Tại sao nhờ vả là một cách kết bạn hiệu quả? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
15 Thg 01, 2020

Tại sao nhờ vả là một cách kết bạn hiệu quả?

Biến thù thành bạn bằng cách nhờ vả! Xem thử vì sao Benjamin Franklin - nhà ngoại giao hàng đầu lập nên nước Mỹ - lại có phương pháp ngược đời vậy nhé.

Tại sao nhờ vả là một cách kết bạn hiệu quả?

Kết bạn không phải điều dễ dàng, đặc biệt với những người chưa giỏi giao tiếp hay vốn dĩ mang bản tính nhút nhát, ngại ngần. Có hẳn một cụm từ là “socially awkward” để gọi vui những người hay lúng túng khi đối mặt các tình huống giao tiếp xã hội này.

Thậm chí, hashtag #growingupshy (lớn lên trong sự ngượng ngùng) cũng từng làm mưa làm gió mạng xã hội vì đánh trúng tâm lý của nhiều người trẻ hiện đại. Thế mới thấy, “nhân loại” nói chung, ai cũng vấp phải những vấn đề trong giao tiếp và tạo lập mối quan hệ chứ chẳng cá biệt văn hóa hay cá nhân nào.

Growingupshy cho cả thế giới cơ hội chia sẻ những tình huống kì cục mỗi người phải đối mặt khi là một đứa trẻ hay ngượng ngùng Nguồn hình sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
#Growingupshy cho cả thế giới cơ hội chia sẻ những tình huống kì cục mỗi người phải đối mặt khi là một đứa trẻ hay ngượng ngùng. Nguồn hình: Twitter.

#growingupshy là trào lưu mới nổi nhưng sự trăn trở trong việc kết thân kèm đó là các biện pháp thúc đẩy mối quan hệ thật ra đã xuất hiện từ rất xa xưa. Nổi tiếng nhất trong số đó phải kể đến hiệu ứng Benjamin Franklin.

Câu chuyện “biến thù thành bạn” của Benjamin Franklin

Franklin vốn có một đối thủ trong hội đồng lập pháp. Cả hai tuy không tiếp xúc nhiều nhưng cũng chẳng thân thiện mấy. Một dịp nghe tin thư viện người kia có quyển sách quý, Franklin đã nghĩ ra cách để cải biến mối quan hệ hai người và nhờ đó kết giao một người bạn tốt trọn đời.

Cụ thể, ông đã viết một bức thư bày tỏ tha thiết muốn mượn tạm quyển sách quý hiếm của người kia và được đối phương đáp ứng. Một tuần sau khi trả sách, ông đã gửi kèm những lời nhắn biểu lộ cảm giác vui sướng khi được đọc cùng lòng cảm kích chân thành đến người cho mượn. Kết quả, “gã đáng ghét” ấy đã chủ động bắt chuyện với Franklin và mối quan hệ bạn bè nảy nở từ đó.

Từ câu chuyện trên, ta có thể thấy một gợi ý hay để xóa bỏ hàng rào đầu tiên khi kết thân với người khác chính là “làm phiền”, hay cụ thể là nhờ đối phương giúp đỡ.

Nhờ cậy sự giúp đỡ có thể khiến mối quan hệ giữa bạn và người kia tăng tiến sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Nhờ cậy sự giúp đỡ có thể khiến mối quan hệ giữa bạn và người kia tăng tiến.

Vì sao làm phiền lại có thể cải thiện mối quan hệ giữa bạn và người khác?

Lý giải liên quan đến một thuyết tâm lý gọi là “Cognitive dissonance” – bất hòa về nhận thức. Con người sẽ có cảm giác khó chịu hoặc căng thẳng khi cùng lúc tiếp nhận hai hoặc nhiều những niềm tin, giá trị trái ngược, đặc biệt khi họ gặp các bằng chứng mới trái với niềm tin vốn có. Để thoát khỏi cảm giác khó chịu này, họ sẽ tìm cách giảm mức độ bất hòa nhận thức. Và hiệu ứng Benjamin Franklin đã vận dụng điều này để thành công.

Khi một người được nhờ giúp đỡ, với một việc chắc chắn làm được, họ sẽ có hai lựa chọn: làm hoặc không. Đa số, để tránh bị xem là nhỏ mọn, họ sẽ chọn việc thực hiện. Lúc này, để tránh bất đồng nhận thức là làm điều có lợi cho người mình ghét, họ sẽ tự thuyết phục rằng bản thân thích đối phương đủ để cho họ nhận sự ưu ái từ mình. Từ đó, cảm giác đáng ghét ban đầu (nếu có) sẽ không còn và họ bắt đầu mở lòng với người mình từng không ưa.

Ngoài ra, một vài lý do khác giải thích sự thành công của hiệu ứng Benjamin Franklin là:

  • Thuyết tự nhận thức: Khi chưa xác định chắc chắn cảm xúc cho một người, ta thường hình thành thái độ bằng cách quan sát hành vi của mình đối với họ. Như vậy, khi ta giúp đỡ họ (hành động tích cực), ta cũng sẽ hình thành cảm xúc tích cực với đối phương.
  • Cảm giác được đề cao và tôn trọng khi người khác nhờ giúp đỡ cũng tự nhiên giúp một người phát sinh thiện cảm với người kia.

Tuy nhiên, hiệu ứng Benjamin Franklin sẽ không hiệu quả, khi:

  • Đối phương đã định hình cảm xúc cụ thể dành cho bạn, nghĩa là có lý do cụ thể cho việc ghét bỏ hay khó chịu với bạn.
  • Đối phương đồng ý giúp bạn vì có dụng ý riêng, họ không chịu tác động của “bất hòa nhận thức” mà bản thân đã chủ ý muốn tạo quan hệ.
  • Đối phương vốn coi việc giúp đỡ người khác không phải điều gì to tát.

Ngoài ra, hãy lưu ý: hiệu ứng này có thể gây ra tác dụng ngược. Đó là khi đối phương từ chối lời nhờ vả của bạn. Nếu đồng ý, họ sẽ hình thành cảm xúc tích cực với bạn. Nhưng nếu không, họ sẽ biện minh rằng bản thân không thích bạn để tránh mâu thuẫn với hành động của mình. Và họ, từ một người có cảm xúc trung lập sẽ chuyển sang ghét bạn.

Thế thì bí quyết ở đây là hãy nhờ vả thật tinh tế để đối phương không nỡ chối từ bạn.

Hãy tinh tế khi muốn nhờ vả ai đó để hiệu ứng Benjamin Franklin đạt kết quả tốt sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Hãy tinh tế khi muốn nhờ vả ai đó để hiệu ứng Benjamin Franklin đạt kết quả tốt.

Những lưu ý “làm phiền” tinh tế để ứng dụng hiệu quả hiệu ứng Benjamin Franklin

  • Hãy chân thành. Trong cuốn “thuật nói chuyện hằng ngày” của Hoàng Xuân Việt – học giả chuyên khoa hùng biện, có viết, “trong khi tiếp chuyện, nếu thấy ai vẻ mặt, cái nhìn, cử chỉ, hay nghe lời nói nào đó tính chất giả dối, dù họ dùng đủ cách nói để gây thiện cảm, song bao nhiêu tình cảm, uy tín họ đều thành mây khói”. Như vậy, mấu chốt trong giao tiếp, khi nói chuyện cũng như nhờ vả, là sự thành thật. Tiềm thức con người có khả năng nhận biết những cử chỉ hay thái độ không chân thành từ một người và từ đó hình thành tâm lý đề phòng hay nghi ngờ.
  • Muốn nhờ vả ai đó sao không thử giúp đỡ họ trước? Đa phần mọi người đều có tâm lý có qua có lại nên bạn sẽ ít khả năng bị từ chối hơn ở lần nhờ vả kế tiếp. Lưu ý là khoảng thời gian từ lúc bạn giúp họ đến lúc nhờ họ giúp cũng không nên cách nhau quá xa để tránh việc đối phương quên mất. Ngoài ra, sau khi được giúp đỡ bạn vẫn có thể tiếp tục đề nghị hỗ trợ họ những việc lớn hơn và phát triển mối quan hệ thân thiết từ đó.
  • Hãy thực tế và có chừng mực trong việc nhờ vả. Tốt nhất là bắt đầu từ những việc vặt nhỏ nhặt mà bạn biết họ chắc chắn làm được và cũng không quá phiền phức. Đừng yêu cầu những người mới quen biết hay gặp mặt một vài lần gánh những trách nhiệm nặng nề hay thậm chí trở thành lao động không công cho bạn. Bạn không những bị từ chối mà khả năng cao sẽ vào thẳng danh sách “cạch mặt” của họ đấy.

Kết

Hiển nhiên mọi lý thuyết đều là màu xám, còn cuộc đời thì lại muôn màu. Đôi khi chuyện sẽ diễn ra theo chiều hướng bạn không mong muốn. Chẳng hạn bạn nhiệt tình giúp đỡ nhưng người ta chỉ muốn nhận chứ không chịu cho hoặc họ không nhiệt tình lại với bạn như mong đợi.

Để được lợi từ bạn hãy để họ được lợi từ mình trước.

(Make use of your friends by being of use to them) – Benjamin Franklin.

Dù vậy, hãy cứ chân thành trong mọi mối quan hệ. Hãy dành thời gian để vun đắp những tình bạn sẵn có và mở rộng thêm vòng tròn quan hệ. Hãy giúp đỡ người khác trong tâm thế không mong chờ được báo đáp. Những năng lượng tích cực từ bạn chắc chắn sẽ tự động thu hút những người bạn tuyệt vời. Và lúc đó có khi lại có người chủ động tìm đến nhờ giúp đỡ vì muốn được phát triển mối quan hệ với bạn đấy.

Bài viết được thực hiện bởi Kim Ngân.

Xem thêm:
[Bài viết] Làm người bạn tốt là cả một sự lao lực!
[Bài viết] Vì sao bạn không duy trì được những mối quan hệ thân thiết?