Chúng ta thường nghe nói rằng một số người bẩm sinh đã sáng tạo hơn người khác. Hay những người phát triển não trái sẽ giỏi về phân tích và tính toán, còn não phải sẽ có thiên hướng sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật. Vô hình trung khiến ta nghĩ rằng khả năng sáng tạo không thể rèn luyện được.
Tuy nhiên, tiến sĩ Susan Weinschenk lại có những giải thích khác. Đúng là cấu trúc của bán cầu não trái và não phải là khác nhau, nhưng thông tin từ một bên bán cầu rất dễ dàng truyền sang bán cầu còn lại nhờ thể chai (corpus callosum) – một bó các dây thần kinh liên kết cả hai bán cầu. Một ví dụ chứng thực đó là cả hai bán cầu não đều cùng hoạt động khi bạn đang nghe nhạc hay chơi nhạc cụ (mặc dù đúng là nhiều vùng trong não bộ sẽ hoạt động mạnh hơn khi bạn chơi nhạc cụ).
Trong bài đăng trên Psychology Today, nhà tâm lý học người Mỹ Robert Epstein cũng nhận định rằng chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện để trở nên sáng tạo hơn. Dưới đây là 5 cách có thể giúp ích cho bạn.
1. Chú trọng vào số lượng (bên cạnh chất lượng)
Chúng ta thường cho rằng nên tập trung phát triển về chất lượng hơn chú trọng vào số lượng. Thực tế, số lượng đôi khi mang lại lợi ích bất ngờ. Warby Parker là một trong những công ty khởi nghiệp thành công nhất tại Mỹ. Những người sáng lập đã phải nghĩ ra khoảng 2000 phiên bản khác nhau cho tên công ty, trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
Trong thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, các thiên tài thường cho ra đời cả những sản phẩm tốt nhất lẫn tệ nhất. Đơn cử như Thomas Edison, trong cùng khoảng thời gian nghiên cứu sáng chế ra bóng đèn dây tóc (có thể sử dụng được) đầu tiên trên thế giới, ông cũng phát minh ra loại búp bê biết nói khá “ghê rợn” và một số phát minh “vô thưởng vô phạt” khác.
2. Sẵn sàng “một mình” nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn
Carolyn Gregoire và Scott Barry Kaufman, tác giả của cuốn sách “Wired to Create“, nhận thấy rằng rất nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật không sợ làm bạn với sự cô đơn và đào sâu vào những tâm tư cảm xúc của mình. Nghiên cứu từ nhà tâm lý học Julie Bowker và cộng sự cũng cho thấy mối liên hệ với giữa sự cô độc và khả năng sáng tạo.
Từ “cô độc” trong tiếng Việt thường mang hàm ý tiêu cực. Tuy nhiên, nếu bạn chủ động chọn ở “một mình” và điều đó giúp bạn cảm thấy thoải mái, sự cô độc có thể có ảnh hưởng tích cực, như là tăng khả năng sáng tạo, thay vì tiêu cực.
3. Mở lòng với những trải nghiệm mới
Trong mô hình tính cách 5 nhân tố (Big Five personality traits), cởi mở với những trải nghiệm mới (openness to experience) được cho là có liên hệ mật thiết với khả năng sáng tạo. Gregoire và Kaufman đã liệt kê 3 dạng của yếu tố này như sau:
- Tinh thông (cởi mở với những kiến thức và ý tưởng mới)
- Cảm tính (sẵn sàng trải nghiệm những cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực)
- Thẩm mỹ (cởi mở với nghệ thuật, trí tưởng tượng và cái đẹp nói chung)
Theo hai tác giả, gắn liền với khả năng sáng tạo của con người là khả năng xây dựng đời sống nội tâm của riêng mình, niềm yêu thích với những điều phức tạp và mơ hồ, sự thoải mái với tình trạng lộn xộn, khả năng xây dựng trật tự từ sự hỗn loạn, tính độc lập, sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt, và chấp nhận rủi ro. Cởi mở với những trải nghiệm mới cũng cho phép bạn tiếp nhận thêm nhiều ý tưởng từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
4. Chủ động tìm kiếm những góc nhìn mới
Đổi mới là điều rất khó thực hiện nếu bạn đã trở thành chuyên viên, vì khi đó suy nghĩ của bạn rất dễ bị giới hạn trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Series phim Seinfeld nổi tiếng của Mỹ gần như đã không qua được vòng công chiếu thí điểm, vì cách tiếp cận của họ với thể loại sitcom quá khác với các bộ phim thông thường. Rick Ludwin, giám đốc đài NBC, là người cho phép bộ phim được tiếp tục, dù không hề có kinh nghiệm với thể loại sitcom. Như ông đã giải thích, “chúng tôi thật sự không biết quy tắc nào không nên phá vỡ,” điều đó đã trở thành một lợi thế để ông đưa ra một quyết định khác biệt và thành công.
Ken Bain, tác giả cuốn sách “What the Best College Students Do“, tập trung nghiên cứu cách thức bộ não hoạt động và sự cởi mở với những góc nhìn mới. Ông nhận định: “Hiện thực chủ quan là thứ mà bộ não tạo ra và chúng ta có thể can thiệp vào quá trình đó. Khi chúng ta đã biết bộ não sử dụng “hiện thực” ấy để giải nghĩa cho thế giới quan xung quanh, chúng ta có thể tự phản biện lại chính những suy nghĩ của mình, từ đó vượt ra khỏi giới hạn của bản thân”.
Một hướng khác để có thể tìm kiếm những góc nhìn mới là không ngại bị chỉ trích. Sẽ rất nguy hiểm nếu xung quanh chỉ toàn những người luôn đồng ý với mình thay vì những người dám đưa ra chính kiến riêng. Một ví dụ điển hình đó là trường hợp phá sản của Polaroid. Ban lãnh đạo công ty đã không nhận ra sự phát triển của máy ảnh số đang thắng thế trước sản phẩm máy ảnh chụp hình lấy liền của mình. Chính vì thế, đôi khi ta cần thay đổi môi trường, thử nghiệm với thiết bị mới, hoặc hợp tác với một đội ngũ thuộc một lĩnh vực khác để thay đổi góc nhìn.
5. Trì hoãn (một cách khoa học)
Theo Adam Grant, tác giả cuốn sách “Originals“, miễn là bạn vẫn còn đam mê và động lực trong công việc của mình, trì hoãn có thể sẽ giúp bạn nghĩ ra nhiều cách giải quyết vấn đề mới mẻ hơn. Nhờ đó, bạn có thể tư duy theo nhiều hướng khác nhau và cân nhắc được nhiều khả năng hơn là lao vào xử lý vấn đề ngay lập tức.
Trong cuốn sách của mình, Kaufman và Gregoire cũng cho rằng sáng tạo là sự kết hợp giữa việc não bộ xử lý thông tin vào những lúc chúng ta đang rảnh rỗi (như lúc tắm hay dắt chó đi dạo) với việc xử lý thông tin khi đang tập trung. Chúng ta dễ dàng nghĩ ra ý tưởng mới một cách thoải mái trong vô thức, nhưng các ý tưởng đó cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc và bài bản trong lúc làm việc.
Bài viết của tác giả Sarah Rose Cavanagh trên Psychology Today, được bình dịch bởi Sơn Đặng.
Xem thêm:
[Bài viết] Ngành quảng cáo sáng tạo: Làm sao để dấn thân mà không vỡ mộng?
[Bài viết] 4 Bí quyết cho người mới cầm bút, chứng nhận bởi Editor của Vietcetera