3 Hướng mà trí tuệ nhân tạo có thể thay đổi cách bạn quản lý tài chính trong tương lai | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
21 Thg 09, 2020
Tài Chính Cá Nhân

3 Hướng mà trí tuệ nhân tạo có thể thay đổi cách bạn quản lý tài chính trong tương lai

Chúng ta sẽ có thể đầu tư chứng khoán qua các app đặt xe? Cùng tìm hiểu AI sẽ thay đổi cách ta quản lý tài chính như thế nào qua bài viết này.

3 Hướng mà trí tuệ nhân tạo có thể thay đổi cách bạn quản lý tài chính trong tương lai

Nguồn: Itok.com.

Bài viết này thể hiện góc nhìn và phán đoán cá nhân của người viết trong bối cảnh một tương lai lý tưởng.

AI (trí tuệ nhân tạo) đang thâm nhập và biến đổi sâu sắc tất cả mọi lĩnh vực đời sống như di chuyển, ăn uống, hẹn hò, tìm việc làm, mua sắm, giải trí... và tất nhiên, cả tài chính cá nhân. 

Trên thế giới ở thời điểm hiện tại, AI chủ yếu được các ngân hàng và tổ chức tài chính thử nghiệm để:

  • Tự động hóa các quy trình lặp đi lặp lại gây tốn kém nhân lực. Ví dụ như dùng AI trong nhận dạng khuôn mặt để định danh tài khoản, hay dùng AI để đánh giá khoản vay/hạn mức thẻ tín dụng dựa trên thu nhập, đánh giá gói bảo hiểm dựa trên độ tuổi và lương.
  • Thu hút khách hàng mới dựa trên phân tích dữ liệu lớn của thị trường, như mức độ chi tiêu và tiết kiệm theo độ tuổi, những trào lưu tài chính được quan tâm hàng đầu trên mạng xã hội,... 

Tuy rằng việc áp dụng AI vào quản lý tài chính cá nhân mới ở những bước đầu tiên, nhưng với tốc độ phát triển và phổ biến của công nghệ hiện tại, viễn cảnh mỗi người có một AI quản lý tài chính theo phong cách cá nhân hóa sẽ không còn xa. 

AI sẽ mách nước cho bạn những gì?

1. Giúp bạn biết nên chi tiêu lúc nào, trong hạn mức bao nhiêu 

Hiện nay, dịch vụ tài chính đã có nhiều bước tiến lớn khi kết hợp với công nghệ (fintech) để cho ra đời các phương thức quản lý mới. Trong đó, phổ biến và gần gũi nhất với chúng ta có thể kể đến các ứng dụng (app) quản lý tài chính.

Mint, Pocket Guard, Wally… là những ứng dụng như vậy và đang thực hiện việc thống kê, cũng như phân tích hành vi tiêu dùng dựa vào các khoản chi tiêu mà chủ nhân khai báo.

Ứng dụng quản lý tài chính Pocket Guard Nguồn Pocketguardcom
Ứng dụng quản lý tài chính Pocket Guard. Nguồn: Pocketguard.com

Tuy nhiên, việc sử dụng tài chính hợp lý hơn thì vẫn phải do người dùng tự tìm ra. Ngoài ra, “điểm trừ” của các ứng dụng quản lý chi tiêu cá nhân hiện hữu là bạn phải cập nhật giao dịch, phân bổ ngân sách… một cách thủ công.

Nếu bạn quên hay mất kiên nhẫn trong công đoạn này, các mục tiêu sẽ bị gián đoạn. AI cũng thiếu đi dữ liệu để phân tích hành vi tài chính của bạn. 

Tuy nhiên theo dự báo của tác giả Brett King trong cuốn sách nổi tiếng ‘Banking 4.0: Banking Everywhere, Never At A Bank, AI sau này có thể phát triển và trở thành trợ lý cá nhân về tài chính cho bạn. 

Cụ thể, ngoài việc tự động cập nhật các khoản thu chi hàng ngày, ra báo cáo tài chính cá nhân theo tuần/tháng/quý/năm, thì AI còn có thể tư vấn xem bạn nên mua chiếc điện thoại mới trong mức giá nào, tuần này còn đủ tiền để ăn nhà hàng không, hoặc cần tiết kiệm theo khuôn khổ nào để có thể mua căn hộ đầu tiên trước năm 30 tuổi. 

AI sẽ thực hiện điều này bằng cách phân tích các dữ liệu từ tài khoản ngân hàng, các giao dịch hàng ngày thông qua thẻ tín dụng và ví điện tử để thấu hiểu hành vi chi tiêu của bạn. Sau đó, AI sẽ tự tính toán dựa trên mức thu nhập, mức nợ và mục tiêu tiết kiệm của bạn để phán đoán xem khoản mua nào là cần thiết, khoản nào là xa hoa, và cuối cùng là đưa ra những lời khuyên có giá trị cho bạn. 

2. Quản lý rủi ro cho các khoản đầu tư nhỏ 

Ai cũng muốn đầu tư, nhưng không phải ai cũng có đủ năng lực và thời gian để học bài bản các kiến thức về tài chính, cũng như tìm được lời tư vấn đầu tư có giá trị và đáng tin. 

Cũng theo cuốn sách ‘Banking 4.0: Banking Everywhere, Never At A Bank’, thì sự xuất hiện của các công cụ đầu tư tự động cùng với sự phát triển của các robo-advisor hay Robo-Mọi Thứ sẽ lấp đầy được khoảng trống về kỹ năng và hành vi đầu tư cho đại đa số chúng ta. 3 Hướng mà trí tuệ nhân tạo có thể thay đổi cách bạn quản lý tài chính trong tương lai1

Nguồn: Shutterstock.

Trong trường hợp lý tưởng, thì robo-advisor sẽ dựa vào thu nhập, hành vi, tính cách, khả năng chịu đựng rủi ro và kỳ vọng về lợi nhuận của bạn để đặt các lệnh đầu tư tương thích. Một điều tuyệt vời nữa là AI có thể cải thiện không giới hạn, AI có thể vừa làm vừa học để nắm được thói quen và khẩu vị đầu tư của riêng bạn, đồng thời dạy cho bạn cách đầu tư tối ưu. 

Hiện nay trên thế giới đã xuất hiện nhiều ứng dụng tư vấn đầu tư như Betterment, Ellevest, Warefront… Còn ở Việt Nam vẫn chưa có các robo-advisor thực thụ dành cho nhà đầu tư cá nhân, nhưng đã có vài ứng dụng tập trung vào những khoản đầu tư tự động giá trị nhỏ như Finhay.  

3. Chuyển sang giao dịch tài chính với các “siêu ứng dụng” thay vì ngân hàng

Các “siêu ứng dụng” (super app) này sẽ có tiền thân là mạng xã hội (Facebook, Instagram, Tiktok...), nền tảng đặt xe công nghệ (Grab, Gojek, Uber...), sàn thương mại điện tử (Lazada, Shopee, Tiki…), hay ví điện tử. Chúng sẽ dần thay thế ngân hàng truyền thống trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính cá nhân. Làm sao có thể như vậy? 

Dựa vào tập dữ liệu lớn về việc chi tiêu của khách hàng thông qua những ứng dụng này, các công ty đứng sau có khả năng nhận dạng, đánh giá, thấu hiểu khách hàng sâu sát hơn. Ngoài ra, họ còn có lợi thế sẵn về năng lực công nghệ, nên có thể tập trung nhanh chóng xây dựng một cỗ máy AI tân tiến. 

Trong khi đó, các ngân hàng sẽ phải học lại từ đầu để áp dụng AI vào hoạt động của mình. Và nếu khách hàng không dùng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng để chi tiêu, mà chuyển tiền vào một ví điện tử nào đó thì ngân hàng sẽ hoàn toàn mất dấu các khoản này.


Sắp tới chúng ta có thể đầu tư ngay trên ứng dụng đặt xe của mình.

Tương lai chẳng ở đâu xa. Trong tháng 9 này, Grab đã lên kế hoạch giới thiệu đến người dân Singapore sản phẩm đầu tư vi mô AutoInvest ngay trên nền tảng của mình. Dịch vụ mới này sẽ “tự động cất tiền" vào tài khoản đầu tư (AutoInvest) của từng cá nhân với mỗi giao dịch không tiền mặt hợp lệ - ví dụ như các chuyến đặt xe, các đơn hàng GrabFood, GrabMart… 

Với Grab AutoInvest, một người có thể bắt đầu chỉ với 1 SGD (khoảng 17.000 đồng) và không cần mất quá nhiều tâm trí và công sức để nghiên cứu các tính năng sản phẩm, so sánh chi phí hay sự an toàn. Đây được coi là tiền đề để Grab bước chân vào mảng dịch vụ ngân hàng tại Singapore và các quốc gia Đông Nam Á khác trong tương lai. 

AI đáng tin hơn chính bản thân chúng ta trong việc quản lý tài chính, nhưng còn tính bảo mật thông tin thì sao?

Con người chịu sự chi phối của cảm xúc và thành kiến. Trong khi đó, các quyết định tài chính tốt nhất là những quyết định khách quan dựa trên cơ sở của tính toán và các con số. 

AI hoạt động không phụ thuộc vào cảm xúc như con người, nên AI có thể “lạnh lùng” đưa ra các chương trình tiết kiệm/chi tiêu theo khả năng thực tế thay vì ham thích nhất thời. Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư cũng trở nên lý trí hơn với việc chọn mua cổ phiếu dựa trên lịch sử giá, các tin tức kinh doanh và thị trường liên quan. 

Tất nhiên, đồng xu nào cũng có hai mặt. Mặt ngược của việc AI phát triển và ngày một thông minh, chính là nó sẽ thổi bùng lên những lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin, cũng như cách mà các công ty đứng đằng sau những cỗ AI này sẽ sử dụng tập thông tin khổng lồ của mình.

Đây là vấn đề mà các chính phủ và nhà lập pháp trên toàn thế giới đang phải nghiên cứu để có các khung pháp lý thấu tình đạt lý nhất, vừa tạo nền tảng cho sự phát triển của trí tuệ nhân loại, vừa bảo vệ được sự an toàn, tính riêng tư và công bằng trong xã hội. 

3 Hướng mà trí tuệ nhân tạo có thể thay đổi cách bạn quản lý tài chính trong tương lai2

Nguồn: Shutterstock.

Tuy nhiên, nhìn ở mặt cá nhân, thì cái ngày bạn cần dựa vào một (hoặc nhiều) cỗ máy AI để có lời khuyên hợp lý nhất về mặt tài chính sẽ không còn xa. Trong lúc chờ công nghệ phát triển lên trình độ ấy, điều bạn cần làm là: Tập sống cashless (không tiền mặt) và sử dụng các cách thanh toán điện tử. Điều này sẽ giúp AI có đầy đủ dữ liệu cho việc phân tích và thấu hiểu chuẩn xác nhất hành vi tài chính của bạn. Đồng thời, đây chính là bước đầu tiên để bạn làm quen và tin tưởng hơn khi tương tác với công nghệ thông minh trong việc quản lý tài chính.