Vai trò của hòa nhập LGBTIQ+ trong phát triển kinh tế Việt Nam | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
01 Thg 10, 2024

Vai trò của hòa nhập LGBTIQ+ trong phát triển kinh tế Việt Nam

Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc hòa nhập LGBTIQ+ giúp Việt Nam có được thế mạnh nhất định về kinh tế trong khu vực.
Vai trò của hòa nhập LGBTIQ+ trong phát triển kinh tế Việt Nam

Nguồn: ICS Vietnam

Vừa qua, tại Di tích Lịch sử Dinh Độc Lập, Trung tâm ICS đã tổ chức hội thảo “Khi hòa nhập LGBT là câu chuyện kinh tế”, mang đến những công bố nghiên cứu quan trọng về mối tương quan giữa hòa nhập cộng đồng LGBTIQ+ và phát triển kinh tế trong nước. Hội thảo đã thu hút 150 người tham gia, bao gồm các đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng đại diện các cơ quan nhà nước và báo đài.

Hội thảo chia sẻ hai báo cáo nghiên cứu mới nhất từ Liên minh Open For Business: “Nghiên cứu Kinh tế về Hòa nhập LGBTQ+ tại Đông Nam Á (Trường hợp của Việt Nam)”, và Viện iSEE: “Đánh giá tác động kinh tế của Hôn Nhân Cùng Giới tại Việt Nam”. Từ đó, hội thảo mở ra những thảo luận về tác động kinh tế của việc hòa nhập với người LGBTIQ+ tại Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu và các đại diện doanh nghiệp.

Tác động của việc hòa nhập LGBTIQ+ lên nền kinh tế

Nghiên cứu mới nhất từ Open For Business chỉ ra mối liên hệ tích cực giữa hòa nhập LGBTIQ+ và phát triển kinh tế tại 6 nước Đông Nam Á (Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan). Theo đó, việc cải thiện chăm sóc sức khỏe và thực hành hòa nhập LGBTIQ+ có thể giảm "chảy máu chất xám", nâng cao danh tiếng quốc gia, thu hẹp khoảng cách lương và tăng sức hút du lịch, qua đó thúc đẩy tăng trưởng GDP đáng kể cho Việt Nam và khu vực.

Tình trạng trầm cảm trong cộng đồng LGBTIQ+ khiến Việt Nam thiệt hại tới 7,8 nghìn tỷ đồng mỗi năm, và chi phí phòng chống HIV/AIDS lên đến 111 nghìn tỷ đồng. Những chi phí này xuất phát từ tình trạng bệnh tật và việc bị mất thu nhập. Do đó, việc tăng cường can thiệp và phòng ngừa có thể đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố nền kinh tế Việt Nam.

Bà Linh Ngô, Giám đốc Trung tâm ICS khẳng định: “Việc hòa nhập cộng đồng LGBTI+ không chỉ là điều nên làm, nó có thể thay đổi mạnh mẽ nền kinh tế và mang tới nhiều cơ hội”.

03oct2024lth07926jpg
Các chuyên gia và thành viên cộng đồng LGBTIQ+ chia sẻ tại Hội thảo. | Nguồn: ICS Vietnam

Hợp pháp hóa Hôn Nhân Cùng Giới: Yếu tố giúp kinh tế Việt Nam bứt phá

Theo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của Hôn Nhân Cùng Giới tại Việt Nam” của Viện iSEE, việc công nhận hôn nhân cùng giới sẽ thúc đẩy sự tăng năng suất của người lao động LGBTIQ+, qua đó kéo GDP tăng từ 1.65% đến 4.36% mỗi năm.

Việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới cũng sẽ ảnh hưởng tích cực đến các ngành công nghiệp liên quan như sự kiện, tiệc cưới, y tế và xây dựng gia đình. Kết quả tính toán cho thấy, việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới sẽ giúp doanh thu các ngành trên tăng từ 5.26% đến 12.36%.

Ngoài ra, việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới cũng mang lại cho Việt Nam tiềm năng thu hút du khách và nhà đầu tư LGBT từ các nước chưa công nhận hôn nhân cùng giới (như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore), từ đó cải thiện khả năng cạnh tranh quốc gia.

Hòa nhập LGBTIQ+: Bài toán kinh tế có sẵn lời giải

Các chuyên gia đến từ doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu tại hội thảo cho rằng hòa nhập LGBTIQ+, bao gồm cả hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, là xu hướng có lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Nhiều chuyên gia nhận định, các chính sách hòa nhập LGBTIQ+ không chỉ có ảnh hưởng tích cực ở cấp độ vĩ mô, mà chính nội bộ các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi.

Bà Michele Wee, Giám đốc điều hành Standard Chartered Việt Nam cho biết: “Để một tổ chức phát triển mạnh mẽ toàn diện, chúng ta phải nắm bắt và đón nhận tất cả sự đa dạng. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực toàn diện ở Standard Chartered lấy đa dạng xu hướng tính dục làm trụ cột cốt lõi. Việc hòa nhập cộng đồng LGBTIQ+ giúp các công ty thu hút và giữ chân những nhân tài này. Điều này được cộng đồng LGBTIQ+ và những người ủng hộ hoàn toàn hoan nghênh và đón nhận. Bởi vậy, chúng tôi đang gặt hái lợi ích cả về mặt văn hóa lẫn lợi nhuận".

Ông Vương Khả Phong - Viện phó Viện iSEE - chỉ ra những cơ hội và thách thức của việc hòa nhập LGBTIQ+ tại Việt Nam hiện tại: “Một trong những lý do phản đối việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới thường được đưa ra là ‘Xã hội Việt Nam chưa sẵn sàng’. Tuy nhiên, tỷ lệ người Việt Nam ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm, từ 33.7% năm 2013 tới 65% năm 2023. Đây chính là cơ hội để các tổ chức và doanh nghiệp có thể tạo ra thay đổi thực chất, giúp các cá nhân cảm nhận được sự thay đổi của những cá nhân khác và nhân rộng thêm tiếng nói ủng hộ hòa nhập LGBTIQ+”.

03oct2024dsc4882jpg
Các chuyên gia nhận định, hòa nhập LGBTIQ+ là xu hướng có lợi cho nền kinh tế Việt Nam. | Nguồn: ICS Vietnam

Hội thảo “Khi hòa nhập LGBT là câu chuyện kinh tế” đã mang đến những góc nhìn đa chiều và những nghiên cứu quan trọng về tác động tích cực của việc thúc đẩy hòa nhập LGBTIQ+ đối với nền kinh tế Việt Nam. Hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới và thúc đẩy các chính sách đa dạng, hòa nhập không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sống của cộng đồng LGBTIQ+, mà còn là động lực để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, cạnh tranh hơn trên trường quốc tế.