Toyetic - Khi ngành công nghiệp đồ chơi kiếm tiền từ điện ảnh | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 07, 2022

Toyetic - Khi ngành công nghiệp đồ chơi kiếm tiền từ điện ảnh

Lightyear và Minions: The Rise Of Gru là hai dấu hiệu lớn cho làn sóng làm phim để bán đồ chơi của Hollywood.
Toyetic - Khi ngành công nghiệp đồ chơi kiếm tiền từ điện ảnh

Nguồn: Etsy

Nói về những bộ phim dành cho lứa tuổi từ 2 đến 15, bạn nghĩ một ý tưởng cần có những gì để có thể được bật đèn xanh từ các nhà đầu tư để trở thành một bộ phim? Một kịch bản hay và cuốn hút? Những nhân vật chính diện hài hước và dễ thương? Một thế giới phim sáng tạo và đầy màu sắc?

Tất cả những điều kể trên, đáng buồn thay, trong nhiều trường hợp lại chỉ là những yếu tố phụ quyết định xem một bộ phim có được ra đời hay không. Trong số Bóc Phim lần này, Vietcetera sẽ giới thiệu về khái niệm “toyetic,” một khái niệm đã làm chủ thị trường phim ảnh trong thời gian gần đây, điển hình là hai bộ phim LightyearMinions: The Rise Of Gru.

1. Toyetic là gì?

Toyetic là một từ dùng để miêu tả độ “thích hợp để chuyển hóa thành đồ chơi” của một sản phẩm truyền thông. Một sản phẩm truyền thông có thể dễ dàng được chuyển hóa thành những món đồ chơilà một sản phẩm truyền thông có độ toyetic cao.

Từ lâu, thị trường phim ảnh dành cho độ tuổi từ 2-15 đã hoàn toàn bị chiếm lĩnh bởi cụm từ này. Vì sao một sản phẩm được dùng để kể những câu chuyện nhân văn cho trẻ em lại bị chiếm lĩnh bởi ngành công nghiệp đồ chơi?

2. Toyetic bắt nguồn từ đâu?

Nhà phát triển đồ chơi và marketer Bernard Loomis là người đầu tiên sử dụng cụm từ này khi ông lên ý tưởng cho một TV show dựa trên dòng đồ chơi Hot Wheels. Chương trình này sau khi được trình bày cho FCC (Ủy ban Truyền thông Liên bang) đã bị phân loại là một chương trình quảng cáo. Gặp phải những khó khăn đến từ sự phân loại này, chương trình đã bị cắt sóng sau hai mùa chiếu.

Sau thất bại tạm thời ấy, Bernard Loomis tiếp tục tìm kiếm những cơ hội mới để thực hiện chiến lược tiếp thị độc nhất này. Một ngày nọ, ông tình cờ đọc được một bài báo nói về một bộ phim mới, “Star Wars,” hiện đang trong quá trình sản xuất. Vì quá yêu thích cái tên của bộ phim, ông đã lập tức tiếp cận Lucas Films để mua lại quyền sản xuất đồ chơi cho chúng.

alt
Mô hình Obi-Wan được sản xuất vào năm 1977 | Nguồn: Ingenio Virtual

Bộ đồ chơi Star Wars đầu tiên ra mắt và bán được 500,000 sản phẩm. Thành công khổng lồ này đã đưa cụm từ toyetic và Bernard Loomis trở thành những cái tên đại chúng.

3. Vì sao toyetic phổ biến?

Nhìn vào bảng thống kê doanh thu từ những franchise lớn nhất thế giới, việc những nhà đầu tư phim ảnh ưa chuộng những bộ phim có thể bán ra đồ chơi không còn là điều quá bí ẩn.

Có thể thấy qua top 7 franchise thành công nhất lịch sử, doanh thu đến từ những sản phẩm merchandise (áo quần, đồ chơi,...) chiếm phần lớn, nếu như không muốn nói là toàn bộ doanh thu của các franchise.

Nếu ta loại bỏ những franchise được làm ra hoàn toàn để bán merchandise như Hello Kitty và những franchise manga và game, những số liệu này vẫn hoàn toàn có thể áp dụng được vào những franchise điện ảnh.

alt
Phân tích doanh thu tổng của 7 franchise thành công nhất thế giới | Nguồn: Title Max

Đơn cử như Disney, ông lớn sở hữu những franchise điện ảnh tỷ đô như Marvel, Star Wars, Toy Story, Frozen,... Vào năm 2021, Disney thu về 56.2 tỷ đô từ việc bán merchandise và vỏn vẹn 1.1 tỷ đô doanh thu phòng vé. Năm 2019, vào thời điểm “ăn nên làm ra” nhất của điện ảnh Disney với những cái tên như Avengers: Endgame, Star Wars, The Lion King, họ thu về 13 tỷ đô doanh thu phòng vé và tận 55 tỷ đô doanh thu từ merchandise.

4. Khi điện ảnh trở thành quảng cáo

Với một nhà đầu tư, khi doanh thu bán merchandise của một bộ phim có thể đem về lợi nhuận gấp đôi, thậm chí gấp 4-5 lần doanh thu phòng vé, có lẽ cũng là một điều dễ hiểu khi xem xét một ý tưởng phim dựa trên tiềm năng làm đồ chơi của chúng.

Thế nhưng, khi toyetic trở thành một yếu tố quá trọng điểm cho quyết định ra đời của một bộ phim, chắc chắn chúng sẽ có những ảnh hưởng xấu đến giá trị nghệ thuật của phim và sự cân bằng của ngành công nghiệp điện ảnh. Thực tế chúng ta đã thấy được những dấu hiện của điều này từ hai bộ phim hoạt hình vừa công chiếu gần đây, LightyearMinions: Rise Of Gru.

alt
Nguồn: Pixar

Toy Story Despicable Me là hai franchise cực kì thành công trong việc tạo ra những nhân vật toyetic. Vì thế, việc những nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào thực hiện những bộ phim thuộc hai franchise này là cực kì bình thường. Một khi bạn đã có một sản phẩm cực kì thành công, vì sao lại mạo hiểm bỏ tiền để thử nghiệm những sản phẩm khác?

Đó chính là điểm trừ đầu tiên cho làn sóng toyetic. Khi dòng tiền liên tục đổ về những franchise triệu đô, sẽ chẳng còn mấy điều kiện lẫn cơ hội để các studio nhỏ lẻ cùng những bộ phim độc lập có thể ra đời và thử sức. Điều này tạo ra một ngành công nghiệp điện ảnh tràn ngập những sequel đến từ các franchise đã bị vắt kiệt sức sáng tạo lẫn tiềm năng câu chuyện.

Nhìn vào LightyearMinions: Rise Of Gru, khán giả hoàn toàn có thể nhận ra điều này. Những nhân vật toyetic biểu tượng của franchise là Buzz Lightyear và các chú Minions đi qua những cốt truyện nhàm chán, thậm chí lặp lại tại các phần phim mới. Để che giấu sự cạn kiệt ý tưởng này, bộ phim khoác lên những chuyến hành trình cũ kĩ ấy bằng những giao diện hoàn toàn mới.

alt
Minions nhưng mặc jumpsuit của Lý Tiểu Long và trở thành một con thỏ | Nguồn: The Playlist

Những nhân vật quen thuộc bước vào một không gian mới, một thời đại mới, gặp gỡ những nhân vật mới cũng toyetic không kém. Những bối cảnh liên tục thay đổi và những trang phục liên tục được các nhân vật ấy mặc lên người nhằm phục vụ cho dòng đồ chơi mới, nhưng thực chất chúng lại không hề phục vụ cho cốt truyện.

alt
Dòng đồ chơi mới của Minions | Nguồn: Tradeinn

Nhìn theo một hướng khác, toyetic cũng như hàng trăm yếu tố khác đã và đang khiến cho ngành công nghiệp điện ảnh trở nên thiên về lợi nhuận và doanh thu hơn bao giờ hết. Điện ảnh là một ngành công nghiệp và bất kì ngành công nghiệp nào cũng sẽ có sự mất cân đối này. Có lẽ điều đầu tiên mà chúng ta, những người khán giả có thể bắt đầu làm là yêu cầu nhận được những bộ phim tốt hơn, ý nghĩa hơn đến từ những studio lớn.