Khái niệm trì hoãn giấc ngủ vốn không hề mới lạ, cũng như những kiểu trì hoãn khác, nó bắt nguồn từ khả năng tự kỷ luật. Tuy nhiên, thế hệ trẻ đang rơi vào một phiên bản khác phức tạp hơn, đó là "revenge bedtime procrastination" – trì hoãn giờ ngủ để bù lại giờ nghỉ.
Câu chuyện này có quen thuộc với bạn không: Sau một ngày mệt nhoài và dù mắt đã díu lại, bạn luôn có thôi thúc phải xem một tập phim, dạo một vòng Instagram, lướt hai lượt Facebook trước.
"Chăm chỉ cả ngày rồi, lúc này không dành thời gian cho mình thì còn lúc nào nữa?" Nếu mỗi tối bạn đều nghĩ như vậy và chỉ chịu đi ngủ khi đã qua ngày mới, bạn đã biết revenge bedtime procrastination là thế nào rồi đấy.
Revenge bedtime procrastination - "Cố tình thiếu ngủ" trong một xã hội bận rộn
Khái niệm "revenge bedtime procrastination" có nguồn gốc từ cụm từ Trung Quốc "報復性熬夜" (bàofùxìng áoyè), hiện tượng những người quá bận bịu vào ban ngày cố gắng thức tới khuya, "hy sinh" một vài giờ ngủ cho các hoạt động giải trí cá nhân.
Thuật ngữ này bắt đầu được lan truyền qua dòng trạng thái của Daphne K.Lee vào tháng 6/2020 trên Twitter, từ đó nhận được nhiều bình luận đồng cảm:
- "Đọc và gật đầu lia lịa khi đang lướt Twitter vào 1 giờ sáng sau cả ngày thứ 7 làm việc quần quật."
- "Đây là điều thường thấy ở những người làm việc nhiều giờ liền (nhất là khi họ còn không thích công việc đó). Ngồi ở văn phòng từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, về tới nhà ăn uống tắm rửa xong cũng đã 10 giờ, sao mà đi ngủ ngay rồi mai lặp lại y như thế được... Cần phải có một vài tiếng 'dành cho mình' thì mới sống nổi."
Điều gì thôi thúc chúng ta trì hoãn giấc ngủ?
Nỗ lực tìm lại cảm giác kiểm soát được cuộc sống
Nhà tâm lý trị liệu Daryl Appleton đã lý giải, tuy chưa có thuật ngữ tâm lý học cụ thể cho hành động này, nhưng động cơ đằng sau lại rất dễ nhận ra, đó là sự kiểm soát. Khi cảm thấy hoàn toàn mất kiểm soát với những gì diễn ra vào ban ngày, chúng ta cố gắng "bù đắp" bằng thời gian "rảnh" ban đêm để giảm bớt cảm giác bất lực.
Nhà tâm lý học lâm sàng Aimee Daramus cũng đồng tình với quan điểm này. Không gì đau khổ hơn khi cảm thấy cuộc sống của mình không nằm trong tay mình. Lúc nào bạn cũng phải chạy theo nhu cầu của người khác rồi, nên mất đi vài tiếng ngủ không phải là cái giá quá đắt.
Thiếu ranh giới giữa cuộc sống – công việc
Không thể tách khỏi công việc trong ngày cũng là một nguyên nhân dẫn đến hành vi trì hoãn giấc ngủ.
Ngày nay, bận rộn dần trở thành thước đo cho thành công. Dù chưa nhận thấy được thành quả thật sự nhưng khi thấy người khác đang chạy đua, bạn cũng không dám đứng ngoài đường chạy. Kể cả khi đã làm việc quần quật cả ngày, bạn vẫn cảm thấy mình làm chưa đủ, dù không biết mình muốn "hơn nữa" là thế nào.
Cứ thế, bạn không còn lựa chọn nào ngoài tăng ca hoặc mang công việc về nhà. Nó khiến bạn luôn cảm thấy mình "đang trong giờ làm", bởi vì bất cứ lúc nào công việc cũng có thể réo gọi, kể cả vào ban đêm. Càng như thế, giấc ngủ của bạn càng bị xâm lấn.
Nhưng trì hoãn giờ ngủ không phải là biện pháp lâu dài
Đại học Amsterdam (Hà Lan) đã thực hiện một thí nghiệm với 71 người trưởng thành làm việc trong nhiều lĩnh vực. Họ cần ghi lại lịch trình hàng ngày của mình vào một cuốn nhật ký, xem thử mình có hoàn thành mục tiêu và hiệu suất công việc đặt ra trong ngày không.
Kết quả, những ứng viên với thời gian ngủ càng thấp thì càng hoàn thành ít mục tiêu hơn vào ngày hôm sau. Từ đây, các nhà nghiên cứu nhận ra một mối quan hệ mật thiết giữa chất lượng giấc ngủ và sự trì hoãn, đặc biệt đối với những người có khả năng làm chủ bản thân thấp.
Và rồi một vòng tròn luẩn quẩn được hình thành: Hiệu quả công việc kém vào ban ngày dẫn đến tình trạng thức khuya tối hôm đó. Điều này làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, và kéo theo hiệu quả công việc ngày hôm sau tiếp tục giảm xuống.
3 Cách giúp bạn đi ngủ bớt phân vân
Đặt giới hạn cho ngày làm việc của mình:
Nếu vấn đề là do tham công tiếc việc, hãy đặt một "giờ kết thúc" cố định cho các ngày trong tuần. Từ thời gian này trở đi, mọi công việc đều sẽ được gác lại, nhiệm vụ duy nhất của bạn là nghỉ ngơi và làm những điều mình yêu thích.
Nếu có thể, hãy sắp xếp để khung thời gian này kéo dài từ 1-2 tiếng. Điểm giới hạn sẽ giúp bạn tránh cảm giác quá tải công việc, đặc biệt là đối với freelancer hoặc đang làm việc tại nhà.Đặt ra những mục tiêu thực tế trong ngày:
Dù đã lập to-do list nhưng bạn vẫn thấy không đủ thời gian hoặc bị choáng ngợp bởi lượng công việc? Một cách để loại bỏ cảm giác này là chia thành các mục tiêu nhỏ hơn bằng phương pháp 1-3-5.Bí quyết đặt lưng xuống là ngủ ngay:
Để có một giấc ngủ thật chất lượng, chúng ta cũng cần phải tuân thủ một số "quy tắc chuẩn bị". Hãy để Vietcetera mách bạn cách chìm vào giấc ngủ trong 120 giây. Khi thời gian ru ngủ giảm đi, bạn sẽ không bị phân tâm bởi những suy nghĩ "Hay là lướt Facebook một chút" nữa.