7 Điều chỉ những người làm việc trong môi trường song ngữ mới hiểu | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
08 Thg 08, 2019

7 Điều chỉ những người làm việc trong môi trường song ngữ mới hiểu

Song ngữ mặc dù có nhiều lợi thế trong công việc, song những người song ngữ cũng mắc nhiều 'nỗi khổ' đấy thôi

7 Điều chỉ những người làm việc trong môi trường song ngữ mới hiểu

7 Điều chỉ những người làm việc trong môi trường song ngữ mới hiểu

Đứng thứ 10 trên bảng xếp hạng HSBC Expat Explorer 2019, Việt Nam là điểm đến của khoảng 82.000 người nước ngoài, hầu hết tập trung ở những thành phố lớn. Song song với đó, môi trường làm việc tại Việt Nam ngày càng trở nên đa văn hóa, đa ngôn ngữ.

Nhờ tính cởi mở, năng động và chính sách đãi ngộ có phần được quốc tế hóa, những công ty đa quốc gia là giấc mơ của nhiều bạn trẻ Việt. Tuy nhiên, thực tế như thế nào thì chỉ người trong cuộc mới biết. Cùng Vietcetera lắng nghe tâm sự từ bạn bè chúng tôi, những người đã và đang làm việc tại những công ty như vậy.

7. Bạn có thể vô tình tạo ác cảm vì lẫn lộn hai ngôn ngữ

Vì Việt Nam chỉ có một quốc ngữ, không nhiều người Việt biết đến hiện tượng code-switching (chuyển mã). “Chuyển mã” có thể được hiểu là thói quen chuyển đổi ngôn ngữ trong bối cảnh xã hội song ngữ và đa ngữ. Những câu nói nửa Anh nửa Việt trong cộng đồng du học sinh là một ví dụ điển hình của hiện tượng chuyển mã.

Tại những công ty đa ngôn ngữ, chuyển mã là chuyện hằng ngày. Nhưng bước ra khỏi công ty, nhiều bạn trẻ bị ‘lên án’ vì thói quen này.

ldquoCảnh saacutet tiếng Việtrdquo ở khắp mọi nơi luocircn sẵn sagraveng lagravem nhiệm vụ
“Cảnh sát tiếng Việt” ở khắp mọi nơi, luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ.

“5 năm đi làm, anh thuyết trình, đàm phán (và đôi khi cãi vã) bằng tiếng Anh hằng ngày. Phản xạ tiếng Anh của anh nhanh hơn tiếng Việt. Lẫn lộn hai thứ tiếng là điều không tránh khỏi.

Anh bị một số người nói là “mất gốc”, hoặc quy chụp là khoe tiếng Anh. Họ không hiểu (hoặc không tin) rằng anh không cố ý nói lẫn lộn hai thứ tiếng, nên cũng không trách họ được. Anh cẩn thận hơn khi nói chuyện với những “cảnh sát tiếng Việt” này thôi.

Nhiều du học sinh hoặc các bạn trẻ thành thạo ngoại ngữ bị bắt lỗi như anh. Các bạn buồn vì bị hiểu nhầm. Nhưng anh nghĩ, lớn lên với chỉ một ngôn ngữ mà thành thạo một ngôn ngữ khác đủ để lẫn lộn chúng với nhau, chứng tỏ bạn đã rất cố gắng học tập, và bạn có lợi thế trong thị trường lao động. Điều này quan trọng hơn những lời phán xét vô thưởng vô phạt từ người khác.” – Duy Long*, 28 tuổi.

6. Khả năng nói tiếng Việt lưu loát của bạn bắt đầu ‘bay màu’

Để nói một câu tiếng Việt hoàn chỉnh bỗng trở nên khó khăn. Não bạn, theo thói quen, luôn ‘tiến cử’ những từ tiếng Anh lên trước.

“Bay màu cũng có nhiều cấp độ. Nhẹ thì quên những từ chuyên môn, như ‘real estate’, ‘brief’, ‘return-on-investment’. Nặng thì quên những từ cơ bản, như ‘time’, ‘serious’, ‘healthy’.”

“Rất nhiều từ tiếng Anh không thể dịch trực tiếp qua tiếng Việt, hoặc ngược lại, vì sự bất đồng khái niệm giữa hai ngôn ngữ. ‘Concept’, ‘texture’ tiếng Việt là gì? ‘Thương’, ‘duyên’, ‘thần thái’ tiếng Anh là gì? Bàn luận về những khái niệm này mà bắt mình nói chỉ một thứ tiếng thì mình chịu” – Miêu, 23 tuổi.

Nhập gia tugravey tục
Nhập gia tùy tục?

5. Một văn phòng quốc tế vẫn có thể rất Việt Nam…

…theo cả nghĩa tốt lẫn nghĩa xấu.

“Mình bị ốm mà vẫn cố đi làm. Chị đồng nghiệp người Hà Lan bình thường rất lạnh lùng, bỗng tới bàn mình cùng một con dao. Chị bắt đầu gọt táo.

Chị bảo chị mới học được rằng người Việt gọt hoa quả cho nhau ăn để thể hiện sự quan tâm chăm sóc. Ăn cơm xong sẽ có một người ngồi gọt hoa quả cho cả gia đình. Khi đi thăm người ốm, người Việt cũng hay biếu hoa quả. Quê hương chị không có nhiều hoa quả, và cũng không ai gọt hoa quả cho người khác.” – Thu Nga, 22 tuổi.

“Công ty mình có 3 người Ấn Độ theo đạo Hồi, còn lại chủ yếu là người Việt. Đi nhậu cùng công ty, 3 anh ấy giữ đạo nên không uống, những người khác thì cứ “trăm phần trăm” và “cậu không uống là không nể anh”. Mình đành lấy cớ bàn đông, “sơ tán” hai anh qua bàn khác cho bớt xấu hổ.” – Anh Minh, 25 tuổi.

4. Bạn nhận được nhiều câu hỏi và yêu cầu… lạ

Vì nói được hai thứ tiếng, ngoài vai trò là một cuốn từ điển sống hay một thông dịch viên bất đắc dĩ, bạn còn trở thành một thầy giáo, ca sĩ, diễn viên lồng tiếng của công ty.

Bạn thấy vui vì được chú ý. Bạn thấy phiền vì lúc nào cũng bị chú ý.

““Cạp đất” trong tiếng Anh là gì em nhỉ?”

“Em giúp chị ghi âm đoạn tiếng Nhật này cho video giới thiệu công ty nhé.”

“Chỉ anh cách chửi bậy trong tiếng Việt với.”

“Chị thử nói một câu tiếng Pháp đi!” “Ừm… em muốn chị nói câu gì?” “Gì cũng được, cứ tiếng Pháp là hay rồi!”

ldquoTắc kegrave văn hoacuteardquo lagrave coacute thật
“Tắc kè văn hóa” là có thật.

3. Đôi khi bạn phải ‘hóa thân’ vào nhiều nền văn hóa

Cách nhanh nhất để trở thành một con “tắc kè hoa” là làm ở một công ty đa quốc gia.

“Sếp anh là người Nhật, đồng nghiệp là người Việt Nam, khách hàng thì từ châu Âu. Ngoài việc nói ba thứ tiếng, anh còn phải ‘hóa thân’ vào ba chế độ tính cách không thể khác nhau hơn.

Gặp người Việt thì anh bắt tay hoặc gật đầu. Nếu cần trao đổi, anh chỉ việc bốc điện thoại lên. Ngoài giờ làm, anh và đồng nghiệp hàn huyên đủ chuyện.

Gặp người Nhật thì anh cúi gập 90 độ, tránh nhìn vào mắt người đối diện, giữ những giao tiếp ngoài công việc ở mức tối giản. Vì người Nhật rất coi trọng tính minh bạch, một cái email phải được CC cho cả chục người khác từ nhiều phòng ban khác nhau.

Gặp người châu Âu thì anh chào bằng một cái ôm, lúc nói chuyện thì nhìn thẳng vào mắt họ, ngửa mặt cười to thoải mái. Anh không liên lạc với họ ngoài giờ làm để thể hiện sự tôn trọng với cuộc sống riêng tư của họ.” – Đặng Đức, 24 tuổi.

2. Bạn bị đẩy ra khỏi vùng an toàn của mình, hằng ngày

“Văn phòng mình có 11 người Việt và 13 người nước ngoài. Đầu giờ chiều, mọi người đặt trà sữa, mình xung phong ứng tiền trả trước. Cuối giờ chiều, mình vừa chia tiền vừa chia động từ, tự hỏi sao mình phải rước việc vào thân vậy.

Sau 6 tháng làm việc, mình chia động từ bách phát bách trúng.” – Hoàng Tôn, 19 tuổi.

“Hồi trước chị là thông dịch viên cho một tập đoàn của Pháp tại Việt Nam. Nhiệm vụ của chị là giải quyết các ‘tấn bi kịch’ do hiểu nhầm trong giao tiếp. Ngoài việc giải thích ‘ẩn ý’ của các email, câu nói, chị còn phải lắng nghe và xoa dịu cơn giận của đôi bên. Nhiều khi chị chẳng có lỗi gì mà cũng phải nghe mắng.

Tuy vậy, ba năm ở công ty này đã rèn cho chị khả năng lắng nghe không phán xét (non-judgmental communication). Chị viết về chủ đề này trong đơn xin du học thạc sĩ, và nhận được học bổng toàn phần.” – Thanh Huyền, 29 tuổi.

ldquoĐể vượt qua nỗi sợ của bản thacircn đocirci khi chuacuteng ta khocircng cần những cuacute nhảy xa vagrave dagravei magrave chỉ cần những bước nhỏ đều đặn thocircirdquo ndash Tracircm
“Để vượt qua nỗi sợ của bản thân, đôi khi chúng ta không cần những cú nhảy xa và dài, mà chỉ cần những bước nhỏ, đều đặn thôi.” – Trâm.

1. Bạn sẽ hối hận – điều đó không có nghĩa đây là một quyết định tồi

“Về nhà sau vòng phỏng vấn cuối cùng của một công ty đa quốc gia, chị thở phào nhẹ nhõm. Chị được phỏng vấn bởi anh Khiêm, một trong hai người sếp tương lai. Người còn lại tên Trần Văn Hào, một cái tên không thể Việt hơn.

Ngày đầu tiên đi làm, chị mới biết anh Khiêm chỉ nói được chứ không biết đọc và viết tiếng Việt. Anh Hào thì nhờ chị đăng ký một lớp học đánh vần.

Hai anh đều là Việt kiều. Tất cả tin nhắn, hợp đồng, email, cuộc họp, báo cáo đều bằng tiếng Anh. Chị vốn không giỏi ngoại ngữ. Bốn năm rồi chị chưa động đến một chữ tiếng Anh nào.

Cuối ngày, chị về nhà khóc một trận. Khóc vì sợ khả năng ngôn ngữ mình không đủ, sẽ gây sơ suất trong công việc, vì cảm thấy mình thua kém mọi người. Hơn cả, chị hối hận vì đã nhận một cơ hội quá sức mình.

Bằng một sức mạnh nào đó, sáng hôm sau chị vẫn đi làm. Mỗi ngày chị học thêm một từ mới liên quan đến công việc. Chị bắt đầu biết những thuật ngữ chuyên môn cả sếp cũng không biết. Chị nhận ra, để vượt qua nỗi sợ của bản thân, đôi khi chúng ta không cần những cú nhảy xa và dài, mà chỉ cần những bước nhỏ, đều đặn thôi.” – Hoàng Trâm, 26 tuổi.

*Danh tính nhân vật đã được thay đổi để tôn trọng sự riêng tư của họ.