Nhà sản xuất phim Thủy Nguyễn: “Làm phim phải đẹp. Đẹp chỉn chu, nghiêm túc, kỷ luật.” | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
27 Thg 11, 2024

Nhà sản xuất phim Thủy Nguyễn: “Làm phim phải đẹp. Đẹp chỉn chu, nghiêm túc, kỷ luật.”

Với nhà sản xuất của Công Tử Bạc Liêu, tái hiện lịch sử không đơn thuần là phục dựng lại quá khứ, mà là thổi hồn sáng tạo để những giai thoại ấy trở nên sống động hơn với khán giả đương thời.
Nhà sản xuất phim Thủy Nguyễn: “Làm phim phải đẹp. Đẹp chỉn chu, nghiêm túc, kỷ luật.”

Nguồn: Bobby Vu cho Vietcetera

Năm 2017, bộ phim Cô Ba Sài Gòn từng khiến bao khán giả mê mệt bởi những tà áo dài cổ điển, thùy mị và giàu chất thơ, hay những bộ âu phục tân thời đầy phong cách và kiêu kỳ. Đứng sau những phục trang này là nhà thiết kế Thủy Nguyễn, và 7 năm sau, chị trở lại với điện ảnh - lần này trong vai trò giám đốc sản xuất - với tác phẩm Công Tử Bạc Liêu.

Công tử Bạc Liêu - cái tên đã gắn liền với nhiều giai thoại “điên rồ” - là biểu tượng của sự xa hoa và thói ăn chơi trác táng ở vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh thời xưa, song cũng là nhân vật gợi lên nhiều suy tư về một thời kỳ đầy biến động và những con người dám vượt qua giới hạn của chính mình.

Nhà sản xuất Thủy Nguyễn dường như hiểu quá rõ điều đó. Với chị, tái hiện lịch sử luôn không đơn thuần là phục dựng lại quá khứ, mà là thổi hồn sáng tạo để những giai thoại ấy trở nên sống động và có sức hút với khán giả đương thời. Với Công Tử Bạc Liêu, chị mong muốn kết hợp giữa lịch sử và sự tưởng tượng, giữa quá khứ và hiện tại, để kể lại câu chuyện về một con người, và một vùng đất từng một thời rực rỡ.

Chị còn nhớ lần đầu tiếp xúc với một câu chuyện về Công tử Bạc Liêu không?

Có chứ! Đó là câu chuyện về chiếc máy bay. Thời đại bây giờ, có người Việt Nam sở hữu máy bay riêng là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng Công tử Bạc Liêu đã làm được điều đó từ 100 năm trước! Điều làm chị ngạc nhiên là tại sao thời đó, một người có thể dám nghĩ và dám làm những điều không tưởng như vậy.

Vua Bảo Đại khi đó cũng có máy bay và phi công riêng. Còn Công tử Bạc Liêu, ông ấy không chỉ sở hữu máy bay, mà còn tự học lái. Điều này thể hiện một tinh thần phi thường, một sự “ngông” đầy táo bạo. Chính câu chuyện này đã khơi dậy trong chị niềm tò mò về nhân vật này: Ông ấy là ai? Ông ấy nghĩ gì? Và quan trọng nhất, tại sao ông ấy lại làm được những điều như vậy?

Chị đã đưa Công tử Bạc Liêu lên màn ảnh rộng như thế nào?

Điều đầu tiên là tình yêu và lòng tin vào nhân vật. Có tình yêu, mình mới có thể truyền tải họ lên màn ảnh. Tiếp theo, mình cần phải nghiên cứu nhân vật. Điều này đến từ nhiều nguồn, từ sách vở, internet tới những cuộc đối thoại trực tiếp với gia đình, những chuyến ghé thăm bảo tàng về Công tử Bạc Liêu.

alt
Nhà sản xuất Thủy Nguyễn. | Nguồn: Bobby Vu cho Vietcetera

Tuy nhiên, trong sáng tạo luôn pha trộn giữa sự thật và yếu tố tưởng tượng. Câu hỏi đặt ra là làm sao để cân bằng giữa hai yếu tố này. Và cuộc đời của Công tử Bạc Liêu quá đỗi phong phú, không thể nào kể hết. Điều mình cần quyết định là lựa chọn góc nhìn nào để kể, và thời điểm nào câu chuyện sẽ diễn ra, bởi chúng ta không thể kể hết cuộc đời của nhân vật chỉ trong một bộ phim.

Trong hành trình này, chị đã đối mặt với những khó khăn nào?

Khó khăn lớn nhất là biết được đâu là sự thật. Có những giai thoại về Công tử Bạc Liêu được ghi chép rõ ràng, nhưng cũng có nhiều điều chỉ là truyền miệng. Khi nói chuyện với từng người, họ lại có một dị bản khác nhau. Đó là một thách thức lớn để xây dựng nên một câu chuyện nhất thống.

Và về phía khán giả, đối với một người nổi tiếng như Công tử Bạc Liêu, chị nghĩ rằng tất cả mọi người đã có sẵn một phiên bản của nhân vật này trong đầu, và họ sẽ mặc định áp đặt nó cho bộ phim.

Nhưng cuối cùng, mình phải đưa ra quyết định rằng mình có muốn làm một bộ phim tài liệu 100% hay không? Với dự án này, câu trả lời của chị là không. Điều đó có nghĩa là mình có thể dẫn dắt từ sự thật này sang sự thật kia, và để dành những khoảng trống ở giữa để sáng tạo.

Điều gì đã đóng vai “kim chỉ nam” của chị trong hành trình?

Kim chỉ nam của chị là tình yêu chân thành dành cho Công tử Bạc Liêu. Trong mắt chị, ông ấy là một người đàn ông rất đẹp đẽ, dù chị hiểu rằng không ai là hoàn hảo. Mỗi người đều có những góc khuất, những bí mật, những thứ họ sợ hãi, những ảnh hưởng bởi thời đại và xã hội họ sống.

alt
Diễn viên Song Luân trong vai Công tử Bạc Liêu. | Nguồn: CGV & V PICTURES

Nhưng có lẽ chị là một người tích cực. Đó cũng là lý do studio của chị mang tên “Xưởng Phim Màu Hồng”. Mình luôn muốn biến mọi thứ trở nên đẹp đẽ. Chính vì vậy, Công tử Bạc Liêu trong chị cũng rất đẹp. Kể cả đối với những mặt mà mọi người có thể nhìn nhận khác, như sự ăn chơi trác táng của Công tử, chị nghĩ vẫn có những nguyên do thú vị đằng sau để khai thác.

Đối với Công Tử Bạc Liêu, thử thách lớn nhất trong việc tái hiện chân thực thời trang và tinh hoa xã hội của thời kỳ đó là gì?

Khó khăn đầu tiên là quyết định về tầm nhìn. Chị không muốn chỉ tái hiện lại lịch sử của những năm 1930 mà muốn mang câu chuyện lên thời hiện đại, để người xem cảm thấy gần gũi hơn. Không phải cứ làm phim lịch sử là phải đi về quá khứ một cách hoàn toàn.

Thời trang và vóc dáng con người ngày nay đã khác nhiều so với thời đó. Khi thiết kế trang phục cho Cô Ba Sài Gòn, chị nhận thấy khung xương của chúng ta đã thay đổi so với thế kỷ trước, vì vậy áo dài hay vest của thời đó không thể mặc giống như ngày nay và ngược lại. Đó là lý do vì sao chị quyết định làm mới mọi thứ, kể cả bối cảnh và trang phục.

alt
Nhà sản xuất Thủy Nguyễn tại hậu trường set quay của Công Tử Bạc Liêu. | Nguồn: CGV & V PICTURES

Có nhiều tranh luận về việc phim lịch sử nên ưu tiên tính chính xác hay yếu tố thẩm mỹ. Đối với chị, cả hai đều quan trọng, nhưng chị ưu tiên cái đẹp hơn. Phải đẹp, đẹp theo một cách chỉn chu, nghiêm túc và kỷ luật.

Chị là một người làm thời trang, và trong suốt sự nghiệp sáng tạo của mình, chị chưa bao giờ tái hiện hay phục dựng lại một phục trang nào. Tất cả những gì đã được minh chứng bởi bề dày lịch sử, ta có thể tìm thấy trong bảo tàng. Chị không muốn quay về quá khứ. Chị trân trọng quá khứ, lấy nó làm nền tảng và gốc rễ của con người chúng ta. Nhưng chị muốn mọi thứ phải đương đại.

Ngôi nhà của Công tử Bạc Liêu không thể là một ngôi nhà cổ rêu phong từ trăm năm trước. Quần áo của ông không thể bị phai màu. Tất cả mọi thứ phải đương đại và thời thượng, để khán giả cảm thấy như thể họ đang sống trong thời đại đó chứ không phải đang nhìn vào một di sản xa xưa.

Việc lựa chọn diễn viên để “chọn mặt gửi vàng” chắc hẳn là một thử thách không nhỏ?

Đúng là rất khó để chọn một diễn viên phù hợp cho vai Công tử Bạc Liêu, vì ông là một nhân vật có thật và đã được huyền thoại hóa qua các giai thoại. Đối với chị, người diễn viên phải yêu Công tử Bạc Liêu từ sâu thẳm, vì khi yêu, họ mới có thể thực sự hóa thân vào nhân vật.

alt
Diễn viên Song Luân trong vai Công tử Bạc Liêu. | Nguồn: CGV & V PICTURES

Ban đầu, chị thấy ở Song Luân thứ phong thái “công tử” khi cậu ấy khoác lên bộ vest. Và rồi chị nhận ra được tình yêu của Song Luân đối với nhân vật Công tử Bạc Liêu. Điều đó rất quan trọng, vì tình yêu đối với nhân vật là điều không thể tập được.

Tại sao Công tử Bạc Liêu, đối với chị, lại là người hoàn hảo nhất để đại diện cho Nam Kỳ Lục Tỉnh?

Chị không nghĩ rằng Công tử Bạc Liêu là một nhân vật hoàn hảo để đại diện. Thông qua một nhân vật, chúng ta không thể kể hết câu chuyện của một vùng đất. Nhưng rõ ràng là qua ông ấy, chị có thể gợi mở một phần nào đó về Bạc Liêu – một phần về miền Tây Nam Bộ, một lát cắt văn hóa mà có lẽ nhiều người chưa hiểu hết.

Khi nhắc tới Bạc Liêu, mọi người có thể nghĩ ngay đến Công tử, nhưng ít ai nhắc đến những giá trị văn hóa khác. Chị cũng từng như vậy. Là người miền Bắc, chị biết về miền Nam, nhưng miền Tây thì lại khá xa lạ. Thậm chí khi chị làm phim, tới Bạc Liêu, người dân ở đây ăn những món mà chị còn không biết tên.

Đó chính là điều hấp dẫn chị – khám phá và mang điều đó lên màn ảnh. Nhưng tất nhiên, qua bộ phim, chị chỉ có thể đưa ra những gợi ý nho nhỏ. Khán giả xem phim sẽ tự đặt câu hỏi, và có thể chính họ sẽ muốn tự tìm câu trả lời khi tìm đến Bạc Liêu.

Bài học quan trọng nhất chị học được trong quá trình làm phim và hoạt động nghệ thuật là gì?

Sáng tạo là gì? Đâu là khuôn khổ để chúng ta sáng tạo? Và mục đích cuối cùng của sự sáng tạo là gì?

alt
Nguồn: Bobby Vu cho Vietcetera

Sáng tạo, đối với chị, là làm ra những thứ chưa ai từng làm, là dám tạo ra những thứ mới mẻ. Chúng ta phải không ngừng thách thức và đặt câu hỏi, như chính Công tử Bạc Liêu đã từng làm: “Tại sao mình lại không thể làm được?” Từ đó, mình chấp nhận rủi ro, chấp nhận những sai lầm để đi tiên phong. Sáng tạo không phải lúc nào cũng đúng, nhưng nó mở đường cho những người sau có thể đi tiếp và làm tốt hơn.

Điều đó, đối với chị, là hạnh phúc của người làm sáng tạo.