Tiến sĩ Nguyễn Minh Nguyệt, "Không ai thành công một mình" | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 10, 2019
Kinh DoanhThăng Tiến

Tiến sĩ Nguyễn Minh Nguyệt, "Không ai thành công một mình"

Định nghĩa thành công của một nữ Tiến sĩ người Việt tại Mỹ.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Nguyệt, "Không ai thành công một mình"

Tiến sĩ Nguyễn Minh Nguyệt, "Không ai thành công một mình"

Chị Nguyễn Minh Nguyệt tốt nghiệp Học viện Ngoại giao và đạt học bổng Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2007. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Truyền thông tại trường Đại học Oregon, chị hoàn thành tiếp chương trình Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Quan hệ Quốc tế (QHQT) tại Khoa Lịch sử của trường Đại học American University ở Washington DC. Hiện chị Nguyệt đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại trường Đại học American University.

Theo đuổi một ngành vốn được cho là thế mạnh của nam giới, chị Nguyệt chia sẻ về những khó khăn, thách thức đối với phụ nữ làm nghiên cứu. Trong bối cảnh các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học) đang là xu thế lựa chọn của số đông các bạn trẻ, chị Nguyệt cũng bàn về cách duy trì niềm đam mê học thuật khi theo đuổi một ngành khoa học xã hội.

class Tiến sĩ Nguyễn Minh Nguyệt khocircng ai thagravenh cocircng một migravenh0
Tiến sĩ Nguyễn Minh Nguyệt.

Lý do mà chị lựa chọn ngành Lịch sử để làm nghiên cứu tại Mỹ?

Tốt nghiệp Học viện Ngoại giao xong, tôi sang Mỹ học về Truyền thông, nhưng thấy không mặn mà lắm.

Khi chọn luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, tôi chọn vấn đề chiến tranh Mỹ – Việt. Tôi nghiên cứu cách mà cuộc chiến này được thể hiện trên phim ở hai nước Việt Nam và Mỹ. Sau đó tôi nhận ra mối quan tâm của mình thực sự nằm ở các vấn đề quốc tế, đặc biệt là bối cảnh lịch sử dẫn đến các diễn biến quốc tế lớn.

Khi được học bổng làm Tiến sĩ Lịch sử, tôi quyết định theo đuổi ngành Sử QHQT, cũng là ngành quan trọng nhất trong chương trình đào tạo tại Học viện Ngoại giao nơi tôi học trước đây.

Trong quá trình làm nghiên cứu, chị đã gặp phải những khó khăn như thế nào?

Thực ra cái khó nhất là vấn đề tiền.

Những ngành Nhân văn hay Khoa học xã hội như ngành sử không được đề cao ở Mỹ. Ở bất kỳ xã hội nào mà kinh tế thị trường chiếm ưu thế, việc học các ngành “nhân văn” được coi là “phí thời gian” bởi “chẳng thấy tiền đâu”.

Ở Mỹ thì càng rõ. Các trường đại học chạy theo nhu cầu sinh viên. Khi ít sinh viên đăng ký học sử, thì ngân sách dành cho ngành này cũng ít. Hơn nữa, các trường chú trọng tới công nghệ sinh học hay khoa học nguyên tử… bởi các ngành này mới cho phép các khoa hợp tác với các tập đoàn lớn, rồi từ đó mới mang thêm được tiền tài trợ về cho trường.

Tôi may mắn được hỗ trợ tài chính từ nhiều nguồn khác nhau. Bởi vậy, sau 9 năm làm xong bằng Tiến sĩ, tôi không “mắc nợ” như nhiều người Mỹ khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có khó khăn. Tôi luôn phải sống trong trạng thái lo lắng, luôn trong tình trạng “xin học bổng”. Điều đó cũng làm cho đầu óc bớt tập trung cho việc nghiên cứu, vốn là việc chính của mình.

Là người nhập cư, tôi không được phép đi làm thêm. Người Mỹ không bao giờ phải lo bị cấm làm. Còn tôi, ai gọi làm việc gì, dù việc nhỏ nhất, cũng không dám nhận. Có lần, một giáo sư trường bên cạnh thuê tôi làm trợ lý, đi lấy tài liệu ở Thư viện Quốc hội cho ông ấy. Ông ấy thuê tôi có một tháng mà tôi mất nguyên một tháng chỉ để làm thủ tục cho đúng luật.

class Tiến sĩ Nguyễn Minh Nguyệt khocircng ai thagravenh cocircng một migravenh1
“Những người thành đạt bằng “chính sức mình” hiểu rằng sức của họ là một thứ cực kỳ có giới hạn.”

Chị có phải một người thành công tự lực?

Tôi luôn bật cười khi đọc một bài báo nói về một người tài giỏi đã “một mình” làm được việc này, làm được việc kia. Tôi không tin một người thực sự giỏi lại đi nói về bản thân họ như thế.

Những người thành đạt bằng “chính sức mình” hiểu rằng sức của họ là một thứ cực kỳ có giới hạn. Thành công là sự kết hợp của nỗ lực bản thân, sự giúp đỡ của người khác, và hoàn cảnh xã hội lúc đó.

Việc tôi vượt qua được bao nhiêu khó khăn là do tôi cố gắng trước tiên. Tôi đã từng phải đạp xe đạp điện trong trời tuyết dày 30 cm đi quãng đường 6 km để tới trường. Nếu bản thân không tự nỗ lực thì không vượt được khó khăn nào.

Nhưng thành công của tôi cũng nhờ nhiều người khác giúp đỡ. Khi mới tôi bắt đầu chương trình Tiến sĩ Sử, giáo sư “đỡ đầu” của tôi phải “xắn quần lội ruộng”, vất vả thuyết phục khoa nhận tôi và cho tôi học bổng toàn phần.

Tôi vốn không đến từ ngành Sử, lại là người Việt, phông nền về văn hóa lịch sử của Mỹ không có. Không tự nhiên người ta nhận một cô trong ngành Truyền thông vào ngành Sử, rồi lại cho tiền nữa. Nếu không có thầy thì cũng không có tôi ngày hôm nay.

Sau hơn một năm, tôi thấy mình tiến gần tới chuyên ngành Sử QHQT hơn là Sử Mỹ, mặc dù hai ngành có giao thoa với nhau. Tôi nhận ra mình không hợp phong cách làm việc với giáo sư “đỡ đầu” nữa, mà hợp với thầy khác. Thầy cũng là người vô cùng tuyệt vời, và tôi quyết định chuyển qua người thầy này. Nhìn lại, đó là quyết định sáng suốt vô cùng.

Trên toàn nước Mỹ, trung bình hơn 40% số Nghiên cứu sinh Tiến sĩ phải bỏ cuộc giữa chừng, chỉ có 60% đi được tới đích. Nếu không có một người thầy như thầy tôi, thì tôi không thể làm được điều mà tôi đã làm, đặc biệt trong hoàn cảnh nước Mỹ kinh tế suy thoái và ngành nhân văn thoái trào như bây giờ.

Hoàn cảnh xã hội của tôi cũng không gây cản trở quá nhiều: tôi sống ở Mỹ, dù gì sự kỳ thị đối với phụ nữ cũng không đến mức quá nghiêm trọng. Là một nữ học giả, tôi thấy mình được coi trọng nhiều hơn là bị kỳ thị.

class Tiến sĩ Nguyễn Minh Nguyệt khocircng ai thagravenh cocircng một migravenh2
” Công việc cũng như bạn đời,” chị Nguyệt nói.

Nhiều bạn trẻ muốn chọn những ngành nghề ‘hot’ như trí tuệ nhân tạo để dễ kiếm việc làm và nhận lương cao. Tại sao những ngành khoa học xã hội như lịch sử vẫn đáng theo đuổi?

Một người, dù làm ngành nghề gì, thì trước hết là “người”.

Một người công nhân đứng máy, hay một kỹ sư lập trình ngồi trước màn hình cả ngày, không giao tiếp với ai… thì họ vẫn là con người. Số tiền họ kiếm được rất quan trọng để đảm bảo nhu cầu cuộc sống, nhưng thực ra cái mang lại ý nghĩa cho cuộc sống hay cảm giác “đầy đủ” của họ không phải là tiền mà là mục đích sống. Đó là khi thấy mình trong một gia đình, dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, và sự tồn tại của mình lan tỏa tới người khác. Đó khi họ hiểu hiện tại của họ, quá khứ của họ, và họ hướng tới tương lai.

Tôi luôn phản đối việc chọn ngành chỉ vì tiền. Công việc, cũng như bạn đời, nó gắn bó với mình. Nếu bạn không yêu thích và bạn có lựa chọn không làm, thì đừng làm.

Và cũng đừng bỏ đi những tình yêu ngoài công việc. Bạn có thể theo đuổi STEM, nhưng đừng bỏ thói quen đọc sách, theo dõi thời sự, bàn luận chính trị. Đừng quên gọi điện hỏi thăm bạn bè gia đình ở xa. Đừng ngại cúi xuống dẹp viên gạch trên đường, nhỡ người ta đi xe vấp phải.

STEM ở Việt Nam bây giờ vô cùng quan trọng. Ta cần nhiều kỹ sư, càng ngày càng cần. Nhưng thiếu một chính sách nhân văn, thì chất xám dùng vào STEM cũng khó làm xã hội tốt lên được.

3 điều chị sẽ thay đổi nếu được quay trở lại tuổi 20?

Tôi sẽ không học ‘vô tội vạ’ như hồi đại học. Khi học cấp 3 tôi chuyên toán lý. Khi vào Học viện Ngoại giao, tôi học chuyên ngành khác hẳn, toàn kinh tế học, sử và ngoại ngữ. Tôi bị chới với, sợ hãi. Từ “ngôi sao” chuyển thành học sinh “trung bình”, tôi lúc nào cũng lo lắng. Tôi quá kiêu hãnh và hiếu thắng, tôi muốn làm “sao” trở lại, như hồi cấp 3. Và cái giá phải trả là sức khỏe. Đó là thứ tôi không lấy lại được.

Tôi không nghĩ thêm được hai điều nữa mà tôi muốn thay đổi. Không phải vì tôi không bao giờ mắc lỗi, và các lựa chọn của mình đều hoàn hảo. Nhưng tôi hiểu rằng, khi đã quyết định làm việc gì, ai cũng đã cân nhắc và chọn cách tốt nhất. Nhưng tầm nhận thức và hoàn cảnh của người ta vào thời điểm đó chỉ cho phép người ta làm được điều A mà thôi, chứ không phải điều B. Cho nên nếu có cho tôi làm lại, chắc tôi vẫn làm thế.

Bài viết được thực hiện bởi Huyền Trần.

Xem thêm:

[Bài viết] How I Manage: CEO Kambria – Tiến sĩ công nghệ Vũ Duy Thức

[Bài viết] A Working Woman: Amy Trần kể chuyện 10 năm tại Silicon Valley