Theo một báo cáo của Trivium Packaging vào năm 2022, 86% khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những sản phẩm với bao bì xanh. Điều đó cho thấy người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến những bao bì có thể tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Những thiết kế hướng tới tính bền vững được dự đoán sẽ còn ảnh hưởng và định hình ngành thiết kế bao bì trong nhiều năm tới. Các thương hiệu lớn nhỏ đang trong cuộc đua sáng tạo để giới thiệu những mẫu bao bì đa năng, xanh sạch, đem lại thiện cảm cho người tiêu dùng.
Biến bao bì thành kính, móc treo quần áo, và gì nữa?
Coca Cola đã biến bao bì carton thành những chiếc kính VR (thực tế ảo), kèm hướng dẫn để người dùng có thể dễ dàng tự tháo rời, lắp ráp và đặt điện thoại vào trong.
Thương hiệu thời trang ALEPH APPAREL đã biến chiếc bao bì thành móc treo quần áo, giúp người tiêu dùng có thể mua sắm online mà không lãng phí hộp, túi đựng.
Hộp đựng trà Pu'er có thể trở thành chiếc bàn cờ chỉ sau vài bước lắp ráp cơ bản, người dùng có thể vừa thưởng trà, vừa chơi cờ, và thư giãn giữa nhịp sống hối hả thường nhật.
Trên thế giới, những sáng kiến tương tự đang được sinh ra mỗi ngày để nâng cao trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên tại Việt Nam, những sản phẩm như túi vải không dệt, túi cói để đựng đồ khi mua sắm, hay hộp bã mía để đựng thực phẩm,... còn khá đơn sơ giữa thị trường thiết kế bao bì đầy tiềm năng sáng tạo.
Nghĩ khác thế nào để thế giới tốt đẹp hơn?
Các bạn trẻ có nhiều ý tưởng, chỉ thiếu sân chơi thể hiện. Trước tâm thế đó, cuộc thi SCGP Packaging Speak Out 2022 - Việt Nam đã ra đời nhằm mục đích khuyến khích, nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo bao bì xanh. Chiếc bao bì dùng một lần có thể sáng tạo và được hồi sinh như thế nào?
Với chủ đề “Rethink for a better normal" (Nghĩ khác vì một thế giới tốt đẹp hơn), cuộc thi bao gồm hai hạng mục: Easy to recycle (Dễ tái chế) và Upcycle (Tái sử dụng sáng tạo).
Hạng mục “Easy to recycle” khuyến khích những thiết kế đơn giản, dễ dàng lắp ráp và tái chế. Trong khi đó “Upcycle” tôn vinh những thiết kế kéo dài vòng đời sản phẩm, có thể tái sử dụng cho những mục đích đa dạng hơn.
Năm ngoái, đội thắng cuộc Ulagod đã gây ấn tượng với sản phẩm Reusable Cellphone Packaging. Chiếc hộp đựng điện thoại đã được tái thiết kế để làm hộp đựng bút, giá đỡ điện thoại, chỗ để tai nghe,... Nếu biết cách sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể tái sử dụng những sản phẩm dùng một lần, và cho chúng thêm một đời sống mới.
Ulagod chia sẻ: “Xu hướng thiết kế bao bì đang tập trung vào công năng sản phẩm, hơn là vẻ ngoài bắt mắt. Bạn cần làm ra một sản phẩm khiến người xem phải lập tức thốt lên “Oh wow" bởi tính ứng dụng của nó.
Đừng ngại thất bại, sẵn sàng sửa đi sửa lại sản phẩm cho đến khi vừa ý. Ngoài ra, bạn cần ưu tiên trải nghiệm người dùng, vì điều quan trọng không phải chỉ là thiết kế của bạn sống sót trong cuộc thi, mà còn cần phải “sống tiếp” sau khi cuộc thi kết thúc”.
3 Điều cần biết trước khi thiết kế bao bì xanh
Để tái chế hay upcycle bao bì hiệu quả, nhà thiết kế cần có tư duy tái sử dụng ngay từ bước lên ý tưởng sản phẩm. Đừng đợi đến khi sản phẩm hoàn thiện mới loay hoay tìm cách tái chế, bạn sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn.
Thiết kế để tái sử dụng
Làm thế nào để bảo quản 1-2 miếng pizza thừa tiện lợi nhất? Làm gì với những hộp giày to choán hết cả góc phòng?
Tại Costa Rica, Pizza Hut đã giới thiệu hộp pizza có thể chia thành từng đĩa nhỏ, bao gồm cả một hộp nhỏ hơn để đựng đồ ăn thừa. PUMA cũng thu hút được nhiều sự chú ý khi ra mắt “Clever Little Bag", mẫu “hộp kết hợp túi” có thể tái sử dụng nhiều lần để đựng giày dép.
Qua đây, PUMA cũng đã giảm đến 65% lượng giấy tiêu thụ, và ước tính sẽ giảm 60% lượng nước, năng lượng, và dầu tiêu thụ mỗi năm.
Thiết kế để tái chế
Bạn có biết rằng, chỉ có 16% hộp sữa, nước trái cây,... được tái chế ở Mỹ?
Những hộp này thường có lớp giấy bên ngoài, dính chặt với lớp nhựa hoặc nhôm mỏng bên trong. Nếu muốn tái chế, bạn cần tách 2 lớp này ra, đòi hỏi quy trình phức tạp và tốn kém.
Nhà thiết kế Pushan Panda đã tạo ra Bruk, hộp đựng đồ uống với lớp giấy được tách hoàn toàn khỏi lớp nhựa, giúp cho việc tái chế thú vị và nhanh chóng hơn. Bruk có thể được tái chế 100% với những bước đơn giản, không giống như hộp giấy thông thường.
Việc tái chế không nhất thiết phải khó khăn hay tốn kém, chỉ cần bạn nghĩ khác đi, và sáng tạo hơn ngay từ khâu thiết kế.
Thiết kế ưu tiên trải nghiệm người dùng
Bạn sẽ làm gì với những chiếc bao bì quá khổ đựng TV, tủ lạnh, hay máy giặt?
Phần lớn có thể sẽ vứt đi vì tính ứng dụng không cao. SolarMedia, một dự án cung cấp ánh sáng cho những khu vực nghèo đã đưa ra một giải pháp thiết thực hơn.
Bao bì của SolarMedia có thể biến thành chiếc tủ quần áo, tủ để đồ vững chãi. Bên trong gồm giấy được gấp nếp và cắt sẵn để làm thành móc treo quần áo, và 6 chiếc hộp giống “ngăn kéo”. Thiết kế này giúp tái sử dụng bao bì thông minh, vừa giúp nâng cao đời sống của những người dân nghèo.
Nếu bạn thiết kế với tâm thế đề cao tính ứng dụng, bạn sẽ chiếm được cảm tình của khách hàng, và khiến họ trung thành với thương hiệu hơn.
Cuộc thi SCGP Packaging Speak Out 2022 - Việt Nam dành cho các bạn trẻ ở độ tuổi 17 đến 25 đang sinh sống, hoặc học tập tại Việt Nam. Cuộc thi bắt đầu nhận đơn đăng ký từ ngày 01/08/2022 đến hết ngày 30/09/2022. Đội thắng cuộc có thể giành lấy giải thưởng lên đến 130 triệu VND.
Đặc biệt, trong cuộc thi năm nay, các thí sinh sẽ có riêng một buổi tư vấn thiết kế, ý tưởng với chuyên gia hàng đầu trong ngành thiết kế bao bì và nhận được những lời khuyên giá trị.
Ngay bây giờ, thí sinh có thể đăng ký theo hình thức cá nhân hoặc đội thi và gửi ý tưởng tại đây.