Vì đâu một số người "không có gì cũng cười"? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
09 Thg 06, 2021

Vì đâu một số người "không có gì cũng cười"?

Họ cười vì những lý do mà chúng ta thường không thấy được, chẳng hạn như gen di truyền.
Vì đâu một số người "không có gì cũng cười"?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Tôi tin ít nhất một lần trong đời, bạn đã từng trải qua cảm giác “không hiểu mọi người cười cái gì” khi đang ngồi trong rạp phim, hay khi xem tivi cùng gia đình. Những câu đùa với bạn thật nhạt nhẽo, nhưng lại khiến bao người dễ bộc phát ra những tràng cười ngặt nghẽo.

Bạn tự hỏi tại sao mình “đơ” thế?

Hoặc ngược lại, bạn là người đang cười ngặt nghẽo và tự hỏi tại sao mình dễ cười thế?

Trừ những trường hợp vì bệnh mà cười mất kiểm soát như Joker, thì bạn có thể tìm câu trả lời cho riêng mình với các lý do sau đây.

Do gen di truyền

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học UC Berkeley và Northwestern, xu hướng dễ cười ở một số người có liên quan đến loại gen 5-HTTLPR, hay còn gọi là gen vận chuyển hoóc-môn điều tiết cảm xúc (serotonin) bên trong não.

Gen này có hai loại biến thể là ngắn (short allele) và dài (long allele). Trong đó, short allele giúp lưu lại serotonin trong não lâu hơn, và khuếch đại mạnh hơn các phản ứng cảm xúc.

Mỗi người sẽ được thừa hưởng hai bản sao gen này - một từ bố, một từ mẹ. Nếu được nhận cả hai short allele, bạn có sẽ có xu hướng nhạy cảm hơn với các yếu tố kích thích cảm xúc, so với những người chỉ có một short allele. Điều này đồng nghĩa với việc bạn dễ cười hơn, dễ hưng phấn hơn. Nhưng cũng đồng thời dễ buồn hơn, hay tức giận hơn.

Tuy nhiên, cảm xúc hay hành vi thể hiện ra bên ngoài của bạn không chỉ được quyết định duy nhất bởi gen. Chúng còn đến từ sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố môi trường - văn hoá khác.

Do bạn đang ở cùng bạn bè hay người thân quan trọng

Tại nghiên cứu “Tại sao chúng ta cười?” (2006), tác giả Lea Winerman chỉ ra rằng khả năng chúng ta cười khi ở bên cạnh người khác cao hơn gấp 30 lần so với khi ở một mình. Riêng đối với trẻ trong độ tuổi từ 2,5 đến 4, các em có xu hướng cười nhiều hơn 8 lần khi xem cùng một bộ phim hoạt hình với trẻ khác.

Ở đây, tiếng cười được xem là một hình thức giao tiếp xã hội, tiến hoá từ hành vi trao yêu thương bằng “bắt chấy, chải lông…” (social grooming) ở loài linh trưởng. Chúng giúp ta thỏa mãn mong muốn đơn phương được gắn kết với người khác.

titleCười khi ở becircn người thacircn bạn begrave Khi ở becircn người migravenh coacute thiện cảm chuacuteng ta coacute xu hướng cười nhiều hơn
Khi ở bên người mình có thiện cảm, chúng ta có xu hướng cười nhiều hơn.

Thời nay khi việc grooming đã trở nên quá cồng kềnh, thì tiếng cười bộc phát có thể được xem là một cách thức tinh vi hơn để xác định mức độ thân mật của một mối quan hệ trong tiềm thức. Người mà ta càng có thiện cảm, thì tiếng cười càng sảng khoái, chân thật hơn. Như vậy, nếu bạn thấy một người nào đó thật dễ cười, thì có thể là họ chỉ đang “dễ cười” với một nhóm người mà bạn không thân thiết bằng.

“Social grooming” thông qua cười (và ca hát, nhảy múa...) còn giúp kích hoạt các thụ thể endorphin bên trong não, tăng cường cảm giác dễ chịu, từ đó khuyến khích bạn kết nối với vòng tròn xã hội của mình nhiều hơn.

Thế nhưng, vẫn có những lúc bạn xem phim/kịch hài một mình, không cần có nhu cầu kết nối với ai bên cạnh, mà vẫn cười “hết ga, hết số”. Hay ngay cả khi đang ở trong cùng một nhóm bạn thân, vì một câu nói hay hành động nào đó mà bạn “cười không nhặt được mồm”, nhưng đứa ngồi bên thì thậm chí không nhếch mép. Lý do bên dưới (kết hợp với lý do về gen di truyền) có thể là lời giải.

Do quá trình tiếp thu văn hoá

Xét theo góc độ văn hoá, định nghĩa “hài hước” vẫn chưa được giải thích toàn diện. Tuy nhiên, về cơ bản, bạn sẽ dễ bật cười hơn nếu vị trí xã hội, hay trải nghiệm cá nhân, khiến bạn có nhiều hơn người khác các cảm giác sau đối với một hành động hay lời nói nhất định.

Cảm giác “hơn người” (superiority)

Lý thuyết cổ nhất về sự hài hước, có từ thời Plato và các nhà triết học Hy Lạp cổ đại, cho rằng mọi người cười khi họ thấy được phiên bản trước đó của chính mình, hoặc thấy những bất hạnh (vì lỗi lầm ngớ ngẩn) của người khác.

Chẳng hạn như, bạn cười lớn khi thấy ai đó vấp té ngay cửa ra vào vì thấy lỗi đó “thật quê” (như mình đã từng). Nhưng nếu bạn, hoặc người thân của bạn, cũng đã từng bị té như thế, và bạn dành sự đồng cảm cho người đó nhiều hơn cảm giác “hơn người”, thì lúc đó nhiều khả năng là bạn sẽ không cười.

titleCười vigrave bắt thấy lỗi Ta cười khi thấy người khaacutec mắc lỗi coacute thể khocircng phải vigrave chiacutenh lỗi lầm đoacute magrave vigrave ta thấy chiacutenh migravenh
Ta cười khi thấy người khác mắc lỗi, có thể không phải vì chính lỗi lầm đó, mà vì ta thấy chính mình ở một phiên bản kém hơn.

Sự thích thú với lỗi lầm này không hẳn là hành vi cười cợt, xem thường người khác. Nó có thể bộc phát tự động từ việc não bộ đang “trao thưởng” cho một lỗi lầm mà nó vừa khám phá ra, theo lý giải của tác giả Matthew Hurley tại cuốn sách Inside Jokes.

Cảm giác “được giải toả” (release)

Lý thuyết về sự giải toả ra đời từ thế kỷ 18. Trong đó phiên bản nổi tiếng nhất là của Sigmund Freud. Ông cho rằng tiếng cười cho phép mọi người giải phóng “năng lượng lo lắng” bị dồn nén. Các năng lượng ấy thường liên quan đến các vấn đề nhạy cảm mà ta phải kiềm mình để không gây tranh cãi với người khác như tình dục, xã hội, dân tộc.

Khi ai đó nói thẳng ra những điều hơi “thô tục”, mà thật tâm trong lòng ta muốn nói nhưng không dám, những ham muốn hay cảm giác thù địch bị chèn ép lâu nay được giải phóng dưới dạng tiếng cười.

titleCười vigrave cảm giaacutec Những cacircu đugravea về chủ đề nhạy cảm khiến bạn cười hay khocircng coacute thể phụ thuộc vagraveo sự đegrave neacuten cảm xuacutec becircn trong
Những câu đùa nhạy cảm có khiến bạn cười hay không phụ thuộc vào sự đè nén cảm xúc bên trong.

Cảm giác “bất ngờ vì điều bất hợp lý” (incongruity)

Con người có xu hướng bật cười trước sự kết hợp giữa các khái niệm mà họ cảm thấy không tương thích với nhau, và khiến họ bất ngờ.

Chẳng hạn, những bộ đôi chú hề thường xuất hiện theo cặp một cao-một thấp, một béo-một gầy. Bạn sẽ cười, nếu thấy sự kết hợp này thật mất tự nhiên. Nhưng nếu bạn cho rằng sự khác nhau này là bình thường thì có thể là bạn thấy chúng chẳng hài hước chút nào.