“Hành trình chuyển hóa bản năng thô thành sức mạnh trong cuộc sống” | Vietcetera
Billboard banner

“Hành trình chuyển hóa bản năng thô thành sức mạnh trong cuộc sống”

"Phụ nữ thường ‘cảm’ rất nhiều, nên đây là điểm mạnh mà cũng là điểm yếu. Nên làm việc là quá trình mình hiểu được tính nữ của mình và vận dụng nó vào đúng chỗ."

“Hành trình chuyển hóa bản năng thô thành sức mạnh trong cuộc sống”

Nguồn: Maike Elan cho Vietcetera.

AIA Logo

A Working Woman là nơi những người phụ nữ Việt thành công chia sẻ về chặng đường sự nghiệp và quan điểm của mình trong lĩnh vực của bản thân.

Tôi gặp chị Hà Vũ, Phó Tổng Giám đốc Phát triển kinh doanh Kênh đối tác của AIA Việt Nam, người phụ nữ nhìn trẻ hơn rất nhiều so với tuổi, có thân hình gọn ghẽ như không một gram mỡ thừa. Chị di chuyển nhanh nhẹn trong văn phòng đầy ánh sáng của mình, nụ cười luôn rạng rỡ trên môi, cách nói chuyện thoải mái, phấn khích. Chị chia sẻ mình rất có duyên với ngành bảo hiểm, từ lúc còn đi học ở Mỹ, cho đến khi về đến Việt Nam, đều gắn bó rất lâu và đầu tư rất bài bản vào việc phát triển sức mạnh của bản thân mình.

Khi làm việc, chị nghĩ chị là phụ nữ, hay chị là… chị?

Chị nghĩ chị là chị!

Trong công việc, mình phải học cách biến bản năng của mình thành sức mạnh. Phụ nữ thường ‘cảm’ rất nhiều, nên đây là điểm mạnh mà cũng là điểm yếu. Nên làm việc là quá trình mình hiểu được tính nữ của mình và vận dụng nó vào đúng chỗ.

Một bản năng khác của chị là năng lượng tích cực. Nhưng hồi mới đi làm, chị chưa điều khiển được lúc nào thì sự tích cực này nên bùng lên, lúc nào nên phải “dìm” nó xuống. Lúc nào thì dùng đến nó để khuyến khích động viên nhân viên, những lúc phải thảo luận chiến lược thì cần trầm lắng và lắng nghe những đánh giá phân tích của dàn Kitchen Cabinet và Leadership Team từ nhiều góc cạnh, nhằm xây dựng ra một mô hình kinh doanh có tính thực tiễn.

Về bản chất, công việc chính là nơi giúp chị mài giũa các bản năng thô của mình thành sức mạnh.

Vào khoảng nào của tuổi trẻ thì chị nghĩ về quá trình mài giũa này?

Thời hơn ba mươi mấy tuổi, năng lượng thô của chị mạnh lắm, mình toàn là làm việc theo quán tính. Khi bước chân vào AIA Việt Nam, thời gian đầu nhân viên chỉ có 25 người, đóng góp 2,3% vào ngành bảo hiểm Việt Nam. Sự tự phát vẫn giải quyết được công việc của chị ở thời điểm đó.

Nhưng chỉ ba năm sau, khi nhân viên tăng lên 250 và thêm 1.000 sales, đóng góp 30% cho ngành bảo hiểm Việt Nam, thì sự tự phát không còn giúp được công việc của chị nữa. Nó ép chị phải nghĩ, phải thay đổi, phải chuyển mình, để phù hợp với chính tầm vóc của nơi mình làm việc.

Tức là công việc chính là môi trường quyết định sự thay đổi của bản thân?

Là điểm bóp cò, là kết nối sâu sắc nhất với bản thân và giúp mình hoàn thiện.

AIA Ha Vu
Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera

Thế thì chị có tách riêng cuộc sống cá nhân và công việc? Người ta hay gọi là work-life balance…

Trước đây, khi để bản năng của mình tự phát thì chị không thể tách rời đặc biệt là một bộ não liên tục hoạt động và không thể kiểm soát. Mọi thứ trộn hết vào nhau. Mấy năm trước, những lúc trò chuyện với con trai Liono, Liono ngồi trước mặt hay búng tay mấy cái thật to rồi hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có đang ở đây với con không thế?” Bởi vì mình ngồi đó nhưng tâm trí chu du với công việc ở đâu đâu. Thời điểm đó, chị như được thức tỉnh, nghĩ rằng mình không thể để tâm trí mất kiểm soát như thế này mãi được.

Bây giờ, khi chị chuyển hoá và kiểm soát năng lực trong công việc, thì bắt đầu có khả năng tách rời mọi thứ ra: công việc, gia đình và bản thân. Làm việc ở chỗ làm thôi còn lúc ở với chồng con thì tận hưởng điều đó. Cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều.

Đi du học ở Boston rồi làm việc ở nước ngoài, rồi mới quay trở lại Việt Nam, chị có bao giờ phải cố gắng hoà nhập?

Không. Tính tò mò và sự ham học là hai bản năng mạnh nên khi đối diện với sự khác biệt và thử thách đều là cơ hội để học. Đến giờ chị vẫn đang học liên tục, vẫn tò mò liên tục. Và chị cũng luôn khuyến khích mọi người xung quanh mình học. Đầu tư thật nhiều vào năng lực của bản thân, thì sự hoà nhập sẽ diễn ra một cách tự nhiên.

AIA 5
Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera.

Trong AIA Việt Nam có 80% nhân viên là nhóm millenials, điểm yếu của họ mà chị nhìn thấy?

Trong một cuốn sách mà chị rất tâm đắc có công thức như sau: GRIT = Passion + Determination.

Những người trẻ xung quanh chị, dường như mới đi được 1 nửa chặng đường. Họ nói nhiều về đam mê, giá trị, mục tiêu nhưng cũng dễ nản, dễ đóng vai nạn nhân mỗi khi gặp chuyện. Các bạn có rất nhiều năng lượng thô và luôn muốn chứng tỏ mình. Nhưng còn thiếu sự kiên nhẫn, quyết tâm.

Nếu như thế hệ 7X của bọn chị, luôn được ai đó sắp xếp hộ cuộc đời cho mình, thì đến thế hệ 8X, hình như các em quyết định… nổi loạn, muốn YOLO, đam mê mọi nơi mọi lúc. Tất cả nghe thì phấn khích đấy, nhưng mà ở giai đoạn rất mới, rất thô. Nếu các bạn biết đi chậm lại, nhìn sâu hơn vào bản thân, xây dựng nhiều hơn quyết tâm cho bản thân, thì các bạn sẽ được hơn rất nhiều lần.

Các bạn cũng hay đến và hỏi: Chị ơi, sao chị giữ được thân hình như thế này?
Chị thì trả lời: Đơn giản lắm em, em tập thể dục 20 năm như chị thì sẽ được.
Em có tự hỏi bản thân mình xem có sự kiên trì này chưa. Có kế hoạch cho bản thân chưa, có kế hoạch tài chính chưa. Cuộc sống vui đấy, nhưng mà ngắn lắm!

Điều gì sẽ giúp người ta có được sự quyết tâm đấy? Điều kiện ngoại cảnh hay là những người sẽ hướng dẫn mình?

25 tuổi chị đã luôn đặt câu hỏi là đến 50 tuổi thì liệu con người ta sẽ tiếc nuối điều gì trong cuộc đời. Và chị quyết định 50 tuổi mình sẽ nghỉ hưu.

Những người đồng hành, hướng dẫn, môi trường bên ngoài… ai rồi cũng sẽ trải qua. Nhưng mọi thứ đều phải xuất phát từ bên trong con người của mình. Giá trị bản thân, thái độ tích cực, sự tò mò, quyết tâm vượt lên chính mình trong cuộc sống phải luôn dẫn đường cho sự nghiệp của bạn.

AIA Ha Vu 3
Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera.

Thế còn văn hoá doanh nghiệp đóng vai trò ra sao trong sự nghiệp của cá nhân?

Trong AIA có 1 triết lý kinh doanh đúc kết sau 100 năm hoạt động kinh doanh mà chị rất mê: “Doing the Right Thing in the Right Way with the Right People… the Right results will come”. (Làm đúng việc, theo đúng cách, với đúng người, kết quả thực sự sẽ tới!).

Khi chị mới vào, doanh số bán hàng luôn có một biểu đồ mà chị gọi là ‘hockey stick’, tức là nó lè tè như vậy xong tuần cuối cùng nó tự dưng vụt lên. Tức là 3 tuần đầu các bạn không chịu làm, sau đó tuần cuối mới bắt đầu ép sale cho đủ doanh số. Chị luôn thấp thỏm ngồi đợi đến cuối tháng mà không biết mình có về đích hay không. Chị nghĩ, kiểu này sao mình kiểm soát được kết quả đây.

Nên chị tạo ra một cuộc đua gọi là ‘Rising star’, bắt đầu từ ngày 1 của tháng, sale chart phải đều như bắp rang, đến đúng ngày 25 là kết thúc. Sau một năm trời rèn đội sale và làm việc với đối tác thì đâu mới vào đấy. Đây là ví dụ về “the right thing”.

“The right way” là trong ngành Bảo hiểm, không nên sale chỉ dùng quan hệ cá nhân và tinh thần “ủng hộ”. Cách làm đúng là khi sale phải tự tin mình là người tư vấn có kiến thức, có kỹ năng và đưa giải pháp đúng với khách hàng, và vì thế, xứng đáng và tự hào với hoa hồng mà công ty thưởng. Chính vì vậy nên bọn chị quan tâm nhiều về đầu tư ban đào tạo (partnership academy), rèn luyện và khuyến khích mọi người học, hành để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính họ.

Nền tảng digital thay đổi rất nhiều các doanh nghiệp. Nó ảnh hưởng đến quá trình đổi mới của chính chị và công ty ra sao?

Dân số Việt Nam hơn 97 triệu dân, hiện nay chỉ có 9 triệu khách hàng tham gia bảo hiểm. AIA Việt Nam mất 20 năm để bảo vệ 1,3 triệu người. Với những công cụ mới của nền tảng digital, chị dự định sẽ bảo vệ được một triệu người nữa trong 12 tháng tới!

AIA Việt Nam, nằm trong bức tranh tổng thể 18 nước thuộc Tập đoàn AIA, cũng đang đổi mạnh mẽ từ cấp lãnh đạo đến cách tổ chức và đến thị trường trong nước, nhằm chuyển đổi số. Bọn chị đang học mỗi ngày và trong đó, với tư cách là sếp, chị học hăng nhất. Mục tiêu của chị là sẽ chiếm lĩnh những nền tảng số này.

Đối tác trước đây của Bảo hiểm thường chỉ là các ngân hàng, còn những tiềm năng nào nữa khi xảy ra sự chuyển đổi số?

Nhiều lắm và bọn chị vẫn đang xây dựng tìm kiếm các kênh này. Trải dài từ ví điện tử như Momo, sàn thương mại như Shopee, Lazada… Chị gọi nó là “new school of insurance”.

Và chị muốn trở thành tiên phong trong “trường học mới” này.

Trong hành trình về hưu ở tuổi 50, liệu chị sẽ còn gặp thử thách nào không?

(cười rất to) Chị thực ra là rất mê các thử thách và luôn coi chúng là cơ hội. Hy vọng là đến ngày về hưu chị cũng đóng góp được phần nào vào việc đưa bảo hiểm về đúng bản chất của bảo hiểm, đấy là việc bớt đi gánh nặng tài chính cho hàng triệu gia đình trong cuộc sống.

Liono con chị đang 10 tuổi, chị đã lên sẵn các kế hoạch cho con về giáo dục tài chính và sức khỏe. Ngày chị về hưu là ngày con vừa đủ khả năng để quyết định cho cuộc đời của mình. Ông xã của chị anh ấy đã ở đỉnh cao của sự nghiệp, đang chỉ đợi vợ về hưu để cùng nghỉ ngơi nữa thôi!

AIA Ha Vu 7
Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera.

Vào thời điểm tuổi 50 tới, điều gì chị sẽ làm đầu tiên vào buổi sáng ngày chính thức nghỉ hưu?

Có hai viễn cảnh của một người “gác kiếm” mà chị đều chứng kiến. Một là vì bản thân đã trở thành một sản phẩm của công việc và khi không có công việc thì mình cảm giác vô dụng, trống vắng. Hai là vì đã tách biệt được công việc và cuộc sống, nên vào giai đoạn nghỉ hưu thì cứ thư giãn và tận hưởng thôi.

Chị cũng đang tò mò xem buổi sáng hôm nghỉ hưu ấy, mình sẽ rơi vào cảnh ngộ nào đây (cười lớn).

A Working Woman là nơi những người phụ nữ Việt thành công chia sẻ về chặng đường sự nghiệp và quan điểm của mình trong lĩnh vực của bản thân.

AIA Việt Nam là Đối tác Quốc gia của AIESEC tại Việt Nam - tổ chức quốc tế do thanh niên lãnh đạo lớn nhất thế giới. Thông qua mối quan hệ hợp tác này, AIA Việt Nam và AIESEC tại Việt Nam nhằm truyền cảm hứng và hỗ trợ thanh niên Việt Nam phát triển tiềm năng trở thành những nhà lãnh đạo tương lai.

LinkedIn AIA Việt Nam: link.
LinkedIn AIESEC tại Việt Nam: link.