Kể từ ngày 01/07, chuỗi cafe Highlands Coffee tiến hành tăng giá sản phẩm trên phạm vi toàn quốc. Trước đó, thương hiệu cafe toàn cầu Starbucks cũng nhiều lần thông báo tăng giá để đối phó với lạm phát và chi phí nhân công.
Sự tăng của nhiều loại hàng hóa trong thời gian gần đây là điều mà bất cứ ai cũng có thể nhận thấy. Bên cạnh xăng, các loại nguyên liệu khác hay các sản phẩm khác như lương thực, vật dụng y tế,... cũng đều tăng giá.
Không chỉ riêng Việt Nam, lạm phát đang là một hiện tượng toàn cầu. Vậy điều gì lý giải cho tình hình lạm phát hiện nay? Cùng Vietcetera tìm hiểu sáu từ khóa sau đây để hiểu thêm về cuộc khủng hoảng giá cả và lạm phát đang diễn ra trên toàn cầu.
1. Supply chain disruption
Supply chain disruption, tức sự gián đoạn chuỗi cung ứng, miêu tả sự thiếu hụt các đơn vị và phương tiện vận chuyển, cung ứng hàng hóa. Hệ quả là hàng hóa sẽ bị ứ đọng tại các khu vực luân chuyển hoặc tại nơi sản xuất và không thể tới thị trường.
Có nhiều lý do có thể gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong thời gian gần đây, Covid-19 và các chính sách giãn cách cũng như đóng, mở biên giới liên quan là nguyên nhân khiến cho chuỗi cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy.
Một lý do khác có thể kể tới là cuộc chiến Nga-Ukraine. Chiến sự đã khiến cho một số khu vực không thể tiếp cận được, đồng nghĩa với việc đó là các phương tiện vận chuyển không thể chuyển hàng hóa ra hoặc vào khu vực đó.
Điều này được cho là đã làm cho giá lúa mỳ và nhiều loại lương thực khác tăng đáng kể.
Nhiều loại hàng hóa phải chờ lại ở các cửa khẩu và các kho chứa, phải nằm im trong container chờ ngày được xuất xưởng. Sự đứt gãy không những khiến cho giá vận chuyển hàng hóa tăng, mà còn khiến một số loại mặt hàng trở nên khan hiếm dù sản xuất không gián đoạn. Hệ quả là các mặt hàng khan hiếm sẽ tăng giá.
2. Economic sanction
Economic sanction, hay lệnh trừng phạt kinh tế, là hình thức trừng phạt mà một hay nhiều quốc gia sử dụng để ngăn chặn sự phát triển tài chính và thương mại của một quốc gia khác. Đó là hệ thống các cấm vận song phương hoặc đa phương đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, và tiền tệ.
Các lệnh trừng phạt kinh tế không nhất thiết ra đời bởi sự căng thẳng kinh tế, mà cũng có thể xảy ra bởi các căng thẳng chính trị, ngoại giao, hay quân sự. Chúng có thể xuất hiện ở nhiều dạng và thường không nhất quán về hình thức.
Một số cách trừng phạt kinh tế có thể kể tới là đánh thuế lên hàng nhập khẩu, giới hạn số lượng hàng hóa có thể nhập khẩu từ một quốc gia hoặc xuất khẩu sang quốc gia đó, đóng băng hoặc tịch thu tài sản,... Đây là những hình thức trừng phạt mà ta đã thấy trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung năm 2018, hay là trong xung đột Nga-Ukraine.
Một ví dụ là lệnh trừng phạt mà cộng đồng quốc tế đặt lên Nga sau khi nước này phát động chiến tranh với Ukraine: cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, đóng băng tiền của các chi nhánh ngân hàng Nga, loại bỏ đồng Rúp khỏi hệ thống thanh toán quốc tế,...
Lệnh trừng phạt liên quan tới dầu mỏ và khí đốt đã dẫn tới đà tăng liên tục của giá nhiên liệu trên toàn thế giới. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt tài chính và tiền tệ hướng vào Nga cũng có một phần trách nhiệm trong tình trạng giá lương thực cao và sự bất ổn của thị trường tài chính và chứng khoán.
3. Supply shock
Supply shock, hay cú sốc cung, mô tả việc nguồn cung của một loại hàng hóa bất ngờ thay đổi đột ngột vì một hoặc một chuỗi sự kiện, từ đó dẫn tới sự thay đổi khó lường về giá cả.
Sự thay đổi này có thể tích cực khiến nguồn cung tăng, hoặc tiêu cực và khiến nguồn cung giảm. Một khi nguồn cung giảm hoặc tăng, giá hàng hóa có thể tăng hoặc giảm tùy từng trường hợp.
Có nhiều lý do có thể dẫn tới cú sốc cung. Đối với các cú sốc tích cực, các nguyên nhân có thể là sự thay đổi kỹ thuật sản xuất khiến cho lượng hàng hóa làm ra tăng lên đáng kể - điều từng xảy ra với Henry Ford và ngành công nghiệp ô tô tại Mỹ.
Việc tăng giá nguyên vật liệu sản xuất là một trong những nguyên nhân thường dẫn tới cú sốc cung tiêu cực. Các yếu tố như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh cũng có thể tạo ra cú sốc tiêu cực và làm khan hiếm hàng hóa trên thị trường. Sự tăng giá của hầu hết các mặt hàng hiện nay có thể truy về cú sốc cung tiêu cực
4. Fiscal policy
Fiscal policy, tức chính sách tài khóa, là hệ thống các chính sách, quyết định, và định hướng của chính phủ về chi tiêu công và thuế để điều chỉnh sự phát triển của nền kinh tế. Nếu các chính sách tài khóa dùng để tác động tăng trưởng trong điều kiện bình thường, thì trong các đợt suy thoái chúng còn là công cụ đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng.
Các chính sách tài khóa thường điều chỉnh hai đối tượng chính là chi tiêu của chính phủ và thuế. Chi tiêu chính phủ bao gồm các khoản chi cho hàng hóa, dịch vụ như mua vũ khí, xây đường, trả lương cho nhân viên nhà nước,...
Bên cạnh đó, chi tiêu chính phủ còn bao gồm các khoản chi chuyển nhượng, tức các khoản trợ cấp cho các đối tượng khó khăn.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng các gói kích thích kinh tế trong giai đoạn Covid là một lý do khiến cho lạm phát hiện tại ở mức cao. Khi các chính phủ đẩy thêm tiền ra thị trường để kích thích tiêu dùng và cứu trợ người dân, họ phải in thêm một lượng lớn tiền.
Nếu không có kế hoạch thích hợp để trả lại khoản tiền đã in đó cho ngân hàng, lạm phát sẽ xảy ra. Mỹ là một trong những quốc gia đã tung ra nhiều gói cứu trợ và kích thích kinh tế trong hai năm 2020 và 2021, và cũng là một trong những quốc gia đang chứng kiến tỷ lệ lạm phát cao nhất.
5. Cost-push inflation
Cost-push inflation, tức lạm phát chi phí đẩy, có thể hiểu đơn giản là tình trạng lạm phát diễn ra bởi sự tăng của giá nguyên liệu sản xuất khiến cú sốc cung xảy ra, nguồn cung hàng hóa giảm dẫn tới tăng giá mặt hàng.
Khi xảy ra lạm phát chi phí đẩy, giá thành sản phẩm sẽ bị đẩy cao. Sự đẩy giá này diễn ra bởi các đơn vị cung cấp hàng phải gánh thêm chi phí sản xuất trong khi đã đạt năng suất sản xuất tối đa.
Số lượng hàng hóa làm ra không đổi nhưng chi phí làm hàng hóa tăng, dẫn tới hệ quả tất yếu là giá hàng hóa trên thị trường tăng.
Tình trạng thiếu hụt hàng hóa và tài nguyên hiện nay trên thế giới, diễn ra bởi dịch Covid-19 và xung đột vũ trang, đang khiến cho giá nguyên vật liệu sản xuất đầu vào tăng cao đáng kể. Điều này khiến cho các đơn vị sản xuất buộc phải tăng giá để bù vào chi phí sản xuất, và chính người dùng là những người đang phải gánh chịu hệ quả.
6. Demand-pull inflation
Demand-pull inflation, hay lạm phát cầu kéo, là sự gia tăng mức giá chung do tổng cầu vượt quá khả năng cung ứng hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế. Hiểu một cách đơn giản, hiện tượng này diễn ra khi trong xã hội có rất nhiều tiền, nhưng có rất ít hàng hóa để mua.
Lạm phát cầu kéo có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả những biến động trên thị trường nhà ở, những hoạt động kinh doanh trên thị trường, các chính sách tài khóa, và dòng tiền đầu tư từ nước ngoài.
Trong khi sự khan hiếm của hàng hóa tất yếu khiến giá cả tăng, việc xã hội có quá nhiều tiền nhưng không có gì để chi tiêu là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra lạm phát. Đây chính là tình trạng xảy ra ở Mỹ và các nước Tây Âu khi các nước này không kiểm soát được các gói kích thích kinh tế của mình.