1. Chuyện gì đã xảy ra?
Hai ngày vừa qua, nhiều người đang xôn xao về thông tin cho rằng sàn thương mại điện tử Temu sắp có mặt Việt Nam. Dù chưa đăng ký giấy phép hoạt động, sàn đã cho ra mắt website phiên bản tiếng Việt, tạo chương trình tặng hoa hồng từ 50.000-150.00đ cho người dùng khi giới thiệu thành công KOL/ KOCS đăng ký mở tài khoản.
Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo từ Trung Quốc. Đây là sàn thương mại điện tử với châm ngôn “Mua sắm như tỷ phú", chuyên cung cấp những mặt hàng giá rẻ nhất thị trường. Mặt hàng của Temu rất đa dạng, trải dài từ đồ gia dụng, nội thất đến thời trang, thiết bị công nghệ…
Chỉ vỏn vẹn 2 năm ra mắt, giờ đây, mô hình mua sắm xuyên biên giới của Temu đã phủ sóng ở 70 quốc gia trên thế giới như Mỹ, New Zealand hay Canada, và tiếp theo là thị trường Đông Nam Á.
2. Temu đang “làm mưa làm gió” trên thế giới ra sao?
Sau hàng loạt các hoạt động tiếp thị mạnh mẽ để “dò mìn” thị trường và gây xôn xao dư luận, cách thức hoạt động và vị thế của Temu cũng tạo ra một cuộc thảo luận sôi nổi. Temu kinh doanh theo mô hình M2C - lấy hàng trực tiếp từ nhà sản xuất và giao đến tay khách hàng mà không cần qua người bán trung gian, khiến giá thành của mỗi sản phẩm rẻ hơn tối thiểu 20% so với giá trên Amazon.
Đồng thời, Temu chi ngân sách khổng lồ cho việc marketing, phần lớn là booking các KOLS, nhà sáng tạo nội dung để PR cho sản phẩm của mình, hay đặt bảng quảng cáo khổng lồ tại Super Bowl - Siêu cúp bóng bầu dục Mỹ.
Dù chỉ là tân binh, nhưng sự tăng trưởng thần tốc của Temu nhanh chóng đe dọa các ông lớn như Taobao ở Trung Quốc hay Amazon của Mỹ. Theo ECDB, kể từ lần đầu xuất hiện vào năm 2022 đến nay, sàn thương mại điện tử này đã có hơn 40 triệu người dùng.
Trong khi đó, Amazon phải mất hàng chục năm mới có cho mình con số tương tự. Ông lớn thương mại điện tử ở Mỹ vừa rồi cũng đã phải loại bỏ Temu ra khỏi bảng so sánh giá cả, bởi giá của Temu quá thấp so với mặt bằng chung.
Trước tình hình Temu vào Việt Nam, người tiêu dùng có thể được tiếp cận với đồ dùng có giá cả phải chăng hơn, nhưng đồng thời cũng tạo ra mối đe dọa cho các sàn thương mại điện tử đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam như Shopee, Lazada và TikTok Shop.
Bởi nếu Temu gây được sức ảnh hưởng lớn như tại Mỹ hay Trung Quốc, miếng bánh thương mại điện tử sẽ bị chia lại, dẫn đến một cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá cả và dịch vụ. Các doanh nghiệp nội địa cũng sẽ dễ bị mất thị phần cho những mặt hàng từ Trung Quốc.
Sự lo lắng này là có căn cứ, khi vừa qua, Indonesia đã cấm cửa không cho Temu hoạt động tại đây nhằm mục đích bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ đang chiếm 97% cơ hội việc làm khỏi hàng hóa tràn lan từ Trung Quốc
3. Temu thiếu gì để “tấn công" thị trường Việt Nam?
Hiện tại vẫn chưa thể dự đoán được tác động của Temu. Nhưng để tránh sự rút lui đáng tiếc như các sàn khác như Adayroi, Robins hay Zalora vào những năm về trước, Temu cần phải xem xét những bất cập sau:
Thiếu sản phẩm chất lượng: Khảo sát Shoppertainment: The Future of E Commerce của TikTok đã chỉ ra người Việt đang không còn mua sắm bốc đồng hay mua vì tác động của chương trình giảm giá. Thay vào đó, chất lượng sản phẩm, review từ người nổi tiếng sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của 79% người Việt.
Đi ngược lại với nhu cầu của người Việt, Temu lại chuyên bán những sản phẩm giá rẻ, không có chứng thực về nguồn gốc. Đồng thời, sản phẩm kinh doanh của họ chủ yếu là những món đồ không có thương hiệu, thiếu hụt ngách hàng chính hãng.
Temu cũng không bán thiết bị công nghệ chính hãng, thực phẩm, hay mỹ phẩm, những mặt hàng chiếm ⅔ doanh thu của sàn thương mại điện tử đầu năm 2024.
Thiếu thanh toán COD: Hiện tại, Temu chỉ mới cho khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple Pay. Trong khi tỉ lệ giao dịch bằng tiền mặt chiếm đến 80% trong tổng số giao dịch mua hàng online tại Việt Nam. Điều này làm gia tăng sự bất tiện khi mua hàng, đi kèm với lo ngại về chất lượng hàng hoá.
Dù có chính sách hoàn trả hàng, nhưng những bất cập như thủ tục rắc rối, thời gian lâu có thể khiến việc thanh toán thẻ trở thành hạn chế lớn trong trải nghiệm mua sắm của người dùng.
Thiếu đơn vị vận chuyển chặng cuối: Cũng giống như Shein hay Pinduoduo, Temu hiện đang phải thông qua đơn vị vận chuyển trung gian là Ninja Van và JT Express để giao hàng. Quy trình này sẽ kéo dài thời gian giao nhận và khiến các thủ tục đổi trả trở nên phức tạp, không thể cạnh tranh được với Shopee hay Lazada, hai sàn đã thành lập đội ngũ vận chuyển riêng để tối ưu quy trình logistic và giao hàng.
Vậy nên điều Temu cần nhất lúc này là một đối tác có đơn vị vận chuyển và vận hành ổn định, giúp hỗ trợ giao hàng tận nơi cho khách hàng. Đó là lý do nhiều chuyên gia cho rằng, rất có khả năng Temu sẽ mua lại Tiki - sàn thương mại điện tử vốn đang thất thế so với các bên khác, khi chỉ chiếm 0.7% thị phần thương mại điện tử vào quý II năm nay.