Nếu hỏi lực lượng lao động trẻ Việt Nam nhận được bài học gì sau năm Covid thứ nhất, chắc chắn sẽ là học cách thích ứng với sự thay đổi. Báo cáo của McKinsey về thị trường lao động trong tương lai cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp và người lao động cần thay đổi để phù hợp với những mô hình làm việc mới.
Với xu hướng làm việc từ xa hoặc văn phòng linh động hiện nay, các doanh nghiệp càng chú trọng hơn vào việc nâng cao trải nghiệm làm việc cho nhân viên. Họ tin rằng đảm bảo sự quan tâm đối với nhân viên và tạo dựng sự gắn kết chính là cách để tăng hiệu quả làm việc. Khi đó, tầm quan trọng của Community Manager - người đóng vai trò xây dựng và kết nối tập thể càng được nhấn mạnh.
Vietcetera có cuộc gặp gỡ với Nancy Quách - Community Manager với 5 năm kinh nghiệm làm việc tại Dreamplex. Cô cũng là người đã vượt qua gần 2000 thí sinh để giành giải thưởng “International Community Manager of the year 2020” dành cho những Community Manager xuất sắc nhất thế giới do Global Workspace Association tổ chức.
Bạn hãy định nghĩa công việc của một Community Manager cho những ai chưa biết?
Công việc của một Community Manager có thể gói gọn trong 3 từ: gặp gỡ - kết nối - xây dựng trải nghiệm làm việ
Khi một thành viên hoặc một công ty bắt đầu làm việc tại Dreamplex, Community Manager là những người đầu tiên họ gặp. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi với họ để thấu hiểu nhu cầu về môi trường làm việc họ mong muốn, những kỳ vọng của họ.
Bên cạnh đó, Community Manager xây dựng mối quan hệ với các công ty để kịp thời giới thiệu, kết nối họ với những đối tác phù hợp trong mạng lưới Dreamplex. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp rất nhiều trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác, cũng là cách trực tiếp khiến cho cộng đồng làm việc chung trở nên lớn mạnh.
Nhiệm vụ cuối cùng chính là xây dựng trải nghiệm làm việc. “Trải nghiệm làm việc” là một khái niệm mơ hồ, nhưng có thể cụ thể hóa nó bằng cách chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ trước khi bắt đầu ngày làm việc, trang trí và thiết kế cho không gian làm việc thú vị hơn…
Thử thách lớn nhất khi làm công việc này?
Khó khăn nhất chính là nâng cấp bản thân và mở rộng kiến thức của mình tới nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc thù của vị trí này là thảo luận với những người lãnh đạo cấp cao nhất của một doanh nghiệp để biết họ đang làm gì, đang cần gì, từ đó tùy chỉnh và thiết kế các trải nghiệm phù hợp với từng doanh nghiệp.
Khi gặp gỡ các thành viên cùng độ tuổi với mình, chúng tôi dễ dàng chia sẻ với nhau những câu chuyện thường nhật, những mối quan tâm chung. Nhưng đối với các nhà lãnh đạo hay chủ doanh nghiệp, quỹ thời gian của họ rất eo hẹp, đồng thời các vấn đề họ suy nghĩ cũng vô cùng rộng lớn. Tôi phải tích cực trau dồi bản thân, học hỏi kiến thức thì mới có thể hiểu và đáp ứng được nhu cầu của họ.
Nếu một người muốn bước vào nghề này, họ cần bắt đầu từ đâu?
Công việc đầu tiên tôi làm là trong ngành Dịch vụ khách hàng - Hospitality. Tôi nhận ra những kỹ năng trong ngành này là tiền đề để làm tốt vai trò của một Community Manager.
Để bước chân vào công việc này, điều đầu tiên là học cách giao tiếp, vì bạn phải gặp gỡ và trao đổi với rất nhiều người. Sẽ là một lợi thế nếu bạn là người hướng ngoại. Nhưng quan trọng hơn hết là học cách nói chuyện làm sao để người đối diện cảm thấy dễ dàng chia sẻ, thấy thoải mái khi tiếp xúc với mình.
Qua 3 vòng phỏng vấn, chúng tôi đánh giá cao những ứng viên biết cách giao tiếp, có tư duy mở và chịu học hỏi. Chúng tôi đưa ra các tình huống để ứng viên giải quyết. Những ứng viên có cách giải quyết cứng nhắc, không thân thiện, không đặt khách hàng vào vị trí trung tâm rất khó để theo đuổi công việc này.
Bạn có thể tiết lộ về bài thi đã giúp bạn chiến thắng giải thưởng “International Global Community Manager” năm 2020?
Đây là giải thưởng thường niên được tổ chức bởi Global Workspace Association trao cho những Community Manager xuất sắc đến từ gần 2000 co-working space trên thế giới. Tiêu chí để đánh giá ứng viên bao gồm: Sự tích cực (Positivity), Chất lượng dịch vụ (Hospitality), Khả năng kiêm nhiệm nhiều việc (Multi tasking abilities) và Sự hiểu biết trên nhiều lĩnh vực (Multi disciplinary).
Chúng tôi trải qua các vòng hồ sơ, gửi video mô tả một ngày làm việc của mình, những giá trị mà chúng tôi mang đến cho khách hàng, những điều khiến khách hàng hài lòng khi sử dụng dịch vụ tại Dreamplex. Ở vòng Bán kết, ban giám khảo gồm 8 chuyên gia đến từ các coworking lớn nhất trên thế giới sẽ đánh giá, phỏng vấn các khách hàng của chúng tôi. Vòng chung kết chỉ còn 3 ứng viên đến từ Mexico, Canada và Việt Nam phỏng vấn trực tiếp.
Trong bài thi của mình, tôi nhấn mạnh các trải nghiệm mà đội ngũ Dreamplex mang đến cho khách hàng, cách chúng tôi quan sát, lắng nghe khách hàng; tìm tòi nắm bắt các xu hướng để tạo ra không gian làm việc như thế nào để mọi ng hứng thú nhất, vui vẻ, hào hứng nhất.
Tôi luôn mong muốn tạo ra một nơi làm việc như một ngôi nhà thứ hai của các thành viên, nơi chúng tôi không chỉ làm việc mà còn trở thành những người bạn tâm giao. Tôi cũng không quên kể về bữa tiệc Giáng sinh bất ngờ chúng tôi tổ chức để mang đến không khí quê nhà cho những người bạn nước ngoài không thể trở về nhà do dịch Covid-19. Đó là cách chúng tôi lắng nghe, thấu hiểu và quan tâm tới khách hàng của mình.
Một ngày làm việc của bạn ở Dreamplex sẽ diễn ra như thế nào?
Hiện tại, đội ngũ Community ở mỗi chi nhánh có 3 người. Công việc thường ngày của chúng tôi là luôn tới sớm trước giờ hoạt động để kiểm tra một lượt các trang thiết bị, cafe, nước detox… để mọi thứ chỉn chu nhất khi các thành viên bắt đầu ngày làm việc mới. Tiếp đó, chúng tôi sẽ họp để tóm tắt các công việc sẽ làm trong ngày, trao đổi công việc cụ thể với từng khách hàng và chuẩn bị cho các sự kiện.
Community Manager là người tiếp xúc, trò chuyện với khách hàng đầu tiên, đảm bảo yếu tố Hiểu - Quan tâm đối với nhu cầu của khách hàng. Dựa trên những nhu cầu đó, đội ngũ Trải nghiệm thành viên sẽ thiết kế những chương trình, tùy chỉnh cho phù hợp với từng đối tượng… Sau đó, Community Manager tiếp tục là người mang các sản phẩm đó đến với người dùng, cộng với sự hỗ trợ của đội ngũ Marketing giúp thông điệp “A Better day at work” được lan tỏa rộng hơn.
Mặc dù đã làm công việc này 5 năm nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán. Công thức mỗi ngày là như nhau, nhưng khách hàng luôn thay đổi, mới mẻ. Họ đến từ rất nhiều lĩnh vực và luôn mang theo nhiều câu chuyện, kiến thức mới.
Điều tuyệt vời nhất công việc này mang lại cho bạn là gì?
Sự phát triển bản thân. Tôi thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều so với chính mình khi bắt đầu công việc tại đây cách đây 5 năm. Trong 5 năm đó, Dreamplex từ 1-2 địa điểm, đã phát triển lên tới 7 địa điểm. Tôi rất vui khi sự phát triển của bản thân đóng góp trong sự phát triển của cả tập thể.
Công việc này cũng mang đến cho tôi những cộng sự tuyệt vời, một tập thể gắn kết và làm việc hiệu quả. Họ là những con người thân thiện, vui vẻ, hoạt bát, truyền năng lượng tích cực cho người đối diện. Trước khi chúng tôi lan tỏa tinh thần “A better day at work”, chúng tôi cũng cùng nhau tạo ra “A better day at work” cho chính mình.
Dự định của bạn trong thời gian tới?
Mặc dù hai năm gần đây là thời gian khó khăn do dịch bệnh, nhưng Dreamplex vẫn phát triển rất vững vàng. Chúng tôi tiếp tục mở rộng 3 địa điểm nữa trong năm nay, đặc biệt là dự án UnOffice ở quận 2 và The Campus ở quận 4.
Tôi đặc biệt hào hứng với ba địa điểm mới này bởi những khuôn viên và không gian làm việc ở đây được thiết kế hướng đến những đối tượng lao động chính hiện nay là Millennials và Gen Z - cũng chính là thế hệ của chúng tôi. Tôi mong chờ sẽ được tiếp tục phát triển và xây dựng những cộng đồng lớn mạnh hơn nữa tại các chi nhánh tiếp theo của Dreamplex.