Phỏng vấn với sếp lớn có gì khác? 4 Tư duy cần có để ghi điểm | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
20 Thg 03, 2024

Phỏng vấn với sếp lớn có gì khác? 4 Tư duy cần có để ghi điểm

Cách tốt nhất để ứng viên gây ấn tượng là đừng trả lời như một… ứng viên.
Phỏng vấn với sếp lớn có gì khác? 4 Tư duy cần có để ghi điểm

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Lần đầu mình phỏng vấn với Tổng giám đốc của một công ty quy mô hơn 1.000 người là khi mới 24 tuổi, cho vị trí Quản lý đội giải pháp Marketing chỉ có 4 thành viên. Nghe có vẻ hi hữu, nhưng thực tế thì việc phải trao đổi với giám đốc hoặc nhân sự cấp C (C-levels như CEO, CFO, CMO) tương đối phổ biến. Nhất là khi chúng ta ứng tuyển từ các vị trí Trưởng nhóm trở lên, ở các phòng ban được đầu tư trọng điểm tại doanh nghiệp.

Từ góc nhìn của cá nhân mình và những người có trải nghiệm tương tự, bí quyết lớn nhất giúp bạn có thể vượt qua thử thách này là tư duy: “Đừng trả lời theo kiểu một ứng viên mà hãy trò chuyện như một cộng sự của họ".

Có 4 cách để bạn thể hiện được tư duy này và biến mình thành một cái tên nổi bật hơn:

Hiểu lãnh đạo cấp cao muốn gì

Vòng phỏng vấn với các lãnh đạo cấp thường sẽ được xếp vào phòng cuối cùng. Do đã trải qua nhiều vòng thi trước đó, bạn có thể thắc mắc tổng giám đốc sẽ hỏi gì khi đã biết hết về mình rồi nhỉ. Câu trả lời là khi cân nhắc lựa chọn một ứng viên trở thành nhân lực chủ chốt, nhân sự cấp cao luôn muốn đảm bảo việc đầu tư nguồn lực vào người này sẽ không lãng phí.

Các năng lực chuyên môn và kỹ năng quan trọng đã được kiểm chứng qua các vòng trước, nên điều lớn nhất mà các C-levels muốn tìm hiểu ở vòng cuối này là mong muốn cống hiến cũng như khả năng làm việc lâu dài của ứng viên tại công ty. Do đó, họ kỳ vọng sẽ nhìn thấy ở ứng viên:

  1. Sự thấu hiểu sâu sắc về bức tranh toàn cảnh hoạt động của công ty, và vai trò của mình cũng như nhóm/phòng ban mình làm việc trong bức tranh ấy.
  2. Sự phù hợp giữa bộ giá trị/định hướng phát triển cá nhân với giá trị/định hướng phát triển chung của cả công ty.

Lên kế hoạch công việc như thể bạn đã nhận chức

Không một lời khẳng định cống hiến nào mạnh mẽ hơn những ý tưởng thực tế đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Nhân sự cấp cao là người chịu trách nhiệm chính cho việc xây dựng chiến lược phát triển nên họ sẽ rất ấn tượng với những ứng viên có thể tương trợ cho mình trong công việc.

Muốn đề xuất được kế hoạch hay ý tưởng chất lượng, bạn cần dành nhiều thời gian để:

  • Nắm rõ vai trò của mình thông qua bản mô tả công việc (JD) và thông tin được cung cấp. Từ đó, xác định những khó khăn có thể gặp phải và nghĩ cách giải quyết.
  • Trong các buổi phỏng vấn trước đó bạn nên đặt câu hỏi về các dự án mình có thể đảm nhiệm sau khi nhận chức. Đồng thời tìm hiểu thêm trọng tâm phát triển của công ty trên các kênh truyền thông.
  • Nghiên cứu thị trường để hiểu đủ về 3 bên: sản phẩm, dịch vụ của công ty, hoạt động của đối thủ và xu hướng tâm lý tiêu dùng của khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực đó.
  • Cuối cùng, trong quyền hạn chức vụ của bản thân hãy tư duy về những điều cần cải thiện ở công ty mà mình có thể thực hiện. Sau đó trình bày một bản kế hoạch ở cấp chiến lược khi đi phỏng vấn.
alt
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Chị Trang Ngô- 27 tuổi, quản lý truyền thông ở một tập đoàn Nhật Bản, cho biết bản thân đã dành ra hơn 3 ngày để hiểu rõ về các dòng sản phẩm doanh nghiệp phân phối tại Việt Nam.

Chị đã làm một bản tóm tắt về các hoạt động truyền thông của công ty từ trước đến nay, so sánh với đối thủ và xu hướng thị trường và đề xuất giải pháp trong buổi phỏng vấn với CEO. Chị còn đưa ra một số bài học thành công từ các thương hiệu Nhật Bản khác khi áp dụng giải pháp tương tự.

“Chị khá bất ngờ khi biết công ty cũng có một số định hướng tương đồng với những gì mình đề xuất. Thế nên chị nghĩ bản thân được chọn vì nhà tuyển dụng nhìn thấy sự nghiêm túc của mình với cơ hội này. Dù kinh nghiệm của chị có thể không bằng các ứng viên khác” - chị Trang chia sẻ.

Chứng minh bản thân phù hợp với giá trị cốt lõi của công ty

Theo HBR, giá trị cốt lõi của một công ty là những nguyên tắc chung định hướng mọi hoạt động, là yếu tố văn hoá không thể đi ngược lại. Do đó, một ứng viên dù rất xuất sắc nhưng không phù hợp về văn hoá sẽ không được coi là người cộng sự có thể đồng hành trong thời gian dài.

Cách đây một tháng mình có buổi nói chuyện với CEO của một công ty tại thị trường Nam Mỹ và nhận được offer chỉ 30 phút sau đó. Để có được kết quả đó, mình đã dành ⅓ thời gian chuẩn bị chỉ để học thuộc các giá trị cốt lõi của công ty và tìm hiểu cách công ty vận hành dựa trên hệ giá trị ấy.

Khi phỏng vấn, mình đưa những gì tìm hiểu được vào ngay phần giới thiệu bản thân theo một cấu trúc như sau:

  • Tóm tắt về con đường sự nghiệp của bản thân và đưa ra những giá trị mà bản thân đúc kết được.
  • Khẳng định mình muốn trở thành một phần của công ty vì thấy các giá trị cốt lõi của công ty cũng tương đồng với bản thân. Kể về một hoạt động ở công ty phản ánh rõ nhất sự tương đồng đó.
  • Trong tương lai mục tiêu cá nhân của mình là gì và mình biết công ty cũng có những dự định trùng khớp với mục tiêu ấy. Qua đó, ngầm khẳng định bản thân muốn cống hiến lâu dài, cùng đi lên với công ty.

Đừng hỏi-đáp một chiều

Để biến buổi phỏng vấn thành một buổi trao đổi hai chiều giữa những người cộng sự, bạn cần biết rõ những nhân sự cấp cao nào sẽ có mặt, nhiệm vụ của họ trong công ty là gì để đặt ra những câu hỏi phù hợp, kích thích họ chia sẻ.

alt
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Ví dụ, nếu người phỏng vấn bạn là CEO, bạn nên hỏi về các mục tiêu của công ty trong thời gian tới và chiến lược nhằm đạt được mục tiêu. Với CHRO (Giám đốc nhân sự), bạn có thể hỏi về chiến lược phát triển nhân tài cũng như một số điểm đặc biệt trong văn hoá công ty mà bạn tìm hiểu được.

Sau khi nhà tuyển dụng trả lời, đừng chỉ cảm thán đơn thuần. Bạn nên có phản hồi ngắn gọn về các thông tin nhận được, đưa ra một vài nhận định thể hiện góc nhìn đánh giá sắc bén của bản thân.

Chu đáo hơn nữa, bạn có thể chủ động tìm câu trả lời cho chính câu hỏi của mình từ trước buổi phỏng vấn. Như vậy, bạn sẽ có thêm thời gian suy ngẫm và thu thập thông tin phản biện, tránh trường hợp không kịp “nhảy số” giữa lúc trao đổi.

Kết

Phỏng vấn với nhân sự cấp cao khó thật, nhưng không hề căng thẳng đến thế. Mình luôn coi những buổi trò chuyện ấy là cơ hội để lắng nghe chia sẻ từ các tiền bối mà có lẽ bình thường không dễ gì gặp được.

Một CEO từng nói với mình rằng “Người lãnh đạo tử tế là người cực kì coi trọng nhân tài". Vậy nên, hãy đi phỏng vấn với tâm thế thoải mái, chuẩn bị kỹ lưỡng và tự tin trao đổi những ý tưởng để buổi trò chuyện hữu ích với cả hai bên.