3 Chiến thuật tiết kiệm tiền giúp bạn góp gió thành bão | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

3 Chiến thuật tiết kiệm tiền giúp bạn góp gió thành bão

Bất kỳ hình thức nào sinh lãi hay tạo ra lợi nhuận thì đều được gọi là đầu tư, dù đó chỉ là một sổ tiết kiệm ở ngân hàng.

3 Chiến thuật tiết kiệm tiền giúp bạn góp gió thành bão

Tiền có một đặc điểm rất thú vị, đó là giá trị của nó sẽ tăng thêm theo thời gian với lãi suất. | Nam Ph @namphstuff cho Vietcetera.

Thời gian gần đây, thuật ngữ “lãi kép” phủ sóng trên mãng xã hội, được khắc họa như một cây đũa thần để gia tăng giá trị tài sản tích lũy. Cùng với đó, rất nhiều bạn trẻ cũng đã nắm được nguyên tắc quan trọng: muốn đầu tư thì phải tiết kiệm trước.

Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động là một quãng đường không hề ngắn và dễ dàng. Liệu có những chiến thuật nào giúp ta tiết kiệm tốt hơn không?

Chiến thuật 1: Tiết kiệm đều đặn

Khi thực hành tiết kiệm, ta luôn phải tuân thủ nguyên tắc “liệu cơm gắp mắm” trước, nghĩa là phần chi tiêu phải luôn nhỏ hơn phần thu nhập. Mà muốn vậy, không có chiến thuật nào hiệu quả hơn là trích một khoản ra để tiết kiệm trước, rồi mới chi tiêu trên phần còn lại.

Chẳng hạn, khi “lúa” về lúc cuối tháng thì ta nên trích ngay một số tiền (ví dụ khoảng 10-15%) vào tài khoản tiết kiệm vào ngày đầu tiên của tháng sau. Ngày nay, với internet-banking, ta có thể dễ dàng đặt lệnh chuyển tiền định kỳ hàng tháng. 

Cùng với đó, ta phải hạn chế tối đa việc truy cập và sử dụng tài khoản này. Chàng-Ngốc-Già thấy có một cách khá hiệu quả mà nhiều người áp dụng, đó là đặt mật khẩu đăng nhập tài khoản rất dài. Đồng thời, họ bắt mình phải gõ từng ký tự, chứ không lưu tự động mật khẩu vào trình duyệt. 

Về nội dung mật khẩu, ta nên đặt nội dung gợi nhắc đến mục tiêu của việc tiết kiệm. Bạn có thể thử cú pháp sau đây: “toi tiet kiem de mua XYZ vao nam 2025”.

Việc tiết kiệm tự động và đều đặn này theo thời gian sẽ hình thành thói quen kiểm soát chi tiêu. Điều này giúp tạo thêm động lực vì sau một thời gian không để ý đến, ta sẽ bất ngờ với kết quả mình đạt được. 

Ví dụ, ta tiết kiệm 1 triệu đồng mỗi tháng và quên đi, thì sau một năm, số tiền 12 triệu đồng có thể tương đương với một tháng lương. Nếu quy đổi ra số giờ phải làm việc để có số tiền này, ta mới thấy hết giá trị của nó.

Việc tiết kiệm tự động và đều đặn theo thời gian sẽ hình thành thói quen kiểm soát chi tiêu. 

Chiến thuật 2: Tận dụng sức mạnh của lãi kép để góp gió thành bão

Tiền có một đặc điểm rất thú vị, đó là giá trị của nó sẽ tăng thêm theo thời gian với lãi suất (time value of money aka. TVM). 

Nhưng muốn tăng thêm thì tiền phải được đặt vào một kênh chuyển động nào đó, mà ta hay gọi là đầu tư. Và bất kỳ hình thức nào sinh lãi hay tạo ra lợi nhuận thì đều được gọi là đầu tư, dù đó chỉ là một sổ tiết kiệm ở ngân hàng.

Phần lãi được tích lũy vào vốn gốc, rồi từ đó sinh ra lãi mới được gọi là lãi kép. Nhưng để lãi kép phát huy hết công năng của mình thì cần 2 thứ: thời gian phải đủ dài, và người tiết kiệm không được rút lãi ra. 

Đây là lúc nhiều người mắc sai lầm. Họ cứ nghĩ chỉ cần thời gian dài là được, nhưng lại quên rằng nếu lãi không được tích lũy vào vốn gốc để tạo số vốn lớn hơn, thì thời gian có lâu cũng không tạo nên được sự kỳ diệu của lãi kép. 

Ví dụ, ta đầu tư 100 triệu đồng với lợi nhuận 10% mà mỗi năm đều rút lãi ra, thì sau 10 năm số vốn cũng chỉ là 100 triệu. Ngược lại, nếu ta không rút lãi ra, mà để lãi tích lũy vào vốn thì sau 10 năm ta sẽ có số tiền gần 260 triệu đồng.

Chiến thuật 3: Giữ thái độ thận trọng và kiên trì

Quá trình tích lũy và hình thành tài sản đòi hỏi rất nhiều sự thận trọng và kiên trì trong những năm đầu tiên. Đó là vì những thua lỗ trong giai đoạn đầu có hệ lụy rất lớn. Bạn thua lỗ 20% thì cần thắng 25% để phục hồi lại trạng thái ban đầu, nhưng thua 50% thì cần thắng đến 100%. 

Hơn thế nữa, lý thuyết triển vọng (prospect theory) trong tài chính hành vi cho rằng con người nghiêm trọng hóa các khoản lỗ hay thiệt hại hơn. 

Về mặt tâm lý, ảnh hưởng của thua lỗ sẽ lớn hơn khi được ghi nhớ lâu hơn. Chính vì vậy, trong giai đoạn đầu, nếu chọn lựa đầu tư thì ta nên bắt đầu bằng những khoản đầu tư thận trọng. Đó có thể là tài khoản tiết kiệm, hay quỹ chỉ số trái phiếu.

Ngoài việc giữ thái độ thận trọng, ta cũng cần kiên trì tích lũy để số vốn ngày càng tăng lên. Hãy để số tiền tiết kiệm mới bổ sung vào số vốn tích lũy trước đó cùng với lãi kép. Đừng nóng vội mà rút tiền ra sớm, vì thời gian tích lũy càng lâu thì sức mạnh của lãi kép mới càng lớn.

Trở lại ví dụ ở trên, ta có số vốn khởi điểm 100 triệu, và mỗi năm tích lũy thêm được 12 triệu đồng. Sau 10 năm, với lãi suất 10% thì số tiền ta có được lên đến 450 triệu đồng, so với chỉ 260 triệu đồng nếu chỉ để đấy mà không tiết kiệm đều đặn thêm.

Trong giai đoạn đầu, nếu chọn lựa đầu tư thì ta nên bắt đầu bằng những khoản đầu tư thận trọng như tài khoản tiết kiệm, hay quỹ chỉ số trái phiếu.

Vậy giữa tiết kiệm và đầu tư, ta nên chọn cái nào?

Khi có được số vốn nhỏ, nhiều bạn trẻ phân vân, không biết nên đầu tư ngay với kỳ vọng tỷ suất sinh lợi cao, hay là tiết kiệm thông thường. Khi đứng trước ngã rẽ này, nhiều bạn chọn mang tiền đi đầu tư.

Ở đây, Chàng-Ngốc-Già sẽ cung cấp cho các bạn một góc nhìn khác. Bạn hãy cân nhắc giữa việc có số vốn 200 triệu đồng, với tỷ suất sinh lợi là 10% và có số vốn 100 triệu đồng, với tỷ suất sinh lợi kỳ vọng là 20%. 

Về số học, số tiền sinh lợi của cả 2 trường hợp đều là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, mức độ rủi ro của trường hợp sau là cao hơn rất nhiều, đòi hỏi nhiều công sức thời gian hơn. Đó là chưa kể tỷ suất sinh lợi cao như vậy khó có thể đạt được. 

Nếu kiên trì và dành thời gian để tăng thu nhập từ công việc chính, thì sau khoảng 7 năm, từ số vốn 100 triệu ta đã có 200 triệu. Thu nhập lúc này sẽ khác rất nhiều so với việc chỉ dành thời gian để cố gắng tạo ra lợi nhuận 20% từ 100 triệu đồng.

Kết

Những bạn trẻ nếu có cho mình một kế hoạch tài chính để bắt đầu sớm, thì sẽ là một lợi thế rất lớn trên con đường độc lập và tự do tài chính.

Dẫu biết rằng việc hành động là cần thiết, nhưng cũng cần có những chiến thuật để đạt được kết quả tốt. Muốn vậy, ta cần kiên trì, đều đặn, thận trọng, và biết góp gió thành bão.