Bài viết này lấy cảm hứng từ chia sẻ của Lenny Rachitsky, một nhà đầu tư cho startup, cũng là người có kinh nghiệm phát triển sản phẩm với vai trò Growth Product Manager của Airbnb.
Không chỉ cần thiết với các nhà đầu tư khởi nghiệp, nội dung này còn rất hữu ích để cộng đồng làm startup đánh giá tính khả thi của các ý tưởng kinh doanh.
Giờ thì hãy xét xem ý tưởng kinh doanh của bạn đã đạt được 7 tiêu chí sau đây?
1. Sản phẩm phù hợp với thị trường ー Liệu người dùng mục tiêu có thực sự muốn sản phẩm của bạn?
- Tỉ lệ khách hàng quay lại sử dụng cao
- Tỉ lệ tăng trưởng người dùng theo tháng và năm cao
- Sản phẩm của bạn vượt trội hơn 10 lần so với các sản phẩm thay thế khác trên thị trường
- Bạn nhận được phản hồi tích cực từ người dùng
- Người dùng sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ của bạn
2. Thị trường tiềm năng — Liệu có nhiều người thực sự muốn sản phẩm của bạn?
- Bạn nắm bắt được một tập lớn khách hàng bị "bỏ quên" không được phục vụ trong thị trường đó
- Họ mong muốn trả nhiều tiền để có sản phẩm hay dịch vụ của bạn
- Khách hàng đang thực sự khổ sở với vấn đề mà bạn muốn giải quyết
- Bạn có cơ hội đạt được doanh thu 100 triệu USD/năm
Lưu ý: Doanh thu này là thước đo cho startup tại thị trường Việt Nam. Với quy mô toàn cầu mức doanh thu này có thể là 1 tỉ USD/năm.
Trong trường hợp thị trường ban đầu nhỏ, hãy nhìn sang các thị trường liền kề để tìm cơ hội mở rộng nó.
3. Đúng thời điểm ー Điều gì đã thay đổi khiến sản phẩm của bạn phù hợp lúc này?
- Đã có một sự tiến bộ về công nghệ giúp giải quyết vấn đề trong thị trường mục tiêu hiệu quả hơn bất cứ sản phẩm nào khác
- Đã có một sự thay đổi trong việc áp dụng và phổ cập công nghệ đó
- Đã có sự thay đổi tích cực trong quy chế và pháp luật giúp sản phẩm của bạn được chấp nhận
- Đã có sự thay đổi trong nhận thức và niềm tin của người dùng sản phẩm
- Tìm ra kênh phân phối hiệu quả hơn
- Chi phí sản xuất sản phẩm đã giảm hoặc giá bán sản phẩm đã tăng đáng kể
4. Tiếp cận người dùng tối ưu ー Bạn có thể giúp người dùng tìm đến sản phẩm một cách hiệu quả?
- Có một chiến lược phát triển rõ ràng
- Có một chiến lược phát triển khác biệt
- Có cách tiếp cận đặc biệt tới tập khách hàng mục tiêu
- Có kênh phân phối mới khác với các kênh truyền thống
- Tỉ lệ cao về LTV/CAC (Doanh thu vòng đời khách hàng / Chi phí có được khách hàng)
5. Đội ngũ ưu tú ー Đây có thực sự là đội ngũ phù hợp nhất xây dựng sản phẩm này?
- A+ founders: Những người sáng lập "hạng A+" về sự xuất sắc và ưu tú trong lĩnh vực kinh doanh này
- Những người sáng lập am hiểu sâu sắc vấn đề của người dùng
- Những người sáng lập có góc nhìn độc đáo về các cơ hội và tiềm năng trong thị trường
- Những người sáng lập từng có kinh nghiệm làm việc hoặc hợp tác trước đó, nên có đủ sự uy tín và khả năng cộng tác ăn ý
- Những người sáng lập có thể “move fast”: hành động nhanh, quyết liệt và hiệu quả
6. Moat: Lợi thế cạnh tranh ー Bạn có thể trở thành số một?
- Sản phẩm có hiệu ứng mạng (network effects: là việc tăng lượng người dùng mới sử dụng sản phẩm sẽ gia tăng lợi ích cho những người dùng trước đó)
- Sản phẩm tận dụng được tính quy mô kinh tế (economics of scale: là việc gia tăng sản lượng sẽ giúp tối ưu hoá chi phí sản xuất sản phẩm)
- Sản phẩm có chi phí chuyển đổi cao (switching costs: là chi phí người dùng phải trả để chuyển đổi sang dịch vụ thay thế khác)
- Sản phẩm có tiềm năng trở thành thương hiệu mạnh, đứng đầu trong tâm trí người dùng
- Sản phẩm có nguồn cung độc quyền
- Sản phẩm có công nghệ độc quyền, hay sáng chế đã đăng kí sở hữu trí tuệ
- Bạn có quyền truy cập độc quyền (dữ liệu, tài khoản, bảo vệ người dùng theo quy định luật pháp)
7. Mô hình kinh doanh ー Liệu startup của bạn có phát triển nhanh nhưng vẫn hiệu quả và bền vững?
- Có biên lợi nhuận cao hay nói cách khác là kiểm soát chi phí tốt và tạo ra nhiều lãi
- Chi phí có được người dùng (CAC) thấp, song song đó, giá trị và lợi nhuận trên mỗi vòng đời khách hàng (LTV) cao (tương đương hiệu suất tính trên đầu đơn vị (Unit economics = LTV - CAC > 0 ) dương, nên startup nhanh tìm được điểm hoà vốn)
- Chu kì bán hàng ngắn
- Có được dòng tiền dương và giá trị lớn
Trên đây là 7 thước đo quan trọng nhất để đánh giá một startup tiềm năng, đúng và đầy đủ theo góc nhìn của cả nhà đầu tư và đội ngũ làm startup.
Tất nhiên, không có startup nào là hoàn hảo hay đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên cùng một lúc. Nhưng những đánh giá này sẽ giúp các nhà khởi nghiệp tập trung hơn vào việc bổ sung và hoàn thiện nhiều nhất có thể để hướng tới xây dựng một mô hình kinh doanh đột phá, cũng như bền vững.