NFT là gì? Tại sao chú mèo Nyan Cat lại có giá 580.000 USD? | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 03, 2021

NFT là gì? Tại sao chú mèo Nyan Cat lại có giá 580.000 USD?

Những tấm ảnh của bạn có thể được chuyển đổi thành dạng thẻ giao dịch ảo, và được chào bán trên thị trường NFT cho những người trả giá cao nhất để sở hữu.
NFT là gì? Tại sao chú mèo Nyan Cat lại có giá 580.000 USD?

Nguồn: Facebook Nyan Cat

Hãy thử tưởng tượng trong đầu viễn cảnh sau đây:

Vào một ngày đẹp trời, bạn quyết định bán những tấm ảnh độc đáo mà bạn chụp được. Nhưng lần này, nơi bạn chào bán những tấm ảnh đó không phải là Getty Images, Dreamstime hay Shutterstock mà ở... thị trường NFT.

Đúng vậy! Những tấm ảnh của bạn có thể được chuyển đổi thành dạng thẻ giao dịch ảo, và được chào bán trên thị trường NFT cho những người trả giá cao nhất để sở hữu. Và trước khi bạn nghĩ rằng ý tưởng này quá viển vông để thành sự thật, hãy biết rằng nhà đấu giá danh tiếng Christie’s vừa hoàn thành đấu giá một tác phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT. Ngày 11/3, buổi đấu giá đóng cửa và số tiền được đưa ra để sở hữu lên đến 69 triệu USD.

christie
Một tác phẩm NFT được mang ra đấu giá tại Christie's | Nguồn: Christie's

NFT là gì?

NFT (Non-fungible tokens), hay mã không-thể-thay-thế, là một loại mã hóa trên blockchain, vốn là công nghệ tạo ra nền tảng cho cơn sốt đồng tiền ảo bitcoin. Khác với bitcoin (mỗi đồng tiền có cùng mệnh giá), mỗi NFT lại có một mã hóa khác nhau, khiến mệnh giá của chúng phụ thuộc vào độ giới hạn và độc nhất của mỗi token.

NFT có thể là tài sản được tạo ra trên thị trường ảo, hoặc phiên bản được mã hóa của tài sản trong thế giới thực. Vì sự có mặt của mỗi NFT là duy nhất, điều này cho chúng một lợi thế đặc biệt: mang lại cảm giác có một không hai cho những người sở hữu chúng. Bạn có thể đã nghe đến NFT qua một số dự án tiêu biểu như Hashmasks, CryptoPunks, Nyan Cat hay CryptoKitties.

Nguồn gốc của NFT

Năm 2017, cơn sốt NFT bắt đầu hình thành từ trò chơi CryptoKitties (được xây dựng trên Ethereum - một nền tảng điện toán công cộng có mã nguồn mở dựa trên công nghệ blockchain).

Trò chơi này thu hút rất nhiều người chơi khi cho phép họ lai tạo, thu thập và trao đổi mèo ảo. Mỗi con mèo trên CryptoKitties mang thuộc tính khác nhau về tuổi, nòi giống, màu sắc,... Và sự khác nhau còn đậm nét hơn khi chúng được lai tạo (lập trình theo cách không-thể-phân-chia) nhằm đảm bảo mỗi cá thể mèo là duy nhất.

Cơn sốt CryptoKitties lên đến đỉnh điểm khi thu hút lượng người truy cập quá cao làm tắc nghẽn Ethereum blockchain vào tháng 12/2017. Chỉ đúng 1 năm sau, trò chơi chứng kiến thương vụ giá trị nhất lịch sử khi có người trả giá cho một con mèo ảo lên đến 170.000 USD vào cuối năm 2018. Qua 4 năm ra mắt, tuy không còn thịnh hành như trước do sự ra đời của hàng loạt các dự án NFT, CryptoKitties vẫn được biết đến là dự án đầu tiên đặt nền móng cho cơn sốt NFT hiện nay.

cryptokitties
Mèo CryptoKitties khi được lai tạo | Nguồn: Facebook CryptoKitties

Điều gì khiến NFT hấp dẫn đến vậy?

Là thứ tài sản có tính đơn nhất được lưu trữ trên blockchain, NFT có độ xác thực tuyệt đối. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi những tài sản mà NFT đại diện đều tồn tại dưới dạng kĩ thuật số. Trong thời đại mà những bức ảnh có thể được lưu lại và sao chép một cách dễ dàng, thật khó để đảm bảo rằng chỉ một mình bạn mới có tấm ảnh đó trên Trái Đất.

NFT giải quyết vấn đề này bằng cách chứng minh rằng mỗi tập tin kĩ thuật số cũng có thể là một bản gốc có giá trị đơn nhất. Khi bạn sở hữu một NFT, điều này có nghĩa rằng bạn là người duy nhất có quyền sở hữu và quyền truy cập với NFT đó. Đây cũng là yếu tố quyết định giá tiền của mỗi NFT: token nào càng hiếm, càng độc đáo thì giá bán của nó càng cao.

Thêm vào đó, NFT có thể được mã hóa để thiết lập nguồn doanh thu định kì, cho phép người tạo ban đầu thu được từ 2.5% cho đến 10% phí hoa hồng trên giá bán mỗi khi NFT của họ được giao dịch. Điều này cho thấy tiềm năng tạo ra lợi nhuận hấp dẫn cho những người muốn kiếm tiền từ danh tiếng của họ.

Mọi người đang mua bán NFT ra sao?

Theo số liệu mới nhất từ nonfungible.com – tổ chức chuyên theo dõi thị trường NFT, giá trị thị trường vào cuối năm 2020 là 338 triệu USD, tăng 705% so với năm 2017 khi mà thị trường NFT được định giá không quá 42 triệu USD.

Cũng theo tổ chức này, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2021, đã có gần 150 nghìn cuộc mua bán NFT diễn ra với giá trị tổng cộng lên đến 310 triệu USD – gần gấp 5 lần giá trị của tất cả các thương vụ mua bán NFT trong năm 2020. Điều này đặt ra khả năng rằng giá trị thực tế của thị trường có thể lớn hơn con số 338 triệu USD rất nhiều.

Dù lượng tiền đổ vào thị trường NFT ngày một lớn, lượng tiền này dường như đang tạo nên một bong bóng. Thị trường NFT được cho là chủ yếu mang tính đầu cơ và nhiều khả năng sẽ có một sự biến động mạnh mẽ về giá cả trong tương lai, giống như những gì đã xảy ra với thị trường tiền điện tử.

nft market
Giá trị thị trường NFT vào cuối năm 2020 là 338 triệu USD, tăng 705% so với năm 2017 | Nguồn: non-fungible.com

Có nên gia nhập cơn sốt NFT?

NFT là cơn sốt về quyền sở hữu những tài sản kĩ thuật số có giá trị sưu tập, từ hình ảnh đến âm nhạc, và đang lan ra rất nhanh. Chúng được coi như một phương tiện hoàn toàn mới để người dùng giao dịch các tác phẩm của mình, đi kèm với một con dấu kĩ thuật số có giá trị chứng minh quyền sở hữu với NFT đó.

Tuy giá trị thị trường đang tăng lên rất nhanh, NFT vẫn là một thị trường rất mới, và bất kì thị trường mới nào cũng cần thời gian để trải qua các chu kì phát triển nhằm tạo ra giá trị thực của chính thị trường đó.

Tại Việt Nam, lĩnh vực tiền điện tử nói chung và thị trường NFT nói riêng vẫn là chủ đề tương đối mới mẻ. Hoạt động giao dịch tiền điện tử chưa được hợp pháp hóa tại Việt Nam, cùng với việc chính phủ chưa xây dựng khung pháp lý cho loại hình tài chính này là những lý do mà các nhà đầu tư nên cân nhắc. Chính vì vậy, tùy vào khẩu vị rủi ro mà nhà đầu tư có thể quyết định gia nhập thị trường NFT hay không.

Một số thương vụ mua bán NFT tiêu biểu

  • Tuần trước, YouTuber nổi tiếng Logan Paul đã bán những NFT được tạo ra từ hình ảnh hoạt hình của chính mình với giá 5 triệu USD.
  • Robert Alice - một nghệ sĩ sống tại London cũng đã bán một tác phẩm nghệ thuật của mình dưới dạng NFT qua nhà đấu giá Christie’s với giá 131.250 USD vào tháng 10 vừa qua, gần gấp 10 lần giá trị ước tính.
  • NBA Top Shot, trang web ra mắt vào tháng 10/2020 cho phép người dùng giao dịch những thẻ cầu thủ bóng rổ ảo dưới dạng video đã đạt doanh số bán hàng 200 triệu USD, với thương vụ giá trị nhất lên tới 208 nghìn USD cho một NFT ghi lại khoảnh khắc cầu thủ bóng rổ LeBron James úp rổ (dunk) bằng một tay trong trận chung kết Western Conference 2019.