Trần Thu Hà: Hãy lột xác như một củ hành | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
10 Thg 12, 2020

Trần Thu Hà: Hãy lột xác như một củ hành

Trần Thu Hà, hay Hà Trần, đã kể chúng tôi nghe những gì về hành trình “bỏ” của chị?
Trần Thu Hà: Hãy lột xác như một củ hành

Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera

Tôi chờ chị Trần Thu Hà trong tâm trạng “tim đập bình bịch”, khi mỗi tiếng bước chân ngoài cửa của ai đó (hẳn nhiên không phải chị) là một lần khiến tôi giật bắn mình. Hà Trần xuất hiện ở nhà tôi trong hằng hà sa số đĩa CD, có loại “fake” 5 nghìn một đĩa mua từ lúc tôi không biết từ âm nhạc đánh vần như thế nào, có loại quý đến nỗi ba cấm tiệt tôi động vào.

Không dễ để gặp và có cuộc trò chuyện với Trần Thu Hà tại Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh tất bật chạy show của chị dạo trước. Trong không gian vương mùi macchiato, Hà Trần đã kể chúng tôi nghe những gì về hành trình “bỏ” của chị?

Một điều chị “bỏ” gần đây nhất?

Để lại gia đình ở California.

Dạo trước, khoảng thời gian lâu nhất con chị không thấy mặt mẹ ở nhà là 3 tuần. Lần này, chị xa nhà đến nay là hơn một tháng rồi.

Có một sự “bỏ” của chị giờ đã thành huyền thoại: đi Mỹ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Gạt câu chuyện đã được nói rất nhiều lần ấy sang một bên, chị có phải người hay "bỏ" không?

Nhiều. Ngày nhạc sĩ Quốc Bảo còn đi làm báo, hay viết những series chân dung nhân vật, anh có nói về chị thế này: "Cá tính của Hà không ngăn cản cô trú ngụ ở một nơi nào quá lâu. Ngay cả trong các miền âm nhạc, cô cũng ‘nhảy’ từ nơi này sang nơi khác. Có lẽ bởi cá tính ấy đã lập trình sẵn trong con người Hà như vậy rồi”.

Nhiều khi migravenh bỏ vigrave chaacuten Nguồn Maika Elan cho Vietcetera
Nhiều khi mình bỏ vì... chán. | Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera

Nhận xét ấy có lẽ là câu trả lời hoàn chỉnh cho câu hỏi này. Nhiều khi sự bỏ đến bởi vì mình... chán. Nhiều khi nó đến như một điều bắt buộc.

Em biết củ hành chứ? Lúc đầu, khi mình lột dần những lớp vỏ, sẽ thấy những mảng nham nhở, xấu xí. Nhưng càng lột, một diện mạo mới, trắng tinh, sạch sẽ của củ hành sẽ lộ ra.

Ngay đến rắn cũng cần lột xác biết bao nhiêu lần trong quãng đời của nó. Chuyện “bỏ”, chuyện thay đổi của con người, cũng chỉ là một cách lột xác, đón chào một bản thể mới mà thôi.

Chị có biết chắc chắn khoảnh khắc sự bỏ ấy diễn ra chứ?

Đó là bản năng của mình rồi. Khi mình nhận ra mọi thứ đang dần đi vào lối mòn, khi mình đang dần lặp đi lặp lại những điều cũ.

Việc để lại gia đình ở California cũng vậy. Chị cảm thấy mình đã lặp đi lặp lại việc sinh hoạt chung với gia đình trong quãng thời gian quá dài: hơn 10 tháng. Thế rồi đến lúc chị nhận ra mình không thể cứ mãi thế này được, mình đang không phát triển hơn, đang không khác gì bản thân lúc trước. Mình phải vận động, nếu không vận động, mình sẽ chết. Chị xác định đã đến lúc cần làm điều gì đó. Và giờ chị ở Việt Nam.

Migravenh phải vận động nếu khocircng vận động migravenh sẽ chết Nguồn Maika Elan cho Vietcetera
Mình phải vận động, nếu không vận động, mình sẽ chết. | Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera

Có bao giờ chị ân hận về một sự bỏ nào đó không?

Ân hận thì không ân hận, nhưng có tiếc nuối. Đó là lúc chị quyết định phải chấm dứt những mối quan hệ thâm tình, kéo dài 10 năm, 20 năm.

Việc phải bỏ đi, hoặc tạm xa, một mối quan hệ nào đó trong đời, thường do sự khác biệt đến từ hai chiều. Ấy là khi sự phát triển của bản thân mình và của người kia không còn đồng hành với nhau được nữa. Cả hai không còn điểm chung, cũng chẳng thể chung đường, vậy thì mỗi người một ngả là lẽ dĩ nhiên. Đây thật ra là quy luật phát triển tự nhiên của xã hội loài người mà thôi.

Nhưng bởi, mình vốn là người tình cảm, nên sự lưu luyến vẫn còn đó. Đôi khi, những tiếng “giá như” vẫn vang lên.

Có điều, “giá như” thì không có giá trị gì trên chặng đường phát triển của mỗi cá nhân cả. Vậy nên nó lại rơi vào hư không.

Những tiếng giaacute như khocircng coacute giaacute trị gigrave trecircn chặng đường phaacutet triển của mỗi caacute nhacircn cả Nguồn Maika Elan cho Vietcetera
Những tiếng "giá như" không có giá trị gì trên chặng đường phát triển của mỗi cá nhân cả. | Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera.

Sau chuyện "bỏ", mình nói về chuyện "được". Chị đã được gì khi bỏ?

Được lớn lên. Và nó rất xứng đáng.

Với chị, hành trình trưởng thành chỉ thực sự dừng lại khi bản thân chị quyết định từ bỏ nó. Chị không sợ già. Việc mỗi năm con người hơn một tuổi, rồi có nhiều nếp nhăn hơn, ấy là điều dĩ nhiên của cuộc sống. Nhưng còn bộ não của chúng ta, nó vẫn ‘tiến lên’ mỗi ngày đấy chứ.

Các nhà khoa học ngày trước có nói rằng khi chúng ta đến một độ tuổi nhất định nào đó, tế bào não sẽ ngừng sản sinh. Nhưng giờ họ cũng có nói rằng tế bào não chưa bao giờ dừng sản sinh cả. Có lẽ chị và các nhà khoa học cũng đang ‘tư tưởng lớn gặp nhau’?

Thì đấy, các nhà khoa học cũng đang lớn lên kia kìa. Cớ gì chúng ta dừng ‘lột xác’ cơ chứ.

Việc để lại gia đình tại California giúp chị "được" gì?

Lúc về Việt Nam, chị cảm thấy mình rất dồi dào năng lượng, những luồng năng lượng cứ luôn muốn chui ra, thôi thúc chị làm điều gì đó. Chị sẵn sàng xông pha vào trải nghiệm những điều mới, gặp những bạn trẻ hỏi mình “có muốn làm sản phẩm mới cùng bọn em không?” và chị cũng đang thực hiện rồi.

Có nhiều dự án mới, có những tập không-phải-thơ-thì-là-nhạc chị đang hoàn thành.

Từ Nhật Thực cho đến Bản Nguyên, Hà Trần là một con người của mơ mộng hay của thực tế?

Cái gì của mình cũng là mơ đấy chứ! Nhưng tất cả các dự án, dù là điên rồ nhất, vẫn phải có tính thực tiễn. Có lẽ bởi từ bé, chị đã luôn bị đặt trong trạng thái phải suy nghĩ thực tế.

Bigravea album Bản Nguyecircn của Hagrave Trần Nguồn Hatildeng Đĩa Thời Đại
Bìa album Bản Nguyên của Hà Trần | Nguồn: Hãng Đĩa Thời Đại

Nhật Thực và Bản Nguyên là những cơn mơ rất đẹp, đánh dấu những chặng đường chị đi. Còn tính thực tế của nó nằm ở việc phải làm sao cho công chúng, hoặc một nhóm công chúng, đón nhận được ‘cơn mơ’ của mình.

Mọi người nói rằng chị dễ thay đổi. Ngày trước, có lần chị được hỏi rằng: “Sao mày có thể ‘bay’ từ rock sang jazz, sao có thể biến hóa được nhiều loại hình như thế. Liệu mày có một kế hoạch đã vạch rõ từng đường đi nước bước không?”. Chị đã trả lời rằng âm nhạc, với chị, là thứ để đào sâu vào bản thân. Càng đào sâu, sự tò mò đến những mảnh đất khác của âm nhạc càng lớn, và chị lại càng muốn thực hiện nó.

Chị còn nhận được một câu hỏi hay khác nữa, rằng làm sao để khi bước ra sân khấu, chị có thể ‘chiếm trọn’ sân khấu ấy.

Chị phải mất rất lâu để trả lời rằng, đó là pride (lòng kiêu hãnh). Sân khấu như một loại đền đài của mình. Khi chị bước ra, dù là trong 5 phút, hay 3 phút, chị vẫn phải sử dụng năng lượng của mình để chiếm lấy tim khán giả. Chị không thỏa hiệp với bất kỳ điều gì, chỉ để đổi lại tiếng vỗ tay đơn thuần.

Dự án tiếp theo của Hà Trần sẽ là...

“Những con sông ngón tay”, tên tạm đặt, được thu bằng Analog - người chơi nhạc và nghệ sĩ phải thu cùng một lúc. Hạn định của dự án này là… trước khi chị về Mỹ.

Thật ra khi quyết định về lại Việt Nam, chị cũng phải chấp nhận những khó khăn, như việc phải liên lạc với gia đình qua thiết bị điện tử. Sự bỏ nào cũng có những thách thức ta phải đương đầu.

Cagraveng trưởng thagravenh nếu migravenh đi đuacuteng hướng thigrave caacutech nhigraven nhận cuộc sống của migravenh sẽ dễ dagraveng hơn nhiều Nguồn Maika Elan cho Vietcetera
Càng trưởng thành, nếu mình đi đúng hướng, thì cách nhìn nhận cuộc sống của mình sẽ dễ dàng hơn nhiều. | Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera

Nhưng chị nghĩ càng trưởng thành, nếu mình đi đúng hướng, thì cách nhìn nhận cuộc sống của mình sẽ dễ dàng hơn nhiều. Từ bé, chị đã luôn muốn đào sâu vào trong cái tôi của mình. Vô danh, nổi tiếng, thoái trào là cuộc vật lộn của rất nhiều nghệ sĩ. Nhưng nếu mình bình thản nhìn thẳng vào nó, nhìn sâu vào bản ngã, không tạo dựng những vỏ bọc để che giấu bất kỳ điều gì, thì mọi thứ cũng sẽ diễn ra êm đềm thôi.

Chị đã trải qua khoảng đời nghệ sĩ, và cả quãng đời người, nhẹ nhàng như thế đấy.

Đằng sau mỗi sự từ bỏ là một cuộc chuyển giao. #Bỏ là series kể lại những cuộc chuyển giao này.