"Muốn tiết kiệm tốt, đừng dùng thẻ tín dụng nhiều" | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
21 Thg 02, 2022

"Muốn tiết kiệm tốt, đừng dùng thẻ tín dụng nhiều"

Với anh Quân, ghi lại các khoản thu nhập và chi tiêu của mình là hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn.
"Muốn tiết kiệm tốt, đừng dùng thẻ tín dụng nhiều"

Nguồn: Trần Đặng Đăng Quân.

Thạc sĩ Trần Đặng Đăng Quân hiện là Giảng viên khoa Kinh tế của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài thời gian dạy học, anh cũng là người nhiệt tình với các công tác xã hội.

Ngồi cùng Vietcetera dịp này, anh Quân chia sẻ trải nghiệm quản lý tiền bạc từ khi nhận được đồng lương đầu tiên, cho đến thời điểm hiện tại khi đã độc lập về mặt tài chính. Với anh Quân, một trong những bí quyết tiết kiệm tốt nhất là hạn chế sử dụng thẻ tín dụng.

1. Mức lương đầu tiên mà bạn nhận là bao nhiêu?

Từ năm 2 đại học, mình bắt đầu nhận ra được tầm quan trọng của việc làm thêm, để giúp bản thân có thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống sinh viên, cũng như tích lũy vốn sống và kỹ năng xã hội. Mình xin làm phục vụ bán thời gian tại một nhà hàng burger trong sân bay, lương được trả theo số giờ mình làm.

Số tiền mình nhớ nhận được tháng đầu tiên là 700 nghìn đồng. Cảm giác nhận được số tiền mình tự làm ra nó sung sướng khó tả lắm, khiến mình thấy trân quý số tiền mình có.

2. Bạn đã tiêu tháng lương đầu tiên của mình như thế nào?

Tháng lương đầu tiên tuy không nhiều nhưng rất có ý nghĩa với mình, đánh dấu bước ngoặt đầu tiên trong đời giữa việc học và làm.

Mình dành số tiền này vào một bữa ăn với gia đình tại quán ăn quen thuộc, cảm nhận không khí gần gũi cùng những câu chúc mừng. Tuy chưa phải gọi là ổn định nhưng mình cảm nhận được sự yên tâm của bố mẹ dành cho mình sau bao năm hỗ trợ mình ăn học. Những hoài bão của bản thân cũng từ đó được nhen nhóm và lớn dần.

3. Thứ gì đắt tiền bạn đã mua mà thấy phí?

À, có một thời gian mình thích nghe nhạc giao hưởng, đặc biệt là tiếng đàn piano, kiểu hay tưởng tượng hình ảnh những ngón tay lướt trên phím đàn ấy. Cho nên mình quyết định dùng toàn bộ tiền lương để sắm một cây đàn piano điện hiệu Yamaha.

Thời gian đầu mình rất hào hứng và lên YouTube luyện tập ngày đêm, từ những nốt cơ bản trên khuông nhạc tới những hợp âm phải kết hợp cả 2 tay. Nhưng nỗ lực được vài tháng thì mình nản và để cây đàn ở góc nhà, phải bán lại. Mình nhận ra bản thân không đủ kiên trì theo đuổi một sở thích, những cũng biết đó cũng là một điểm trừ cần khắc phục.

4. Nếu như được quay về 23 tuổi, bạn sẽ cho bản thân lời khuyên về tiền như thế nào?

Thời điểm hiện tại mình thấy tiếc khi hồi đó không dành một khoản cho việc trải nghiệm và trau dồi kiến thức cho bản thân.

Nên nếu được quay lại tuổi 23, mình sẽ dùng tiền kiếm được để trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn, đi đây đó để mở rộng nhân sinh quan của bản thân, cũng như trau dồi kiến thức về lĩnh vực bản thân thấy hứng thú. Một vài chuyến du lịch “bụi” hoặc một vài khóa học ngắn ngày chẳng hạn.

alt
Anh Quân cùng công việc đầu tiên trong đời: bán bánh burger. | Nguồn: Trần Đặng Đăng Quân.

5. Bạn có nắm được số tiền chi tiêu hằng tháng của mình không?

Có chứ. Hồi học đại học mình tiêu tiền theo cảm hứng, thành ra thu nhập từ việc làm thêm đều dành chi tiêu cho những sở thích bất chợt. Nhưng từ khi đi học cao học xa nhà, mình bắt đầu biết quản lý việc chi tiêu bản thân hơn, vì lúc đó chỉ có một khoản tiền ít ỏi để chi tiêu, sinh hoạt.

Mình vẫn dùng app trên điện thoại để ghi lại các chi tiêu, cho tiện theo dõi và có hướng điều chỉnh phù hợp cho những tháng sau. Với mình thì hành động này tuy nhỏ nhưng mang lại lợi ích khá lớn trong việc quản lý tài chính các nhân.

6. Theo bạn, những người giàu thường có điểm chung gì?

Mình để ý thấy người có tiền quanh mình thường có xu hướng chủ động quan sát các vấn đề xung quanh, và tìm cách giải quyết chúng.

Họ cũng tận dụng khả năng và mối quan hệ để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đầu tư, thậm chí sử dụng đòn bẩy để tối ưu lợi nhuận thay vì để tiền trong két. Tư duy tích cực cũng là một điểm thường thấy ở họ.

7. Theo bạn, có gì mà tiền không mua được?

Tiền là phương tiện để đạt được một mục đích nào đó, như những bữa ăn ngon, những món đồ bạn thích. Thậm chí nó giúp mình thấy yên tâm khi gặp tình huống bất trắc trong cuộc sống.

Tuy nhiên, với mình thì tiền không thể mua được sự an yên. Sự an yên đến từ bên trong của mỗi người, bất kể bạn có tiền hay không.

8. Một kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống mà trường học không dạy?

Một kỹ năng quan trọng mà mãi sau này mình mới nhận ra, là kỹ năng tự lập cảm xúc.

Trong cuộc sống, chúng ta dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, từ công việc nhiều làm không xuể, sếp khiển trách, cho đến người yêu hờn dỗi hay đi đường kẹt xe,… Điều này đòi hỏi chúng ta cần có kỹ năng tự tách bản thân ra khỏi các yếu tố làm ảnh hưởng tiêu cực tới cảm xúc, để có thể tự vui lòng với môi trường hiện tại.

alt
Anh Quân cùng các bạn sinh viên của mình. | Nguồn: Trần Đặng Đăng Quân.

9. Việc tiết kiệm quan trọng ở mức nào? Vì sao?

Việc tiết kiệm với mình rất quan trọng, và có ý nghĩa không kém gì việc kiếm tiền. Có tiền tiết kiệm giúp mình thoát khỏi trạng thái không chắc chắn trong cuộc sống, khiến mình yên tâm hơn khi có những sự kiện bất khả kháng xảy ra.

Bên cạnh đó, việc tiết kiệm đem lại cho mình nhiều cơ hội hơn trong tương lai, cũng như giúp mình rèn luyện tính kiên trì và kỷ luật bản thân.

10. Bí quyết tiết kiệm hiệu quả nhất mà bạn biết?

Mình sẽ nói kinh nghiệm bản thân của mình nha.

Về tư duy thì mình xác định mục tiêu của việc tiết kiệm là để làm gì. Mình thường cố gắng hình dung ra bức tranh khi tiết kiệm được một khoản tiền nhất định đó thật rõ ràng, vì điều này giúp mình có động lực hơn.

Khi có thu nhập, việc đầu tiên mình làm là trích ra một khoản tiết kiệm theo kế hoạch ngay lập tức, và khoản còn lại sẽ dùng cho chi tiêu. Mình theo dõi chi tiêu chi tiết bằng app trên điện thoại, hoặc có thể ghi lại theo ngày tháng. Mình cũng hạn chế sử dụng thẻ tín dụng.

11. Nếu mai là tận thế, hôm nay bạn sẽ mua gì?

Mình sẽ đi chợ mua đồ về nấu và ăn bữa cơm cùng gia đình mình. Đã khá lâu gia đình mình chưa có dịp ngồi ăn chung đầy đủ với nhau do thời gian sinh hoạt, làm việc mỗi người khác nhau.

Mình nhớ trong bộ phim Don’t Look Up (2021) của đạo diễn Adam McKay, có phân cảnh trước thời khắc Trái Đất sắp bị huỷ diệt bởi một ngôi sao, cả gia đình Tiến sĩ Randall quây quần bên bàn ăn, chia sẻ với nhau những nụ cười, ánh mắt người thân. Đó cũng là thứ mình muốn lưu lại trước khi tận thế.