Pi Network: Khi nào đồng Pi có giá nghìn đô? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
03 Thg 08, 2022

Pi Network: Khi nào đồng Pi có giá nghìn đô?

Và nhỡ chẳng may Pi không có giá, thì nhà đầu tư có mất gì không?
Pi Network: Khi nào đồng Pi có giá nghìn đô?

Nguồn: VnExpress via Lưu Quý

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Từ giữa tháng 7, cộng đồng tài chính và tiền mã hóa trong nước xôn xao trước thông tin một số người dùng đồng Pi - một đồng tiền mã hóa - để đổi lấy hàng hóa thật. Một số ít cửa hàng hiện tại đã cho phép khách hàng thanh toán bằng loại tiền này.

Các thành viên trong cộng đồng Pi đưa ra nhiều hình ảnh làm bằng chứng cho các giao dịch của họ. Ít thì đổi Pi lấy bát phở, nhiều hơn thì đổi lấy laptop hay thậm chí là… lan đột biến.

03aug2022thuchumotsocuahangchapnhanthanhtoanbangdongpib62012d4246447149de4b97ae162031ejpg
Một cửa hàng mật ong cho phép trao đổi bằng Pi. | Nguồn: Vietnamnet via Thanh Hoa

Đây là một thông tin thu hút sự chú ý, trước hết bởi đồng Pi vẫn chưa được phát hành trên bất cứ thị trường tiền mã hóa nào. Bên cạnh đó, nhiều người đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của các giao dịch hay trao đổi hàng hóa với đơn vị tiền mã hóa này.

2. Đồng Pi khác gì các đồng tiền mã hóa khác?

Pi bắt đầu có danh tiếng tại Việt Nam từ năm 2021. Các nhà sáng lập của Pi cho rằng thế hệ tiền mã hóa hiện tại có ba hạn chế lớn: khó đào, khó đầu tư, và khó tiếp cận. Họ coi Pi là giải pháp tháo gỡ những khúc mắc này.

Để “đào” Pi, người dùng không cần dàn máy tính tiền tỉ mà chỉ cần tải ứng dụng trên điện thoại và chăm chỉ điểm danh sau mỗi 24 tiếng để ứng dụng tiếp tục “đào.” Như vậy, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh không quá xịn và mạng internet là ta có thể tiếp cận và khai thác Pi.

Bên cạnh đó, những dự án tiền mã hóa khác yêu cầu nhà đầu tư phải bỏ vốn. Pi thì không yêu cầu nhà đầu tư bỏ ra bất cứ đồng nào. Đây chính là điểm thu hút nhiều người tham gia vào cộng đồng và trông chờ thời điểm Pi được giá.

Nói vậy bởi ở thời điểm hiện tại, đồng Pi chưa có giá trị gì. Dự án vẫn chưa kết thúc quá trình phát triển và đồng tiền chưa xuất hiện trên sàn giao dịch nào sau 3 năm triển khai dự án.

3. Có những tranh cãi nào xung quanh Pi?

Nhiều chuyên gia tiền mã hóa và nhà phân tích thị trường đã cảnh báo về một số dấu hiệu được cho là lừa đảo tới từ dự án Pi. Các dấu hiệu bao gồm: cách hoạt động giống hình thức đa cấp (ponzi), nắm giữ nhiều thông tin cá nhân nhạy cảm của nhà đầu tư, và hệ thống điều hành cũng như phân phối không đảm bảo.

Nếu một người dùng Pi mời được người tham gia, hệ thống sẽ tăng lượng Pi đào được trong một ngày cho ví của người đó. Mô hình trước rỉ tai sau để tăng lợi nhuận là một công thức đa cấp rất quen thuộc, giống nhiều vụ lừa đảo đã bị phanh phui.

Bên cạnh đó, ứng dụng Pi Network yêu cầu người dùng cung cấp nhiều thông tin cá nhân quan trọng như ảnh chụp căn cước, hộ chiếu, quyền truy cập vào danh bạ,... Đặc biệt, ứng dụng này cũng yêu cầu truy cập vào nhiều tính năng cài đặt có thể dẫn tới lỗ hổng bảo mật trên điện thoại.

03aug202216213466954815b39975djrkvjpg
Danh bạ điện thoại là một trong nhiều thứ mà Pi yêu cầu truy cập. | Nguồn: Báo Thanh niên via Anh Quân

Cuối cùng, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về hệ thống điều hành Pi. Đồng Pi không được xây dựng trên hệ thống mở như Bitcoin hay nhiều đồng khác, tức người dùng không thể biết bên trong hệ sinh thái hiện có bao nhiêu đồng lưu hành, và cũng không biết về các đoạn mã cũng như về cách Pi lưu hành trong hệ thống.

Tuy nhiên, những thành viên của dự án Pi tại Việt Nam tỏ ra rất lạc quan. Theo họ, Pi không những không phải lừa đảo, mà trong tương lai sẽ trở thành tài sản thực sự.

Họ cũng cho biết Pi không yêu cầu người dùng đầu tư tiền hay tài sản, nên không thể có chuyện Pi lừa đảo hay đa cấp, bởi chẳng có gì để lừa cả. Nhiều người cho rằng Pi sẽ thay thế Bitcoin, và thậm chí thay thế tiền pháp định của nhà nước trong tương lai.

4. Trao đổi hàng hóa bằng tiền mã hóa thì có phạm pháp?

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng rằng việc sử dụng tiền mã hóa để trao đổi hàng hóa là phạm pháp vì trái với các quy định thương mại của Việt Nam.

Cần phải khẳng định: luật pháp Việt Nam không ghi nhận tiền mã hóa như một đơn vị hợp pháp để mua bán, và cũng không phải là một loại hàng hóa được công nhận. Nhưng tiền mã hóa cũng không xuất hiện trong danh sách cấm hay bị quy định là phạm pháp ở bất cứ bộ luật nào của nước ta.

Đây chính là lỗ hổng để các thành viên dự án Pi sử dụng nhằm trao đổi Pi lấy Pi hoặc Pi lấy hàng hóa. Theo họ, đây chỉ là một loại trao đổi ngang giá theo thỏa thuận chứ không phải là giao dịch mua bán. Đối với họ, việc đổi Pi lấy laptop hay xe SH không khác gì việc đổi trâu lấy gạo.

Nhưng chính bản thân hành động “trao đổi” của cộng đồng này cũng không nhất quán, bởi mỗi trao đổi lại quy định một mức giá riêng cho Pi. Như vậy, việc định giá đang dựa trên cảm tính của mỗi người.

Bên cạnh câu chuyện phạm pháp hay không, việc trao đổi bằng Pi nói riêng và tiền ảo nói chung chắc chắn có nhiều rủi ro tại Việt Nam. Do không nhận được sự công nhận và bảo trợ của nhà nước, sẽ rất khó để người dùng đòi quyền lợi khi xảy ra sự việc lừa đảo hoặc khi có tranh chấp giữa các bên trao đổi.

5. Rò rỉ thông tin cá nhân có thể dẫn tới nguy cơ gì?

Các chuyên gia cảnh báo rằng người dùng của ứng dụng Pi Network có thể bị lộ thông tin cá nhân. Thế nhưng cộng đồng Pi không những không quan tâm, mà còn khẳng định rằng lộ thông tin thì “cũng chả sao”, “đằng nào cũng lộ”, và thông tin thì “chỉ là thông tin thôi mà.”

Đây là một suy nghĩ nguy hiểm, bởi nếu những thông tin như căn cước, hộ chiếu, số an sinh xã hội, hay tài khoản ngân hàng bị lộ, kẻ xấu có thể sử dụng những thông tin đó cho mục đích xấu. Chúng có thể dùng căn cước và hộ chiếu để tạo danh tính giả, dùng số tài khoản ngân hàng để thực hiện giao dịch giả,...

Trong thời đại thông tin, tất cả những thông tin cá nhân đều có giá trị và có thể bị lợi dụng. Tuy nhiên, phần đông người Việt Nam chưa nhận thức rõ về sự nguy hiểm của việc lộ thông tin. Ít nhất đối với cộng đồng Pi thì điều đó chỉ là phù phiếm.