bổ sung dinh dưỡng nhanh chóng, bỏng ngô là một lựa chọn đáng cân nhắc - chưa kể đây là món có thể dễ dàng điều chỉnh hương vị, gia vị và cách đóng gói để tăng thời gian bảo quản.

13sep2024popcorn02jpg
Bỏng ngô - món ăn vốn không được coi là lành mạnh - lại là thực phẩm cứu trợ tối ưu. | Nguồn: Savoury Days

Có thể thấy, đồ ăn cứu hộ không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc “thấy món nào ổn ổn thì đóng gói lại để chuyển cho người dân” mà cần có sự chuẩn bị, nghiên cứu chi tiết về mặt khoa học cũng như phù hợp về quá trình vận chuyển, bảo quản.

Đồ ăn cứu hộ là lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể học tập từ những quốc gia láng giềng, mà Nhật Bản là một trường hợp điển hình.

Trước năm 1995, Nhật Bản có chưa tới 10 sản phẩm được xếp vào loại thực phẩm cứu trợ thiên tai (hay saigaishoku). Một trận động đất vào năm 1995 đã buộc quốc gia này có suy nghĩ khác về đồ ăn ngày thảm họa. Khi đó, người di tản – đặc biệt là người cao tuổi – phàn nàn các loại bánh quy quá cứng và nhạt nhẽo, khiến họ “nuốt không trôi”.

Sau đó, các công ty thực phẩm đã nhảy vào và biến saigaishoku thành một ngành công nghiệp bùng nổ với hàng nghìn lựa chọn khác nhau, đảm bảo đồ ăn tiện lợi, an toàn cho người dùng, giữ được ít nhất 2 năm không cần “kêu cứu” mà vẫn đảm bảo được dinh dưỡng, hương vị.

13sep2024screenshot20240913164242jpg
Saigaishoku đã trở thành một ngành công nghiệp “bùng nổ” ở Nhật. | Nguồn: Nikkei Asia

Tôi cho rằng, câu chuyện về Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản là bài học cho tương lai của chính chúng ta trong việc cải thiện đồ ăn cứu trợ, khi biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan không còn là chuyện hiếm gặp.