Năm 17 tuổi, chị Linh Cát biết đến mô hình kinh doanh nhượng quyền từ những quyển sách Franchise (Nhượng quyền kinh doanh) của TS. Lý Quí Trung. Từ khoảnh khắc ấy, chị đã luôn biết mình muốn xây dựng một thương hiệu theo mô hình này. Vài năm sau đó, khi đang học năm 2 đại học, chị bắt đầu CATSA với 150 triệu.
“150 triệu đó không phải của chị hoàn toàn. Trước đó chị đã làm thêm rất nhiều công việc và dành dụm được 20 triệu. Với số tiền đó, chị bắt đầu bán hàng online rồi tích góp lên được 70 triệu. Một cô người quen tin tưởng nên cho chị mượn thêm 80 triệu để mở cửa hàng đầu tiên.
Thiếu vốn, thiếu sự ủng hộ từ gia đình, thiếu cả người dẫn dắt, thứ duy nhất mà chị có là đam mê và sự quyết liệt.” - Nhà sáng lập kiêm CEO của CATSA, thương hiệu thời trang nam theo mô hình nhượng quyền vừa tròn 10 tuổi, bắt đầu câu chuyện của mình một cách khiêm tốn như thế.
Nếu được quay trở lúc bắt đầu khởi nghiệp, với 150 triệu, chị sẽ làm gì và không làm gì giống ngày trước?
Chị tin rằng mọi chuyện xảy ra đều có lý do. Những khó khăn trong suốt 10 năm qua giúp chị học được những bài học cần phải học, để có được như ngày hôm nay. Vì vậy chị nghĩ không có gì để hối tiếc hay muốn thay đổi.
Tuy nhiên, nếu được quay lại, chị nghĩ mình sẽ đi du học về kinh doanh thời trang và franchise trước khi khởi nghiệp. 11 năm trước ở Việt Nam chưa có trường dạy kinh doanh thời trang, hình thức franchise lúc bấy giờ cũng còn mới mẻ. Nếu được đào tạo bài bản, chị nghĩ mình sẽ đi nhanh hơn và làm được nhiều điều ấp ủ hơn.
Nhưng việc được tự mày mò học hỏi, cọ xát với thực tế để trưởng thành cũng có cái hay riêng. Nó giúp chị và CATSA hiểu sâu sắc hơn con đường mình đi.
Dấn thân vào làm ngạch thời trang nam, chị thấy mình có những ưu- nhược điểm nào?
Hồi bé, mỗi lần đi ngoài đường, chị thường nhìn mọi người buôn bán và tự hỏi họ kiếm tiền thế nào, bài toán kinh doanh của họ là gì... Chắc có lẽ vì thế mà chị có sự quyết liệt, nhạy bén với thị trường, dám đưa ra những quyết định táo bạo và tầm nhìn rõ ràng.
Xác định sẽ lựa chọn thời trang để kinh doanh, chị quyết tâm xây dựng CATSA theo mô hình franchise. Chị hiểu rằng mình không có dòng vốn mạnh, nên sẽ mất rất lâu mới tích góp đủ cho cửa hàng tiếp theo. Con đường franchise mà chị lựa chọn là đúng đắn. Tới giờ chị vẫn nghĩ vậy.
Tuy nhiên, trong giai đoạn mới khởi nghiệp, chị cũng nhận ra mình có một số hạn chế nhất định. Dù yêu thích thời trang và có gu thẩm mỹ tốt nhưng chị chưa được trang bị kiến thức để tạo ra sản phẩm thời trang.
Vừa khởi nghiệp, chị vừa tự khắc phục bằng cách đi học may. Học để hiểu cách tạo ra một sản phẩm, hiểu các công đoạn người thợ phải trải qua để cho ra một sản phẩm. Có như thế mới giúp họ phát triển một quy trình tốt hơn, ở quy mô lớn hơn được.
Ngoài ra, chị cũng thường tìm hiểu về xu hướng thời trang và thói quen ăn mặc của nam giới. Không nên áp đặt quan điểm đẹp của riêng mình mà vô tình bỏ qua tâm lý và sự thoải mái của họ.
Khoản đầu tư nào cho CATSA khiến chị nhớ mãi đến giờ?
Là vào một năm sau khi thành lập (năm 2012), CATSA khi ấy vẫn còn là một cái tên mới trên thị trường, nguồn lực còn khá eo hẹp, nhưng vì xác định việc xây dựng thương hiệu nên chị rất coi trọng marketing.
Cuối năm đó, chị đã mạnh dạn chi 320 triệu để ký một hợp đồng quảng cáo hiển thị banner trên trang chủ của một sàn thương mại điện tử nổi tiếng lúc bấy giờ. Số tiền đó không hề nhỏ, nó là gần một nửa tài sản mà chị và CATSA có. May mắn thay, nhờ quyết định táo bạo đó mà doanh số của CATSA tăng trưởng rất tốt. Nhiều khách hàng biết đến CATSA qua banner ngày ấy ở lại với thương hiệu đến tận bây giờ.
Điều gì ở CATSA khiến khách hàng quyết định ở lại, giữa một thị trường đầy tính cạnh tranh suốt 10 năm qua?
Chị nghĩ cái đẹp còn tuỳ gu mỗi người, chứ chất lượng sản phẩm thì phải là một chuẩn nhất định. Vì vậy CATSA luôn đầu tư vào chất lượng sản phẩm. Làm sao để mang đến giá trị thật cao nhất cho khách hàng.
Ngoài ra, một giá trị khác vô cùng quan trọng là đội ngũ phải có tinh thần cầu thị, sẵn sàng đón nhận những khó khăn và thay đổi nếu cần, để xây dựng một thương hiệu có những yếu tố tương tự.
Thị trường thay đổi là một chuyện. Khách hàng thay đổi là chuyện lớn. Không chỉ lắng nghe phản hồi từ thị trường lớn, mà mỗi phản hồi từ từng khách hàng cũng phải được lắng nghe. Không dễ để có được những khách hàng thẳng thắn chia sẻ trực tiếp với mình, nên khi nhận được những đóng góp ấy, mình nên trân trọng.
Đã từng có thời điểm CATSA có hơn 40 chi nhánh trên toàn quốc, bây giờ con số đó là 20. Đằng sau những con số này là bài học gì?
Trong khoảng những năm 2013-2017, CATSA phát triển rất nhanh, đạt ngưỡng 40 cửa hàng trên toàn quốc. Tăng trưởng nhanh nhưng lại chưa hiểu hết những nhược điểm của mô hình franchise nên CATSA bị thiếu tính đồng bộ. Bộ máy cũng chưa đủ vững chắc để đi xa hơn.
Cuối năm 2017, chị quyết định cải tổ toàn bộ hệ thống, đóng cửa những cửa hàng thiếu tính đồng bộ, ngưng hợp tác với những đối tác nhượng quyền không cùng tầm nhìn, không hợp tác để thay đổi. Kết quả là hơn 20 cửa hàng đã phải đóng cửa, dù vẫn đang đóng góp doanh thu rất lớn cho công ty.
Đó là một quyết định cực kỳ khó khăn, nhưng với mong muốn đưa CATSA đi xa, chị chấp nhận bỏ đi lợi nhuận trước mắt. Sau đó, chị và đội ngũ bắt tay vào chuẩn hoá concept, quy trình, quy chuẩn thiết kể cửa hàng, chính sách nhân viên, quy cách bán hàng… Tất cả phải được “đóng gói" kỹ lưỡng thì mới đảm bảo tính đồng bộ khi nhượng quyền được.
Năm 2018 đánh dấu một CATSA mới - tuy quy mô nhỏ hơn nhưng vững chắc hơn - làm bệ phóng cho một con số ấn tượng hơn trong tương lai.
Đại dịch Covid để lại hậu quả nặng nề cho mọi ngành nghề, mọi doanh nghiệp. CATSA chắc cũng không phải ngoại lệ?
Năm nay, CATSA đã cho ra mắt một concept mới, mang tên Futurism (Chủ nghĩa vị lai). Tuy nhiên, đại dịch xảy đến khiến quá trình triển khai full concept phải mất nhiều thời gian hơn.
Cùng lúc đó, cả hệ thống phải tìm cách thích nghi và bảo toàn 21 cửa hàng hiện có. Cứ mỗi cửa hàng bị đóng đến lúc quay lại sẽ mất nhiều thời gian và chi phí để xây dựng lại hơn. Chưa kể đến việc phải xây dựng lại tệp khách hàng ở đó.
Hàng loạt các giải pháp như: xây dựng lại chính sách; thương lượng với chủ nhà; cân đối dòng tiền; thanh toán nợ công một phần cho các đối tác, nhà cung cấp để giúp họ tồn tại qua mùa dịch; trợ cấp lương cho nhân sự; tập trung toàn bộ nhân lực để cùng nhau học tập và rèn luyện, phát triển tầm nhìn và hướng đi mới... đã được CATSA thực hiện.
Cái hay của mô hình franchise là các đối tác có thể cùng nhau chia sẻ khó khăn, rủi ro. Nguồn lực cũng được phân tán ở nhiều khu vực, nhiều thị trường.
Vậy làm thế nào để giữ một tinh thần lạc quan?
Chị thiền! Sau một vài ngày quay cuồng cùng những cuộc họp khẩn cấp và xử lý các việc tồn đọng, chị bắt đầu bình tâm lại và tập trung vào những việc mà trước đó mình chưa có thời gian để làm. Quan trọng nhất là phải giữ một tinh thần tích cực, bình tĩnh để đón đầu thử thách.
4 tháng giãn cách với chị là một khoảng nghỉ để nhìn lại 10 năm qua, học thêm những kỹ năng mới và thiền mỗi ngày. Và dù trong dịch hoạt động mua bán chậm lại hẳn, thì CATSA vẫn miệt mài chuẩn bị cho những BST mới.
Bước sang năm 2022, chị dự đoán thế nào về tiềm năng của thị trường thời trang và nhu cầu của người tiêu dùng?
Hiện dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, thị trường chắc sẽ cần một thời gian khá dài để phục hồi. Dịch cũng tạo ra nhiều hạn chế, dẫn đến nhu cầu mua sắm thời trang cũng bị giảm. Vì phải cắt giảm chi tiêu nên khách hàng cũng sẽ cân nhắc kỹ hơn khi mua sắm. Trong bối cảnh như thế, những sản phẩm chất lượng với giá thành hợp lý sẽ được lựa chọn nhiều hơn.
Ngoài ra, thị trường cũng sẽ tự động đào thải những thương hiệu, những cửa hàng thời trang không có đủ nguồn lực. Sân chơi thời trang sẽ khác hẳn so với giai đoạn trước dịch. Thế nên doanh nghiệp cần phải chú tâm vào nhiều khía cạnh hơn, để tạo ra sự khác biệt và mang đến cho khách hàng nhiều lợi ích hơn.
Một thay đổi quan trọng nữa là sự tăng trưởng mạnh mẽ của mua sắm trực tuyến. Khi khách hàng bước vào một cửa hàng vật lý, bạn có thể tạo ra rất nhiều điểm chạm để gây ấn tượng với họ, từ trải nghiệm khách hàng, dịch vụ, không gian, mùi thơm...
Nhưng mua bán trực tuyến lại là câu chuyện cạnh tranh của hàng ngàn thương hiệu có chất lượng sản phẩm tương đương - nếu chỉ nhìn qua hình ảnh. Vì thế mà việc đầu tư xây dựng thương hiệu và brand love sẽ là cực kỳ quan trọng để giữ chân khách hàng.
Trong giai đoạn thắt lưng buộc bụng, ở một doanh nghiệp thời trang, bộ phận nào vẫn xứng đáng được đầu tư?
Thời đại công nghệ phát triển, máy móc thiết bị có thể hỗ trợ hoặc thay thế con người, tiết kiệm thời gian, công sức. Riêng chỉ có sáng tạo là máy móc không thể thay thế. Sáng tạo cũng là điều tạo nên sự khác biệt ở mỗi cá nhân và mỗi thương hiệu. Vậy nên, chị sẽ luôn đầu tư cho sáng tạo.
Ở một thương hiệu thời trang, sự sáng tạo hiện diện tại nhiều bộ phận, đứng đầu là bộ phận phát triển sản phẩm. Bởi, sản phẩm là cốt lõi của một doanh nghiệp, chị muốn đầu tư để phát triển sản phẩm từ chất lượng đến thiết kế. Tiếp đến là marketing, hình ảnh và thậm chí là sales cũng cần sáng tạo.
CATSA trở lại đường đua cuối năm với BST “Người Đô Thị" hợp tác cùng thương hiệu Môi Điên. Ý nghĩa đặc biệt đằng sau BST này là gì?
Trước tiên vì chị và NTK Tom Trandt là những người bạn thân trong top Forbes 30 Under 30. Dù khác nhau về cách xây dựng và định hướng thương hiệu, cả chị và Tom đều mong muốn mang đến những giá trị tốt hơn cho khách hàng, làm sao để thương hiệu thời trang Việt nói chung phát triển hơn, vững vàng hơn, đi xa hơn. Từ đó xây dựng một môi trường kinh doanh nội địa sung sức, cùng nhau đi lên và tiến ra những thị trường xa hơn, khó tính hơn.
BST “Người Đô Thị" là sự cộng hưởng những điều tốt nhất, mạnh nhất của mỗi thương hiệu; là thành quả lao động, sáng tạo liên tục của hai nhà sáng lập và ekip đến từ CATSA và Môi Điên trong suốt những tháng ngày giãn cách.
BST này là phát súng đầu tiên, với mong muốn được thể nghiệm những ý tưởng sáng tạo lẫn kinh doanh mới. Bằng cách này, cả hai sẽ chạm được tới những vùng đất mới chưa ai khám phá, mở rộng biên độ sáng tạo và phục vụ của mình. Đúng như câu nói: "Muốn đi nhanh thì đi 1 mình. Nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau.”